Người Việt không nói “thu giá”, “thu giá dịch vụ đào tạo”
Cách gọi thu giá, thu giá dịch vụ đào tạo là thứ ngôn ngữ quan quyền, một thứ ngôn ngữ duy ý chí, bất chấp sự hợp lí, hợp tình, bất chấp quy tắc, bất chấp lẽ thường, bất chấp cảm thức bản ngữ, bất chấp cái đúng cái hằng tồn hiển nhiên trong con người Việt.
Từ chuyện “trạm thu giá” đến chuyện “thu giá dịch vụ đào tạo”
Câu chuyện “trạm thu giá” của Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa nguội thì cái nắng nóng của mùa hè năm nay lại được gia tăng khi ở trong nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong lúc trình bày về các nội dung sửa đổi của Luật Giáo dục đại học đã đưa ra đề xuất đổi tên gọi học phí thành “giá dịch vụ đào tạo”. Mặc dù khái niệm “giá dịch vụ” (không có định ngữ “đào tạo” đằng sau) là một tên gọi không xa lạ trong tiếng Việt, nhưng người ta lại cảm thấy nó vẫn có cái gì đó xa lạ, ngộ ngộ, dị thường (dĩ nhiên ít nhiều là do sự cộng hưởng tiêu cực từ câu chuyện “trạm thu giá”) đối với cách nói mới “giá dịch vụ đào tạo”.
Cũng như chuyện “trạm thu giá”, đây không phải là câu chuyện thuần tuý câu chữ, mà đằng sau nó lại là những vấn đề lớn, hết sức hệ trọng, đáng được bàn thảo cho ra nhẽ. Ai cũng biết rằng giáo dục, cùng với y tế, luôn là những vấn đề thuộc về phúc lợi xã hội, là những dịch vụ công vô cùng thiết yếu. Người dân đóng thuế cho nhà nước, từ một việc nhỏ cỏn con là mua cái tăm cho đến việc đại sự là mua một ngôi nhà, là để nhà nước thực hiện các nghĩa vụ về giáo dục, y tế đối với mình, là để nhà nước chi cho các chi phí vận hành trường học, bệnh viện… Người học đóng học phí là để bù đắp lại một phần chi phí giáo dục, đào tạo mà họ đã thụ hưởng (phần còn lại thì ngân sách nhà nước do tiền thuế của dân đóng mà thành phải chi trả); còn đóng “giá dịch vụ đào tạo” là phải trả hết toàn bộ chi phí đào tạo (cộng thêm lợi nhuận của việc đào tạo). Vì lẽ đó, không thể chuyển dồn những gánh nặng chi phí các dịch vụ công đó từ nhà nước sang tư nhân, sang người dân được. Nếu chuyển như vậy thì người dân ngày càng phải trả nhiều tiền hơn để thụ hưởng nền giáo dục đáng ra họ được thụ hưởng miễn phí. Và nếu chuyển như vậy thì nhà nước đã ngang nhiên từ chối thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với người dân. Xã hội càng phát triển thì số tuổi mà người ta được thụ hưởng giáo dục càng lớn, và nhà nước càng phải ý thức được trách nhiệm không thể thay thế của mình, chứ không thể từ chối trách nhiệm của mình để đẩy sang tư nhân, để rồi mà đề xuất “thu giá dịch vụ đào tạo” hòng đạt mục đích là đến năm 2021 thì “hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lí và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp” (Nghị quyết số 19-NQ/TW). Giáo dục và y tế mà như thế thì phát triển đất nước như thế nào được?!
Phí hay giá?
Trong tiếng Việt, từ phí được hiểu là “khoản tiền cố định mà người ta phải trả cho một công việc, một dịch vụ công cộng nào đó”, và việc nộp phí chỉ nhằm mục đích bù đắp lại một phần các chi phí đã bỏ ra. Điều này cũng giống như cách hiểu về thuật ngữ phí trong Luật Phí và Lệ phí (2015): “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công”. Trong khi đó từ giá được người Việt hiểu với một phạm vi rộng hơn. Giá bao gồm tất cả các chi phí để có thể sản xuất ra một sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ, và bao gồm luôn cả lãi, cả lợi nhuận trong đó. Giá = chi phí + lợi nhuận đem lại. Như vậy, rõ ràng là phí chỉ là một phần chi phí trong cái giá đó. Phí thì thường hiểu là được gắn với những cái gì thuộc về nhà nước, công cộng, còn giá thì không hẳn như vậy. Giá thì có thể mặc cả linh hoạt, còn phí thì không, đã được ấn định trong luật. Phí nhiều hay ít là do việc định giá cao hay thấp. Và trong tiếng Việt, người ta hiểu giá chính là sự biểu hiện bằng một lượng tiền cụ thể nào đó (Vì thế người ta mới hỏi giá bao nhiêu (tiền), chứ không ai hỏi phí bao nhiêu (tiền)). Cái vật quy chiếu (referent) của phí là một lượng tiền cụ thể, có thể nhìn thấy, sờ thấy và đếm được; còn cái vật quy chiếu của giá là cái con số biểu hiện một lượng tiền cụ thể, chỉ có thể nghe thấy và đếm được bằng con số một hai mà thôi. Như vậy, rõ ràng là một thực thể nào đó được nhà nước giao quyền cung cấp dịch vụ công thì thực thể đó có thể thu phí để bù đắp lại các chi phí mà mình đã bỏ ra để có thể cung ứng được dịch vụ công đó. Vậy thì nếu như Bộ GTVT, và Bộ GD&ĐT đã cung cấp các dịch vụ công cho người dân sử dụng thì họ có quyền thu phí là chuyện không phải bàn cãi. Nhưng thực tế vấn đề không đơn giản như vậy. Người dân chỉ có thể chấp nhận được cách nói thu phí, học phí, chứ tuyệt nhiên không thể chấp nhận cách nói “cải tiến” (mà thực chất là “cải lùi”) thu giá, giá dịch vụ đào tạo, thu giá dịch vụ đào tạo. Vì sao vậy?
Thu phí hay thu giá?
Câu trả lời có tính dân gian “cùn” nhất, nhưng lại cơ bản nhất, dễ hiểu nhất và đương nhiên nhất là: Người Việt không nói thế. Tiếng Việt không có cách nói như thế. Người Việt chỉ nói thế này chứ không nói thế kia. V.v. Còn nói theo kiểu ngôn ngữ học thì người bản ngữ bao giờ họ cũng có cái trực cảm hay cảm thức ngôn ngữ riêng của họ. Trực cảm hay cảm thức bản ngữ này là cái mà chỉ người bản ngữ mới có, và nó được hình thành từ rất sớm, không thể thể bị mất đi hay thui chột, ngay cả trong trường hợp người ta không sử dụng đến tiếng mẹ đẻ, và chỉ sử dụng một ngoại ngữ nào đó trong suốt một thời gian dài. Cảm thức bản ngữ là cái luôn hiện diện thường trực trong tiềm thức bản ngữ, nó sẽ được đánh thức, dựng dậy bất cứ lúc nào khi có điều kiện, khi có kích thích. Người học ngoại ngữ không thể và không bao giờ có được cái cảm thức ngôn ngữ như người bản ngữ, dù rằng người học ngoại ngữ có thể nói ngoại ngữ rất giỏi, có thể sử dụng ngoại ngữ theo phong cách ngôn ngữ hình thức như ngôn ngữ khoa học hay ngôn ngữ ngoại giao rất giỏi. Cái cảm thức bản ngữ này được bộc lộ rõ ràng và chính xác nhất trong các tình huống nói năng thường nhật, trong những lúc vui nhất hay buồn nhất, trong những lúc đau đớn nhất hay hạnh phúc nhất,…, chứ không phải trong các bối cảnh nói năng có tính hình thức trang trọng và quy phạm. Cái cảm thức này là cái có được một cách tự nhiên, chứ không phải do được dạy dỗ, rèn cặp. Chính vì lẽ đó, ai nói tiếng Việt cũng có thể nói được rằng người Việt không nói thu giá, giá dịch vụ đào tạo, đây là cách nói vô nghĩa, sai ngữ pháp, mà chỉ nói thu phí, học phí. Từ thu mà chúng ta đang bàn có nghĩa là “chủ động nhận về, lấy về một cái gì đó có giá trị vật chất, trực quan hay định lượng cụ thể mà người thu là người có quyền, thẩm quyền hay quyền lợi chính đáng được nhận về, lấy về một cái gì đó đó”. Người nộp một cái gì đó cho người thu là người có nghĩa vụ, quyền lợi hay trách nhiệm liên đới phải thực hiện hành động nộp đối với người thu. Khi người nộp không thực hiện việc mình phải làm thì người thu đương nhiên sẽ phải có một công cụ, một phương tiện hay một ràng buộc quyền lợi liên đới nào đó buộc người nộp phải thực hiện. Vì thế, nếu một nhân viên công quyền đến thu cước điện thoại, thu tiền điện, thu thuế mà chúng ta không nộp thì người đó sẽ có một hình thức phạt hay xử phạt tương ứng với chúng ta. Vì thế, trong ngôn ngữ đời thường và trong ngôn ngữ luật pháp lâu nay của tiếng Việt cũng chỉ có thu phí, thu cước, thu tiền, thu thuế chứ không hề có thu giá. Người ta đi thu là chỉ thu cái lượng tiền cụ thể vốn chỉ có thể được giải thích là (tiền) cước, thuế, phí, chứ không thể được giải thích là (tiền) giá; chứ không phải là đi thu cái con số thể hiện giá.
Các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ cũng không các gì các công thức, biểu thức toán học. Ảnh: Đoạn trích của cuốn “Phát triển năng lực tư duy – ngôn ngữ dành cho học sinh tiểu học của Tác giả Phạm Văn Lam do NXB Giáo dục ấn hành.
Bản chất của ngôn ngữ là thói quen. Các thói quen ngôn ngữ ấy luôn có tính lịch sử và có tính xã hội. Nói đến tính lịch sử là vì mọi hành vi, sự kiện ngôn ngữ hôm nay đều là sản phẩm của quá khứ hôm qua. Các sự kiện ngôn ngữ đang xuất hiện hay sắp xuất hiện, hay được sáng tạo mới cũng luôn phải tuân thủ các quy tắc có tính lịch đại như vậy. Nói đến tính xã hội là vì mọi sự kiện, hành vi ngôn ngữ đều là của số đông, thuộc về số đông. Ngôn ngữ không phải của riêng anh, cũng không phải của riêng tôi, mà là của chung của tất cả số đông chúng ta. Nếu không phải là cái của chung ấy, không phải là cái tuân thủ các quy ước xã hội chung ấy thì ông nói gà bà nói vịt, không ai hiểu được nhau. Cái gọi là có tính lịch sử và xã hội, tính ổn định, ít thay đổi và ràng buộc mạnh nhất đối với chúng ta nói nôm na, dễ hiểu chính là các quy tắc ngữ pháp. Các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ cũng không khác gì các công thức, biểu thức toán học. Nếu ví một biểu thức ngôn ngữ với một công thức toán học a + b = c thì có thể phân tích thế này: a, b chính là các từ ngữ, khi các từ ngữ kết hợp với nhau sẽ tạo nên một kết quả ngữ nghĩa c. Như vậy, nếu chúng ta chỉ cần thay a hoặc b thôi thì lập tức c sẽ thay đổi. Tương tự, nếu chúng ta thay đổi giá trị của c thì lập tức a, b cũng phải thay đổi theo. Cho nên, trong một phép toán nếu ta biết được con số này thì ta có thể dựa vào quy tắc để dự đoán sự xuất hiện của con số khác. Sự xuất hiện của con số này sẽ quy định sự xuất hiện của con số kia. Trong ngôn ngữ cũng vậy. Nếu biết trước một từ nào đó thì ta, cũng dựa vào các quy tắc sẵn có, có thể dự đoán được từ khác xuất hiện theo. Và cố nhiên, nếu biết ý nghĩa cần diễn đạt của một câu nói ta cũng có thể dự đoán được phải sử dụng tới những từ gì. Ví dụ, nếu biết cơm… thì ta có thể dự đoán được là cơm tám, cơm nhà, cơm cá, cơm sống, cơm chín, cơm ngon,… chứ không thể nói được là cơm sách, cơm vở, cơm tỏi, cơm hành,… được. Nếu biết rằng Tôi ….. cơm, thì có thể nói là tôi ăn cơm, tôi chén cơm, tôi dùng cơm, mà không thể nói tôi uống cơm, tôi đi cơm, tôi xây cơm,… được. Cũng vì thế mà, khi nói đến thu thì người ta chỉ có thể nói đến thu phí, thu cước, thu thuế, hay một biểu thức ngôn ngữ nào đó, chứ dứt khoát không thể nói đến, kể đến thu giá, và càng không thể nói đến việc thu giá dịch vụ đào tạo.
Trong tiếng Việt, với từ giá, ta chỉ gặp những cách nói quen thuộc với nghĩa chúng ta đang bàn như: báo giá, bù giá, chào giá, đấu giá, định giá, đơn giá, giảm giá, hoá giá, mất giá, nâng giá, ngã giá, phá giá, sụt giá, trả giá, trợ giá, trượt giá, tăng giá, thời giá, tỉ giá, vật giá, yết giá,…; trong tất những cách nói này, trừ mấy cách nói giảm giá, trả giá, nâng giá, tăng giá là có thể thay giá bằng phí được (giảm phí, trả phí, nâng phí, tăng phí), còn không cách nói nào có thể thay giá bằng phí được. Với từ phí, chúng ta chỉ nói: án phí, bưu phí, cấp phí, cước phí, công tác phí, công đoàn phí, đảng phí, học phí, kinh phí, lệ phí, lộ phí, miễn phí, nộp phí, phụ phí, sinh hoạt phí, thu phí, viện phí,….; trong tất cả các cách nói với từ phí này, không có cách nói nào mà có thể thay phí bằng giá mà vẫn đảm bảo được đúng ngữ pháp, ngữ nghĩa được. Với từ thu, chúng ta chỉ nói: bội thu, lạm thu, gián thu, trực thu, truy thu, thu phí, thu tiền, thu cước, thu thuế,…; chứ không thấy ai nói thu giá, thu giá dịch vụ đào tạo cả. Cách nói thu giá, giá dịch vụ đào tạo nếu có chỉ có thể là cách nói của người nước ngoài đang tập nói tiếng Việt; và nếu là cách nói của người Việt thì đó có thể chỉ là cách nói nhịu, rối loạn ngôn ngữ có tính lâm thời (có thể tự sửa được).
Quy tắc gọi tên để có tên gọi
Khi xuất hiện một sự vật, hiện tượng, khái niệm mới, người ta có nhu cầu gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm mới đó. Gọi tên thì sẽ có tên gọi. Đây là mối quan hệ nhân quả của ngôn ngữ học. Ngôn ngữ học có hai cách tiếp cận đối với cách gọi tên và các tên gọi. Cách tiếp cận thứ nhất được gọi là cách tiếp cận của danh học (onamastics). Cách tiến cận này bắt đầu từ mặt nội dung ngôn ngữ: cho một nội dung X, người ta phải tìm cách gọi tên cái nội dung X đó. Cách tiếp cận thứ hai là cách tiếp cận của nghĩa từ học (semasiology). Cách tiếp cận này bắt đầu từ mặt hình thức ngôn ngữ: cho một hình thức ngôn ngữ Y, người ta phải đi tìm cái nội dung được biểu đạt trong đó. Trong cả hai cách tiếp cận này, X và Y đều phải được mã hoá và giải mã theo các quy tắc vốn có của ngôn ngữ mà không một người bản ngữ nào không dám không tuân thủ. Ở đây (câu chuyện “thu giá, giá dịch vụ đào tạo”) cũng vậy. Giả sử lời giải thích đổi tên gọi từ “thu phí, học phí” sang “thu giá, giá dịch vụ đào tạo” là để phù hợp với Luật Phí và Lệ phí, Luật Giá hiện hành, nhưng việc đổi tên gọi đó cũng phải tuân theo các quy tắc ngữ pháp và ngữ nghĩa, sử dụng của tiếng Việt – những thứ vốn thường trực trong cảm thức bản ngữ của người Việt. Nếu gọi tên gọi đúng quy tắc thì không ai phản đối cả. Nói phải củ cải phải nghe. Nhưng ở đây việc tuân thủ này đã không diễn ra. Thay vì việc tìm tòi một tên gọi phù hợp, hay định nghĩa hoặc điều chỉnh lại nội hàm của khái niệm của tên gọi, người ta đã vô tư sáng tạo (thực ra là “tối tạo”) ra một cách gọi phi cú pháp, vô nghĩa trong tiếng Việt. Chính vì vậy nên người ta mới gán cho cách gọi thu giá, thu giá dịch vụ đào tạo là cái thứ ngôn ngữ quan quyền, một thứ ngôn ngữ duy ý chí, bất chấp sự hợp lí, hợp tình, bất chấp quy tắc, bất chấp lẽ thường, bất chấp cảm thức bản ngữ, bất chấp cái đúng cái hằng tồn hiển nhiên trong con người Việt.