Những điều kiện cần cho phản biện xã hội

Vài năm gần đây, vấn đề phản biện xã hội đã được nêu lên khá nhiều trong các cuộc thảo chính thức hoặc không chính thức trong giới trí thức Việt Nam. Đa số đều cho rằng hoạt động này là cần thiết và cần được tạo điều kiện để phát triển, tuy nhiên câu hỏi vì sao hoạt động phản biện xã hội tại Việt Nam còn yếu... vẫn chưa được trả lời một cách thấu đáo. Bài viết này là một cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.

1.                  Phản biện xã hội yếu vì thiếu văn hóa tranh luận

Theo chúng tôi vấn đề mấu chốt của phản biện xã hội không hệ tại ở việc có hay không có những hành lang pháp lý cho vấn đề này, mà vấn đề cơ bản hơn đó là vì trong xã hội chưa hình thành được một nền văn hóa tranh luận, tức là xã hội hiện nay chưa tạo ra được những cá nhân – tức các thành viên cơ bản của xã hội – những nền tảng cần thiết để thực hiện các cuộc tranh luận, cũng như chưa có một cấu trúc xã hội tạo cơ hội cho sự tranh luận và phản biện được diễn ra.

Trước hết chúng ta hãy cùng nhìn vào thiết chế gia đình. Xét về mặt xã hội học, gia đình là thiết chế quan trọng đầu tiên trong quá trình xã hội hóa (socialization) cá nhân hiểu theo nghĩa xã hội học của khái niệm này. Theo nghĩa xã hội học thì xã hội hóa là quá trình cá nhân được đào luyện để có thể sống và trở thành một thành viên hợp chuẩn trong xã hội, đứa “trẻ sói” là đứa trẻ không thể sống được trong xã hội loài người vì nó không được trải qua quá trình học làm con người để sống trong xã hội loài người. Cũng vì vậy mà văn hóa tranh luận của mỗi cá nhân trước hết cũng phải được đào luyện, được học từ trong bối cảnh gia đình, thế nhưng kiểu giáo dục con cái của đa số gia đình Việt Nam hiện nay lại gần như không trang bị cho cá nhân những phẩm chất cần thiết cho nền văn hóa này. Thật vậy trong bối cảnh gia đình Việt Nam hiện nay, mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái là mối quan hệ giữa kẻ “thống trị” (dominant), tức cha mẹ và kẻ “bị trị” (dominé), tức con cái chứ không phải mối quan hệ giữa những chủ thể (actors) có sự độc lập và tự chủ cá nhân. Chính vì là mối quan hệ thống trị-bị trị nên cha mẹ thường chỉ giáo dục cho con cái những phẩm chất của kẻ tiếp nhận mệnh lệnh, kẻ chỉ biết vâng lời và thực hiện chứ hoàn toàn không phải là người có chủ kiến riêng nên họ cũng không bao giờ hé lộ những khả năng cho sự đối thoại hay sự tranh luận của con cái.

Rời gia đình, đứa trẻ gia nhập vào trong môi trường học đường và nơi đây đứa trẻ lại tiếp tục phải sống trong thân phận của kẻ bị trị, và người thống trị ở môi trường này chính là những thầy cô giáo của các em. Thật vậy trong nhiều năm qua, trường học gần như chỉ là nơi truyền thụ kiến thức một chiều mà trong đó thầy cô là những người nắm giữ chân lý và ban phát chân lý trong khi học sinh chỉ là kẻ tiếp nhận thụ động. Trường học Việt Nam gần như không trang bị bất cứ kỹ năng tranh luận nào cho người học cả, đồng thời cũng không mở ra các cơ hội tranh luận cho người học vì sách giáo khoa được xem là “pháp lệnh”, mà đã là pháp lệnh thì không còn gì để tranh luận nữa mà chỉ cần học thuộc mà thôi. Mặc dù chúng ta đã nói tới lối giáo dục “lấy người học làm trung tâm” nhưng gần như đó chỉ là lý thuyết còn trên thực tế thì người thầy vẫn là trung tâm nên sự tranh luận giữa thầy và trò gần như là không hiện diện.

Khi gia đình và nhà trường không hề trang bị cho cá nhân những phẩm chất cần thiết để tranh luận nên chỉ có thể tạo ra được những cá nhân chỉ biết tuân lệnh trong quan hệ giữa cá nhân với Nhà nước mà cụ thể là các cơ quan công quyền. Mặc dù chúng ta nói dân làm chủ nhưng thực tế trong mối quan hệ dân-quan hiện nay, người làm chủ là quan chứ không phải là dân, bởi khi đến với các cơ quan công quyền người dân không có quyền “yêu cầu” mà chỉ được quyền “xin” mà thôi. Xin như thế nào cũng phải theo đúng khuôn mẫu do người cho (quan) qui định và quan cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu chứ hoàn toàn không được tranh luận tại sao với quan.

Như vậy có thể thấy là vì một thời gian dài chúng ta không hề đào tạo cho các cá nhân trong xã hội những phẩm chất để tranh luận, những cơ hội để tranh luận thì làm sao hình thành và phát triển được sự phản biện xã hội. Tuy nhiên nếu chúng ta tạo ra được những cá nhân biết tranh luận thì điều kiện thứ hai để phản biện xã hội có thể xảy ra đó là phải có mô hình xã hội phù hợp.

2.                  Phản biện xã hội và mô hình xã hội

Để phản biện xã hội có thể xảy ra thì phải có mô hình xã hội phù hợp, tức là mô hình xã hội mà ở đó quyền lực xã hội được phân tán cho nhiều thực thể khác biệt nhau chứ không chỉ tập trung duy nhất vào trong tay một thực thể nào. Trong mô hình xã hội có quyền lực phân tán, sẽ có nhiều thực thể cùng nắm quyền lực vừa độc lập nhưng cũng vừa chế định lẫn nhau để không một thực thể nào có thể tự mình quyết định mọi chuyện trong xã hội. Đồng thời các thực thể này đều phải chịu sự chi phối của thiết chế cao nhất đó là thiết chế pháp luật. Như vậy mô hình xã hội với quyền lực phân tán chỉ có thể có trong một Nhà nước pháp quyền thực sự, và vì vậy, chỉ trong Nhà nước pháp quyền thì sự phản biện mới có thể diễn ra. Ở đây cũng cần lưu ý là với mô hình Nhà nước pháp quyền “danh nghĩa” thì sẽ không thể có phản biện xã hội bởi trong mô hình Nhà nước pháp quyền danh nghĩa, quyền lực tối thượng, xét cho cùng, cũng chỉ tập trung trong tay một thực thể “ưu tuyển” (elite) nào đó mà thôi và do đó, sự phản biện xã hội nếu có diễn ra thì cũng hết sức hạn chế bởi điều này phụ thuộc vào mức độ “cởi mở” của thực thể ưu tuyển trong xã hội.

Như vậy để văn hóa tranh luận và sự phản biện xã hội thì bên cạnh những phẩm chất cần thiết của cá nhân thì còn phải có mô hình tổ chức xã hội phù hợp để cho tranh luận và phản biện được diễn ra nữa. Và cái mô hình xã hội đó đã từng được nhà chính trị học, tư tưởng gia người Pháp là Charles de Montesqieu phát họa.

3.                  Phản biện xã hội và xã hội dân sự

Có thể nói ngay rằng tại nước ta hiện nay chưa có xã hội dân sự đúng nghĩa của từ này và đây là nguyên nhân thứ ba làm cho văn hóa tranh luận hay sự phản biện xã hội không được hình thành. Theo cách hiểu được khá nhiều người đồng thuận thì xã hội dân sự là một không gian độc lập tồn tại bên cạnh Nhà nước và thị trường và vì vậy muốn có được nền văn hóa tranh luận hay sự tranh luận thì xã hội dân sự cần phải có sự độc lập của nó. Ở nước ta hiện nay có rất nhiều đoàn thể, hiệp hội mà xét về tính chất thì thuộc xã hội dân sự nhưng thực tế thì lại cũng thuộc về Nhà nước và tùy phụ vào Nhà nước, tức chúng ta chưa có một không gian xã hội dân sự đúng nghĩa. Nói như vậy là bởi gần như mọi tổ chức hiệp hội, đoàn thể hiện nay đều phải có một cơ quan chủ quản thuộc Nhà nước quản lý và bổ nhiệm nhân sự và vì vậy, những đoàn thể hay hiệp hội ấy thực chất là những “cánh tay nối dài” của Nhà nước chứ không phải thuộc xã hội dân sự. Khi không có xã hội dân sự đúng nghĩa thì thật khó mà có tranh luận hay phản biện bởi thực chất của phản biện xã là sự đối thoại giữa các thành phần có sự độc lập của riêng mình chứ không thể là sự đối thoại giữa những thành phần “cùng ruột” với nhau.

Như vậy có thể thấy vấn đề của phản biện xã hội không chỉ nằm ở hành lang pháp lý (cho phản biện hay không) hay ở vấn đề kỹ thuật (có lắng nghe hay không) mà nằm ở cấu trúc của xã hội và nền giáo dục xã hội có thúc đẩy cho sự phản biện, văn hóa tranh luận hay không mà thôi.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)