Những điều cần bàn về lời nói đầu Hiến pháp 1992
Lời nói đầu của Hiến pháp Việt Nam hiện hành dài kỷ lục - chín câu, 538 từ - và kiêm nhiệm nhiều chức năng không phải của một bản hiến pháp thông thường. Lời nói đầu của một bản hiến pháp thông thường cần thể hiện những nội dung gì?  
Hiến pháp là sự thể hiện ý chí đồng thuận về việc thành lập nên một nhà nước và trao quyền cho bộ máy nhà nước. Sự thỏa thuận này được luật tư gọi là hợp đồng. Và một nhân tố của hợp đồng cần được thể hiện là mục đích của hợp đồng. Mục đích của hợp đồng hay mục đích của hiến pháp là lý do để các bên của hợp đồng đến với nhau, là lý do của nhân dân ủng hộ nhà nước.
Mục đích của hợp đồng hay mục đích của hiến pháp cũng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề giải thích hợp đồng. Khi ngôn từ trong từng điều khoản của hợp đồng có chỗ nào không rõ thì mục đích hợp đồng là ngọn hải đăng dẫn đường cho việc giải thích. Mục đích hợp đồng cũng đòi hỏi việc giải thích hợp đồng hay hiến pháp phải mang tính hệ thống, các điều khoản không được tách rời nhau; khi hai điều khoản của hiến pháp cùng liên quan một vụ việc nhưng có nội dung mâu thuẫn nhau thì không thể nói rằng điều A có hiệu lực cao hơn điều B mà chỉ có thể nói rằng điều A phù hợp với mục đích của hiến pháp, còn điều B thì không.
Chính vì vai trò quan trọng như vậy của mục đích hiến pháp, nên lời nói đầu của các bản hiến pháp văn minh thường thể hiện rất rõ nét.
Lời nói đầu Hiến pháp Liên bang Hòa Kỳ năm 1787 vỏn vẹn một câu như sau:
“Chúng tôi, nhân dân Hợp chúng quốc, với mục đích xây dựng một Liên bang hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước và sự phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong liên minh, giữ vững nền tự do cho bản thân và các thế hệ mai sau, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc Mỹ châu.”
Hoàn toàn tương tự, lời nói đầu của Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, cũng tóm gọn mục đích và chủ thể của hiến pháp trong một câu:
“Ý thức về trách nhiệm trước Thượng đế và loài người, với mong muốn gìn giữ hòa bình thế giới với tư cách là một thành viên bình đẳng trong một liên minh châu Âu, thông qua cơ quan lập hiến của mình, nhân dân Đức đã tự ban hành nên bản hiến pháp này.”
Hiến pháp cũng như hợp đồng đều thể hiện sự thống nhất ý chí giữa các bên liên quan. Và vì vậy trong hiến pháp cũng như trong hợp đồng không thể nào thiếu thông tin về các chủ thể liên quan. Trong hợp đồng theo luật tư thì thông tin về bên A, bên B được ghi rất chi tiết, nhưng trong hiến pháp thì thông tin về bên A rất ngắn gọn: nhân dân; có thể trực tiếp như Lời nói đầu Hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ, Liên bang Đức: “chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, “nhân dân Đức” hoặc gián tiếp như Lời nói đầu Hiến pháp 1946: “Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên”.
Việc thể hiện thông tin về chủ thể của hợp đồng liên quan chặt chẽ tới hiệu lực hợp đồng. Theo Điều 127 Khoản 1 điểm a và Điều 410 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005, thì một hợp đồng dân sự khi không rõ chủ thể, nhầm lẫn chủ thể, chủ thể không đủ năng lực đều có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu. Đối với hiến pháp cũng vậy, những khiếm khuyết liên quan chủ thể lập hiến có thể dẫn đến một bản hiến pháp không còn giá trị.
Bằng ngôn ngữ gián tiếp, nhưng lời nói đầu của Hiến pháp 1946 đã thể hiện thành công cả chủ thể và mục đích của hiến pháp.
Chủ thể quyền lập hiến theo Hiến pháp 1946 là “quốc dân” (nhân dân), và được thể hiện như sau:
“Được quốc dân giao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”.
Còn mục đích của hiến pháp là:
“độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”.
Tiếp tục truyền thống dùng ngôn ngữ gián tiếp, lời nói đầu của các bản hiến pháp 1959, 1980 khá tản mạn. Mục đích của hiến pháp không được lời nói đầu hiến pháp 1992 đề cập và mãi đến năm 2001 mới được bổ sung như sau:
“Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,nhân dân Việt Nam nguyện phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Đổi ngôi chủ thể
Nếu như mục đích của hiến pháp không có sự thay đổi lớn, thì chủ thể của hiến pháp có sự “đổi ngôi” kể từ lời nói đầu Hiến pháp 1959. Nhân dân không còn là bên A mà trở thành bên B của khế ước trao quyền, nhân dân không còn quyền lập hiến như lời nói đầu Hiến pháp 1946 nữa. Kể từ Hiến pháp 1959, thì nhân dân không phải là chủ thể đứng ra giao quyền và nghĩa vụ cho nhà nước nữa, mà ngược lại: nhà nước đặt ra hiến pháp, và thông qua hiến pháp đặt ra quyền và nghĩa vụ của công dân. Còn nhân dân có một bổn phận hoàn toàn mới:
“Toàn thể nhân dân Việt Nam đoàn kết chặt chẽ dưới lá cờ bách chiến bách thắng của Đảng cộng sản Việt Nam, ra sức thi hành Hiến pháp“ (Đoạn 18 Lời nói đầu Hiến pháp 1980).
Sự “đổi ngôi” này đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của các cơ sở đào tạo luật học, và khẩu hiệu: “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” đã trở thành tinh túy của nền luật học Việt Nam sau 1959.
Hiến pháp như một tấm bia ghi công?
Lời nói đầu của các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đều liệt kê khá chi tiết các thành công của cách mạng.
Tôi không muốn bàn về “lịch sử hư, lịch sử ngoan”(1), tôi chỉ muốn cùng độc giả bàn về việc các luật gia Việt Nam bắt hiến pháp phải kiêm nhiệm thêm những chức năng không vốn có của nó: bia công đức và biên niên sử.
Liệu có phải việc đưa các thành công, chiến thắng vào Lời nói đầu của Hiến pháp sẽ giúp cho công dân Việt Nam không bao giờ quên các chiến thắng của cha ông mình?
Về tính khoa học của việc tiếp tục để Hiến pháp Việt Nam kiêm nhiệm thêm nhiều chức năng nữa hay không thì còn phải tranh luận thêm. Nhưng việc kiêm nhiệm chức năng là câu trả lời cho câu hỏi tại sao lời nói đầu của hiến pháp Việt Nam lại có độ dài kỷ lục như vậy.
LỜI NÓI ĐẦU HIẾN PHÁP 1992
Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, làm Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tiếp đó, suốt mấy chục năm, nhân dân các dân tộc nước ta đã liên tục chiến đấu, với sự giúp đỡ quý báu của bè bạn trên thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng, lập nên những chiến công oanh liệt, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân và đế quốc, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Ngày 2 tháng 7 năm 1976 Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế. Qua các thời kỳ kháng chiến kiến quốc, nước ta đã có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980. Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam đề xướng đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Hiến pháp này quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
—
(1) Xem thêm Phạm Anh Tuấn, Lịch sử Ngoan, lịch sử Hư…, ngày 11/8/2011 http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-08-10-lich-su-ngoan-lich-su-hu-