Nhà thơ lớn của nửa cuối thế kỷ XX

Biết ông từ lâu nhưng tôi vẫn bị bất ngờ khi Lê Đạt bảo tôi làm bìa cho tập Bóng Chữ. Tôi tìm bản rập một hoa văn gốm Trần trên giấy Dó, nhờ anh Đỗ Huy chụp rất kỳ công cho được cả những tầng bóng đổ nhoè như sương khói của các ‘tín hiệu thị giác’ cổ kính và mộc mạc kia. Bìa xấu, NXB không ưng nhưng ông nhất định đòi in. Tập Bóng Chữ gây ra một cuộc tranh luận lớn về thơ, ngôn ngữ và thi pháp. Các bài viết in thành một tập dày để tham khảo. Tôi cũng viết một bài về tập thơ mà tôi cho là rất “lạ” và đẹp này.

Sáng 14/4 vừa qua, ở trang trại Ma Đ’răc, vì cùng mệt không vào rừng chơi tôi may mắn được đàm đạo thơ và họa cùng lão thi nhân lần cuối. Lê Đạt thông tuệ minh mẫn và thẳng thắn tới (cuối) cùng. Ông bảo “Tranh Ph. thì thường nhưng Ngh. thì ghê đấy!”. Ông bình luận về Picasso, Matisse và Toulouse-Lautrec như một nhà phê bình mỹ thuật thực thụ. Mái tóc húi ‘cua’ bờm xờm lắc lư, cái miệng chúm chím trẻ thơ hóm hỉnh và đôi mắt biết cười thật ‘minh triết’ hiếm hoi. Khó mà không bị bất ngờ trước các ‘phán xét’ chính xác, gọn gàng, đánh ‘rụp’ như những nhát rìu tạc tượng gỗ của Lão phu – chữ về một con người hay tác phẩm nào đó.


Lưu bút bài thơ Bóng chữ của nhà thơ
Lê Đạt viết tặng Phó TBT Hoàng Thu Hà

Tôi nói với ông về các nhà thơ tiếng Việt. Nhà thơ lớn, tập thơ lớn phải là những ‘miền khí hậu’ riêng biệt. Ở đó kẻ hợp thì sảng khoái, khoẻ khoắn, sung sướng, kẻ không hợp thì bức bối khó chịu, thậm chí sinh bệnh, kẻ chưa quen thì hắt hơi xổ mũi qua loa rồi quen dần và khám phá. Chỉ các ‘miền khí hậu’ mới lạ mới thực sự mở rộng vương quốc của nghệ thuật, thi ca. Tôi nói mà không nịnh rằng nửa cuối thế kỷ 20 có hai tập thơ tạo được miền khí hậu là Kinh Bắc của Hoàng Cầm và Bóng Chữ của ông. Lê Đạt ảnh hưởng không nhỏ về thi pháp với nhiều nhà thơ già và trẻ nhưng học ông là rất khó.
Ông bảo: “Ngay cả chữ phu chữ nó cũng tự nhiên bật ra chứ ‘tao‘ có nghĩ ra đâu!” Thơ, chữ là phải tự nhiên sinh ra chứ không học mà được, cố mà được. Có lẽ phu chữ là cái nghiệp, là cái hạnh ngộ giời cho với cái đẹp chứ không phải sự kỳ khu làm chữ, đẽo chữ, nung nấu, khuân vác chữ… Ai ngờ đó là cuộc đàm đạo cuối cùng, nơi rừng suối.
Lê Đạt,một nhà thơ lớn cuối cùng của thế kỷ xx của chúng ta vẫn mãi còn đây, để
… trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa mây mấy độ thu
… bóng chữ động chân cầu
.”

Sài Gòn 21/4/2008

Nguyễn Bỉnh Quân

Tác giả

(Visited 24 times, 1 visits today)