Những điều có thể học từ hệ thống giáo dục đại học tại Mỹ

Bài viết này tập trung trình bày những cái tinh túy nhất mà tôi quan sát được ở những trường học có chất lượng cao tại Mỹ - những điều có thể áp dụng trực tiếp cho đổi mới giáo dục tại Việt Nam. Vì thế, xin bạn đọc đừng cho rằng rằng tôi quá khen hệ thống giáo dục đại học tại Mỹ. Bài này gồm bốn phần: Đào tạo là để làm việc; Sinh viên; Giáo viên; Các vấn đề khác.

Đào tạo là để làm việc
Đào tạo tại Mỹ, nhìn chung, không nhằm vào việc tạo ra những con người hoàn hảo, những trí thức chung chung; mà nhằm đào tạo người để làm việc chuyên môn trong những ngành cụ thể, với những kỹ năng cụ thể, mục đích cụ thể. Để làm điều này, giáo dục đại học của Mỹ chú trọng ít nhất hai điều sau: (1) nó linh động thay đổi việc đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; và (2) nó khuyến khích sinh viên học theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.
Để làm điều thứ nhất, nó có thể co dãn lượng tiền đầu tư và số lượng sinh viên lấy vào cho mỗi ngành lớn và chuyên ngành hẹp trong đó, tùy theo xu hướng phát triển của xã hội. Ví dụ như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y tế và vật liệu là những ngành mũi nhọn cho phát triển thì các trường sẽ tăng lượng người nhận cho các ngành này, lấy nhu cầu cao hơn, cấp nhiều học bổng hơn; trong khi đó, nó thu hẹp dần những ngành không còn mấy khả năng ứng dụng như nhân chủng học, sử học, thần học. Hoặc ngành công nghiệp giải trí (phim ảnh, báo chí, thể thao, giải trí nói chung), ngành chăm sóc sức khoẻ tinh thần đang ngày càng bành trướng và là một trong những ngành vẫn tăng trưởng lợi nhuận so với các ngành công nghiệp cũ đang chết dần; thì các trường nói riêng và toàn nền giáo dục nói chung tăng đầu tư cho các ngành đó. Cũng phải nói thêm, điều này thực hiện được là vì các trường học của Mỹ, nhất là trường tư, khá độc lập về tài chính và vận hành không chịu các kiểm soát về khung chương trình bắt buộc hay sử dụng tài chính từ một thứ Bộ hay Sở giáo dục nào; tuy rằng họ cũng có hội đồng kiểm soát riêng.
Để làm điều thứ hai, khi nhận sinh viên vào trường, giáo dục Mỹ áp dụng một mô hình chuyên môn hóa đối với việc học. Thay vì việc dựng một khung chương trình bắt buộc mà tất cả các sinh viên của một ngành học phải theo học giống hệt nhau, các trường Đại học tại Mỹ chỉ yêu cầu sinh viên mỗi ngành học một số lớp cơ bản, có tính nền tảng cho ngành; còn lại, họ được tự do chọn lớp học bổ trợ theo ý họ; sao cho họ có thể củng cố kỹ nhất kiến thức trong chuyên ngành hẹp của mình và trở thành chuyên gia ở lĩnh vực của họ. Lấy ví dụ như trong ngành công tác xã hội; sinh viên sẽ phải học bắt buộc một số lớp về các lý thuyết đưa đến đói nghèo và bất bình đẳng xã hội, về phương pháp nghiên cứu, về phát triển con người, và phải thực tập bắt buộc 2 năm. Nhưng ngoài những đòi hỏi trên, sinh viên sẽ được tự do chọn lớp để học và chọn nơi thực tập sao cho phù hợp nhất. Nếu bạn muốn tập trung vào nhóm đối tượng trẻ em chẳng hạn, bạn có thể học thêm các lớp về sự phát triển sinh lý của trẻ em, về tâm lý trẻ em, về quá trình hình thành nhận thức ở trẻ, về cách mà đứa trẻ học, vân vân… Trong mỗi một lĩnh vực nhỏ này, bạn có thể tự chọn thêm các lớp chuyên sâu; lấy ví dụ như đối với quá trình phát triển tâm lý, bạn lại rẽ nhánh tập trung vào phát triển tâm lý của trẻ bình thường, hay là trẻ bị khuyết tật, hay trẻ nghèo, trẻ sinh trong gia đình mà bố mẹ li dị hoặc liên tục có xung đột. Nói tóm lại là bạn sẽ học tập trung vào một lĩnh vực nhỏ mà bạn có thể ứng dụng để làm việc khi tốt nghiệp.
Sẽ có một vấn đề nảy sinh cho hướng giáo dục này là đôi khi nhà trường không có đủ lớp học và giáo viên cho tất cả các lĩnh vực hẹp trong một ngành. Giả sử như tôi muốn học về thời kỳ thuộc địa tại Việt Nam, tôi sẽ không tìm được lớp học hoặc giáo viên trực tiếp làm về vấn đề này vì, giả sử, khoa sử của trường tôi chỉ tập trung vào mảng lịch sử Mỹ, Châu Âu, Châu Phi và một phần Châu Á (Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ) chứ không có Đông Nam Á. Để giải quyết vấn đề này, các trường học khuyến khích sinh viên đăng ký các lớp học độc lập (independent study hoặc independent reading). Theo cách này, sinh viên sẽ tìm một giáo sư gần nhất với lĩnh vực mà mình quan tâm (ví dụ như tôi tìm giáo sư về chính sách thuộc địa của Pháp); sau đó, sinh viên và giáo sư sẽ tự xây dựng danh sách các sách nên đọc, tự xây dựng lịch đọc, lịch gặp gỡ và nói chuyện về chủ đề, vv… Thậm chí, cho một lớp độc lập như thế, sinh viên có thể cùng lúc học với hai, ba thầy để bổ sung kiến thức cho nhau. Theo cách đó, tôi phải tự đọc và học rất nhiều. Nói tóm lại, sẽ không có chuyện sinh viên tốt nghiệp ra giống hệt nhau về các lớp học và chỉ có kiến thức chung chung; mà thường họ có kiến thức định hướng để áp dụng làm việc.
Nhìn lại giáo dục đại học ở Việt Nam mà tôi biết: hãy lấy ví dụ cụ thể là trường Ngoại thương mà tôi theo học từ năm 1995 đến năm 2000. Trong 5 năm, tất cả sinh viên học các lớp giống hệt nhau: một lớp thanh toán quốc tế, một lớp luật trong ngoại thương, một lớp bảo hiểm, một lớp vận tải; một lớp kế toán – tài chính; thậm chí học cả những lớp như Dân số, Giao tiếp quốc tế, vv… Tốt nghiệp ra, nhìn chung sinh viên đều chỉ có kiến thức chung chung giống nhau, một tí về bảo hiểm, một tí về thanh toán quốc tế, một tí về luật, một tí kế toán, một tí về kỹ năng giao tiếp trong đàm phán, vv… Khi đi làm cụ thể, sinh viên rất lúng túng và hầu như sẽ phải tự đào tạo lại. Lẽ ra, chỉ nên có một số lớp bắt buộc; còn lại, sinh viên nếu muốn chuyên sâu vào bảo hiểm hàng hoá trong ngoại thương thì nên chỉ chọn học các lớp chuyên sâu; sinh viên muốn làm về thanh toán quốc tế nên học chuyên sâu vào lĩnh vực đó. Những môn như Dân số, Giao tiếp quốc tế, vv… nên coi là môn tự chọn, ai thích thì học, ai không thích thì mạnh dạn bỏ hẳn; không nên đào tạo ra những người biết chung chung, hoàn hảo chung chung. Như thế, vừa đào tạo được một đội ngũ có chuyên môn chắc ở các lĩnh vực khác nhau, vừa khiến sinh viên tập trung học vào những gì mình thích và không bị phân tán vào những thứ khác. Đây sẽ là một cách hiệu quả để tạo cho sinh viên sự hứng thú trong học tập; đồng thời tập cho họ suy nghĩ về công việc, định hướng sống của mình; cũng như suy nghĩ một cách thực tế, có mục đích với những kiến thức của mình và biết cách tước bỏ những thứ rườm rà.

 Ưu việt rõ ràng của mô hình đào tạo để làm việc là nó sẽ liên tục có người khai phá những con đường mới trong lý thuyết và ứng dụng. Ví dụ như trong lúc sinh viên học chuyên sâu một ngành nào đó mà phải dùng tới kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau, họ sẽ nảy ra những câu hỏi về những vấn đề mới, đưa đến những phát minh mới. Nói cách khác, sự mở đường có thể liên tục được manh nha trong quá trình học và nghiên cứu.
Sinh viên        
1. Nâng cao tính tự chủ và quyền của sinh viên:
Giáo dục đại học nói riêng và giáo dục ở Mỹ nói chung chú trọng xây dựng con người có khả năng tư duy độc lập, biết điều mình muốn làm, biết cách suy nghĩ và ra quyết định, biết các quyền và nghĩa vụ của mình; cũng như biết cách thực hành các quyền ấy trong đời sống hàng ngày (ít nhất là tôi thấy biểu hiện của những điều này nhiều hơn rất nhiều so với Việt Nam). Trong giáo dục đại dục, để nâng cao tính tự chủ và quyền sinh viên, các nhà trường xây dựng một quy chế trong đó:
 
 Giáo dục đại học nói riêng và giáo dục ở Mỹ nói chung chú trọng xây dựng con người có khả năng tư duy độc lập.
– Mỗi sinh viên được tự chọn lĩnh vực học, tự chọn lớp học và tự xây dựng lịch học cho mình. Họ không nhất thiết phải tốt nghiệp trong 4 năm, mà chỉ cần hoàn thành một số lượng học trình nhất định; họ có thể hoàn thành nhanh hoặc chậm tùy ý; tuỳ điều kiện; có người học 2 năm, rồi bảo lưu kết quả để đi làm, rồi lại quay lại trường học tiếp.
– Đầu mỗi kỳ học, giáo viên công bố lịch học cụ thể cho cả kỳ học (gọi là syllabus), trong đó ghi rõ các sách phải có cho học kỳ, các nội dung sẽ học với từng ngày lên lớp, và các bài sẽ đọc trong mỗi giờ lên lớp. Giáo viên có thể tải lịch học này lên mạng từ trước học kỳ, để sinh viên biết nội dung lớp học mà quyết định có chọn học hay không (thường sinh viên được khuyến khích đến gặp giáo viên để nói chuyện trước khi kỳ học bắt đầu, để có thể quyết định tốt hơn). Sinh viên thường phải đọc bài trước khi đến lớp và lớp học sẽ mang tính thảo luận, chứ không theo hướng thầy giảng – trò ghi bài.
– Sinh viên được khuyến khích tự học, tự đọc, tự tìm hiểu rất nhiều bên ngoài những gì giảng trên trường. Các bài tập hàng tuần hướng nhiều vào thực hành và kỹ năng phân tích vấn đề, chứ không phải hướng vào việc “thuộc bài”. Ví dụ như bài tập có thể yêu cầu sinh viên phải trực tiếp đi phỏng vấn bên ngoài, đi lấy số liệu để phân tích vấn đề hoặc đọc thêm rất nhiều để viết bài phân tích. Cũng trên khía cạnh này, hầu hết sinh viên Mỹ đều đi làm thêm, trong hoặc ngoài trường. Rất nhiều người làm các công việc bình dân như hầu bàn, đưa báo, lái taxi, khuân vác, bán hàng, vv… và họ thấy rất thoải mái, không có gì phải xấu hổ.
– Sinh viên có thể vay tiền của chính phủ, của trường hoặc các tổ chức tài chính thông qua trường để trả học phí; sau này đi làm, sinh viên sẽ trả lại tiền. Có những sinh viên vay nợ toàn bộ học phí để có thể đi học, tập trung học giỏi; sau khi tốt nghiệp, họ dùng lương trả nợ trong vòng vài năm. Ví dụ, một giáo sư mà tôi quen, mặc dù năm nay đã hơn 40 tuổi, vẫn đang tiếp tục trả nợ tiền học phí từ thời đi học đại học theo kiểu trả từng khoản nhỏ hàng tháng.
– Sinh viên có quyền sử dụng tất cả các cơ sở vật chất trong trường học như thư viện, nhà thể thao, phòng máy tính, lấy giấy chứng nhận điểm học, vân vân… Ví dụ như ở trường tôi (Đại học Chicago – University of Chicago ), mỗi lần vào thư viện, sinh viên tự tra sách, tìm sách trong kho, rồi mượn thoải mái về nhà; sinh viên có thể lấy điểm học bất cứ lúc nào, không mất lệ phí và không cần chữ ký mà có hệ thống chuẩn về việc này.
– Sinh viên được có tổ chức và đại diện để tham gia vào các quyết định của trường học hoặc của khoa, như quyết định về thay đổi chương trình học, quyết định về việc thay hiệu trưởng, quyết định về học phí, về bảo hiểm, về việc xây dựng trường, về các hoạt động xã hội, vân vân…
– Sinh viên có quyền và được khuyến khích trao đổi thẳng thắn với giáo viên; kiến nghị khi có các biểu hiện không lành mạnh ở giáo viên; yêu cầu thay đổi giáo viên không có trình độ chuyên môn, vv…
– Sinh viên có quyền được truy cập hồ sơ về bản thân mình, có quyền xem các nhận xét của giáo viên về bản thân (trừ khi họ ký giấy từ bỏ quyền này) và có quyền kiện khi giáo viên có nhận xét sai hoặc có biểu hiện phân biệt đối xử với mình.
– Cuối mỗi kỳ, sinh viên phải làm một bản đánh giá giáo sư của mình (bảng này không đề tên sinh viên) và điểm đánh giá của các giáo sư được công khai trong trường cho sinh viên xem. Thường trước mỗi học kỳ, khi chọn lớp học, sinh viên hay xem điểm đánh giá giáo viên các năm trước để quyết định.
– Sinh viên có quyền đề cử và bầu các giáo viên giỏi, có tâm huyết vào các chức danh; thay vì để cho nhà trường xét duyệt giáo viên giỏi. Thường cuối mỗi năm học, hiệu trưởng trường hoặc trưởng một khoa gửi thư cho sinh viên toàn trường yêu cầu đề cử giáo viên giỏi. Các sinh viên sẽ viết thư đề cử và ký tên gửi lên hiệu trưởng. Họ công khai các thư này và còn công khai viết thư để vận động trong trường cho giáo viên mà họ kính trọng.

2. Giảm sự coi trọng bằng cấp, điểm, và các thứ hình thức; chú trọng vào con người:
Đây có lẽ là điều mà tôi tâm đắc nhất với hệ thống giáo dục Mỹ nói riêng và hệ thống vận hành của nước Mỹ nói chung: nó chú trọng vào bạn, chính con người bạn – như một cá thể riêng biệt và trọn vẹn; chứ không phải dựa trên những thước đo hình thức chung chung. Điều này được thực hiện thông qua các hoạt động như:
– Việc chọn vào học đại học không thông qua một kỳ thi đại học mà thông qua xét hồ sơ cá nhân, bao gồm học bạ trung học, điểm thi các kỳ thi trắc nghiệm trình độ được chuẩn hoá bởi cơ quan độc lập (SAT), thư giới thiệu của giáo sư hoặc người quản lý, bài tự viết của thí sinh về mục đích và kế hoạch học tập, các tài liệu bổ trợ khác về kinh nghiệm cá nhân, hoạt động ngoại khoá, vv… Hình thức này có thể chưa thực tế ở Việt Nam; tuy nhiên, về lâu về dài, chúng ta nên nghĩ đến việc đánh giá con người dựa trên khả năng và tiềm năng tổng thể thay vì các biểu hiện hình thức và có tính rủi ro cao như thi đại học.
– Không công bố điểm của sinh viên một cách công khai với các sinh viên khác hoặc với giáo viên khác, trừ khi có lí do chính đáng. Nên coi chuyện điểm học là chuyện riêng tư, sinh viên có quyền giữ kín. Điều này để sinh viên có thể có một môi trường bình đẳng với nhau và với giáo viên; tạo cho sinh viên sự tự trọng. Đồng thời, sinh viên phải làm bài liên tục trong kỳ, giữa kỳ và một bài lớn cuối kỳ để tính điểm cho cả học kỳ chứ không theo phương thức “cái chết bất ngờ” như ở Việt Nam (tức là cả kỳ chỉ có một bài thi ở cuối kỳ).
– Không có chính sách ưu tiên với lớp trưởng, cán bộ hoặc con giáo viên. Nếu ai thích làm lớp trưởng hoặc chủ tịch hội sinh viên thì tự ứng cử và sau này sẽ có lợi trong hồ sơ xin làm việc hoặc học bổng; nhưng không đánh đồng hoạt động này với trình độ học hành; do đó không có chuyện cộng điểm cho người hoạt động.
– Sinh viên có quyền chọn học lấy điểm thông thường (A, B, C, D), hoặc chỉ nghe giảng mà không lấy điểm nhưng vẫn có tên môn học trong bảng điểm, hoặc lấy điểm theo chế độ Qua/Trượt (Pass/Fail); như vậy, sinh viên có thể tập trung sức vào những môn mình muốn học
 Giáo dục đại học tại Mỹ tạo cho sinh viên môi trường để thực hành quyền làm chủ, nuôi dưỡng cảm giác mình là một người lớn, một công dân ngang bằng với những người khác, có tiếng nói, có sự tự tôn, có các quyền và nghĩa vụ mà mình phải làm. Nó cũng tập cho sinh viên cách tự suy nghĩ, tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Nó tập cho họ sự trung thực, biết rằng sự thực được tôn trọng và do đó mà sống thẳng thắn hơn trong cuộc sống.
và không phải quá lo lắng về điểm ở những môn mình không quan tâm nhiều.
– Nếu sinh viên gặp khó khăn với một môn học dù đã hết sức cố gắng thì có thể nói chuyện với giáo viên để tìm sự giúp đỡ riêng; và miễn là bạn cố gắng, bạn sẽ được đánh giá về cố gắng của bạn. Ví dụ như trong lớp học về phân tích số liệu mà tôi là trợ giảng, có một số sinh viên đã lớn tuổi (trên 50 tuổi), cho nên họ rất chật vật với tính toán và các phần mềm phân tích số liệu mặc dù đã rất cố gắng. Trong trường hợp này, họ sẽ gặp gỡ với giáo sư và trợ giảng hàng tuần để học thêm. Khi xem xét bài làm của họ, chúng tôi thường châm chước các lỗi vì biết họ cố gắng rất nhiều.
– Không quá coi trọng điểm số trong quá trình xét học bổng, xin việc của sinh viên; mà xem xét mỗi người trong hoàn cảnh riêng của họ, xem xét nỗ lực, khả năng và tiềm năng của họ.


Phan Việt 
 Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)