Những mảng trống được điền đầy

Tia Sáng, nơi mà cộng đồng khoa học có thể chia sẻ tư tưởng và trải nghiệm để điền đầy một mảng trống về các vấn đề văn hóa và xã hội của khoa học và công nghệ.


Tôi nhớ, hồi thập niên 1980, khi còn là viện trưởng Viện Quản lý Khoa học, một viện nghiên cứu về chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, tôi lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền để xin ra một tạp chí chuyên đi sâu những vấn đề kinh tế và xã hội của chính sách KH&CN có tên là “Đổi mới và Phát triển”. Tôi đã nhận được công văn từ chối do một vị lãnh đạo có hàm Bộ trưởng ký, trong đó có một đoạn rất ấn tượng mà tôi nhớ suốt đời: “Hiện nay đã có rất nhiều tạp chí khoa học và kỹ thuật, như Toán học, Vật lý học, Triết học, v.v… Đề nghị cần tận dụng hết các tạp chí này, không ra thêm các tạp chí khoa học khác”. Đọc xong tờ công văn, tôi sững sờ vì cách trả lời thể hiện sự hiểu biết rất lạ về khoa học của người đứng đầu một cơ quan có trách nhiệm.

Tôi dẫn dắt câu chuyện dài dòng về một kỷ niệm “nhớ đời” này để nói rằng, những người sáng lập Tạp chí Tia Sáng đã có cách nào đó thật “tài tình” để cho ra đời một tạp chí, mà tên gọi của nó – “Tia Sáng” nghe còn xa vời với khoa học, hơn cái tên “Đổi mới và Phát triển” mà chúng tôi đề xuất trước đó. Và chỉ sau một thời gian ngắn, Tạp chí Tia Sáng đã ghi được dấu ấn riêng của mình trong cộng đồng khoa học. Đó là, tờ tạp chí đóng vai người phát quang một mảng rừng những vấn đề rất thiết thân với khoa học, là những khía cạnh văn hóa và xã hội của khoa học, một lĩnh vực đặc biệt hấp dẫn, mà theo nghiên cứu của tôi, có lẽ công lao khai sáng phải dành cho John Bernal, nhà vật lý chất rắn người Anh, với cuốn sách rất nổi tiếng của ông “Social Functions of Science”, ra mắt cộng đồng khoa học vào năm 1939.

Muộn hơn Bernal hơn nửa thế kỷ, ở nước ta đã xuất hiện Tia Sáng, nơi mà cộng đồng khoa học có thể chia sẻ tư tưởng và trải nghiệm để điền đầy một mảng trống về các vấn đề văn hóa và xã hội của khoa học và công nghệ.

Về trực giác, nhiều người nghĩ rằng, trong lĩnh vực khoa học “cao siêu”, bản thân nó đã “ngời ngời văn hóa”. Đâu phải vậy. Trong khoa học, không chỉ ở nước ta, mà cả trong cộng đồng khoa học quốc tế, đầy rẫy những vết hằn vô văn hóa: đạo văn (một cách tệ hại), chủ nghĩa học phiệt (scholar-tyrant) trong khoa học, hành chính hóa khoa học, quan phương hóa khoa học, chủ nghĩa sô-vanh trong khoa học,… và rất nhiều các biểu hiện thiếu văn hóa khác. Trong giới khoa học, các biểu hiện đó tinh vi hơn nhiều và cũng “cao cấp” hơn nhiều so với giới bình dân “hàng thịt hàng cá” ở ngoài chợ. Tất cả các hành vi mà tôi gọi là “thiếu văn hóa đó” đang đóng vai trò kéo lùi sự phát triển khoa học.

Chính vì thế mà tôi đánh giá cao Tia Sáng, một tạp chí đã thâm nhập cộng đồng khoa học, mở ra những con đường mòn đầu tiên, đề cập các khía cạnh xã hội của khoa học, khía cạnh văn hóa, đạo đức của khoa học, thậm chí có lúc đã bị đâu đó “bật đèn”… Nhưng cộng đồng khoa học không buồn phiền với Tia Sáng về sự “bật đèn” đó. Ngược lại, trong trường hợp này, sự “bật đèn” lại là một minh chứng cho sự trong sáng của Tia Sáng, lại thu hút thêm sự mến mộ và cổ vũ của độc giả trong và ngoài cộng đồng khoa học.

Là một độc giả và cộng tác viên của Tia Sáng, nhìn lại chặng đường phát triển, tôi rất mừng về những bước đi vững vàng của Tia Sáng và hy vọng Tia Sáng sẽ tiếp nối truyền thống để đáp ứng sự tin tưởng và mến mộ của độc giả.

GS.TS Vũ Cao Đàm

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)