Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám: LỊCH SỬ VÀ ĐIỂM THI MÔN LỊCH SỬ
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử có sức âm vang sâu lắng và gợi dậy mãnh liệt những suy tư về đất nước, về dân tộc, về con người. “Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho các vấn đề gặp phải”. Đó là nhận xét của một nhà văn hóa Pháp trong một hội thảo khoa học tại Hà Nội cách đây cũng đã khá lâu về “truyền thống và hiện đại”. Cách mạng Tháng Tám là một chứng minh sinh động cho tính độc đáo đó.
Khác nào một phản ứng dây chuyền, mệnh lệnh khởi nghĩa như được phát ra từ trái tim yêu nước vốn lưu chuyển trong huyết quản giòng máu quật khởi, cả dân tộc ào lên như nước vỡ bờ, chớp lấy thời cơ, giành lấy chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra: “Sử ta dạy cho ta bài học này: lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Bài học lớn ấy, mỗi người Việt Nam phải nhớ nằm lòng. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, bài học ấy đã thấm vào máu Việt Nam. Và đấy chính là cội nguồn của cái “khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho các vấn đề vấp phải”.
Bởi lẽ,“lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được. Và nếu không có ý thức đó thì sẽ không thể có nền văn hoá độc đáo, không thể có nền văn minh thật sự” (Fernand Braudel). Trong tính phổ quát ấy, với dân tộc ta, lại càng phải thấy rõ rằng: “Văn hóa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc, nó làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua được”(Phạm Văn Đồng). Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội .
Phải chăng là cái nền tảng ấy có vấn đề với sự hiểu biết về lịch sử của các “cô tú, cậu tú” đang mon men bước vào cổng trường Đại học trong kỳ thi tuyển sinh vừa rồi. Trong 4622 thí sinh thi vào Đại học Sư phạm Hà nội, có đến 655 thí sinh bị điểm 0 (chiếm 15%) và chỉ có 6 thí sinh được điểm 8 trở lên, so với năm ngoái là 103/5399. Tại Đại học Đà Lạt, điểm 0 nhiều nhất thuộc môn lịch sử (1022). Cũng năm ngoái, nếu tính gộp cả bốn trường đại học, trong đó ba là Sư phạm, nghĩa là trường đào tạo ra những người thầy dạy lịch sử, thì 58,5% thí sinh có điểm lịch sử từ 1 trở xuống.
Đừng quên rằng, Đại học, theo ông cha ta, là “cái học để làm người lớn” [Đại học giả, đại nhân chi học dã”]. Và cũng đừng quên, hai chữ “đại nhân” trong Kinh Dịch thường hàm nghĩa người tài đức! Liệu những “người lớn”, “người tài đức” của đất nước mà sự hiểu biết về lịch sử dân tộc mình như vậy, thì rồi đất nước này sẽ ra sao đây? Liệu cái khả năng “tìm ra những giải pháp độc đáo cho các vấn đề gặp phải ” có bị mai một với những người có thể sắp trở thành “đại nhân” kia không?
Người ta đã phân tích và tìm nguyên nhân trong cách dạy, cách học môn sử, sự khô khan, mòn sáo “thiếu lửa” trong sách giáo khoa. Nhưng đâu chỉ riêng môn sử. Điểm của môn địa lý cũng chẳng mấy khả quan hơn. Rồi điểm môn văn. Để biết “văn là người”, xin hãy đọc “những bài văn dễ sợ” mà một giám khảo đã trích đăng trên báo1. Nhưng, để hiểu từ đâu có những bài “văn dễ sợ” đó, có lẽ phải đọc “hệ thống sách ngữ văn lớp 10 bao gồm sách giáo khoa, sách giáo viên và tài liệu bồi dưỡng, chỉ đạo thực hiện chương trình, sách giáo khoa” do Phan Trọng Luận, Trần Đình Sử chủ biên*.
Xin chỉ lấy ra một ví dụ: người soạn sách hướng dẫn giáo viên phải “Kết hợp, tích hợp giáo dục môi trường khi giảng bài “Đại cáo bình Ngô”: lúc lên án tố cáo tội ác kẻ thù, tác giả tố cáo hành động hủy diệt môi trường sống. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời-Nặng thuế khóa sạch không đầm núi(…), với những câu văn trên, Nguyễn Trãi là “người xưa của ta nay” trong vấn đề bảo vệ môi trường”. Chẳng những thế, người biên soạn còn hùng hồn hơn: “Giáo viên cần lưu ý cho học sinh rằng, bằng linh cảm thiên tài, Nguyễn Trãi đã đề cập vấn đề môi trường sống” (trang 21). Hướng dẫn dạy và học như thế, thì đương nhiên thi cũng phải “tương thích”! Hãy xem đề thi trắc nghiệm với đề bài “Tỏ lòng”, tức là bài “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão. Sách đã đưa ra mô hình trắc nghiệm như sau: “Bài thơ “Tỏ lòng” được sáng tác trong thời kỳ nào: A: nhà Tống; B: nhà Đường; C: nhà Minh; D: nhà Thanh. Và đáp án là B!* Làm sao có thể tách bạch ra đâu là sự thiếu hiểu biết về kiến thức lịch sử, đâu là sự méo mó trong cảm thụ văn chương, đâu là sự sai lầm về phương pháp, hay đâu là sự tắc trách của những người chủ biên đã không đọc kỹ tác phẩm biên soạn “Bồi dưỡng, chỉ đạo thực hiện chương trình…” mà mình đứng tên.
Lê Quý Đôn trong “Quần thư khảo biện” đã cảnh báo: “Nếu tài sức chưa làm nổi thì cũng thành một người biết bồi bổ nguyên khí cho nước. Còn nếu dùng chút ít hiểu biết riêng của mình thì dù bằng hình danh pháp thuật có thỏa mãn được một thời, nhưng rồi sẽ để độc hại đến đời sau”2. Chắc ai cũng biết, văn, sử, địa, những bộ môn được xếp vào “khoa học xã hội”, bộ môn khoa học được xác định là khoa học về người, về mối quan hệ giữa người và người. Chẳng trách mà “học sinh quay lưng với ban khoa học xã hội” như một tờ báo đã giật tít lớn khi phản ánh về việc tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội.3
Liệu đã quá chín muồi để có sự kiểm nhận một cách nghiêm cẩn và thật khách quan, trung thực về thực trạng của ngành khoa học này chưa? Nếu giáo dục và đào tạo là một hệ thống lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng và kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội, thì cần phải đặt hệ thống ấy vào trong một hệ thống lớn hơn của khoa học xã hội để đánh giá đúng thực trạng của nó, nhằm cung cấp kiến giải cho giáo dục và đào tạo. Làm hư hao, thất thoát “nguyên khí quốc gia” không chỉ quy trách nhiệm về riêng cho ngành Giáo dục-Đào tạo được.
Nếu Cách mạng Tháng Tám là minh chứng hùng hồn của “lịch sử cổ xưa và hiện đại” đã cho thấy “khả năng kỳ lạ của đất nước này” thì nhân thiết thực kỷ niệm 61 năm ngày lịch sử vẻ vang này, xin nêu lại bài học lịch sử mà Bác Hồ từng chỉ ra, để cùng suy ngẫm về cái nền tảng tinh thần của xã hội, đặng có một cách nhìn sâu hơn, quyết liệt hơn những hiện tượng vừa nêu trên. “Vô viễn lự tất hữu cận ưu”(Luận ngữ, thiên Vệ Linh công). Cần có cái nhìn xa để lo xa, nhằm tránh cái buồn gần khó tránh!
Chú thích :
* Báo “Tuổi Trẻ” ngày 7.8. 2006. Vì không có điều kiện đọc những sách nói trên, tôi dựa vào bài báo này. Nếu báo đưa tin không chính xác thì tôi xin lỗi các soạn giả .
1. Báo “Tuổi Trẻ” ngày 26.7.2006
2. Lê Quý Đôn. “Quần thư khảo biện” NXBKHXH. Hà Nội 1995, tr.468
3. Báo “Thanh Niên” ngày12.8.2006
Chú thích ảnh: Hai chiến sĩ- Tô Ngọc Vân