Nhìn lại mạng xã hội toàn cầu năm 2020: Chấm dứt chủ nghĩa tân tự do công nghệ?
Năm 2020, “năm thứ nhất” của đại dịch Covid-19, là một năm đánh dấu không chỉ sự khủng hoảng sức khỏe cộng đồng mang tính lịch sử mà còn là một năm mà nhiều biến động trong việc quản lý mạng xã hội được diễn ra tại Mỹ. Từ việc chính quyền Trump yêu cầu TikTok cần được mua lại bởi một doanh nghiệp Mỹ để có thể được tiếp tục kinh doanh tại nước này, đến việc Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khởi kiện chống độc quyền với Facebook, năm 2020 là một năm chứng kiến nhiều sự thay đổi quan trọng trong việc các đơn vị quản lý công nghệ nhìn nhận vai trò và vị trí của mạng xã hội.
Trump ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của TikTok bán lại toàn bộ việc kinh doanh của mình cho Mỹ trong 90 ngày vào 8/2020.
Chủ quyền dữ liệu là nền tảng cho gọng kìm quản lý mạng xã hội trong thập niên mới
Xung đột địa-chính trị căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump mở rộng đến phân khúc công nghệ thông tin tiêu dùng khi Trump ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance, công ty mẹ của mạng xã hội TikTok, bán lại toàn bộ việc kinh doanh của mình cho Mỹ trong vòng 90 ngày vào tháng 8/2020. Trước khi sắc lệnh này được ký một tháng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đánh tiếng cảnh báo người dân Mỹ trước việc dữ liệu cá nhân của họ có thể bị mang giao cho “Đảng Cộng sản Trung Quốc” trên kênh truyền hình Fox News. Trước khi chính quyền liên bang có những động thái kịch liệt như trên, từ tháng 10/2019, khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đến giai đoạn cao trào, hai Thượng nghị sĩ là Chuck Schumer và Tom Cotton đã lên tiếng kêu gọi mở ra cuộc điều tra TikTok cùng với lý do rằng “với hơn 110 triệu lượt tải xuống chỉ riêng ở Mỹ, TikTok là một mối đe dọa phản tình báo tiềm tàng mà chúng ta không thể bỏ qua”.
Cần phải nói thêm rằng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có động thái cực đoan với TikTok, và nói rộng hơn là các công ty công nghệ thông tin và mạng xã hội của Trung Quốc. Từ tháng 6/2019, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên cấm 59 ứng dụng do các công ty Trung Quốc phát triển vì lo ngại rằng các ứng dụng này đang tham gia vào các hoạt động đe dọa “an ninh quốc gia và quốc phòng của Ấn Độ, dẫn đến ảnh hưởng đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ”. Chính phủ Ấn Độ cho biết Nhóm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính của nước này đã nhận được nhiều “thông tin từ công dân liên quan đến bảo mật dữ liệu và vi phạm quyền riêng tư ảnh hưởng đến các vấn đề trật tự công cộng”, và dùng đây làm lí do cho việc cấm các ứng dụng của Trung Quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, bao gồm cả TikTok. Việc sắc lệnh cấm này xảy ra trong bối cảnh tinh thần bài trừ Trung Quốc ngày càng tăng cao ở Ấn Độ, sau khi hơn 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ quân sự với Trung Quốc trên dãy Himalaya trước đó không lâu.
Liệu có cơ sở thực tiễn nào cho những buộc tội phản tình báo mà Mỹ và Ấn Độ đưa ra với các ứng dụng công nghệ và mạng xã hội của Trung Quốc, hay liệu đây là những động thái thuần chính trị? Tại thời điểm của bài viết, những cáo buộc của Chính quyền Trump về việc TikTok làm rò rỉ thông tin người dùng Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc đã bị Thẩm phán Carl Nichols bác bỏ tại Tòa án Quận (District Court) của Mỹ. TikTok giữ vững tuyên bố rằng toàn bộ dữ liệu người dùng tại thị trường Mỹ được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Mỹ, và được sao lưu tại máy chủ đặt ở Singapore. Chính quyền Trump đã lên tiếng sẽ đệ đơn kháng kiện cho quyết định này lên Toà Phúc thẩm, dù Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ sớm nhậm chức vào cuối tháng 1/2021. Liệu tân Tổng thống Biden có tiếp tục cuộc chiến pháp lý với TikTok và các công ty công nghệ Trung Quốc hay không sẽ là vấn đề được quan tâm lớn trong thời gian tới, nhất là khi ông Biden được bình luận rộng rãi là sẽ có chủ trương mềm dẻo hơn trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tại thời điểm của bài viết, dù Oracle, một ông lớn trong ngành công nghệ thông tin Mỹ, đã đánh bại Microsoft trong việc đấu thầu mua lại TikTok tại Mỹ, cuộc chiến pháp lý lê thê ở các cấp và sự chuyển giao chính quyền tại Mỹ vào năm 2021 khiến tương lai của cuộc chuyển nhượng này trở nên khó đoán được kết quả. Mối quan hệ thân thiết giữa Larry Ellison, đồng sáng lập công ty Oracle, và Tổng thống Trump cũng là đề tài được giới báo chí Mỹ mổ xẻ song song với những phân tích từ các chuyên gia công nghệ cho rằng việc Oracle trở thành công ty “chủ nhà” cho những hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ sẽ không giải quyết được những vấn đề đáng lo ngại mà Trump đã đưa ra, khi mà các hoạt động cốt yếu như phát triển sản phẩm, xử lý thuật toán, và quản lý phần mềm vẫn còn hoàn toàn nằm trong quyền quyết định và bảo mật của ByteDance ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia còn nhận định rằng việc phê duyệt cho Oracle được trở thành đối tác của ByteDance tại Mỹ phần lớn là một giải pháp mang tính cứu vãn danh dự cho Tổng thống Trump, góp phần tô đậm hình ảnh chống Trung Quốc vốn đã làm nên thương hiệu chính trị cho ông.
Hai mạng xã hội lớn nhất của Mỹ là Facebook và Twitter đã có những động thái khác biệt khi đối phó với tin sai sự thật liên quan đến đại dịch Covid.
Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội trở thành cuộc chiến chính trị
Năm 2020 cũng là một năm sóng gió cho các công ty mạng xã hội nội địa ngay tại trên lãnh thổ Mỹ. Cần lưu ý rằng, dù chính quyền Mỹ liên tục đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng về xâm hại quyền bảo mật dữ liệu lên các công ty Trung Quốc, việc bảo vệ dữ liệu người dùng và yêu cầu minh bạch quản lý dữ liệu của mạng xã hội tại Mỹ không hề được quy định rõ ràng bởi một bộ luật liên bang nào (trái ngược với bộ luật GDPR của châu Âu). Tại Mỹ, việc quản lý bảo mật dữ liệu người dùng được quy định bằng cách chắp vá các luật dành riêng cho từng ngành cụ thể, bao gồm các luật và quy định liên quan đến viễn thông, thông tin y tế, thông tin tín dụng, tài chính, và tiếp thị. Hai mạng xã hội lớn nhất của Mỹ là Facebook và Twitter trong năm qua đã có những động thái hoàn toàn khác biệt khi đứng trước thách thức tin giả sức khỏe liên quan đến đại dịch Covid-19 và tin giả chính trị trong bầu cử tổng thống tại Mỹ.
Facebook chịu phê phán nặng nề từ nhiều phía khi công ty này từ chối kiểm chứng độ xác thực của các mẩu tin quảng cáo chính trị trên mạng xã hội của mình và lặng lẽ hủy bỏ chính sách cấm tuyên truyền tin sai sự thật trong việc quảng cáo trên trang mạng này. Tờ Guardian của Anh đã nhanh chóng đưa tin ngay sau khi Facebook lặng lẽ đưa ra một điều khoản miễn trừ cụ thể cho các quảng cáo chính trị chỉ hơn một tuần sau khi Mark Zuckerberg tổ chức một cuộc họp kín với Tổng thống Trump, góp phần tạo cơ sở cho Facebook “làm ngơ” trước những thông tin lệch lạc gây ngộ nhận trong chiến dịch tái tranh cử của Trump. Trước sức ép dư luận, Facebook đồng ý giới thiệu tính năng dán nhãn cho tin sai và tin thiếu kiểm chứng; ngược lại với Facebook, Twitter nhanh chóng dẫn đầu trong việc dán nhãn tin sai và tháo gỡ tin sai liên quan đến Covid-19 và bầu cử tổng thống tại Mỹ. Liên tục dán nhãn tin sai và tin thiếu kiểm chứng lên các tweet được Donald Trump gửi ra, Twitter lại gánh chịu nhiều đả kích bởi các thành viên Đảng Cộng hòa ở Mỹ với cáo buộc rằng trang mạng xã hội này thiên vị cho phe cánh tả. Có thể nói, việc kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội tại Mỹ đã được chính trị hóa đậm nét, khiến việc phân định “giả, thật” trên mạng xã hội ngày càng mang tính tương đối.
Khởi kiện chống độc quyền và tương lai của các mạng xã hội lớn
Năm 2020 cũng là năm mà sự kinh doanh đa phân khúc của các tập đoàn mạng xã hội lớn lần đầu tiên được mang ra soi xét dưới góc độ pháp luật một cách thực tế. Dù việc khởi kiện chống độc quyền các công ty công nghệ khổng lồ ở Mỹ không mới (Microsoft đã từng bị buộc tội độc quyền khi thu mua Netscape với mục đích và hệ quả là dập tắt cạnh tranh), việc bành trướng thu mua Instagram và Whatsapp của Facebook vào các năm 2012 và 2014 đã gây nên nhiều sự bất bình và lo lắng trong việc Facebook ngày càng trở thành “đại gia” dữ liệu và trở nên quá quyền lực trong việc theo dõi và kiếm tiền từ hành vi người dùng mà không phải chịu trách nhiệm giải trình với một thẩm quyền độc lập nào. Mãi đến năm 2020, sau khi trải qua hàng loạt các vụ bê bối trên mọi phương diện về quyền riêng tư người dùng, minh bạch quản lý dữ liệu, hay quản lý nội dung tin giả trên trang mạng của mình, Facebook mới thực sự đứng trước nguy cơ phải thay đổi cách vận hành của tập đoàn khi FTC chính thức khởi kiện Facebook dưới bộ luật chống độc quyền. Việc Facebook bị khởi kiện một cách có hệ thống dựa trên luật chống độc quyền, một trong những bộ luật có nền tảng vững chắc nhất tại Mỹ, dường như là một tiến triển bất khả kháng. Việc kìm hãm sự bành trướng quyền lực của Facebook từ phía chính quyền Mỹ nếu không diễn ra theo cách này thì sẽ là cách khác; việc bộ luật chống độc quyền là cơ sở cho “trận chiến” lần này là biểu hiện của những điều kiện phù hợp đặc trưng trong hệ thống pháp luật Mỹ trong việc hướng tới mục tiêu giảm thiểu tầm ảnh hưởng của Facebook lên các phương diện chính trị và xã hội.
Điều đáng lưu ý ở đây là sự thành bại của vụ kiện lần này lệ thuộc rất lớn vào những email mà Mark Zuckerberg đã gửi ra trong giai đoạn thu mua lại Instagram và Whatsapp. Trong cáo buộc mà FTC đưa ra, FTC đã dẫn chứng nội dung do chính Mark Zuckerberg soạn thảo trong những email nội bộ gửi ra cho nhân viên với nội dung thừa nhận mục tiêu mua lại Instagram hay Whatsapp nhằm loại trừ cạnh tranh và áp lực lên hoạt động của Facebook. Liệu những chứng cứ này có thành công trong việc buộc tội Facebook và khiến Facebook phải chia nhỏ các dịch vụ con của mình hay không còn phải trông chờ vào kết quả quyết định của toà án, bởi lẽ luật chống độc quyền được xây dựng dựa trên kết quả, chứ không phải ý định phá hoại cạnh tranh, của các hoạt động thương mại.
Thập niên mới của gọng kìm quản lý mạng xã hội?
Điểm trớ trêu nhất của những diễn biến gây tranh cãi về quản lý mạng xã hội tại Mỹ trong năm nay có lẽ là sự tương đồng trong cách Mỹ theo đuổi chủ trương “triệt hạ” các mạng xã hội ngoại bang như là một “tác dụng phụ” của các cuộc chiến thương mại chính trị và những chỉ trích của Mỹ dành cho Trung Quốc khi chính quyền Trung Quốc cấm các công ty công nghệ như Google, YouTube, hay Facebook hoạt động tại đất nước này. Nhiều chuyên gia đưa ra nhận xét, thời đại của chủ nghĩa tân tự do công nghệ đã thực sự chấm dứt khi chính quyền các nước, đặc biệt là chính quyền Mỹ với cơ sở pháp lý phát triển, ngày càng hướng mũi tấn công vào các tập đoàn công nghệ với mục tiêu kìm hãm mang động cơ chính trị rõ nét.
Việc tăng cường quản lý và siết chặt hoạt động của mạng xã hội toàn cầu sẽ là một xu hướng khó thay đổi trong thập niên mới. Liệu việc quản lý này có thể vượt ra ngoài những động cơ chính trị thuần tuý như những diễn biến đã xảy ra vào năm 2020 hay không là một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ. Việc chính quyền tại Mỹ – cái nôi của chủ nghĩa tân tự do công nghệ và là nơi hình thành những mạng xã hội toàn cầu có quyền lực lớn nhất hành tinh hiện nay – có những động thái mang tính cực đoan trong quản lý mạng xã hội đã tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho việc chính quyền các nước nhập khẩu sản phẩm công nghệ mạng xã hội lạm dụng quyền xử phạt và cấm đoán dựa trên tinh thần tự tôn dân tộc được thổi phồng một cách thái quá.□