Nguyên nhân của một thực trạng đáng SOS!
Về nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học, chúng ta thấy rất rõ rằng chúng ta đang ở trong “vùng trũng”. Nếu chỉ so sánh với các nước trong khu vực không thôi, về các nghiên cứu chúng ta đã được đăng tải trên các tập san quốc tế sẽ thấy rõ qua các bài viết đã được đăng tải trong nước của các tác giả Phạm Duy Hiển, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Tuấn..., thiết nghĩ không cần phải đề cập lại vấn đề là cần nghiêm túc nhìn nhận nguyên nhân của hiện tượng đáng SOS đó.
Trước hết chúng ta phải nói ngay đến những người lãnh đạo đầu ngành khoa học, giáo dục, liệu họ đã phải là những người có tầm vóc và cập nhật được kiến thức quốc tế hay chưa?
Nằm trong một thực trạng chung là các nhà lãnh đạo đầu ngành của chúng ta được chọn lựa theo cơ chế cử tuyển chứ không qua cơ chế tuyển trạch. Chúng tôi nghĩ cần phải thay đổi cơ chế làm việc này. Lãnh đạo một nhóm nghiên cứu khoa học cũng như lãnh đạo của một công ty. Đã là một chức vụ thì cần phải có cơ chế cạnh tranh, đó là tuyển lựa theo đơn xin việc chứ không phải là cử tuyến.
Cũng nằm trong khâu này, chúng ta đã có cơ chế không giống các nước về hệ thống đào tạo những nhà nghiên cứu thực thụ (tiến sĩ và hậu tiến sĩ) và những chức vụ thực thụ (giáo sư). Chúng ta đang có một cơ chế thúc đẩy việc học lấy bằng tiến sĩ là một hình thức mua danh, mua tước. Có những người lãnh đạo phải “hợp thức hóa” bằng cấp để phù hợp với địa vị lãnh đạo, đó là một cơ chế sai lầm. Tiến sĩ được đào tạo ra trước hết là để làm việc chứ không phải để làm lãnh đạo. Lãnh đạo chẳng qua cũng chỉ là một nhiệm vụ và phải qua tuyển lựa để chứng tỏ khả năng. Lãnh đạo nhiều khi không nhất thiết phải là tiến sĩ hay giáo sư. Giống như thế, ở nước ta, giáo sư được coi như là một phẩm hàm, có tính cách tưởng thưởng công và cũng dựa vào đó mà lên chức, lại là một sai lầm. Cần phải coi giáo sư như một vị trí công tác, lãnh đạo đầu ngành hay lãnh đạo một nhóm nghiên cứu, đào tạo. Đã là vị trí công tác thì cần phải qua tuyển lựa và qua tiêu chuẩn tuyển lựa. Lãnh đạo làm được việc thì được tái bổ nhiệm, không được việc thì tái tuyển chọn, chứ giáo sư không phải làm một phẩm hàm suốt đời.
Thứ hai, về nhân lực. Hệ thống đào tạo tiến sĩ của chúng ta có vấn đề. Ngay ở cơ chế, như đã nêu, đào tạo tiến sĩ vì mục đích danh xưng nhiều hơn là vì phụng sự và cống hiến cho khoa học. Hệ quả là các tiến sĩ của chúng ta được đào tạo trong nước ra lò hàng loạt nhưng con số làm được việc có lẽ còn quá khiêm tốn. Chúng ta hàng năm có hàng trăm đến hàng ngàn tiến sĩ ra lò nhưng không có bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn, được đăng tải trên tập san quốc tế. Đó là một nghịch lý thấy rõ.
Chúng ta có thể bao biện rằng giáo sư quốc nội, tiến sĩ cấp quốc nội khác giáo sư, tiến sĩ quốc tế. Điều đó có thể chấp nhận được khi chúng ta chỉ đứng ở “sân chơi khoa học” riêng lẻ, chứ không thể đặt vấn đề “hoàn cảnh” khi chúng ta hội nhập quốc tế. Chúng ta không thể nào biện hộ được khi các chuyên viên đầu ngành, các nghiên cứu viên trong nước đi tham dự hội thảo quốc tế mà không tìm được tiếng nói chung với đồng nghiệp quốc tế.
Thứ ba, về vấn đề cập nhật thông tin, liệu chúng ta có được cập nhật thông tin hay không? Câu trả lời có thể có hai vế: vế thứ nhất là về mặt cung cấp thông tin. Dù rằng việc truy cập internet ở Việt nam hiện nay là khá phổ biến, tuy nhiên lại có sự phân bố bất hợp lý. Trường đại học phải là những nơi có trang bị hệ thống truy cập thông tin hiện đại nhất và cập nhật nhất. Nhưng chúng tôi hiếm thấy có một trang web của bất kỳ một trường đại học nào ở Việt nam đạt được một tiêu chuẩn trung bình. Vấn đề tường lửa cũng là một sự cản trở truy cập thông tin phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy. Qua mấy kỳ công tác trong những năm vừa qua, chúng tôi rất vất vả nếu không nói là bất lực khi ngồi ở Việt nam để truy cập internet tìm tài liệu. Chỉ lưu lại Việt nam một vài tuần, chúng tôi cảm giác gần như bị lạc hậu nhiều so với đồng nghiệp. Thư viện là bộ mặt của trường đại học, là bộ mặt của tri thức, thế mà hệ thống thư viện ở các trường đại học Việt nam quá cũ kỹ, thô sơ và gần như là hoạt động không hữu hiệu. Vế thứ hai là về kỹ năng truy tìm thông tin của sinh viên đại học Việt nam quá kém. Họ không được đào tạo kỹ năng này, vì thế họ cũng sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm các thông tin khoa học cần thiết và cập nhật.
Từ những yếu kém kể trên của GD-ĐT dẫn đến thực trạng khoa học của nước ta hiện nay trong tình trạng đất nước đi vào con đường hội nhập là bấp bênh và khá lạc điệu. Chúng ta chưa có một tiếng nói chung với thực trạng khoa học không nói ở tầm vóc quốc tế lớn mà vẫn chưa có tiếng nói chung với các nước trong khu vực.
2.Việc có một trường đại học ở top 200 không phải là cái đích chúng ta đến. Xếp hạng chỉ là một hệ quả của một quá trình hoạt động, làm việc. Làm bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu, còn việc xếp hạng chỉ có tính tương đối. Theo chúng tôi, mục tiêu nên đặt ra là cần phải có một trường được công nhận trên trường quốc tế (internationally recognized) hoặc cao hơn là đạt đẳng cấp quốc tế (world class). Nếu đặt mục tiêu cụ thể như vậy thì điều phải làm gì sẽ rõ ràng và cụ thể hơn.
Nói đến một đơn vị trường đại học chúng ta chỉ có các đối tượng: cấu trúc hạ tầng, giảng viên và sinh viên. Đã nói đến tầm vóc quốc tế thì cấu trúc hạ tầng phải đạt tầm vóc quốc tế, đội ngũ giảng dạy phải đạt tầm vóc quốc tế, và sinh viên địa phương phải có lối học như sinh viên quốc tế.
Thế nào là một cơ sở hạ tầng đại học quốc tế:
Một trường đại học có tầm vóc quốc tế đó thường là một môi trường đậm tính khoa bảng, nơi mà mọi sinh hoạt phục vụ học tập và giảng dạy phải là một quy trình kín.
Nơi đầu tiên phải nói đến của một trường đại học phải là thư viện, đó là kho tang tri thức, là bộ mặt của trường đại học. Thư viện cần phải có cấu trúc sao cho phù hợp với cơ số sinh viên của trường, nơi có một môi trường thân thiện và thuận lợi cho sinh viên và nghiên cứu viên tìm tư liệu để học tập và nghiên cứu.
Sách tham khảo: Cần phải đầy đủ và cập nhật. Bố trí theo cách thức sao cho sinh viên có thể tự động tìm kiếm sách mình cần tìm. Nhân viên thủ thư chỉ là người hướng dẫn khi cần thiết, và giải quyết các thủ tục mượn sách cũng như tìm kiếm liên hệ mượn sách nơi khác khi có yêu cầu.
Ngoài sách đóng quyển có trong thư viện của trường thì việc liên kết với các trường khác để có thể gia tăng cơ số sách có thể trao đổi chéo, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc.
Một bộ phận trong thư viện mới mà gần như đóng một vai trò rường cột đó là thư viện điện tử. Thư viện điện tử của một trường đại học phải thuê bao các thư viện điện tử quốc tế lớn để có thể truy cập được gần như đầy đủ các tài liệu lưu trữ trên mạng phục vụ các ngành liên quan đế mục đích đào tạo của trường, học tập của sinh viên và nghiên cứu. Do đó dịch vụ phần cứng và phần mềm cũng cần phải đủ mạnh để có thể đáp ứng được việc truy nhập và truy xuất thông tin nhanh chóng. Thủ thư cũng có nhiệm vụ đáp ứng tìm kiếm các tư liệu điện tử không có trong hệ thống thuê bao của trường một khi có yêu cầu.
Phần cấu trúc và không gian của thư viện trường đại học cần phải có đủ chỗ rộng rãi, riêng tư để sinh viên có thể học tại thư viện. Phòng lab thư viện cũng phải có một cơ số máy tính nhất định để sinh viên và nhân viên sử dụng.
Phần đầu tư xây dựng cơ bản cho một trường đại học mang tầm vóc quốc tế là một yếu tố quan trọng khác, chúng tôi không bàn sâu ở đây.
Thứ hai là giảng viên mang tầm vóc quốc tế:
Để có một trường có tầm vóc quốc tế, đội ngũ giáo sư, giảng viên của trường đại học đó phải đủ tầm vóc quốc tế. Có nghĩa là giáo sư giảng dạy tại trường phải là những giáo sư có uy tín trên trường quốc tế về chuyên ngành của mình về những điểm: được đồng nghiệp quốc tế cùng ngành công nhận, có bề dày nghiên cứu về chuyên ngành của mình, có công bố nghiên cứu trên các tập san quốc tế theo đúng yêu cầu của một vị giáo sư quốc tế, có thành tích về xin tài trợ nghiên cứu, có kinh nghiệm lãnh đạo nhóm nghiên cứu quốc tế và có kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu sinh quốc tế. Nếu xét về những yếu tố này, trong thời điểm xuất phát hiện nay, chúng ta không có cơ sở nào để tự tin phát biểu được rằng trong vòng 13 năm nữa, chúng ta sẽ có được một đội ngũ giáo sư đại học có tầm vóc quốc tế.
Tình trạng này cũng tương tự như các trường đại học khác trên thế giới. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, các trường có chủ trương thuê các giáo sư có tầm vóc quốc tế về để lãnh đạo chuyên môn của từng chuyên ngành. Riêng Trung quốc, họ có chính sách đãi ngộ các vị giáo sư và nghiên cứu người Trung quốc ở hải ngoại có tầm vóc quốc tế, về làm việc và hưởng lương theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng là một bài học cần thiết đối với ngành giáo dục Việt nam.
Do đó hệ quả kéo theo là giá chi trả cho một giáo sư quốc tế là việc phải tính đến.
Thứ ba, là cần phải có một lực lượng sinh viên nội địa đạt trình độ đầu vào ngang cấp quốc tế. Chúng ta cần phải thấy rõ rằng môi trường sinh viên là một yếu tố quan trọng. Đa số các sinh viên Việt nam đi du học theo dạng học bỗng ở các nước ngoài đạt được thành tích cao. Điều đó có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Yếu tố chủ quan là chính các sinh viên đó vốn đã là các sinh viên ưu tú của Việt nam, họ đã có tố chất để thích nghi nhanh và bắt kịp với cách học và nghiên cứu của sinh viên quốc tế. Yếu tố khách quan là họ là những thành tố đơn lẻ trong một môi trường sinh viên quốc tế, cho nên họ có đủ cơ hội để học hỏi những sinh viên quốc tế xung quanh mình. Nó giống như người học tiếng Anh, thì sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu được sống trong môi trường nói tiếng Anh mẹ đẻ. Ngược lại, tương tự như vậy, nếu sinh viên đó chỉ học đại học trong nước, thì họ cũng sẽ không thoát ra được môi trường giáo dục ở trong nước.
Yêu cầu của đội ngũ sinh viên đầu vào như vậy cần chuẩn bị bao nhiêu lâu? Có lẽ thời gian sẽ đúng bằng từ lớp mầm non đến khi họ vào đại học nếu nền giáo dục Việt nam cải tổ ngay từ bây giờ và đúng hướng.
Một số các thí dụ: Yêu cầu cho một sinh viên quốc tế là họ phải có tính tự học, độc lập, chủ động. Điều này không phải chỉ ra yêu cầu, hô khẩu hiệu mà làm ngay được. Họ phải được rèn luyện và đào tạo đức tính này ngay khi bước vào trường mầm non. Không thể nào có được một sinh viên có tính làm việc độc lập, tự học và sáng tạo, một khi học sinh từ lớp 1 cho đến 12, hàng ngày phải ngồi vào lớp trật tự theo bàn. Trên bảng thầy giáo thao thao bất tuyệt giảng bài, dưới lớp học trò cắm cố thi nhau chép. Đến buối trả bài như vẹt. Tất cả kiến thức là từ thầy trao truyền, được chữ nào, học trò học bài thuộc long thì nhớ từng đó, để đối phó với bài kiểm tra, bài thi chứ không phải để hiểu biết. Trong khi đó, học sinh tiểu học ở Úc chẳng hạn, đến trường hầu như chẳng có sách vở gì, tất cả các bài học do giáo viên thiết kế, về nhà không có bài tập ở nhà; bài tập thì dễ. Thế mà khi đến ngưỡng đại học, sinh viên của họ hoàn toàn có một tư duy và cách học hết sức năng động, độc lập. Vấn đề chỉ là ở phương thức giáo dục của chúng ta đã quá lạc hậu và kiềm hãm tính độc lập suy nghĩ của sinh viên ngay từ tuổi ấu thơ.
Một khi chúng ta có được đội ngũ sinh viên nội địa có tầm vóc quốc tế, thì chúng ta mới tạo được một môi trường học đường có tầm cỡ quốc tế, khi đó chúng ta mới thu hút được sinh viên quốc tế đến để học.
Một yêu cầu khác mà chúng tôi nghĩ rằng một trường có tham vọng để lọt vào trường có đẳng cấp quốc tế, thì ngôn ngữ giảng dạy chính của trường phải là tiếng Anh. Sẽ không có một trường có đẳng cấp quốc tế nếu sinh viên trường đó không có khả năng giao dịch quốc tế! Chúng tôi không kỳ thị tiếng mẹ đẻ, nhưng chúng ta cần phải sử dụng ngôn ngữ quốc tế trong chuyên ngành của mình. Giáo trình đại học chỉ để đợi các giáo sư, giảng viên đi dịch lại sách nước ngoài (mà chưa chắc đã chính xác), đợi in ấn thì kiến thức đã lạc hậu. Sinh viên đại học là tự học, tự nghiên cứu, chứ không phải đến trường để nghe truyền đạt. Giáo sư và giảng viên ở trường đại học chỉ là người chỉ đường, chứ không phải cầm tay chỉ việc.
Có cơ sở hạ tầng, đội ngũ giảng dạy, sinh viên có tầm vóc quốc tế thôi chưa đủ. Một trường đại học nếu muốn vươn lên đẳng cấp quốc tế thì trường đó phải mạnh về nghiên cứu khoa học có tầm vóc quốc tế. “Giấy thông hành” cho điểm này là thông qua các sản phẩm nghiên cứu khoa học là dự án nghiên cứu có tầm vóc và được đăng tải trên các tập san chuyên ngành quốc tế và có hiệu quả quan trọng đến lợi ích của cộng đồng, là các sản phẩm công nghệ-thành quả từ các nghiên cứu ứng dụng đáp ứng được nhu cầu của khoa học kỹ thuật hiện đại.
Nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế thôi chưa đủ, mà giá trị ứng dụng của các nghiên cứu đó phải ở tầm vóc có ảnh hưởng đến cộng đồng khoa học của quốc tế, thì uy tín của trường đại học đó mới được nâng tầm.
Một trường đại học có tầm vóc quốc tế còn phải là một trường đào tạo được nhiều nhân tài, và sau đó họ là những người có một tầm ảnh hưởng đến chuyên ngành của họ trên trường quốc tế. Dựa vào những cống hiến đó của các cựu sinh viên, uy tín của trường đại học đó sẽ được nâng lên.
Để đạt được những điều này ngân sách đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu cho một trường đại học rất lớn. Ở nước ngoài, ngoài ngân sách của chính phủ, các nghiên cứu viên của trường đại học còn phải dốc sức đi xin tài trợ từ các quỹ tài trợ nghiên cứu quốc gia, của các công ty mạnh thường quân, mà ở nước ngoài họ đều có dành ra một quỹ hỗ trợ nghiên cứu. Điều này không thể có ở Việt nam trong giai đoạn hiện nay, cho nên ngân sách nghiên cứu hầu như phụ thuộc vào ngân sách của chính phủ. Thế nhưng ngân sách đòi hỏi cho các nghiên cứu có tầm vóc quốc tế là rất lớn, và ngân sách này đòi hỏi phải lâu dài để giữ vững vị trí của trường.
Với những chi tiết vắn tắt nêu trên, quá trình phấn đấu của một trường đại học để đạt được tầm vóc quốc tế là một quá trình gian nan, dài hạn và như là một cuộc đầu tư đầy rủi ro và nhà đầu tư phải theo đuổi mục đích cho đến cùng. Trở thành trường đẳng cấp quốc tế là quả chín thu hoạch được sau một quá trình của gieo giống trồng cây. Quả chín đó là do người tiêu dùng thẩm định và đánh giá.
Cho đến nay, các trường vươn lên đẳng cấp quốc tế hầu như không có trường nào có độ tuổi dưới 30-40 năm, mà tại điểm xuất phát họ đã có đủ nhân-tài-vật-lực. Cho nên một tiêu chí phấn đấu đến 2020 Việt nam có một trường đại học lọt vào top 200 các trường đại học hàng đầu thế giới, chúng tôi nghĩ là thiếu thực tế và bất khả thi. Mà như đã đề cập ban đầu, chúng ta vươn đến xây dựng một đại học có tầm cỡ quốc tế thì thiết thực hơn.
3.Các công trình nghiên cứu khoa học dù là cơ bản hay ứng dụng đều phải tính đến công bố quốc tế ngay từ khởi đầu thiết kế công trình nghiên cứu. Đó là một thử thách lớn cho các nhà nghiên cứu trong nước chưa từng có kinh nghiệm “va chạm” với hệ thống bình duyệt nghiêm túc của quốc tế, nhưng nếu không làm, chúng ta sẽ mãi nằm trong “vùng trũng” của nghiên cứu khoa học, và những công trình nghiên cứu tốn kém đó sẽ không đưa lại giá trị xứng đáng với tiền của nhân dân và nhà nước đầu tư vào.
Chỉ có đăng tải quốc tế thì uy tín của các nhà khoa học trong nước, nền khoa học nước nhà mới được nâng lên tầm vóc quốc tế. Còn công bố trên trường quốc tế dưới hình thức nào, cũng là một điều quan trọng cần nêu. Công bố quốc tế ở dạng khởi sự là bằng cách nộp các tóm tắt nghiên cứu (abstract) để đi báo cáo tại các hội nghị khoa học có liên quan đến đề tài nghiên cứu. Chúng tôi nghĩ đây là thủ tục nên trở thành một quy định bắt buộc cho các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia. Cần phải có những chế độ ưu đãi cho các đề tài được chấp nhận thuyết trình (oral presentation) tại các hội thảo quốc tế lớn của mỗi chuyên ngành. Tuy nhiên thủ tục nộp abstract và đăng tải dưới dạng monographs hoặc proceedings tại các hội thảo khoa học quốc tế chỉ mới là bước khởi đầu, sau đó các nghiên cứu này còn phải được viết thành bài báo khoa học nghiêm túc (scientific paper) để dự đăng tải trên các tập san chuyên ngành có qua hệ thống bình duyệt (peer-reviewed journal) và có uy tín.
Xin mở rộng thêm một ý là chúng ta còn có quá nhiều quyết định “khơi khơi” và cảm tính, thiếu lý trí (rationale) khi tiến hành một nghiên cứu khoa học. Chỉ nghe, và nghĩ là đã có thể tiến hành ngay một nghiên cứu khoa học (kể cả cấp quốc gia) mà không hề có một quy trình làm việc nghiêm túc nào (chúng tôi không tiện trích dẫn ví dụ) để đánh giá về giá trị, tinh khả thi, tính thực tiễn của đề tài; cũng chẳng qua một nghiên cứu “tiền trạm” (pilot study) để xem liệu có nên tiếp tục đầu tư nghiên cứu hay không. Do đó, đầy rẫy các công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, sau nghiệm thu rồi cũng chỉ để đó mà không hề có một giá trị ứng dụng nào. Thì việc mà các nghiên cứu khoa học đó không chen chân được vào trường quốc tế thì cũng là điều dễ hiểu.
Một chuyện khác, chúng tôi nhận được các luận án tiến sĩ của đồng nghiệp trong nước nhờ xem giúp. Chúng tôi có những gợi ý về cách phân tích số liệu (còn chuyện thiết kế nghiên cứu là chuyện đã rồi), sau khi trao đổi lại với giáo sư hướng dẫn, ông bảo các anh ấy ở nước ngoài thì làm theo trình độ khác, còn trong nước thì nên làm đơn giản để cho người phản biện họ hiểu được. Nếu rắc rối quá họ sẽ bắt bẻ và mình sẽ gặp rắc rối! Chúng tôi xin miễn bàn.
4.Nghiên cứu cơ bản trong giai đoạn nền công nghệ và khoa học kỹ thuật thế giới đã ở mức độ phát triển hiện nay thì cần phải xem đó là một loại nghiên cứu “xa xỉ”. Mặc dù nghiên cứu cơ bản là những nghiên cứu có tính đột phá (breakthrough), thế nhưng hiện nay nó ít có cơ may đem lại tính ứng dụng cao mà thường là chỉ để: hoặc tìm hiểu một cơ chế tác động trên một khâu nào đó của chuỗi phản ứng, hoặc để tạo ra một tiền đề cho các nghiên cứu ứng dụng.
Do vậy, nghiên cứu ứng dụng có thể phù hợp với Việt nam hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế mà tiến hành. Thà rằng chỉ có ít các nghiên cứu, nhưng “dụng tinh hơn dụng đa”.
5. Lợi thế của một nước đang phát triển là có thể học hỏi kinh nghiệm thành bại từ các nước đã kinh qua để tìm cho mình một hướng phát triển riêng.
Chẳng hạn ở Trung quốc họ có mô hình sử dụng nhân tài là các nhà khoa học ở Trung quốc sống ở hải ngoại có tầm cỡ quốc tế. Những người này được mời về giữ các trọng trách lãnh đạo nghiên cứu khoa học, họ được hưởng lương theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng họ được co giãn về thời gian. Vì họ vẫn phải làm việc ở nước ngoài, mà đó mới chính là cầu nối tri thức giữa trong và ngoài. Và họ đang thành công. Nếu nhìn vào danh sách các nghiên cứu khoa học đăng tải trong những năm gần đây, các tác giả Trung quốc đã có một số lượng đáng nể, và đằng sau đó, dễ dàng nhận thấy “kiến trúc sư” của công trình là người Trung quốc ở nước ngoài. Một thí dụ điển hình trong ngành Y sinh học mà một đồng nghiệp của chúng tôi làm được đó là Hong-Wen Deng (chỉ cần vào trang nhà www.pubmed.gov, một thư viện điện tử y sinh học quốc gia của Mỹ, gõ tên Deng HW, sẽ thấy). Đây là một điểm đáng để học hỏi.
Hoặc ở Thái lan, về ngành Y khoa, tất cả các bác sĩ sau tốt nghiệp phải đi phục vụ xa, sau đó mới quay lại Bang Kok, muốn vào các bệnh viện điểm ở Bang Kok, các bác sĩ còn phải đi tu nghiệp (nghiêm chỉnh) ở nước ngoài, cụ thể là Mỹ, Anh, Úc và các nước đã phát triển thì mới được vào làm. Tuy nhiên, hệ thống tuyển dụng nhân viên của họ minh bạch và công bằng. Chúng tôi có một đồng nghiệp trẻ người Thái lan. Anh này đến làm việc ở chỗ chúng tôi với tư cách thực tập sinh. Anh ta rất “lơ ngơ” về nghiên cứu khoa học mặc dù anh ta là bác sĩ, giảng viên của một trường đại học lớn ở Đông băc Thái lan. Thế nhưng anh ta rất khiêm tốn học hỏi, và cố gắng để học. Sau một năm, anh ta về lại Thái, và anh ta cứ rập khuông những gì anh ta đã thu lượm được ở chỗ chúng tôi. Anh ta vẫn tiếp tục liên lạc nhờ giúp đỡ và hợp tác với chúng tôi. Sau đó anh ta có đến trên 5 nghiên cứu khoa học (xuất phát từ Thái) được đăng tải trên tập san quốc tế. Anh ta liên tục nhận được những giải thưởng quốc gia cho nhà nghiên cứu trẻ đang lên. Sau đó anh ta được đề bạt phó Giáo sư tại trường. Anh xin được nhiều nguồn tài trợ trong nước, đến nỗi anh ta không biết phải làm gì với số tiền đó. Lại liên lạc với xếp chúng tôi để xin phương hướng nghiên cứu. Qua câu chuyện này để chúng ta có một bài học gì? Thái độ cầu tiến, khiêm tốn học hỏi, áp dụng những tri thức mình học được, có trách nhiệm với công việc mình làm và chí công vô tư với ngân sách nghiên cứu (tiền của nhân dân). Ngược lại, phía lãnh đạo đã cho phép những người đi học về được làm, được trải nghiệm những gì đã học được, có chế độ đãi ngộ công bằng cho những người làm được việc. Mẫu chuyện nhỏ nhưng là một bài học lớn.
Tóm lại, có nhiều mẫu chuyện, nhiều mô hình mà chúng ta có thể thu lượm, điều nghiên, cân nhăc để áp dụng một cách đúng đắn để nhằm một mục đích tối hậu: cải tổ và thúc đẩy nền khoa học nước nhà kịp bước với đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
———-
* Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan-Sydney, Australia