Người Việt dùng mạng xã hội Việt: Những câu hỏi bỏ ngỏ
Thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần đề xuất việc Việt Nam nên tạo ra mạng xã hội cho riêng mình. Đặc biệt, ông nhấn mạnh những hạn chế của Facebook – mạng xã hội lớn nhất thế giới – như là bàn đạp cho một mạng xã hội mang tính Việt Nam và mang triết lý khác xa triết lý hoạt động thương mại của Facebook.
.
Gapo mới khai trương với nhiều tham vọng nhưng đã gặp trục trặc kỹ thuật ngay sau ngày ra mắt.
Mạng xã hội Việt Nam, tại sao không?
Ý tưởng tạo lập mạng xã hội riêng cho Việt Nam không phải mới. Zingme, Yume.vn, Tamtay.vn, Zalo.vn, Go.vn hay gần đây hơn là Biztime và Gapo đều là những sản phẩm mạng xã hội được thành lập tại Việt Nam với chủ trương hướng về người dùng Việt Nam. Việc các mạng xã hội này không đạt được thành công ngang tầm với mạng xã hội toàn cầu như Facebook cũng không phải là điều mang tính độc nhất: việc Facebook đánh bại hàng chục ngàn các mạng xã hội được viết ra mỗi năm để giữ vững vị trí độc tôn trên thế giới là không hề ngẫu nhiên. Ngoài lợi thế đi đầu, Facebook là mạng xã hội luôn tiến hóa để không chỉ thích nghi, mà còn dẫn đầu xu hướng công nghệ mạng xã hội; những xu hướng Facebook tạo ra thường trở thành quy tắc hoạt động của mạng xã hội nói chung. Người dùng Facebook thường tìm cách thích nghi với những tính năng mới của Facebook để có thể tiếp tục sử dụng mạng xã hội này; sức mạnh của Facebook nằm ở chỗ họ là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực mạnh xã hội, và có sức mạnh tạo ra quy chuẩn cho lĩnh vực.
Tuy nhiên, nhiều vụ bê bối gần đây liên quan đến bảo mật thông tin và quyền riêng tư của người dùng đã khiến Facebook ngày càng bị chỉ trích nặng nề. Cách đây 5 năm, những chỉ trích này chỉ được đề cập đến trong giới học thuật; sau hàng loạt những bê bối liên quan đến việc Nga can thiệp và bầu cử toàn quốc tại Mỹ trong năm 2016, việc chỉ trích Facebook đã không còn là điều chỉ nằm trong vòng tròn thảo luận của các nhà nghiên cứu và phê bình xã hội. Các phát biểu gần đây của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, do đó, rất mang tính thời cuộc: ông chỉ ra rằng việc Facebook thu lợi nhuận từ dữ liệu người dùng song song với việc không để người dùng có tiếng nói hoặc quyền lợi nào trong việc hình thành các quy ước và điều khoản quản lý Facebook là rất bất cập. Quan sát này rất thức thời với cách thế giới đang nhìn nhận các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook hay Google.
Từ nhìn nhận này, việc đề xuất một mạng xã hội mới mang tính cấp tiến và bình đẳng hơn Facebook là vô cùng chính đáng. Trên thực tế, Facebook đã mất không ít người dùng sau những bê bối mà họ đương đầu. Chỉ riêng ở Mỹ, Edison Research ước tính Facebook đã mất đi 15 triệu người dùng trong 2 năm gần đây. Sự suy giảm niềm tin đối với Facebook gắn liền với việc người dùng internet nói chung mong muốn một mạng xã hội mới được xây dựng từ những sai lầm và bất cập mà Facebook đã và đang tạo nên. Liệu điều này có khả thi hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quản lý dựa trên luật pháp thường được đề cập ngày càng nhiều.
Trong việc hình dung ra một mạng xã hội khác hoặc thay thế Facebook, Trung Quốc là quốc gia hay được nhắc đến nhiều nhất bởi sự thành công của các mạng xã hội nội địa với số lượng người dùng khổng lồ như Weibo, QQ, WeChat, và gần đây nhất là TikTok. Tuy nhiên, khó mà nói rằng sự thành công của mạng xã hội tại Trung Quốc có thể được xem như một mô hình có thể nhân rộng bên ngoài bối cảnh chính trị xã hội của Trung Quốc. Sự thành công của mạng xã hội Trung Quốc bắt nguồn từ việc quốc gia này thi hành chính sách cấm vận các mạng xã hội và dịch vụ mạng mang tính toàn cầu như Facebook, Instagram, và Youtube. Tuy người dùng Trung Quốc có thể sử dụng VPN (Virtual Private Network – mạng riêng ảo) để truy cập Facebook, việc này đòi hỏi kiến thức và kỹ năng công nghệ mà không phải người dân Trung Quốc nào cũng có thể làm được dễ dàng. Ngoài việc thành công đến từ những cấm đoán, mạng xã hội tại Trung Quốc còn chịu nhiều chỉ trích với thiết kế khép kín. WeChat và TikTok được thiết kế với hai phiên bản độc lập: phiên bản dành cho Trung Quốc và phiên bản quốc tế. Phiên bản Trung Quốc được thiết kế dành riêng cho người dân Trung Quốc và các cư dân sinh sống tại Trung Quốc, bởi lẽ phiên bản này chỉ có thể được truy cập khi người dùng đăng ký với số điện thoại Trung Quốc. Weibo chỉ hỗ trợ tiếng Hoa trên mạng xã hội của mình. Sự thành công của các mạng xã hội Trung Quốc tại Trung Quốc mang lại những bất cập mới: nếu mục đích của việc tham gia mạng xã hội và internet là đến gần hơn với thế giới, là để mở mang kiến thức và tiếp cận thông tin, thì việc xây dựng mạng xạ hội mang tính quốc gia một cách cực đoan dựa trên mô hình phân hóa “chúng tôi – bọn họ” như cách Trung Quốc đang làm không phải là giải pháp phù hợp.
Mạng xã hội Việt Nam, tại sao?
Vậy, Việt Nam đang những có ưu thế gì để có thể xây dựng một mạng xã hội vừa mang tính Việt Nam lại vừa có thể vượt qua những bất cập của Facebook hay Weibo? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong một phát biểu gần đây trước các doanh nghiệp công nghệ thông tin, rằng việc xây dựng “một Facebook của Việt Nam” không phải là hướng đi đúng đắn, bởi lẽ chúng ta không thể nào cạnh tranh với vị trí độc tôn của Facebook bằng cách bắt chước họ. Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc trao quyền hình thành cơ cấu mạng xã hội vào tay người dùng – lấy người dùng làm trọng tâm thiết kế, lắng nghe mong muốn và yêu cầu của họ để hình thành nên một mạng xã hội đủ tầm thay thế Facebook, ít nhất là tại Việt Nam. Đây là một quan điểm cấp tiến mà các doanh nghiệp trong nước thật sự cần chú ý khi thiết kế các mạng xã hội mới: làm cách nào để người dùng mạng xã hội không chỉ tìm thấy được những chức năng xã hội thú vị và mang lại nhiều lợi ích cho họ, mà còn có thể đóng góp tiếng nói và ý kiến của họ trong việc hình thành các quy ước người dùng, điều khoản quản lý, và quan trọng hơn hết, là cách mạng xã hội thu thập và bảo vệ dữ liệu của người dùng.
Mạng xã hội Lotus thuộc VCCorp của Việt Nam cũng mới được quảng bá, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động từ 16/9. Đại diện Lotus cho biết mạng này này đặt mục tiêu cung cấp thông tin phổ quát từ các lĩnh vực chuyên sâu như y tế, giáo dục, sức khỏe, khoa học… đến các lĩnh vực đại chúng như phim ảnh, âm nhạc nên đã hợp tác với hơn 500 nhà sáng tạo nội dung, trong đó có trên 30 nguồn chính luận như VTV, Tuổi trẻ, Lao động, Thanh niên, Dân trí…
Nếu thực sự các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có thể làm được điều này, đây sẽ là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam, mà còn là tin vui cho người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Người dùng internet tại Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang ngày càng trở nên thông minh và hiểu biết hơn: thế hệ trẻ lớn lên cùng với internet và mạng xã hội, hơn ai hết, hiểu được sức mạnh của mạng xã hội trong việc kết nối với gia đình, bạn bè, và cộng đồng thế giới. Hơn ai hết, người dùng mạng xã hội hiểu được giá trị mà công nghệ thông tin mang lại cho cuộc sống của họ và cộng đồng xung quanh họ. Và, hơn ai hết, họ chính là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại của một mạng xã hội. Suy cho cùng, tính xã hội của mạng xã hội bắt nguồn từ không đâu khác hơn là chính người dùng. Một mạng xã hội với thiết kế phản ánh được giá trị và mong muốn của người dùng ngay từ những bước chân đầu tiên sẽ có cơ hội thành công cao hơn những thiết kế mang tính chuyên quyền. Sự cởi mở này trong thiết kế mạng xã hội, nếu được vận dụng một cách hiệu quả, sẽ góp phần kích thích sự sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam và mang lại sự năng động trong phân khúc mạng xã hội trong nước.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là việc, nếu muốn thực sự thành công, bất kỳ mạng xã hội nào được thiết kế tại Việt Nam, dành cho người Việt Nam, đều phải hướng tới việc nhân rộng đối tượng phục vụ của mình. Mark Zuckerberg, với khởi điểm mạng xã hội The Facebook (sau đổi tên thành Facebook) dành cho sinh viên và giảng viên tại Đại học Harvard, đã nhân rộng đến các trường đại học hàng đầu nước Mỹ, giới sinh viên học sinh Mỹ, và rồi cuối cùng là toàn thế giới. Sẽ rất vô ích nếu mạng xã hội Việt Nam chỉ được thiết kế ra với mục tiêu phục vụ người Việt Nam; trong thời đại toàn cầu hóa, lối tư duy địa phương không chỉ ngăn cản sự sáng tạo và đổi mới, mà còn vô hình trung tạo ra những giới hạn khiến trí tuệ Việt không thể vươn cao hơn và xa hơn.
Mạng xã hội Việt Nam, như thế nào?
Câu hỏi cuối cùng được đặt ra là câu hỏi xung quanh đặc tính mạng xã hội với giá trị Việt Nam. Một mạng xã hội được thiết kế nhằm phản ánh giá trị và tư duy người dùng Việt Nam sẽ có đặc tính như thế nào? Ai sẽ là người trả lời những câu hỏi này? Làm thế nào để có thể thực sự trao quyền cho người dùng mạng xã hội để họ có thể tham gia định hình một mạng xã hội mang tính mở, minh bạch, công bằng, và phản ánh giá trị xã hội Việt Nam? Đây là những câu hỏi mở mà chỉ có thể được giải đáp bởi sự sáng tạo của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
Chúng ta không phải bắt đầu từ số không. Đã có rất nhiều bài học xoay quanh sự minh bạch và cẩn trọng trong quản lý dữ liệu mà thế giới đã và đang học được từ xã hội châu Âu, mà Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo khi thiết kế mạng xã hội của riêng mình. Đối với vấn đề tư duy chủ quyền dữ liệu, khái niệm mà ông Nguyễn Mạnh Hùng có nhắc đến trong phát biểu của mình, tôi cũng đã đưa ra thảo luận trong bài viết “Từ chủ quyền dữ liệu đến ban-căng hóa internet: Những vận động mới trong quản lý internet” trên Tia Sáng số 1 tháng 1 năm 20191. Chủ quyền dữ liệu là thuật ngữ dùng để chỉ các động thái làm luật với mục đích kiểm soát dữ liệu đi ngang qua, hoặc được tạo ra ngay tại lãnh thổ các quốc gia trên thế giới. Quản lý internet là vấn đề ngày càng mang tính địa chính trị đậm nét. Thời đại mà internet được xem như một ‘ngôi làng chung’ kết nối toàn thế giới dưới cùng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật trung lập vận chuyển dữ liệu toàn cầu dường như đã kết thúc. Ngày nay, sự can thiệp của chính quyền các quốc gia với những tư tưởng chính trị đối lập đến việc quản lý và kiểm soát môi trường thông tin số đang ngày càng trở nên có hệ thống và phần lớn mang nhiều tính cực đoan. Rất nhiều nước đều muốn giữ vị trí độc quyền trong quản lý nguồn tài nguyên cũng như cơ sở hạ tầng internet. Do đó, điều mà ta có thể bắt đầu làm rõ và phát triển ngay từ bây giờ, đó chính là lập trường quản lý internet dựa trên tinh thần hợp tác và thiện chí. Các quốc gia dù nhỏ hay lớn đều có quyền và nghĩa vụ tìm lấy tiếng nói riêng của mình và đóng góp mang tính xây dựng vào diễn đàn toàn cầu trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường thông tin điện toán chung của toàn nhân loại. Tôi cũng đã đề cập tới những biến đổi mới trong việc quản lý và bảo vệ dữ liệu người dùng ở châu Âu cũng đã được đề cập trong các bài viết “Cuộc cách mạng về quyền riêng tư” và “Chúng ta có quyền đòi hỏi gì từ Facebook, Google, Apple…?” trên Tia Sáng2 , theo đó Luật Bảo vệ Dữ liệu châu Âu (General Data Protection Regulation, viết tắt GDPR) vẫn là thành quả cải cách rất quan trọng trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là trên môi trường internet. Chúng ta sống trong một xã hội mà cơ hội sáng tạo và đổi mới ngày càng nhân rộng khắp nơi; các quốc gia đang phát triển đang ngày càng có nhiều cơ hội để chứng tỏ khả năng mình hơn. Nếu Việt Nam thực sự mong muốn đóng góp một sản phẩm công nghệ không chỉ mang tính trí tuệ mà còn mang tính nhân văn, bước đi đầu tiên hẳn nhiên phải là học hỏi những thành tựu và bài học kinh nghiệm của thế giới. □
Chú thích:
1 http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Tu-chu-quyen-du-lieu-den-bancang-hoa-internet-Nhung-van-dong-moi-trong-quan-ly-internet-14094
2 http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Cuoc-cach-mang-ve-quyen-rieng-tu-12542
http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Chung-ta-co-quyen-doi-hoi-gi-tu-Facebook-Google-Apple…-12579