Nguyên nhân bạo lực?
Chủ nghĩa khủng bố và những biến động chính trị gần đây ở nhiều nước Ả rập đều có liên quan đến tỷ lệ thanh thiếu niên cao ở các nước này.
Dưới góc độ nhân khẩu học, một số nhà nghiên cứu cho rằng “Nguyên nhân chính dẫn đến leo thang khủng bố không phải do vấn đề tôn giáo, sắc tộc hay nghèo đói mà là do tỷ lệ thanh thiếu niên quá cao so với tổng số dân”.
Vành đai Hồi giáo bao phủ một phía Châu Âu và khu vực Trung Cận đông có phải là điểm lõi thường xảy ra bất ổn về chính tri? Afghanistan lật đổ chính quyền Taliban đã 10 năm nhưng tại sao chưa yên ổn? Còn Pakistan vẫn bị hỗn loạn và luôn có nguy cơ sụp đổ! Tại sao Al-Qaeda lại có chỗ dựa ở Yemen và vùng sa mạc Sahara. Tại sao Somalia lại trở thành hang ổ của bọn cướp biển còn Syria thì chìm đắm trong nội chiến; và tại sao sau nhiều thập niên tưởng như yên bình để rồi bất thình lình bùng nổ phong trào mùa xuân Ả rập?…Hàng loạt câu hỏi đặt ra.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhiều vấn đề có tính chiến lược cho đến tôn giáo được đặt ra như: sự đối đầu giữa các cường quốc đang tranh giành quyền lực ở khu vực có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, những mâu thuẫn dẫn đến bạo lực giữa người Shiite và người Sunni, những khả năng mới về thông tin liên lạc nhờ mạng xã hội và điện thoại di động …
Bùng nổ dân số trẻ và bạo lực chính trị
Tuy vậy, có một nguyên nhân ít được nhắc đến: vấn đề nhân khẩu học. Những quốc gia này có một đặc điểm chung là tỷ lệ sinh đẻ cao và tỷ lệ tuổi từ 14-24 thường rất cao. Khái niệm “youth bulge” thường được dùng để mô tả tình trạng này.
Gunnar Heinsohn, nhà nghiên cứu diệt chủng đôi khi dịch khái niệm này là “sự bùng nổ thanh thiếu niên”. Ông Heinsohn cho rằng Youth Bulge là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bạo lực và sự biến động xã hội trong thế giới Hồi giáo. “Nguyên nhân chính dẫn đến leo thang khủng bố không phải do vấn đề tôn giáo, sắc tộc hay nghèo đói mà là do tỷ lệ thanh thiếu niên quá cao so với tổng số dân”.
Trong tác phẩm “Sự va chạm của các nền văn minh và việc thiết lập lại trật tự thế giới” (The Clash of civilization and the remaking of world order), Samuel Huntington viết: “Giới trẻ là lực lượng chính gây ra các cuộc biểu tình phản đối, mất ổn định, cải cách và cách mạng. Mảnh đất mầu mỡ cho lực lượng hồi giáo cực đoan hành động mạnh mẽ không phải là vấn đề tôn giáo. Đạo Hồi không hề bạo lực hơn bất kỳ một tôn giáo nào. Yếu tố nhân khẩu học mới thực sự có ý nghĩa quyết định. Nhìn chung những kẻ giết người thường ở độ tuổi từ 16 đến 30”.
Theo Huntington, năm 1980 số người theo đạo Hồi chiếm 18% dân số thế giới, đến năm 2025 tỷ lệ này sẽ là 31%. Con số này cao hơn tỷ lệ người châu Âu so với dân số thế giới vào đầu thế kỷ 19, khi châu Âu âm mưu đô hộ cả thế giới. Ở thời điểm đó cứ bốn người dân trên trái đất thì có một người sống ở châu Âu. Vì vậy, một số nhà khoa học tiên đoán thế kỷ này không phải là thế kỷ của châu Á, của Hoa kỳ hay của Trung Quốc mà là thế kỷ của đạo Hồi.
Nhà nghiên cứu Henrik Urdal làm việc tại Harvard và Viện nghiên cứu hòa bình (Peace Research Institute) ở Oslo nhận nghiên cứu đề tài của Liên hiệp quốc mang tên “Sự đụng độ của các thế hệ? Bùng nổ dân số trẻ và bạo lực chính trị” (A Clash of Generations? Youth Bulges and Political Violence). Ông nghiên cứu thực nghiệm trong thời gian từ 1950 tới năm 2000 và đưa ra kết luận: “Sự bùng nổ thanh thiếu niên gắn liền với nguy cơ ngày càng tăng về bạo lực chính trị. Tỷ lệ thanh thiếu niên so với dân số tăng 1% thì nguy cơ xung đột tăng 4%”. Theo Urdal, các nước ở khu vực Trung Đông, châu Phi và một phần châu Á, những nơi có tỷ lệ sinh đẻ cao, nguy cơ xảy ra bạo lực lớn hơn nhiều so với những nơi khác.
Thực tế là tỷ lệ sinh đẻ cao ở các nước Hồi giáo đã dẫn đến bùng nổ dân số. Chỉ trong một thế kỷ, dân số ở khu vực có đạo Hồi tăng gấp 8 lần từ 150 triệu lên 1,2 tỉ người, đây là mức tăng nhanh nhất trong Thế giới thứ ba. Cũng trong thời gian trên dân số Ấn độ tăng gấp 4 lần và Trung quốc tăng gấp 3 lần.
Đ/vị: triệu người
Dân số các nước Hồi giáo trẻ hơn nhiều so với các quốc gia công nghiệp phát triển. Huntington viết: “Đạo Hồi đang trải qua giai đoạn bùng nổ dân số với hậu quả gây mất ổn định cho các nước Hồi giáo và các nước láng giềng”. Theo nhận xét của nhà nghiên cứu này, bạo lực có nhiều khả năng xảy ra ở những nơi tỷ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi đạt ít nhất 20% và tỷ lệ trẻ em (dưới14 tuổi) đạt 30%. Giới trẻ nổi loạn không phải vì không gian sống của họ chật hẹp, vì thiếu ăn hoặc không có điều kiện học hành mà bởi vì họ nhận thấy không có cơ hội để vươn lên về mặt xã hội. Heinsohn: “Giết người được coi là địa vị và quyền lực”.
Sự bùng nổ thanh thiếu niên dẫn đến nguy cơ tăng bạo lực không chỉ ở các quốc gia Hồi giáo. Sự bùng nổ thanh thiếu niên bao giờ cũng trở thành vấn đề khi thế hệ kế tiếp không có chỗ đứng thích hợp đối với lứa tuổi của họ trong xã hội. Có thể nêu lên một loạt ví dụ trong lịch sử:
– Sự bùng nổ thanh thiếu niên cuối cùng ở Đức diễn ra trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi đó tỷ lệ trẻ em ở Đức khoảng 35%, tương tự như ở Pakistan hiện nay. Theo Heinsohn, số lượng thanh thiếu niên đông đảo này dẫn đến “các cuộc chiến đấu trên đường phố thời Cộng hòa Weima”.
– Trước cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã diễn ra sự bùng nổ dân số ở nước này, dân số Nga từ 60 triệu người tăng lên 90 triệu trong vòng 16 năm trước năm 1913.
– Châu Âu chinh phục thế giới cũng nhờ dân số tăng trưởng vũ bão. Thời Trung cổ, sau khi đế chế La Mã sụp đổ, châu Âu thường phải chống chọi các cuộc tấn công từ những đội kỵ binh thiện chiến của châu Á. Nhưng từ thế kỷ 16 đến 20 dân số châu Âu tăng gấp 9 lần, đạt 460 triệu người, nhờ đó châu Âu mới có thể tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược. Trong thế kỷ 19, dân số châu Âu chiếm 1 phần tư dân số thế giới.
Dân số già nua sẽ hòa bình hơn?
Nếu thuyết Youth Bulge đúng thì cần phải có sự nhìn nhận khác trước đối với sự tăng cường lực lượng quân sự hiện nay ở Trung Quốc (TQ). Vào thời điểm xảy ra cách mạng văn hóa, tỷ lệ trẻ em từ 34% vào năm 1950 tăng lên 40%, trong những năm 80 và 90 tỷ lệ thanh thiếu niên là 22%. Hiện nay tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên ở TQ thấp hơn hẳn ngưỡng đáng lo ngại. Nay số trẻ em giảm, dân số TQ già đi nhanh, giới lãnh đạo TQ không dễ chơi con bài hiếu chiến, xâm lược như trong cuộc chiến tranh Triều tiên. Trong chính sách đối ngoại, giới lãnh đạo TQ phải cân nhắc khi tiến hành các hoạt động quân sự vì người dân TQ sẽ không tán thành hoặc thậm chí phản đối chính sách gây chiến, xâm lược của giới lãnh đạo trước nguy cơ tuyệt tự, mất đứa con trai duy nhất trong gia đình.
Tại các nước phát triển có tỷ lệ sinh đẻ thấp như Đức là 1,36% hoặc Pháp là 2%, các bậc cha mẹ thường lo cho sự tồn tại của nòi giống mình và không tán thành các cuộc phiêu lưu quân sự của Nhà nước. Chính vì thế các nước phát triển có xu hướng dùng kỹ thuật thay thế cho con người nhằm hạn chế tổn thất về người để không làm mất đi chỗ dựa ở hậu phương. Mỹ sử dụng máy bay do thám không người lái ở Afghanistan và Pakistan để bảo vệ các chuyên gia ngồi trong công sự kiên cố. Tuy nhiên cách này chỉ có thể tiêu diệt được kẻ địch chứ không thể triệt hạ được sự thống trị trên một vùng lãnh thổ, nhất là khi kẻ thù có đủ khả năng bổ sung quân số nhờ tỷ lệ sinh đẻ cao. Vì các cuộc chiến tranh kiểu này được quyết định bởi yếu tố dân số nên một khi Mỹ đã quyết định rút quân khỏi Iraq đương nhiên cũng sẽ buộc phải rút quân khỏi Afghanistan.
Liên hiệp quốc dự báo đến giữa thế kỷ này sẽ có một sự thay đổi lớn về cơ cấu dân số. Nếu từ năm 1950 đến 1990, ở thế giới thứ ba tỷ lệ thanh thiếu niên 15-24 tuổi chiếm 25% dân số thì đến năm 2050 tỷ lệ này chỉ còn tồn tại ở các nước thuộc miền nam sa mạc Sahara. Còn ở các khu vực khác trên thế giới tỷ lệ thanh thiếu niên chỉ còn chiếm 15% dân số hoặc thấp hơn.
Đối với chuyên gia nghiên cứu về hòa bình Urdal thì với việc tăng tuổi bình quân ở các nước thế giới thứ ba có thể diễn ra một kỷ nguyên mới: “Phải chăng một thế giới già nua sẽ hòa bình, yên ổn hơn?”.
Xuân Hoài dịch theo Wiwo
—-
Chú thích:
1 Trước khi chia tách Sudan.
** tỷ lệ % trên tổng số dân.