Nguồn nhân lực cho các công trình trọng điểm Quốc gia

Vừa qua, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội khóa XII đã có Báo cáo giám sát tình hình thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia trong năm 2007 theo nghị quyết của Quốc hội.

Qua báo cáo này, có thể thấy những vấn đề từng tồn tại kéo dài trong xây dựng cơ bản ở Việt Nam vẫn tiếp tục bộc lộ trong các công trình trọng điểm quốc gia này: tiến độ thi công chậm so với dự kiến; việc huy động và đảm bảo vốn đầu tư, mức độ giải ngân thấp, đặc biệt, tổng mức đầu tư hầu hết các công trình đều tăng hơn nhiều so với dự kiến ban đầu; việc tái định cư chậm và còn gây cho cuộc sống người dân nhiều khó khăn… mà nguyên nhân trước hết là do chất lượng và số lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của công trình.
Chẳng hạn ở nhà máy lọc dầu Dung Quất, tiến độ thi công dự án chậm hơn so với dự kiến do công tác khảo sát và chuẩn bị mặt bằng ban đầu thực hiện chưa tốt dẫn đến việc phải xử lý, gia cố nền móng tốn kém thời gian và chi phí, điển hình là việc thi công gặp “túi bùn” ở gói thầu 5A hoặc số lượng cọc khoan phát sinh ở gói thầu 5B. Nếu tất cả các khâu bắt buộc trong công tác khảo sát thiết kế đều được tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc; nếu ngay từ đầu số lượng các mũi khoan khảo sát không vì lí do này hay lí do khác mà bị cắt xén về số lượng thì chắc chắn sẽ không thể có những phát sinh bất thường này (chúng ta hoàn toàn có thể liên hệ với vụ công trình cao ốc Pacific tại TP. Hồ Chí Minh gây sập công trình lân cận do thiếu kĩ lưỡng trong khâu khảo sát nền móng và thi công công trình ngầm sai phép).
Nhà máy thủy điện Sơn La hay nhà máy lọc dầu Dung Quất đều là những công trình hiện đại mà nhà nước đã phải huy động một khối lượng lớn tiền của nhân dân xây dựng. Những công trình này đòi hỏi phải có một đội ngũ kĩ sư, chuyên gia lành nghề quản lí và vận hành. Vậy mà dù đã bước vào thi công vài năm, chúng ta vẫn chưa thực sự nghiêm túc thực thi các giải pháp đảm bảo yêu cầu đề ra của công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các công trình đó. Ví dụ, theo kinh nghiệm của các nước, chi phí đào tạo nhà máy lọc dầu thường chiếm ít nhất 1% tổng mức kinh phí. Nhưng, do giới hạn về kinh phí đào tạo (chỉ 9,6 triệu USD trong tổng mức đầu tư 2,5 tỉ USD, chiếm 0,38%) nên một số chương trình thực tập vận hành ngắn hạn cho các phân xưởng công nghệ của nhà máy lọc dầu đáng ra phải thực tập ở nước ngoài, lại phải thực tập tại các nhà máy trong nước (nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố, Đạm Phú Mỹ, Kho cảng Thị Vải…).
Trên con đường trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, thời gian tới, chúng ta sẽ phải thực hiện một số công trình trọng điểm quốc gia khác, mà quan trọng nhất là xây dựng nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ được vận hành vào năm 2020 (nếu được Quốc hội cho phép xây dựng). Và chúng ta cần phải làm gì để có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công trình đó?
Trong bức thư trao đổi với một chuyên gia về năng lượng nguyên tử của nước ta, GS Pierre Darriulat- một nhà vật lý nổi tiếng thế giới, đã bày tỏ ngạc nhiên trước sự quá chậm trễ của Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Ông cho rằng nếu không sớm có biện pháp khắc phục, thì toàn bộ việc tư vấn thiết kế, xây dựng quản lí và vận hành nhà máy điện nguyên tử sẽ phải “khoán trắng” cho người nước ngoài.
Hẳn chúng ta không muốn như vậy!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)