Những người Mỹ phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam ? (Kỳ 1)

Bao nhiêu lần những viên đạn pháo lao xé đi? Trước khi chúng vĩnh viễn bị vứt bỏ? Câu trả lời, bạn tôi ơi, thổi trong ngọn gió Câu trả lời vẫn thổi trong ngọn gió Bob Dylan

Jan Rose Kasmir, một thiếu niên 17 tuổi trong đoàn diễu hành phản đối Chiến tranh Việt Nam vào năm 1967. Đó là thời điểm phong trào Sinh viên vì Xã hội Dân chủ ở Mỹ đang dâng cao. Ảnh: Marc Riboud/Magnum Photos

Dù nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump để lại hình ảnh đáng buồn về nước Mỹ, chúng ta không nên lãng quên nhiều điều tốt đẹp về đất nước này. Bức tường biên giới phía Nam và thi hài năm mươi người nhập cư bị bỏ lại trên chiếc xe tải ở Texas không nên khiến ta quên rằng đây từng là miền đất hứa, nơi hàng triệu người di cư tìm đến tự do. Phán quyết cấm phá thai của Tòa án Tối cao Mỹ không nên khiến ta quên hội nghị đầu tiên về nữ quyền từng được tổ chức tại Seneca Falls, bang New York năm 1848. Những kẻ theo thuyết sáng thế và âm mưu không nên khiến ta quên rằng nước Mỹ là quê hương của năm trăm chủ nhân của các giải Nobel. Và chúng ta, người Việt, không nên quên phong trào phản chiến mạnh mẽ chống lại Chiến tranh Việt Nam đã góp phần quan trọng chấm dứt nó. Gần đây, tôi xem lại danh sách1 250 nhà hoạt động người Mỹ, và cảm thấy hứng thú tìm hiểu về họ để nhớ lại một thời kỳ lịch sử.   

Bối cảnh

Các giá trị nhân bản về công bằng, bình đẳng, đoàn kết, nhân phẩm và tự do là nền tảng để con người mơ ước xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng quan điểm về cách thực hiện lý tưởng ấy thay đổi đáng kể tùy vào bối cảnh thời cuộc. Giữa thế kỷ 19, khi Marx và Engels viết Bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, châu Âu đang chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang công nghiệp, với những mối nguy hiện hữu đe dọa lợi ích cộng đồng xã hội. Giống nhiều người cùng thời, họ muốn bảo vệ xã hội trước những mối nguy ấy, bằng cách tạo ra các nhóm cộng đồng cộng sản và phong trào Icarias với hình thái quản lý nhà nước mới mẻ, nhằm tạo ra những tiến bộ nhằm tiến gần hơn đến hình thái xã hội lý tưởng. Tuy nhiên cách tiếp cận của họ quá cấp tiến: hướng tới một xã hội phi giai cấp với các quốc gia chung sống hạnh phúc: Vô sản toàn thế giới, đoàn kết lại! Nó đòi hỏi một cuộc cách mạng chuyên chính vô sản. Một số quốc gia đang sẵn trong tiến trình công nghiệp hóa không tiến hành những ý tưởng cấp tiến như vậy, tuy nhiên họ cũng phát triển theo xu hướng cải tổ. Các quốc gia với cấu trúc kiểu phong kiến, nơi cách mạng có thể là tiền đề cho tiến trình hiện đại hóa, có cơ hội tốt hơn để ứng dụng các ý tưởng cấp tiến. Đó là trường hợp của Đế quốc Nga, nơi chế độ nông nô vẫn tồn tại ở các dạng thức cho tới cuối thế kỷ 19. Đó cũng là trường hợp Trung Quốc, nơi nhà Thanh tới trước Thế chiến thứ I mới bị lật đổ. Nhưng tới giữa thế kỷ 20, hai cuộc đại chiến thế giới là căn cứ rõ ràng cho thấy giấc mơ các quốc gia chung sống hạnh phúc vẫn còn xa vời. Những trại cải tạo và cuộc đại thanh trừng trong lịch sử ở Liên Xô cho thấy con đường đi tới xã hội phi giai cấp và chuyên chính vô sản gập ghềnh chông gai ra sao.

Trong khi đó, luồng văn hóa chủ lưu ở nước Mỹ là Giấc mơ Mỹ, bắt nguồn từ lời nói nổi tiếng của Thomas Jefferson, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lại trong Bản Tuyên ngôn Độc lập tháng 9/1945: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Quả thực, từ khoảng giữa thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20, bằng việc mở cửa biên giới chào đón những người tiên phong nhập cư, nước Mỹ có thể tự hào vì đã biến Giấc mơ Mỹ thành hiện thực cho rất nhiều người: ước mơ một nơi với cơ hội rộng mở cho mỗi người tùy thuộc vào năng lực, một ước mơ về trật tự xã hội nơi cá nhân được nhìn nhận đúng với bản chất của mình, không phụ thuộc vào nơi sinh ra hay vị thế xã hội; không chỉ là ước mơ về của cải vật chất mà còn là sự tiến bộ, không còn bị trói buộc bởi những trật tự xã hội của các nền văn minh trước đây nơi chỉ phục vụ cho lợi ích của tầng lớp thống trị thay vì cho từng cá thể.     

Hành động chống chiến tranh Việt Nam vì lương tâm khiến Ali trở thành một biểu tượng cho các nhà hoạt động phản chiến trong thập kỷ 60.

Tuy nhiên, tới giữa thế kỷ 20, đã có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy Giấc mơ Mỹ vẫn chỉ dừng lại là giấc mơ. Chủ nghĩa tiêu dùng bao trùm: thời kỳ Đại khủng hoảng và thập kỷ trước Thế chiến thứ II cùng những năm khó khăn trong chiến tranh, ước mơ của đa số người Mỹ đơn giản là sở hữu nhà của mình, mua được xe hơi, TV, tủ lạnh, máy giặt và máy hút bụi. Những bất công trắng trợn, từng bị xem nhẹ hay thậm chí bỏ qua trong quá khứ, nay trở nên không thể chấp nhận được, với tệ phân biệt chủng tộc, đặc biệt đáng lên án ở miền Nam. Cuộc chiến tranh lạnh và nguy cơ chiến tranh hạt nhân đẩy căng thẳng lên cao. Xã hội bảo thủ Mỹ không sẵn sàng đối diện với những thử thách này và phía cánh tả cũng như vậy: sự bất lực trở nên rõ ràng khi các bên vẫn ngưỡng vọng hào quang cũ của Liên Xô, chỉ mải mê vào những vấn đề xa xôi lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lenin.

Mâu thuẫn thế hệ phát sinh, trải dài suốt nửa còn lại của thế kỷ. Sự bảo thủ của thế hệ đi trước khiến họ không nhận ra mức độ nghiêm trọng đằng sau những triệu chứng của các vấn đề mà thế hệ trẻ đang lên án, trong khi thế hệ trẻ thiếu sự trưởng thành để đối diện giải quyết những vấn đề đó. Điều này minh họa rõ nhất qua tuyên bố2 của sinh viên trường Berkeley thập niên 60: “Chúng tôi chối bỏ tư duy rằng mình cần kiên nhẫn và cố gắng đạt được sự thay đổi chậm rãi. Đó là quan niệm xưa cũ. Chúng tôi không cần phe Cánh tả cũ. Chúng tôi không cần đến lý tưởng của họ cũng như không tin rằng tầng lớp lao động, đám đông huyền hoặc được cho là sẽ vùng lên bẻ gẫy xiềng xích. Tầng lớp lao động ở đất nước này giờ đã chuyển phe sang cánh hữu. Chỉ còn lại sinh viên đóng vai trò là lực lượng cách mạng ở đất nước này. Sinh viên sẽ làm được cách mạng bởi chúng ta có ý chí”.

Những phong trào khởi phát ở nước Mỹ đã nhanh chóng đạt tới quy mô toàn cầu và ảnh hưởng tới trật tự mới ở phương Tây, chi phối suốt nửa sau thế kỷ 20. Chúng là báo hiệu cho những cuộc khủng hoảng mà thế kỷ 21 phải đối diện. Các phong trào giải thực dân, quyền công dân, gia tăng toàn cầu hóa và sự phát triển văn hóa phản kháng là những chỉ dấu của giai đoạn này. Chính trong bối cảnh đó, phong trào phản chiến chống lại Chiến tranh Việt Nam phát triển ở nước Mỹ.

Phản đối nhập ngũ

Cách phản chiến trực tiếp nhất là khi các thanh niên từ chối nhập ngũ sang Việt Nam, khoảng ba mươi tới bốn mươi nghìn người trốn sang Canada. Từ 1964 tới 1973, quân đội Mỹ tuyển 2,2 triệu tân binh trong tổng số 27 triệu thanh niên nam giới. Do không tuyên chiến, chế độ nhập ngũ bắt buộc được tổ chức theo một hệ thống chọn lọc của thời bình, vốn hình thành từ những năm trước Thế chiến thứ II. Một tiêu chí quan trọng để miễn nhập ngũ là thành tích học tập ở trường đại học hoặc cao đẳng. Hệ quả là thanh niên da trắng tầng lớp trung lưu dễ rơi vào diện được miễn nhập ngũ hơn. Để sửa sai, năm 1969 người ta thiết lập một hệ thống xổ số. Trước đó, các cuộc biểu tình phản chiến chống nhập ngũ bắt đầu từ Berkeley vào 5/5/1965. Sinh viên tuần hành tới Văn phòng Nhập ngũ, bốn mươi người đốt thẻ gọi nhập ngũ, một năm sau khi mười hai thanh niên New York làm điều tương tự trước đó; tới ngày 22/5 có thêm mười chín thẻ bị đốt trong cuộc biểu tình.

Cuộc biểu tình của quân nhân Mỹ chống Chiến tranh Việt Nam vào năm 1967. Ảnh: Bettman/Getty Images

Từ năm 1966, một số người lính coi Chiến tranh Việt Nam là vô đạo đức và trái pháp luật, đã từ chối đến Việt Nam, họ bị tòa án binh kết án vài năm lao động khổ sai mà không hề được cho cơ hội tự bảo vệ công bằng trước tòa. Trong số đó có nhóm Fort Hood Three, gồm một người da đen, một người Puerto Rico và một người là con trai có cha mẹ là người Italia và Lithuania, họ phản đối tệ phân biệt chủng tộc trong quân đội nói riêng và trong cả nước nói chung. Một trường hợp khác khiến cả thế giới chú ý là Dale Edwin Noyd, một đại úy từng được vinh danh chiến tích, là phi công chiến đấu của Không quân Mỹ, tuyên bố rằng những giá trị nhân bản khiến anh không thể tham chiến trong một cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô đạo đức. Một ví dụ điển hình nữa là Andy Stapp, từng là chủ tịch hội Sinh viên vì hòa bình, đã cùng ba sinh viên khác đốt thẻ gọi nhập ngũ ngay trong trường; sau khi nhập ngũ đã bất tuân phục và khiến dư luận quan tâm khi bị đưa ra xét xử. Những trường hợp đó nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các phong trào dân sự phản chiến, làm định hình mối liên minh bền vững giữa những công dân và người lính phản chiến, khuyến khích thêm hàng nghìn lính Mỹ khác tham gia chống đối.

Cũng vào năm 1966, Muhamed Ali, từng là nhà vô địch quyền anh hạng nặng thế giới năm trước đó, từ chối đi lính đến Việt Nam vì lý do tôn giáo và đạo đức, bị tuyên án chống nhập ngũ và tước danh hiệu vô địch, bị cấm thi đấu trong gần bốn năm, đúng vào giai đoạn đỉnh cao của một vận động viên.

Các cuộc biểu tình chống đối của sinh viên, thanh niên bị gọi nhập ngũ và những người lính đốt thẻ đăng lính liên tục diễn ra trong những năm tiếp theo. Nhiều người, sau những năm bị tù đày đã trở thành những gương mặt quan trọng của phong trào phản chiến. Một số cuộc hành động tập thể hủy hồ sơ nhập ngũ gây tiếng vang, như Catonsville Nine, một nhóm hoạt động Thiên chúa giáo đốt cháy các chồng hồ sơ, hay nhóm Baltimore Four Silver Spring Three phun máu trộn với sơn lên chúng. Hai vụ đặc biệt đáng nhắc đến là Fort Levis Six năm 1970 và Camden Twenty-eight năm 1971.

Những phong trào khởi phát ở nước Mỹ đã nhanh chóng đạt tới quy mô toàn cầu và ảnh hưởng tới trật tự mới ở phương Tây, chi phối suốt nửa sau thế kỷ 20. Chúng là báo hiệu cho những cuộc khủng hoảng mà thế kỷ 21 phải đối diện.

Đồn Fort Lewis là một trung tâm huấn luyện tân binh trước khi gửi đến vùng chiến, từ 1966 tới 1972 đã tiếp nhận tới 2,3 triệu lính. Mùa thu năm 1968, nhiều sinh viên, nhà hoạt động và những người lính chống đối đã cùng hợp tác; họ mở quán cà phê Shelter Half gần đồn làm nơi gặp gỡ: có vai trò như đầu não phong trào phản chiến, xuất bản tờ rơi lậu, tổ chức các cuộc đình công, kết nối các nhà hoạt động dân sự với những người lính chống chiến tranh, lãnh đạo các cuộc tuần hành. Tháng 12/1969, các cơ quan quân đội liệt Shelter Half “vào sổ đen”, không cho phép quân nhân lai vãng. Quyết định này lập tức bị trường đại học gần đó phản đối, khiến nó cuối cùng bị bãi bỏ. Tuy nhiên, Lầu Năm góc không đồng ý, ra lệnh đưa sáu nam thanh niên về huấn luyện trong đồn. Họ từ chối và tổ chức một cuộc đình công trong tù, đòi hỏi được đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tụ tập, tự do báo chí, đưa tất cả tù nhân chính trị ra khỏi khu vực biệt giam, quyền cho các tù nhân được tổ chức ủy ban đại diện đàm phán với nhà chức trách, và quyền được tiến hành họp báo hằng tuần. Cuối cùng mỗi người bị kết án từ một tới ba năm tù. Shelter Half đóng cửa vào mùa hè 1974.

Nhóm Camden Twenty-eight gồm 28 nhà hoạt động cánh tả và Thiên chúa giáo, thực hiện phá hủy hồ sơ nhập ngũ ở Camden, một thị trấn nhỏ ngoại ô thành phố Philadephia. Một trong số họ là Bob Hardy phản bội nhóm, đồng ý làm chỉ điểm cho FBI với điều kiện không ai trong số 28 người bị tống giam. FBI bí mật dàn xếp để nhóm đột nhập văn phòng nhập ngũ địa phương vào tảng sáng một ngày Chủ nhật. Hơn bốn mươi đặc vụ FBI theo dõi nhóm lẻn vào văn phòng, bắt đầu phá hủy và nhét vào túi hàng nghìn hồ sơ tài liệu nhập ngũ, rồi bất thình lình vây bắt tất cả mọi người liên quan. Bob Hardy, cảm thấy bị FBI lừa dối, quay lại trở thành người bảo vệ hiệu quả nhất cho nhóm, cung cấp thông tin cho thấy FBI đã khuyến khích, cấp kinh phí và tạo điều kiện để cuộc đột nhập diễn ra. Dựa vào lời làm chứng của Hardy, bên bị cáo đã có thể chứng minh rằng thông qua FBI, chính phủ đã thao túng để bắt bớ và xét xử các nhà hoạt động phản chiến. Ngày 20/5/1973, bồi thẩm đoàn kết luận cả 28 bị cáo vô tội và được thả tự do.

Phong trào sinh viên

Bắt đầu từ 1960, hội Sinh viên vì một Xã hội Dân chủ (gọi tắt là SDS) nhanh chóng phát triển trong hơn một thập kỷ, trở thành một tổ chức các nhà hoạt động sinh viên ở tầm quốc gia, với hơn 300 chi hội trong các trường đại học và trong hội nghị quốc gia lần cuối năm 1969 có tới ba mươi nghìn người ủng hộ trên cả nước đăng ký tham gia. Hội nghị lần đầu của họ diễn ra vào tháng 6/1962 tại Port Huron, nơi bản tuyên bố Fort Huron của họ trở thành Tuyên ngôn của hội, thảo bởi Tom Hayden, sau này trở thành chủ tịch hội. Đó là lời phê phán toàn diện dành cho hệ thống chính trị và xã hội nước Mỹ vì đã không mang lại cho thế giới hòa bình và công bằng kinh tế, lời lên án phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng kinh tế, các tập đoàn lớn, công đoàn, đảng phái chính trị, coi các hoạt động phản kháng dân sự bất bạo động là con đường để sinh viên hiện thực hóa khái niệm tham gia dân chủ. Lý tưởng của hội và kiến nghị đòi hỏi một xã hội bình đẳng hơn đã định hình các vấn đề trọng tâm, thôi thúc dâng cao phong trào phản chiến và văn hóa phản kháng của thập kỷ 70. Trong vai trò là một văn kiện nền tảng cho sự phát triển của Cánh tả mới, nó không mang tính Marxist hay cộng sản, nhưng nó chống lại hội chứng cực đoan chống cộng và bài Soviet mà đỉnh điểm là chủ nghĩa McCarthy trong suốt thập kỷ 50. Nó khẳng định rằng các trường đại học, “hệ thống tổ chức chính thống duy nhất mở cửa cho sự tham gia của các cá nhân thuộc hầu như mọi luồng quan điểm” chính là nơi để bảo vệ hòa bình và quyền công dân, đòi hỏi liên minh sinh viên và giáo viên giành quyền kiểm soát từ tay hệ thống công quyền quan liêu.

Andy Stapp, chủ tịch hội Sinh viên vì Hòa bình đã kêu gọi các sinh viên đốt thẻ nhập ngũ trong trường. Ảnh: Meyer Liebowitz/The New York Times, năm 1971

Trong những năm tiếp theo, mục tiêu ban đầu là chống phân biệt chủng tộc và đói nghèo từ 1965 dần chuyển sang chống chiến tranh Việt Nam, sau khi Tổng thống Johnson ra lệnh ném bom miền Bắc Việt Nam vào tháng hai. Tháng ba, SDS tổ chức chuỗi hoạt động “teach-in” đầu tiên ở Đại học Michigan. Khoảng 3500 người tham dự, bao gồm các cuộc tranh luận, diễn giảng, các sự kiện chiếu phim và âm nhạc phản chiến. Ngay lập tức có 35 cuộc teach-in tiếp theo khác ở các trường đại học trên khắp cả nước, cuộc lớn nhất diễn ra ở Berkeley: kéo dài 36 tiếng, với khoảng ba mươi nghìn người tham gia, bao gồm các học giả, nhà báo, chính trị gia, diễn viên hài và giáo viên. Khi đó, Berkeley đã nổi tiếng là nơi nuôi dưỡng Phong trào Tự do Ngôn luận bắt đầu từ ít tháng trước như sự phản kháng lệnh của nhà trường cấm tổ chức các cuộc tụ tập thảo luận chính trị. Sau cuộc bắt bớ hàng loạt với 800 sinh viên trong vài tiếng ở một nhà giam cách trường 25 dặm và những cuộc biểu tình chống đối sau đó, trường đại học cuối cùng phải thỏa hiệp và cho phép tổ chức một số cuộc thảo luận chính trị trong trường. Phong trào Tự do Ngôn luận có ảnh hưởng lâu dài ở trường Berkeley và là thời điểm bản lề cho phong trào dân sự thập kỷ 60. Tháng tư và 11/1965, SDS tổ chức các cuộc tuần hành ở Washington có sự tham gia của hàng vạn sinh viên. Trong cuộc tuần hành thứ hai, Carl Oglesby, vị chủ tịch 30 tuổi của SDS, có bài diễn văn xuất sắc3 được đám đông nồng nhiệt hưởng ứng: “Thay vì giúp người Mỹ đối diện với sự thật, việc đề cao lý tưởng chống cộng chỉ là cách che giấu để mọi thứ duy trì theo hiện trạng. Cho nên, nó diễn giải sự hiện diện của nước ta ở nước khác không phải là một sự cưỡng ép, mà nhằm bảo vệ. Nó thậm chí cho phép nói rằng bom napalm ở Việt Nam là phương diện khác của tình yêu nhân loại – giống như các cuộc trừ tà của thời Trung Cổ thường làm chết bệnh nhân. Vậy là chúng ta đi nói với người nông dân Việt Nam, hay người trí thức Cuba, người công nhân Peru, rằng: tốt hơn là chết đi, chứ đừng theo cộng sản”.   

Mùa đông 1966 và mùa xuân 1967 chứng kiến các cuộc biểu tình trong trường gia tăng. Biểu tình chống các nhà thầu quân sự khắp nơi, như cuộc chống Dow Chemical tại Đại học Wisconsin, nơi một cuộc sit-in (biểu tình ngồi) bị cảnh sát giải tán một cách bạo lực, khiến nhiều người bị thương và bắt bớ. Tuần lễ “Chấm dứt Nhập ngũ” ở Oakland kết thúc với cuộc đối đầu giữa đám đông và cảnh sát. Những cuộc đột kích buổi đêm vào các văn phòng đăng ký nhập ngũ lan rộng. Mùa xuân 1968, các nhà hoạt động SDS lãnh đạo chuỗi sự kiện “Mười ngày phản kháng” trong các trường, với các cuộc tụ tập, tuần hành, sit-in và teach-in, riêng ngày 18/4 có khoảng một triệu sinh viên không đến lớp.

Liên quan đến phong trào sinh viên, cần nhắc đến Ủy ban Điều phối Sinh viên Bất bạo động (SNCC), mặc dù phong trào này quan tâm đến tệ phân biệt chủng tộc hơn là Chiến tranh Việt Nam. SNCC là kênh dẫn dắt sinh viên tới Phong trào Quyền Dân sự, từ 1954 tới 1968 nhắm tới xóa bỏ các chính sách cách ly, phân biệt chủng tộc và hạn chế quyền bỏ phiếu. Nó được thành lập năm 1960 giữa các cuộc biểu tình ngồi ở các trường đại học miền Nam chống lại tệ cách ly chủng tộc trong các căng tin nhà trường. Đầu thập kỷ 60, cùng các tổ chức khác như Đại hội Bình đẳng Chủng tộc (CORE), họ tổ chức hoặc tham gia nhiều hành động, như cuộc Tuần hành tới Washington năm 1963, nơi Martin Luther King có bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ”. Năm 1966, nhân các cuộc biểu tình liên quan tới việc giết hại các sinh viên da đen, nó lên án Chiến tranh Việt Nam, tuyên bố rằng không thể tiếp tục ủng hộ “sự đạo đức giả khi kêu gọi người da đen chống lại cuộc giải phóng Việt Nam, và bảo vệ một ‘nền dân chủ’ vốn chẳng hề tồn tại với họ ngay tại quê nhà”.□

(Còn tiếp)

Thanh Xuân dịch

—–

1 https://en.wikipedia.org/wiki/Category:American_anti%E2%80%93Vietnam_War_activists

2https://en.wikipedia.org/wiki/Students_for_a_Democratic_Society#:~:text=Students%20for%20a%20Democratic%20Society%20(SDS)%20was%20a%20national%20student,representations%20of%20the%20New%20Left.

3https://michiganintheworld.historylsa.umich.edu/antivietnamwar/files original/21a2b01 aa6527ba01cdf738bf1 c9e0ef.pdf

Tác giả

(Visited 96 times, 1 visits today)