Nhà nước kiến tạo
Những cố gắng của Chính phủ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cách nghĩ và cách làm của chúng ta. Chúng ta thật sự đang đi những bước đầu tiên trên con đường chuyển đổi từ mô hình nhà nước quản lý toàn diện sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển.
Nhà nước kiến tạo phát triển thì không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể mưu cầu hạnh phúc. Khi và chỉ khi hàng triệu người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến với đất nước ta. Điều quan trọng là phải xây dựng một nhà nước bé nhất có thể, nhưng một xã hội công dân lớn nhất có thể. Xã hội hóa là một bước đi cụ thể theo hướng này. Chúng ta thúc đẩy xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực to lớn từ xã hội, mà còn để trả lại cho xã hội những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Ngoài ra, để xây dựng một bộ máy nhà nước bé nhất có thể, chúng ta còn cần phải làm cho bộ máy hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.
Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước biết làm cho người dân trở nên thực sự có quyền lực. Mở rộng dân chủ, bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách là rất quan trọng. Chỉ có mở rộng dân chủ, chúng ta mới có thể xác lập được chế độ trách nhiệm trước dân và hệ thống khuyến khích phục dân. Chỉ có bảo đảm sự tham gia của người dân chúng ta mới có thể làm cho chính sách, pháp luật gần với cuộc sống hơn, phản ánh đúng ý nguyện và lợi ích của người dân hơn.
Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước tuân thủ pháp quyền. Pháp luật trước hết ràng buộc nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách đến việc thực thi pháp luật, các quan chức đều cần bảo đảm một cách chắc chắn rằng pháp luật cho phép họ làm như vậy. Trước khi hành động mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Việc áp dụng các chế tài của pháp luật nặng với dân, mà nhẹ với quan là không thể chấp nhận được.
Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nươc biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền, mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả, và xã hội kém năng động. Một cơ chế để người tài được tuyển chọn cũng hết sức quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách nhiệm rất rõ ràng, để những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho được người tài (không chọn được người tài không thể hoàn thành được công việc). Tất nhiên, cũng phải trao quyền tuyển chọn cho quan chức này.
Nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước biết bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các phiên chất vấn, giải trình trước Quốc hội và hoạt động tranh luận ở Quốc hội là những công cụ hết sức quan trọng ở đây. Chúng làm cho chính sách và hành động của các cơ quan nhà nước trở nên rõ ràng, minh bạch. Quốc hội, đặc biệt là các phiên họp toàn thể của Quốc hội, cung cấp cho các quan chức nhà nước một diễn đàn hết sức quan trọng và hiệu quả để giải trình không chỉ với các vị đại biểu, mà còn với đông đảo nhân dân. Biết sử dụng diễn đàn này để giải trình, để làm cho các quyết định và chính sách của mình trở nên minh bạch là một kỹ năng quan trọng đối với tất cả các chính khách và các nhà lãnh đạo. Ngoài ra, giải trình trực tiếp với nhân dân cũng rất quan trọng. Chương trình “Dân hỏi, bộ trưởng trả lời”, các chương trình giao lưu trực tuyến qua các cổng thông tin điện tử là những cố gắng cụ thể theo hướng này.