Những người Mỹ phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam (kỳ cuối)
Tóm tắt kỳ trước: Làn sóng phản đối Chiến tranh Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế hệ trẻ nước Mỹ giữa thế kỉ 20 nhận ra Giấc mơ Mỹ - “tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng”, chỉ là hão huyền. Những bất công trắng trợn như phân biệt chủng tộc, Chiến tranh Lạnh và nguy cơ chiến tranh hạt nhân, từng bị xem nhẹ, giờ đẩy căng thẳng lên cao. Kỳ 1 nói về phong trào phản đối nhập ngũ và phong trào sinh viên. Tới kỳ này, ta sẽ chứng kiến sự lớn mạnh của chủ nghĩa chống chiến tranh lan rộng ra toàn quốc với những hình thức khác nhau như thế nào.
Tới năm1967, phong trào phản chiến mở rộng trong dân chúng và ngày càng nhiều người Mỹ coi cuộc can thiệp quân sự ở Việt Nam là một sai lầm1. Hình ảnh bi thảm của các nhà hoạt động tiến hành tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam là những minh họa mang tính biểu tượng cho thấy người dân cảm thấy cuộc chiến là phi nghĩa. Truyền thông đóng vai trò quan trọng cho thấy hiện thực của cuộc chiến, tường thuật cuộc tranh luận giữa phe Bồ câu, những người coi cuộc chiến là sai lầm thảm họa, với phe Diều hâu, những người coi cuộc chiến là phù hợp và có thể thắng được. Những bức ảnh vụ ông Nguyễn Văn Lém bị bắn chết2, “Cô bé Napalm”3, bức poster “Và những em bé”4 (“And Babies” dùng hình ảnh những trẻ em và phụ nữ bị thảm sát ở Mỹ Lai) gây tác động đặc biệt sâu sắc. Một sự kiện cũng có ảnh hưởng đáng kể là vụ Daniel Ellsberg, một chuyên gia làm việc cho một tổ chức nghiên cứu cho quân đội, tiết lộ các tài liệu tuyệt mật, Hồ sơ Lầu Năm Góc, là một nghiên cứu của cơ quan này về quá trình ra quyết định của chính phủ liên quan tới Chiến tranh Việt Nam. Hồ sơ Lầu Năm góc cho thấy nước Mỹ bí mật mở rộng quy mô hành động trong các cuộc đột kích bờ biển miền Bắc Việt Nam và những cuộc tấn công của Thủy quân Lục chiến, vốn không hề được đăng tải trên truyền thông chính thống. Chúng thể hiện Chính quyền Johnson đã nói dối một cách hệ thống, không chỉ với công chúng mà cả với Quốc hội.
Ủy ban Vận động Chấm dứt Chiến tranh Việt Nam (Mobilization Committee to End the War in Vietnam) được gọi là “Mobe”, được thành lập vào tháng 11/1966, nhằm tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống Chiến tranh Việt Nam, nhanh chóng có sự tham gia của các nhà hoạt động phản chiến. Ngày 15/4/1967, họ tổ chức một cuộc tuần hành khổng lồ ở New York, từ Công viên Trung tâm tới Liên Hợp Quốc, đốt cháy nhiều thẻ nhập ngũ. Sự kiện thu hút bốn trăm nghìn người, trong đó có Martin Luther King, Harry Belafonte, James Bevel, Chủ tịch của Mobe, và Benjamin Spock, tham gia tuần hành và diễn thuyết. Cùng ngày, ở San Francisco, một cuộc tuần hành tương tự với quy mô một trăm nghìn người. Trong không khí đó, ngày 20-21/5, một hội nghị của Mobe với 700 nhà hoạt động phản chiến cùng Mobe đã tổ chức cuộc Tuần hành tới Lầu Năm góc vào tháng mười một, bắt đầu với cuộc tụ tập ở đài tưởng niệm Lincoln, với khoảng bảy mươi nghìn người tham gia. Khoảng 650 người, bao gồm Norman Mailer, bị bắt tại bậc thềm tòa Lầu Năm góc vì tội chống đối dân sự. Ngay sau đó Mobe bắt đầu lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình tại Hội nghị Toàn quốc Đảng Dân chủ, được tổ chức ở Chicago, nơi Tổng thống Johnson lẽ ra được đề cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Chỉ có khoảng mười nghìn người tham dự vì nhiều người cho rằng Thị trưởng Chicago sẽ huy động cảnh sát. Năm 1968, cuộc tổng tấn công Mậu Thân, việc Johnson tự rút lui và vụ ám sát Martin Luther King và Robert Kennedy mang đến bầu không khí đặc biệt căng thẳng trong những tháng tiếp theo. Trong khi đó, trào lưu Hippies, biểu tượng cho văn hóa phản kháng của thập kỷ 60 và 70 đã tổ chức những sự kiện lớn như Human-Be-in và Mùa hè của Tình yêu ở California. Nhóm Yippies (Đảng Thanh niên Quốc tế) quyết định tham gia cuộc biểu tình ở Chicago để đề cử một con lợn, “Lyndon Pigasus Pig”, ra tranh cử Tổng thống. Sau nhiều cuộc đối đầu bạo lực với cảnh sát, bảy nhà hoạt động phản chiến, được gọi là “Chicago Seven” bị bắt và truy tố, trong đó có Tom Hayden và các nhà sáng lập phong trào Yippies.
Daniel Ellsberg, ở bên ngoài tòa án Liên bang vào năm 1971, phải đối diện với 12 cáo trạng vì làm rò rỉ Hồ sơ Lầu Năm góc. Tuy nhiên, những cáo buộc này bị xóa bỏ vào năm 1973. Ảnh: Donal F. Holway/The New York Times.
Chủ nghĩa chống chiến tranh của các năm 1967 và 1972 không tách rời khỏi các hình thái chủ nghĩa khác, chủ nghĩa hòa bình, chủ nghĩa nữ quyền, và những cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng chủng tộc, đòi hỏi quyền công dân và quyền con người, tất cả đều cùng nở rộ trong giai đoạn này.
Phụ nữ thành lập một số tổ chức nhằm chấm dứt Chiến tranh Việt Nam, như Một người mẹ nữa vì Hòa bình và Phụ nữ Biểu tình vì Hòa bình. Tổ chức sau thực hiện những cuộc biểu tình quan trọng trong năm 1967: một cuộc tuần hành tới Lầu Năm góc vào tháng hai, một cuộc tụ tập vài nghìn thành viên tại Nhà Trắng vào tháng chín, “Tuần lễ Chấm dứt Chiến tranh” vào tháng mười, trong đó hơn một nghìn thẻ nhập ngũ bị trả lại, cũng tại đó Joan Baez bị bắt. Tháng 1/1968, họ tổ chức ở Washinton cuộc tập hợp toàn phụ nữ chống chiến tranh đầu tiên, có tên là Jeannette Rankin Brigade với sự tham gia của hơn năm nghìn phụ nữ. Họ được sự ủng hộ của nhiều nhà hoạt động trong các phong trào giải phóng phụ nữ và nữ quyền, bao gồm các ngôi sao như Angela Davis, Joan Baez và Jane Fonda, các họa sĩ, nhà báo, tăng lữ và phụ nữ là lãnh đạo trong các tổ chức chính trị và hoạt động vì quyền công dân.
Tháng hai 1966, một nhóm vài trăm cựu chiến binh tìm cách trả lại các huân huy chương cho Nhà Trắng để phản đối chiến tranh, nhưng bị chặn lại. Tháng 5/1967, Jan Barry Crumb và mười cựu chiến binh khác tham dự một cuộc biểu tình vì hòa bình ở Washington, và ngày 1/6, họ sáng lập Hội Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam Phản đối Chiến tranh (VVAW), tổ chức vài cuộc biểu tình phản chiến, trong đó có cuộc ngăn chặn Thượng nghị sĩ J.W.Fulbright phát biểu tại một hội nghị vào tháng 3/1969. Ngày 23/4/1971, các Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam vứt bỏ khoảng 700 huân huy chương trên bậc thềm tòa nhà Quốc hội, ngày hôm sau nửa triệu người trên cả nước tham gia các cuộc tuần hành phản chiến. Tháng 12/1971, mười lăm cựu chiến binh chiếm giữ Tượng thần Tự do ở New York trong khi tám mươi người khác đụng độ với cảnh sát và bị bắt khi tìm cách chiếm giữ đài tưởng niệm Lincoln ở Washington. Tháng 1/1971, VVAW tài trợ “Cuộc điều tra Quân đội Mùa đông”, một sự kiện truyền thông nhằm công bố các tội ác chiến tranh và sự tàn bạo gây ra bởi quân đội Mỹ ở Việt Nam. Năm 1972 họ lên kế hoạch các cuộc biểu tình nhằm gây rối Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, FBI biết về kế hoạch này, tám cựu chiến binh bị bắt và truy tố tội âm mưu chống phá. Cả tám người đều được thả tự do. Các nhà hoạt động phản chiến là cựu chiến binh nhận được sự ủng hộ rộng rãi, trong số họ có những nhân vật triển vọng, như John Kerry, sau này là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, Robert M. Ockene (nhà sáng lập Yippies), Jeff Sharlet (nhà sáng lập Vietnam GI, một bản tin phản chiến giàu ảnh hưởng) và Andy Stapp (nhà sáng lập Công đoàn của Quân nhân Mỹ). Họ không chỉ theo đuổi các giá trị nhân văn mà còn quan tâm tới những đau đớn mà các cựu chiến binh gánh chịu, liên quan tới rối loạn chấn thương căng thẳng hậu chiến và phơi nhiễm Chất độc Da cam.
Nhiều người trong giới tăng lữ, cả Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo, tích cực ủng hộ phong trào phản chiến. Tháng 2/1967, các nhóm Thiên chúa giáo phản đối chiến tranh tổ chức cuộc “Tuyệt thực vì Hòa bình”. Năm 1971, Philip Berrigan, một thầy tu Công giáo từng bị tù vì đốt thẻ nhập ngũ trong vụ Catonsville Nine, bị bắt vì trao đổi thư từ với sáu nhà hoạt động phản chiến khác ám chỉ việc bắt cóc Henry Kissinger. Bảy người họ, được gọi là Harrisburg Seven, bị 23 cáo buộc về tội âm mưu. Để phản đối phiên tòa, 166 người, nhiều trong số đó là học viên tu viện, treo một sợi dây xích quanh Tòa án Liên bang và bị bắt. Nhóm Harrisburg Seven cuối cùng được thả tự do. Ngày 6/7/1972, bốn nữ tu trong một chuyến tham quan Nhà Trắng đã dừng lại và cầu nguyện phản đối chiến tranh. Trong sáu tuần tiếp theo, hoạt động quỳ xuống (“kneel-ins”) trở thành một hình thức phản đối phổ biến và dẫn tới 160 vụ bắt giữ. Một nhân vật kiệt xuất trong giới tăng lữ phản đối Chiến tranh Việt Nam chính là Martin Luther King Jr, một mục sư Baptist trở thành người phát ngôn và lãnh đạo nổi tiếng nhất của phong trào đòi quyền công dân năm 1955, cho tới khi bị ám sát năm 1968. Là một lãnh đạo trong giáo hội của người da đen gốc Phi, con trai của Martin Luther King Sr vốn là một nhà hoạt động vì quyền công dân thời kỳ đầu, ông thúc đẩy quyền công dân cho người da màu bằng những hoạt động bất bạo động và phản kháng dân sự.
Một số nghệ sĩ, nhà văn, ca sĩ và diễn viên hài kịch rất tích cực phản đối Chiến tranh Việt Nam. Các diễn viên như Robert Vaugh và Donna Reed là các thành viên tích cực của hội Một người mẹ nữa vì Hòa bình. Nhà thơ Allen Ginsberg cùng các thành viên khác của hội trí thức cấp tiếp RESIST như Noam Chomsky và Norman Mailer ký bản tuyên ngôn phản chiến “Một tiếng gọi chống cường quyền”, lan truyền giữa những người phản đối nhập ngũ năm 1967. Năm 1968, ông vận động ủng hộ và sau này bảo trợ cho dự án Phản đối Thuế Chiến tranh. Những nhân vật biểu tượng nhất hẳn là Joan Baez và Jane Fonda. Joan Baez là ca sĩ, nhạc sĩ, tác giả các bài hát, biết đến nhiều nhất với các bản nhạc dân ca, trong đó có những bài hát về phản kháng và bình đẳng xã hội. Năm 1964, bà sáng lập Viện Nghiên cứu Phi bạo lực và khuyến khích những người phản đối nhập ngũ tham dự các buổi hòa nhạc của mình. Bà bị bắt hai lần năm 1967 vì chặn lối ra vào Trung tâm Tuyển quân ở Oakland và bị giam hơn một tháng. Bà thường xuyên tham gia các cuộc tuần hành và tụ họp phản chiến, trong đó có nhiều cuộc phản đối ở thành phố New York, bắt đầu với cuộc Diễu hành Hòa bình Đại lộ số Năm vào Tháng 3/1966; buổi hòa nhạc miễn phí năm 1967 tại đài tưởng niệm Washington ở thủ đô Washington D.C., thu hút đám đông ba mươi nghìn người tới nghe các thông điệp phản chiến; các cuộc biểu tình Đình chỉ để chấm dứt Chiến tranh ở Việt Nam (Moratorium to End the War in Vietnam) năm 1969, một chuỗi sự kiện biểu tình khổng lồ trên khắp các trường đại học ở Mỹ diễn ra vào 15/10/1969, và tiếp nối vào tháng mười một là cuộc Tuần hành đòi đình chiến ở Washington nơi ca sĩ dân gian Pete Seeger dẫn đầu đoàn biểu tình cùng hát bài “Hãy cho Hòa bình một cơ hội” của John Lennon. Trong mùa Giáng sinh năm 1972, Joan Baez tham gia đoàn đại biểu hòa bình tới miền Bắc Việt Nam, tìm hiểu về nhân quyền và gửi thư Giáng Sinh cho các tù binh chiến tranh người Mỹ. Trong thời gian bà ở đây, Mỹ tiến hành chiến dịch “Ném bom Giáng sinh” lên Hà Nội kéo dài liên tục mười một ngày.
Từ giữa thập kỷ 60, Jane Fonda đã là một diễn viên điện ảnh đầy triển vọng (bà giành giải Oscar đầu tiên từ năm 1971). Tháng 4/1970, cùng Fred Gardner và Donald Sutherland, bà lập nhóm lưu diễn “Thả tự do cho Quân đội” (“Free the Army”) phản đối chiến tranh, tìm đến các thị trấn có căn cứ quân sự ở bờ biển phía Tây, nhằm đối thoại với những người lính về cuộc thực hiện nhiệm vụ sắp tới của họ ở Việt Nam. Người ta nhớ đến bà trong cuộc phản chiến vì tình nhân ái, chân thành, nhưng cũng có lúc vụng về. Tháng 5/1970, bà xuất hiện trong một sự kiện tại Đại học New Mexico để nói về quyền và những vấn đề của binh sĩ lục quân. Bà không hề biết về vụ vệ binh quốc gia bắn bốn sinh viên ở Ohio vừa xảy ra, và bài nói chuyện của bà gặp phải sự im lặng đầy sượng sùng. Cùng ngày đó, bà tham gia cuộc tuần hành phản đối diễn ra ở quê nhà vị chủ tịch trường. Đám tuần hành tự gọi mình là “Họ bắn sinh viên, phải thế không?” – nhằm liên hệ với bộ phim vừa ra mắt của Jane Fonda, “Họ bắn lũ ngựa, phải thế không?”, cũng vừa công chiếu ở thành phố Albuquerque của bang. Cùng năm đó, bà phát biểu chống chiến tranh ở một cuộc tụ họp của VVAW và đề nghị giúp gây quỹ, và thực hiện điều đó vào tháng mười một bằng cách lưu diễn ở các trường đại học. Giữa năm 1965 và 1972, gần ba trăm người Mỹ – đa số là các nhà hoạt động, giáo viên và mục sư – đến thăm miền Bắc Việt Nam để chứng kiến hiện thực chiến tranh bằng chính mắt mình. Jane Fonda thăm miền Bắc vào tháng 7/1972, chứng kiến dấu bom ném xuống các con đê. Bức ảnh bà ngồi trên pháo cao xạ của miền Bắc Việt Nam khiến một số người Mỹ tức giận. Bà không ý thức về thông điệp mà bức ảnh mang lại và sau này xin lỗi về sự kiện. Jane Fonda lên tiếng trên Đài phát thanh Hà Nội trong suốt hai tuần lưu diễn, nói về những chuyến thăm các ngôi làng, bệnh viện, trường học và nhà máy bị ném bom, lên án chính sách quân sự của Mỹ. Bà thăm các tù nhân chiến tranh người Mỹ và chuyển thư về cho gia đình của họ. Khi người ta công bố những câu chuyện về tra tấn từ các tù nhân trở về nhà, Jane Fonda khẳng định đó là những lời dối trá dàn dựng bởi chính quyền Nixon. Năm 1972, bà gây quỹ và tổ chức Chiến dịch Hòa bình Đông dương. Các diễn viên nổi tiếng khác như Charlton Elston, Burt Lancaster và Gregory Peck cũng cùng tham gia phong trào phản chiến.
Rất nhiều các học giả, giáo sư đại học, trí thức cũng nỗ lực lên tiếng phản đối Chiến tranh Việt Nam, nhìn chung hơn họ ủng hộ các quyền công dân, nữ quyền và bình đẳng chủng tộc. Về chính trị, đa số thiên về cánh tả. Một số ít là những người giáo điều nhưng ảnh hưởng hạn chế: khi nói lên tiếng nói của trái tim, chúng tôi chẳng cần đến các nhà lý thuyết dựng lên những giáo lý về điều cần phải nói. Một số người nổi tiếng, như George Wald, người giành giải Nobel Y học năm 1967 với nghiên cứu về truyền ảnh từ mắt tới não, Noam Chomsky, người xuất bản nghị luận nổi tiếng “Trách nhiệm của trí thức” trong cùng năm, Benjamin Spock, bác sỹ nhi với cuốn sách Trẻ em và chăm sóc trẻ là một trong những cuốn sách bán chạy hàng đầu của thế kỷ 20.
Trong số họ, Angela Davis sinh ra từ một gia đình trung lưu, bố mẹ là người da đen, bà tích cực tham gia các phong trào thanh niên gần với Đảng Cộng sản. Bà tốt nghiệp đại học năm 21 tuổi vào năm 1965, cử nhân về tiếng Pháp và triết học. Khi đó, bà đã gặp Herbert Marcuse và là sinh viên của ông, dành một năm ở Pháp trong một chương trình trao đổi sinh viên, tham gia Festival Thanh niên và Sinh viên Thế giới ở Helsinki do những người cộng sản tài trợ. Bà chuyển tới Frankfurt, nơi Marcuse dạy học, dành hai năm gần gũi với một liên đoàn cấp tiến của các sinh viên theo chủ nghĩa xã hội, tham dự một hội nghị ở London về Biện chứng của Khai phóng và theo sát các hoạt động ở Mỹ. Sau đó bà theo Marcuse về San Diego nơi ông được mời một vị trí giảng dạy và gia nhập một chi hội toàn người da đen của Đảng Cộng sản. Bà có bằng thạc sĩ năm 1968, tiếp theo là bằng tiến sĩ từ Đại học Humboldt ở Đông Đức. Năm 1969, khi giữ vị trí phó giáo sư ở khoa triết học đại học UCLA, bà đã được biết đến là một nhà nữ quyền và nhà hoạt động cấp tiến, thành viên Đảng Cộng sản và nhóm Báo Đen, điều đó khiến bà bị ban giám hiệu trường đại học sớm sa thải. Năm 1970, bà giúp một thanh niên da đen 17 tuổi, Jonathan Jackson, giải thoát anh trai George, người bị giam cùng hai người khác vì giết một lính gác nhà tù. Angela mua súng cho Jonathan. Ngày 7/8, giữa phiên tòa xét xử ba bị cáo da đen, cậu ta bắt làm con tin thẩm phán và ba người trong bồi thẩm đoàn; một bị cáo bắn vào cảnh sát và bị bắn trả: vị thẩm phán và ba người đàn ông da đen bị giết. Tháng 1/1971, bị cảnh sát xác định là chủ sở hữu khẩu súng và buộc tội “bắt cóc với tình tiết tăng nặng và giết người độ một làm chết thẩm phán”, Angela tuyên bố mình vô tội và bị tống giam. Khắp cả nước, hàng nghìn người tổ chức các phong trào đòi thả tự do cho bà; năm 1972 sau 16 tháng bị giam giữ, bà được thả tự do với một bảo lãnh do những người ủng hộ trả tiền. Ngày 4/6, sau 13 tiếng đồng hồ tranh cãi, một đoàn bồi thẩm toàn người da trắng kết luận bà vô tội. Bà trở thành một trong những nhân vật biểu tượng của thời kỳ này.
Nhóm Thời tiết Ngầm (còn gọi là nhóm Dự báo thời tiết) là một tổ chức vũ trang cực tả bắt đầu hoạt động từ năm 1969, được tạo ra trong lòng SDS. Khác với SDS coi trọng các cuộc biểu tình bất bạo động, nhóm Dự báo thời tiết có mục tiêu trở thành đảng cách mạng lật đổ chủ nghĩa đế quốc Mỹ, với quan điểm ủng hộ Quyền của người da đen và chống Chiến tranh Việt Nam. Tháng 10/1969, đồng thời với phiên tòa xét xử nhóm Chicago Seven, họ tổ chức “Những ngày Phẫn nộ” ở Chicago, một chuỗi những cuộc đung độ bạo lực với cảnh sát, theo khẩu hiệu “Mang chiến tranh về quê nhà”, cổ suy việc dùng bạo lực để lật đổ chính quyền. Sự kiện không được tổ chức đầy đủ và thu hút ít người tham gia hơn dự kiến, kết quả là 287 thành viên bị bắt, đa số các thủ lĩnh bị giam. Từ đó, họ tách khỏi SDS và hoạt động ngầm, nhiều người bỏ trốn và ẩn nấp trong vài năm để tránh bị bắt vào tù. Trong thập kỷ 70, họ thực hiện một chiến dịch đặt bom các tòa nhà chính quyền và vài ngân hàng. Nổi tiếng là vụ Đặt bom tòa Sterling và Cướp Ngân hàng Brighton. Tòa Sterling là một tòa nhà trong trường Đại học Wisconsin-Madison nơi có Trung tâm Nghiên cứu Toán học Quân đội là mục tiêu nổ bom. Trái bom là một chiếc xe tải bị đánh cắp chứa gần một tấn chất nổ. Vụ nổ làm chết một người làm postdoc 33 tuổi đang nghiên cứu về siêu dẫn trong một phòng thí nghiệm vật lý gần đó, và làm bị thương ba người khác. Vụ cướp ngân hàng Brighton ở ngoại ô Boston, do năm người, đa số có tiền án, thực hiện nhằm kiếm tiền cho các hoạt động phản chiến. Họ chỉ cướp được 26 nghìn USD nhưng một người bắn vào lưng và giết chết một cảnh sát. Sau này, họ còn nổ bom một tòa nhà của Bộ Ngoại giao ở Washington nhằm “phản ứng với sự leo thang chiến tranh ở Việt Nam”.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Hòa bình Paris được ký, không lâu sau toàn bộ quân đội Mỹ rời khỏi Việt Nam.
Thanh Xuân dịch
——
1 https://en.wikipedia.org/wiki/Opposition_to_United_States_involvement_in_the_Vietnam_War
2 https://en.wikipedia.org/wiki/Execution_of_Nguy%E1%BB%85n_V%C4%83n_L%C3%A9m
3 https://www.qdnd.vn/ban-doc/nguoi-trong-anh/50-nam-buc-anh-em-be-napalm-cua-nick-ut-690864
4 https://www.qdnd.vn/ban-doc/nguoi-trong-anh/50-nam-buc-anh-em-be-napalm-cua-nick-ut-690864