Nhân lực cho khoa học và giáo dục đại học
Tuy số những bài báo, phóng sự, phản biện… rung chuông về thực trạng đáng buồn của khoa học (KH) và giáo dục đại học (GDĐH) nước nhà ngày càng tăng, dường như chúng ta có vẻ bắt đầu “quen” với những hồi chuông này và chấp nhận hiện thực là hai lĩnh vực thiết yếu trên sẽ tiếp tục vận hành không hiệu quả, với những bất cập mà có khi đến những thế hệ sau cũng chưa khắc phục được (mặc dù đầu tư của Nhà nước và xã hội cho KH và đặc biệt cho GDĐH vẫn đang tăng nhanh cùng với sự tăng trưởng của kinh tế đất nước).
Các nguyên nhân sâu xa đưa tới hiện trạng yếu kém của KH và GDĐH đã được phân tích nhiều trong những phát biểu của các nhà khoa học, các nhà giáo tâm huyết trong nước như GS Phạm Duy Hiển trên Tạp chí Tia Sáng và GS Chu Hảo trên trang VietnamNet… Tuy nhiên, những ý kiến sâu sắc mới đây của GS Pierre Darriulat (một nhà Vật Lý nổi tiếng thế giới hiện đang định cư ở Hà Nội) trên Tạp chí Tia Sáng cảnh báo về nạn chảy máu chất xám của nền KH nước nhà là đặc biệt ấn tượng. Làm sao ta chấn hưng được nền KH và GDĐH của Việt Nam khi mà nguồn sức trẻ mà lẽ ra phải là thành phần chính của “nguyên khí” quốc gia lại dễ dàng bị hấp thụ bởi thị trường, ra nước ngoài phục vụ những nền KH, GDĐH và kinh tế của các quốc gia phát triển. Ta phải khẳng định rằng cho dù có một nguồn tài chính dồi dào, công cuộc cải cách KH và GDĐH sẽ thất bại nếu chúng ta không thu hút được nguồn nhân lực cần thiết bằng những chế độ đãi ngộ thích đáng và không từ bỏ được cơ chế hành chính nặng nề hiện nay. Với hơn 70% số nhân lực hiện nay đang làm các công việc “quản lý hành chính” khác nhau, lực lượng chất xám thực sự trong KH và GDĐH đang ngày càng giảm và không thấy có một triển vọng tăng trưởng trong tương lai. Cơ chế hành chính nặng nề tiếp tục đưa không ít cán bộ trẻ thế hệ 6x và 7x được nhận vào các cơ sở KH và GDĐH vào các công việc quản lý để hỗ trợ hoặc thay thế các cán bộ hành chính nghỉ hưu. Thêm vào đó là không ít các nhà KH, nhà giáo đã từ bỏ nghiên cứu KH và giảng dạy để ra thị trường làm những công việc kinh doanh với thu nhập cao hơn (mà thường lại với ít chi phí chất xám hơn). Kết quả là số người thực sự làm các công việc trí óc sáng tạo thực sự đang giảm và các Viện, Trường đang rơi vào cảnh thiếu nghiêm trọng nhân lực chuyên môn trình độ cao. Ta có thể vẫn tiếp tục phải chấp nhận một bệnh trạng yếu của KH và GDĐH nước nhà, nhưng với những chẩn đoán công tâm của một người bạn quốc tế, đã đến lúc mỗi chúng ta phải thấy rõ hơn được mức độ trầm trọng của nó.
————————————–
(Nhân bài viết của GS Pierre Darriulat về nạn chảy máu chất xám)