Những nhà dân tộc học hàng hải người Pháp tại Việt Nam

Ngày nay, mỗi khi lên mạng tra cứu về thuyền bè truyền thống trên thế giới, bạn đọc lại gặp những tác giả người Pháp như đô đốc Pâris, Poujade, Claeys, Paris, Piétri… Chính họ là người từ rất sớm đã nghiên cứu sâu về hàng hải truyền thống của dân tộc ta, đã đưa những ghe bầu, ghe lưới rùng… vào hàng ngũ các con thuyền truyền thống, đứng cạnh drakkar của người Viking, koleh pengayer của người Mã Lai, những dân tộc hàng hải thời xa xưa… Bài viết này điểm qua vài nét về cuộc đời và một vài câu chuyện về sự đóng góp to lớn của họ.

Đô đốc Pâris, (1806 – 1893 ).

Người đầu tiên được các nhà nghiên cứu thường trích dẫn đó là đô đốc Pâris1, với cuốn “Phác thảo việc đóng tàu thuyền của các dân tộc ngoài châu Âu” được giới dân tộc học hàng hải coi là kinh điển. Cái “ngoài châu Âu” tức extra-européens này là các dân tộc như Á, Phi, Mỹ, châu Đại Dương mà Pâris đã thực hiện những chuyến đi khảo sát ròng rã nhiều ngày trên các con tàu Astrolabe, Favorite, Artémise… nằm trong chương trình nhà nước Pháp đẩy mạnh nghiên cứu đại dương, phục vụ cho việc bành trướng thực dân trong công cuộc mà ngày nay chúng ta có thể gọi là cuộc “toàn cầu hóa lần thứ 1”. Với những ghi chép tỉ mỉ, những bức vẽ công phu, Pâris đã là nhà nghiên cứu chuyên sâu về hàng hải lần đầu tiên đưa ra cho thế giới biết những con thuyền tại Huế, Đà Nẵng mà trước đây chỉ có những ghi chép sơ sài của các nhà du lịch. Sau này, khi không tham gia trực tiếp trong lực lượng hải quân, Pâris trở thành người quản thủ của Bảo tàng Hàng hải Pháp, một bảo tàng nằm không xa tháp Eiffel, biểu tượng của thủ đô Paris. Với kinh nghiệm và kiến thức tích lũy của hơn 20 năm hoạt động trên biển, Pâris đã xây dựng bảo tàng này thêm phong phú, với nhiều mô hình thuyền bè từ Việt Nam.

Nếu Pâris được thực hiện một chương trình nghiên cứu có tổ chức thì phần lớn các nhà dân tộc học hàng hải khác lại làm việc có tính “nghiệp dư” như: Cadière2 là một vị cha xứ đáng kính phụ trách mục vụ vài tỉnh miền Trung nhưng được biết tới như một nhà Việt học nổi tiếng, trong đó có nhiều ý kiến, ghi chép, nhiều bài báo khảo cứu tàu thuyền khu vực này. Chẳng hạn chúng ta có thấy hình vẽ do Cadière thực hiện để mô tả tỉ mỉ việc ghép nối giữa đáy thuyền bằng nan tre và phần gỗ phía trên một loại thuyền đặc biệt có kết cấu hỗn hợp dưới là tre trên là gỗ, chú ý tới chiếc đinh gỗ được chêm để tăng độ căng, độ kín (hình 1); Poujade3 khi thực hiện chức phận như một nhà hàng hải tại Đông Dương được thế giới biết tới qua cuốn sách “Thuyền bè Đông Dương” với nhiều bức tranh màu nước vẽ theo phong cách marinist – một phong cách mỹ thuật hàng hài khởi nguồn từ Hà Lan; Piétri, viên hoa tiêu với chức danh “chánh kiểm ngư” đã có dịp ngang dọc khắp ven bờ Đông Dương thời ấy, bao trùm từ Quảng Châu Văn, tức Trạm Giang Trung Quốc ngày nay, vòng qua bán đảo Lôi Châu tới vịnh Bắc Bộ, kéo dọc đường cong chữ S sang tới Koh Tang, Campuchia, giúp cho ông có cái nhìn tổng quan về thuyền bè Việt Nam, đối chiếu với các nước lân cận để hoàn thành cuốn sách “Thuyền buồm Đông Dương”4. Cuốn sách được nhiều tác giả trên thế giới trích dẫn vì ngoài những phân tích tỉ mỉ dựa trên khoa học đóng tàu, những lý giải trên cơ sở thủy khí động học, cuốn sách lại kèm theo những hình minh họa do chính tác giả thực hiện bằng cả niềm say mê của người nghệ sĩ khoác áo kiểm ngư.

Bản đồ phân vùng tàu thuyền Việt Nam do Paris thực hiện trong tác phẩm “Phác thảo”.

Trong những nhà nghiên cứu nghiệp dư đó, đáng kể nhất là Pierre Paris, người đã khái quát hóa những hiểu biết lúc đó về hàng hải Việt Nam. Với tác phẩm “Phác thảo về dân tộc hàng hải Việt Nam” xuất hiện lần đầu vào năm 1939 trên tạp chí của Viễn đông Bác cổ BFEO, ông đưa ra giả thiết chính tổ tiên xa xưa của những ngư dân Sầm Sơn, những chủ nhân của trống đồng Đông Sơn với những hình thuyền mãi mãi đi vào lịch sử là những người đã đóng bè vượt đại dương cách đây vài nghìn năm! Để viết cuốn “Phác thảo”, Pierre đã vận dụng toàn bộ những kiến thức và kinh nghiệm kỹ thuật hàng hải mà mình có, mặc dù chức danh của ông ghi trên các công trình chỉ là “nguyên là sinh viên Đại học Bách khoa Paris”5 và “thành viên Viễn đông Bác cổ”, ngoài ra không có học hàm, học vị gì! Đúng như vậy. Vào học ở Đại học Bách khoa danh tiếng này với số điểm xuất sắc, học dở dang thì Thế chiến I bùng nổ, Pierre đi lính, chiến đấu với nhiều huân huy chương rồi trở về và tình nguyện sang Đông Dương gắn bó cuộc đời với nghiệp đo vẽ bản đồ. Công việc đã đưa ông đi nhiều nơi trong xứ Đông Dương thuộc địa Pháp, sang cả Maroc, Trung Quốc, Nhật Bản và biển cả nhiệt đới khiến ông say mê ghi chép, phân tích. Đầu tiên là phân tích các con thuyền cụ thể, trong công trình so sánh mối quan hệ họ hàng giữa bốn loại thuyền Việt Nam để rút ra những cái giống nhau và khác nhau6. Sau đó là tác phẩm “Phác thảo”7 có tính tổng kết với hai tấm bản đồ, một là bản đồ về các tàu thuyền Việt Nam, hai là bản đồ toàn cảnh hàng hải Ấn Độ và Trung Hoa, Nhật, Úc và châu Đại Dương. Với bản đồ thứ nhất, tác giả muốn nhấn mạnh vị trí địa lý của Việt Nam dẫn tới những ảnh hưởng Ấn – Âu và Trung Hoa, các nước Đông Nam Á… tới thuyền Việt Nam, chỉ ra đâu là những thuyền mang tính “thuần Việt”. Với bản đồ thứ hai, những con thuyền Việt Nam như thuyền mành, ghe bầu… được đặt cạnh các con thuyền trong khu vực từ kalla dhonis Ấn Độ tới majang Indonesia, để minh họa cho bảng tổng kết cuốn sách, nhằm so sánh những cái giống nhau và khác nhau của một số chi tiết quan trọng của con thuyền như bánh lái, cách treo buồm… so với Trung Hoa và các dân tộc khác. Gần 100 trang in bài viết và hơn 200 ảnh chụp cùng hơn 200 ghi chú, các trích dẫn từ các tác giả chuyên nghiên cứu hàng hải trong vùng như ông Hornell chuyên về thuyền Ấn Độ, Donnely chuyên về thuyền Trung Hoa, Nooteboom chuyên về thuyền Indonesia…, Pierre còn sử dụng nhiều tài liệu của các bạn Pháp cùng sở thích, đặc biệt là Pietri với mối thâm giao lâu năm để xây dựng nên một toàn cảnh đầu tiên về hàng hải của dân tộc Việt, dù mới là “phác thảo”. Khác với các nhà nghiên cứu khác, chỉ trọng tài liệu và quan sát, trong một ghi chú, Pierre không giấu niềm tự hào, có vẻ mang dáng dấp “tự kiêu” khi cho là các nhà nghiên cứu Anh và Hà Lan – những con người thuộc hai dân tộc hàng hải hàng đầu thế giới – chỉ chuyên lo mô tả thì các nhà nghiên cứu Pháp “dấn thân” hơn, tự mình đi học người Việt Nam để thử nghiệm lái bè Sầm Sơn, căng buồm ghe bầu, ghe nang. Trong các trang “Phác thảo”, ta thấy Pierre mô tả khá tỉ mỉ các thúng chai và thử phân tích trên các nguyên lý quán tính động lực học nhằm giải thích tại sao thúng chai có thể chuyển động về bờ được chỉ bằng những động tác nhún nhảy của chú bé con dân chài mà không cần khua dầm chèo.

Tuy không có những chuyên khảo sâu về văn hóa như bài báo “Những khúc hát của dân chài Việt Nam” như Claeys8 đã thực hiện nhưng qua những nghiên cứu của Pierre và Pietri toát lên niềm cảm thông sâu sắc với chủ nhân của những chiếc ghe bầu, ghe nang, thêm phần khâm phục những con người sống cùng thiên nhiên với những phương tiện thô sơ nhưng có những cách xử trí rất mau lẹ, thông minh cùng những phê phán thẳng thắn những điều chưa hay của người Việt trong công nghệ hàng hải. Đó cũng là một vài nhận xét như Claeys đã trình bày trong bài báo “Người Việt và Biển”9 mà nhiều người hay trích dẫn.

Cha Cadiere ghi lại chi tiết mối nối giữa nan tre và gỗ trên ghe thuyền miền Trung.

Nick Burningham, nhà nghiên cứu thuyền cổ nổi tiếng người Úc đứng cạnh cột buồm còn Tim Severin đứng dưới (đầu tiên từ trái) trong khi đang lắp buồm tại Hạ Long trước chuyến vượt biển.

 

Nếu trước năm 1949, thuyền bè Trung Hoa chỉ được một vài người nước ngoài nghiên cứu trong đó nổi bật là Donnely, một người Anh sinh tại bán đảo Sơn Đông, nhiều năm làm đại lý tàu biển tại Thượng Hải, thì sau ngày giải phóng, nước này đã tổ chức có hệ thống việc nghiên cứu sắp xếp các thuyền dân gian của mình từ các con sông lớn như Hoàng Hà, Dương Tử tới suốt dọc ven biển từ vịnh Liêu Đông phía Bắc tới đảo Hải Nam, với những ghi chép, các bản vẽ kỹ thuật của khoa đóng tàu như đường hình dáng, đường cong ổn định… Chính trên nền nghiên cứu có hệ thống đó mà các nhà bảo tàng học đã cùng các kỹ sư xây dựng nên Bảo tàng Thuyền tại thành phố Tuyền Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, cũng như Bảo tàng thuyền Nam Hải khá hiện đại tại đảo Hailing, Yangjiang tỉnh Quảng Đông gần đây. Cũng chính từ những nghiên cứu hệ thống đó mà họ đã thực hiện một cuộc chuyển đổi căn bản của ngư nghiệp, từ sử dụng thuyền gỗ sang tàu thuyền sắt thép với các mẫu mã chuẩn hóa theo vùng miền và đối tượng đánh bắt. Và đi xa hơn, những kết quả này phục vụ việc tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. Trong khi đó, những kết quả nghiên cứu dân tộc học hàng hải của người Pháp để lại rõ ràng hơn hẳn những gì mà người nước ngoài làm tại Trung Quốc nhưng lại không được chúng ta tiếp nối bằng những nghiên cứu dài hơi, có cả sự tham gia của các khoa  xã hội học lẫn kỹ sư đóng tàu, để làm rõ từng chủng loại thuyền, thói quen làm ăn, sự khác nhau giữa các nghề cào vây…, tính ổn định và kết cấu của người Việt làm cơ sở để hướng dẫn ngư dân chuyển dần sang dùng tàu thép một khi đóng cửa rừng, cũng là cơ sở cho một Quy chuẩn đóng tàu có căn cứ thực tiễn, là căn cứ cho những mô hình tàu thuyền trong Bảo tàng Hàng hải trong tương lai…

Điều đó cứ ray rứt tôi vào một buổi chiều tháng chín năm ngoái khi lặng nhìn khối di cảo của Pierre Paris tại Bảo tàng Hàng hải Rotterdam Hà Lan. Tác giả “Phác thảo về dân tộc học hàng hải Việt Nam” cuối cùng đã chết trong đói nghèo và bệnh tật.

Vào đầu thế kỷ 20 , nhiều nhà nhân học phát hiện thấy những điều giống nhau tới kỳ lạ giữa hai bờ Thái Bình Dương qua các phát hiện khi nghiên cứu văn hóa so sánh, khảo cổ và Heine Robert Geldern – cháu nội của nhà thơ nổi tiếng Henrich Heine – người tiên phong đưa ra giả thuyết về một sự di dân từ miền Nam châu Á sang Trung và Nam Mỹ từ thời tiền sử. Nhiều ý kiến tán đồng cũng như phản bác giả thuyết này, trong đó nổi bật là Needham10, một chuyên gia sinh hóa người Anh, lấy vợ Trung Hoa, bản thân ông cũng có tên tiếng Hoa là Lý Ước Sắt. Bằng tác phẩm đồ sộ về nền văn minh Trung Hoa cổ xưa, Needham đã cho là người Hoa, có thể là từ đời Tần, đã vượt Thái Bình Dương. Chính vì được khích lệ bởi Needham mà Tim Severin đã sang Việt Nam đóng bè Sầm Sơn vượt đại dương vào năm 199311, một chuyến khảo cổ thực nghiệm nhằm minh họa cho quan điểm của Needham nhưng trên thực tế lại chứng minh cho giả thuyết của các nhà dân tộc Pháp tại Việt Nam mà Pierre là người đi đầu.

——

Chú thích:
1 Pâris François-Edmond (1806  – 1893) với tác phẩm “Essai sur la construction navale des peuples extra-européens”.
2 Lépold Michel Cadière (1869-1955).
3 Poujade Jean –Viện sĩ Viện Hàng hải Pháp, tác giả “Bateaux d’Indochine”. 
4 Bản dịch tiếng Việt cuốn “Voiliers d’Indochine” , nhà xuất bản Trẻ 2015.
5 Pierre Paris -Ancien élève de l’École polytechnique, Membre correspondant de l’École française d’Extrême-Orient
6 Recherches de parentés à quatre embarcations d’Indochine, đó là độc mộc Campuchia, độc mộc miền trung lưu sông Mekong , bè Sầm Sơn và thuyền có đáy nan tre và có xiếm vùng Đà Nẵng.
7 Esquisse d’une ethnographie navale des pays Annamites.
8 J. Y. Claeys : Les chants de pêcheurs en Annam, đăng trong Bulletin de l’Institut indochinois pour l’Étude de l’Homme, 1939.
9 L’Annamite et la Mer, đăng trong  Cahiers de l’École française d’E. O.,
10 Needham Noel Joseph Terence Montgomery (1900-1995).
11 Bản dịch tiếng Việt cuốn  du ký của Tim Severin “China Voyage” với đầu đề “Bè tre vượt Thái Bình Dương”, nhà xuất bản Trẻ 2014.

 

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)