Những người mở đường hợp tác

Trong phần đầu tiên của loạt bài về xã hội dân sự ở Việt Nam, TS Andrew Wells-Dang đã đưa ra khái niệm mạng lưới xã hội dân sự. Trong bài viết lần này, tác giả minh họa cho khái niệm trên bằng ví dụ về một mạng lưới phi chính thức của các chuyên gia, nhà báo và các tổ chức phi chính phủ, những người đã hợp tác để bảo vệ công viên Thống Nhất ở Hà Nội vào năm 2007 và 2009.

Đầu năm 2007, chính quyền thành phố Hà Nội phê duyệt kế hoạch cho phép hai công ty tư nhân đầu tư công viên Thống Nhất theo hướng biến thành mô hình “Disneyland thu nhỏ”.1 Hơn 15 bài báo trên báo giấy và báo mạng đã cung cấp cho độc giả các chi tiết về kế hoạch này cùng các bài phỏng vấn giám đốc của hai công ty. Mặc dù phía công ty khẳng định dự án sẽ bảo đảm quyền lợi của người dân, nhưng dư luận không đồng tình vì công ty dự định xây hầm để xe năm tầng, khu thương mại, rạp chiếu phim 3D và câu lạc bộ giải trí, với khoản đầu tư dự tính khoảng 1.500 tỷ đồng.2 Nhiều người dân đăng ý kiến phản đối dự án trên Internet. Theo họ, dự án có dấu hiệu tham nhũng và không mang lại lợi ích cho người nghèo. Các chuyên gia và lãnh đạo về hưu cũng viết bài thể hiện quan điểm không đồng tình với dự án này.

Vào khoảng giữa năm 2007, những nỗ lực riêng lẻ phản đối dự án đã bắt đầu được tập hợp lại, làm cơ sở cho sự ra đời của một mạng lưới xã hội dân sự. Đầu tháng 8/2007, tổ chức phi chính phủ Canada có tên Nhịp cầu Sức khỏe (HealthBridge) đã phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, một tổ chức nửa phi chính phủ nửa nhà nước, tổ chức hội thảo “Hệ thống không gian xanh công cộng của thủ đô Hà Nội”.3 Các nhà khoa học, các chuyên gia, các kiến trúc sư tham gia hội thảo đã ra tuyên bố “cứu không gian xanh ở Hà Nội” và đăng trên Internet. Trước sức ép từ công luận, chính quyền thành phố Hà Nội đã quyết định dừng dự án vào tháng 8/2007.

Chưa đầy một năm sau, Hà Nội lại công bố kế hoạch xây dựng khách sạn bốn sao “Novotel on the Park” trên đất công viên Thống Nhất.4 Đầu năm 2009, khi dư luận xã hội đồng loạt phản đối dự án xây dựng khách sạn, các thành viên của mạng lưới đã sẵn sàng hành động.5 Cũng giống như lần trước, một loạt các bài báo, ý kiến trên mạng và thư ngỏ gửi đến lãnh đạo đã xuất hiện dồn dập. Lần này, Nhịp cầu Sức khỏe chỉ còn đóng vai trò thứ yếu. Họ hỗ trợ tổ chức một hội thảo về không gian xanh của Hà Nội vào tháng 3/2009. Một tuần sau khi hội thảo kết thúc, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thay đổi quyết định ban đầu và đình chỉ dự án xây dựng khách sạn trên đất công viên.

Cơ cấu và thành viên của mạng lưới

Những người tham gia mạng lưới bảo vệ công viên Thống Nhất có thể chia thành ba nhóm dựa vào mức độ liên hệ của họ với chính quyền thành phố Hà Nội và các cơ quan nhà nước khác. Nhóm đầu tiên, cũng là nhóm lớn nhất, bao gồm lãnh đạo và thành viên của các hội nghề nghiệp, như Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Lãnh đạo các hội này thường là quan chức cấp vụ cục hoặc cấp bộ đã về hưu, còn thành viên của hội thường là các nhà khoa học, các giáo sư đại học hoặc người làm chuyên môn ở độ tuổi trung niên.

Nhóm thứ hai là các nhà báo. Sau một thời gian viết bài về trường hợp công viên Thống Nhất, nhiều người đã trở nên quan tâm thực sự đến vấn đề này, vượt ra ngoài phạm vi nghề nghiệp.
Nhóm thứ ba, và cũng là nhóm nhỏ nhất, bao gồm các tổ chức, ví dụ như Nhịp cầu Sức khỏe. Nhân viên của các tổ chức này được trả lương để làm việc về các vấn đề liên quan đến không gian công cộng và do đó cũng tham gia vận động chính sách.

Đến thời điểm chiến dịch phản đối xây dựng khách sạn trong công viên vào năm 2009, mạng lưới đã có cơ cấu khá bình đẳng. Có một nhóm nhỏ làm trung tâm, còn lại các thành viên hoạt động ở vòng ngoài. Tổ chức Nhịp cầu Sức khỏe vẫn nắm vai trò điều phối tuy không chính thức, thông qua một cán bộ phụ trách vận động chính sách liên quan đến không gian công cộng. Dù có sự điều phối chung nhưng các đầu mối khác trong mạng lưới chủ động đưa ra các sáng kiến. Các thành viên tuyên bố một cách không chính thức về sự ra đời của mạng lưới. Một số cá nhân và tổ chức cho rằng họ là thành viên của mạng lưới, còn những người khác lại không cho rằng họ hoạt động trong một mạng lưới.

Ngoài hai cuộc hội thảo do Nhịp cầu Sức khỏe tổ chức vào năm 2007 và 2009, các thành viên của mạng lưới chưa lần nào tụ họp đầy đủ mà thường gặp nhau theo nhóm nhỏ khi có nhu cầu chia sẻ thông tin và thảo luận công việc.

Chiến lược vận động chính sách

Trước thời điểm năm 2007, nhiều cá nhân đã tham gia vận động chính sách liên quan đến không gian công cộng ở Hà Nội, tuy nhiên họ rất ít hợp tác với nhau. Năm 1993, năm nhà khoa học có uy tín lần lượt từng người viết thư gửi Thủ tướng và UBND thành phố Hà Nội phản đối dự án sử dụng một phần đất của công viên Thủ Lệ để xây khách sạn năm sao Daewoo. Lúc đó báo chí không hề đưa tin về quyết định xây khách sạn cũng như ý kiến của các nhà khoa học. Với trường hợp khách sạn Hà Nội Vàng bên Hồ Hoàn Kiếm, các nhà hoạt động đã thành công hơn. Kế hoạch xây dựng khách sạn 11 tầng này rõ ràng đã vi phạm quy định không xây nhà quá năm tầng ở khu vực này. Năm 1996 Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hội Sử học Việt Nam đã gửi công văn chính thức phản đối dự án xây dựng khách sạn.6 Tuy không có làn sóng dư luận phản đối dự án một cách công khai, nhưng việc vận động chính sách của các hội nghề nghiệp đã dẫn đến sự thay đổi quyết định dừng dự án của lãnh đạo thành phố. Trong trường hợp này cũng như một vài trường hợp khác, các nhà hoạt động đã sử dụng chiến lược vận động từ bên trong hệ thống nhà nước. Một số cá nhân có mối quan hệ với quan chức nhà nước đã tìm cách gây ảnh hưởng bằng cách viết thư, tổ chức hội thảo và gặp gỡ trực tiếp. Tuy nhiên những nỗ lực này không dẫn đến sự ra đời của mạng lưới xã hội dân sự.

Tỷ lệ thành công của việc vận động chính sách bằng cách tác động vào các cá nhân thường không cao. Khi nội dung của các bức thư thỉnh cầu không được công khai thì lãnh đạo không chịu áp lực để trả lời. Các khuyến nghị của chuyên gia thường bị bỏ qua. Tuy nhiên khác với các trường hợp trên, chiến dịch bảo vệ công viên Thống Nhất là một nỗ lực tập thể, và nhiều người cùng đóng góp cho thành công chung. Đặc biệt trong chiến dịch năm 2007, Nhịp cầu Sức khỏe đã đóng vai tập hợp các thành viên mạng lưới. Họ đã chia sẻ kinh nghiệm của tổ chức trong việc vận động chính sách vì “thành phố sống tốt” ở các nước châu Á và thông tin về bối cảnh toàn cầu. Là một tổ chức quốc tế, họ có nhiều ưu thế hơn so với chuyên gia Việt Nam khi tác động đến quan chức chính phủ, ngay cả khi truyền tải cùng một thông điệp. Họ không can thiệp quá sâu vào hoạt động của mạng lưới, không tranh giành sự chú ý và không dùng tiền tài trợ để chi phối mạng lưới. Trong chiến dịch năm 2009, họ chỉ đóng vai trò thứ yếu và hỗ trợ.

Mạng lưới sử dụng cả chiến lược vận động từ bên trong (gặp gỡ và tổ chức hội thảo với các đối tác nhà nước) và vận động từ bên ngoài (sử dụng truyền thông và Internet để tác động đến dư luận xã hội trong và ngoài nước). Sự phản hồi dồn dập của người dân sau khi báo chí đăng bài làm cho tất cả những người trong cuộc ngạc nhiên. Một nhà báo đã chia sẻ: “Chúng tôi không có ý định từ trước về loạt bài liên quan đến vấn đề này. Sự việc tự nó diễn ra. Một người đầu tiên lên tiếng, và rất nhanh những người khác hưởng ứng. Chúng tôi không khởi xướng chiến dịch này, chúng tôi chỉ ghi lại diễn biến sự việc”.

Rất nhiều thông tin và phản hồi trên mạng về trường hợp công viên Thống Nhất đến từ các địa phương trên cả nước và người Việt sống ở nước ngoài. Nhờ có Internet, chiến dịch bảo vệ công viên Thống Nhất đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.

Những người bảo vệ công viên Thống Nhất không công khai chống đối hoặc chỉ trích chính quyền. Họ biết rằng một số quan chức đã thông đồng với nhà đầu tư, nhưng cũng có những quan chức khác không tham gia và thậm chí không ủng hộ vụ việc này. Sự phân tán giữa các cấp, các ngành và các mối quan tâm khác nhau trong bộ máy nhà nước giúp cho mạng lưới dân sự có cơ hội lên tiếng và tập hợp các đồng minh để nghiêng cán cân lực lượng.

Thành viên của mạng lưới cho rằng thành công của họ phần nhiều nhờ có sự tham gia của truyền thông. Một kiến trúc sư cảnh quan đã nói: “Vai trò của truyền thông rất quan trọng. Nếu báo chí sợ chính quyền thì chúng tôi không có diễn đàn để vận động chính sách. Nhiều người nói Việt Nam không có tự do báo chí. Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào chúng ta thôi. Nếu nói đúng lúc đúng chỗ, báo chí sẽ tham gia.”

Một trong những thay đổi quan trọng nhất của làng báo chí Việt Nam những năm gần đây là sự xuất hiện của các trang tin trên mạng.7 Ngay từ năm 2007, các báo mạng như VietNamNet và Dân Trí đã đăng nhiều tin bài về trường hợp công viên Thống Nhất hơn hẳn các báo giấy. Năm 2009, sự chênh lệch còn rõ rệt hơn vì các bài phỏng vấn và bài viết quan trọng đều xuất hiện trên VietNamNet và Tuần Việt Nam trước khi được các báo khác đăng lại.8 Nếu không có không gian chính trị do Internet đem lại thì công tác tổ chức của các thành viên mạng lưới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Liên kết quốc tế

Sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, người nước ngoài ở Hà Nội và người Việt Nam sống ở nước ngoài đã góp phần vào sự thành công của chiến dịch bảo vệ công viên Thống Nhất, trong đó tổ chức Nhịp cầu Sức khỏe có vai trò quan trọng nhất. Tổ chức này đóng vai trò cầu nối giữa những người nước ngoài và các nhà hoạt động trong nước. Sự tham gia của họ cung cấp các góc nhìn từ bên ngoài, giúp các nhà hoạt động Việt Nam cảm thấy không đơn độc và tạo vỏ bọc an toàn cho những người lúc đầu còn e ngại lên tiếng. Với cách làm việc mang tính hỗ trợ chứ không áp đặt và sử dụng nguồn ngân sách nhỏ, họ đã không mắc sai lầm trong việc tạo ra mạng lưới phụ thuộc vào nhà tài trợ. Mô hình hoạt động của họ xứng đáng để các tổ chức quốc tế khác học tập.

Theo dõi sự trưởng thành của mạng lưới từ năm 2007 tới năm 2009, chúng ta nhận thấy có bốn yếu tố dẫn đến thành công của họ: tiếp cận thông tin đúng lúc và có đủ thông tin, có mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo thuộc các cấp ban ngành có thẩm quyền quyết định, dư luận đồng tình, và truyền thông vào cuộc để đưa tin bài về quan điểm của mạng lưới cũng như của người dân.

Nếu có đủ các yếu tố trên thì không cần có mạng lưới lớn mà chỉ cần có một nhóm nhỏ. Trong trường hợp công viên Thống Nhất, mạng lưới có chưa đến 20 thành viên.

Có thể hy vọng mô hình vận động chính sách của họ được áp dụng cho nhiều vấn đề khác nhau. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng hội tụ cả bốn yếu tố dẫn đến thành công như đã phân tích ở trên. Trong khi một vài vụ việc lớn đã được vận động thành công thì có rất nhiều trường hợp nhỏ hơn đã thất bại. “Hằng ngày ở Hà Nội có hàng trăm trường hợp lấn chiếm và lạm dụng không gian công cộng, không gian xanh. Chúng ta cần đấu tranh chống lại tất cả vi phạm này chứ không chỉ là trường hợp công viên Thống Nhất” – một nhà hoạt động nói.

Tính bền vững của mạng lưới

Năm 2009 sau khi kết thúc chiến dịch phản đối dự án xây khách sạn trên đất công viên, tổ chức Nhịp cầu Sức khỏe cân nhắc việc chính thức hóa mạng lưới. Tuy nhiên cán bộ người Việt của họ muốn duy trì một mạng lưới lỏng lẻo trong đó các nhóm nhỏ đóng các vai trò khác nhau. Các thành viên khác của mạng lưới cũng ủng hộ lựa chọn này. Một người chia sẻ “vận động chính sách thông qua truyền thông trên mạng tốt hơn là thành lập một tổ chức chính thức”. Một nhà hoạt động khác nhận xét: “Tốt nhất là không nên thành lập tổ chức, để khỏi phải lo lắng về cơ cấu, về ngân sách và không lo bị đóng cửa khi lên tiếng về vấn đề nhạy cảm. Cứ như thế này lại hay. Mạng lưới sẽ hoạt động khi có nhu cầu. Tùy vấn đề mà chúng tôi có người thích hợp để khởi xướng.”

Những nguyên nhân trên đã dẫn đến lập luận là mạng lưới phi chính thức sẽ hiệu quả hơn một mạng lưới chính thức mang tính lâu dài.

Nếu các thành viên mong muốn thì không có lý do gì để mạng lưới chính thức về không gian công cộng thất bại. Họ có thể tiến hành từng bước như họp mặt thường xuyên, xây dựng website riêng về không gian công cộng, thuê một điều phối viên và đặt văn phòng ở một tổ chức thành viên nào đó. Tuy nhiên khi các thành viên chưa sẵn sàng thì chưa thể có mạng lưới chính thức.
***
Năm 2007 và 2009, các nhà hoạt động đã bảo vệ thành công một không gian xanh quý giá của Hà Nội khỏi bị tư nhân hóa. Điều quan trọng hơn là họ đã chứng minh rằng công dân có không gian chính trị để tác động chính sách, rằng đầu tư của tư nhân không được làm mất đi những giá trị tích cực của các công trình thời xã hội chủ nghĩa. Hành động của họ góp phần tạo ra “không gian xã hội”, trong đó người dân chia sẻ quan điểm và thông tin. Theo Jürgen Habermas, không gian xã hội để mọi người tranh luận công khai là bước đầu tiên dẫn đến xã hội dân sự.9

    Đặng Hương Giang
dịch

Đọc thêm:

Xã hội dân sự: Trọng tâm là hành động
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=7654
————
1 Phùng Sưởng, “Sẽ có một Walt Disney giữa lòng Hà Nội?” Tiền Phong, 02/02/2007; Trang An Nguyễn, “Cải tạo Công viên Thống nhất – long đong mãi chưa xong”, VietNamNet, 27/01/2007.

2 Báo Dân Trí, “Công viên Thống Nhất sẽ sánh tầm khu vực”, 11/03/2007. 

3 Báo Tiền Phong, “Sẽ khởi kiện nếu các công viên Hà Nội còn bị lợi dụng vì lợi nhuận”, 04/08/2007.

4 Hoàng Huy, “Hà Nội: Khởi công khách sạn lớn sát công viên Thống Nhất”, VietNamNet, 06/08/2008.

5 Matt Steinglass, “Quan trọng hơn cả tòa nhà cao tầng: giữ lại một phần lịch sử của Hà Nội,” Global Post, 20/04/2009.

6 William Logan (2000) Hà Nội: Lịch sử của một thành phố.  Sydney: Nhà xuất bản Đại học New South Wales, trang 238-9.

7 Ngọc Vân, “Báo chí điện tử sẽ trở thành kênh thông tin đối nội, đối ngoại hàng đầu”, Tiền Phong, 07/10/2005.

8 Linh Thủy, “Báo chí quanh vụ xây khách sạn tại CV Thống Nhất”, Tuần Việt Nam, 19/02/2009.

9 Jürgen Habermas (1962) Strukturwandel der Öffentlichkeit [Biến đổi cơ cấu của Không gian Công cộng]. Neuwied am Rhein: Luchterhand.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)