Những nhà khoa học nữ bị lãng quên
Trong quá khứ, có vô vàn các nhà khoa học nữ không được tưởng thưởng xứng đáng cho những gì họ đã cống hiến, và tên tuổi họ dần biến mất khỏi nhận thức của công chúng.
Lời nhận xét này ngay lập tức được lan truyền trên Internet và Tim Hunt nhận được vô số lời chỉ trích gay gắt vì quan điểm phân biệt giới tính. Connie St Louis, giảng viên chuyên ngành phóng viên khoa học tại City London University, cũng có mặt trong hội nghị trên, kể lại: “Khi nghe ông ấy nói thế, không ai cười được cả. Nét mặt ai cũng như hóa đá. Thật không thể hiểu nổi. Lời nhận xét này vừa thiếu nhạy cảm về văn hóa lại vừa mang tính phân biệt. Lúc ấy tôi nghĩ: ‘Ông nghĩ mình đang ở đâu mà lại có thể nói những lời này vào năm 2015 kia chứ?’.”
Mặc dù sau đó Tim Hunt đã lên tiếng xin lỗi và Hiệp hội Khoa học Hoàng gia, nơi Tim Hunt là thành viên, cũng chính thức công bố rằng phát biểu của ông không phản ảnh quan điểm của Hiệp hội, song đối với một số người, sự cố này đã làm khơi dậy một vấn đề không mới: vị trí của phụ nữ trong cộng đồng khoa học.
Những số phận nữ trong lịch sử khoa học
Khi nhắc đến các nhà khoa học nữ thì có lẽ đối với nhiều người, cái tên Marie Curie sẽ xuất hiện đầu tiên. Người phụ nữ từng giành hai giải Nobel Vật lý và Hóa học này đã bị Viện Hàn lâm Khoa học Pháp từ chối tư cách thành viên vào năm 1911, cũng là năm bà được trao giải Nobel thứ hai.
Một trường hợp khác là Dorothy Hodgkin, nhà nghiên cứu tinh thể học xuất sắc đã vẽ được cấu trúc của penicillin và giành giải Nobel Hóa học năm 1964. Hodgkin là người phụ nữ đầu tiên giành Huy chương Copley danh giá của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia, và tính tới nay, bà vẫn là phụ nữ Anh duy nhất được trao giải thưởng Nobel trong khoa học. Tuy vậy, vào thời điểm bà nhận giải, báo giới đưa tin này với những hàng tít như: “Bà nội trợ ở Oxford giành giải Nobel”.
Nhưng trong quá khứ, có vô vàn các nhà khoa học nữ không được tưởng thưởng xứng đáng cho những gì họ đã cống hiến, và tên tuổi họ dần biến mất khỏi nhận thức của công chúng. Dưới đây là một số trường hợp như vậy.
Esther Lederberg (1922-2006), nhà vi sinh vật học người Mỹ, tác giả của nghiên cứu mang tính đột phá trong lĩnh vực di truyền học. Bà đã phát triển những kỹ thuật cơ bản giúp các nhà khoa học tìm hiểu cơ chế hoạt động của gene. Công trình của bà đã giúp chồng bà là nhà sinh học phân tử Joshua Lederberg giành giải Nobel Y học năm 1958, song tên của bà lại hoàn toàn không được nhắc đến trong giải thưởng đó.
Rosalind Franklin (1920-1958), nhà lý sinh học kiêm nhà tinh thể học tia X người Anh. Ảnh chụp phân tử DNA của bà đóng vai trò then chốt trong việc giải mã cấu trúc DNA, một trong những bước đột phá khoa học lớn nhất và quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Thế nhưng, người nhận giải Nobel lại không phải là Franklin mà là James Watson, Francis Crick và Maurice Wilkins.
Ida Tacke (1896-1978), nữ khoa học gia người Đức từng mang đến những bước tiến lớn trong cả lĩnh vực hóa học và vật lý nguyên tử. Bà chính là người đã tìm ra hai nguyên tố hóa học mới là rhenium và masurium từng được Dmitri Mendeleev dự đoán trong bảng tuần hoàn. Tacke được công nhận là người phát hiện ra rhenium nhưng các bằng chứng của bà về sự tồn tại của masurium (hiện nay gọi là technetium) lại bị giới khoa học hồ nghi. Về sau, công phát hiện ra nguyên tố này được dành cho hai nhà khoa học người Ý là Carlo Perrier và Emilio Segre khi họ nghiên cứu tạo ra nguyên tố này trong phòng thí nghiệm. Tacke cũng là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về phản ứng phân hạch.
Lise Meitner (1878-1968), nhà vật lý người Australia. Những công trình nghiên cứu của bà trong lĩnh vực vật lý nguyên tử đã giúp phát hiện ra phản ứng phân hạch, cơ sở để chế tạo bom nguyên tử. Sau khi chuyển tới Berlin năm 1907, Meitner hợp tác với nhà hóa học Otto Hahn trong nhiều thập kỷ. Nhưng Hahn đã công bố rất nhiều phát hiện chung của hai người mà không hề đề cập tới việc Meitner là đồng tác giả. Về sau, năm 1944, Hahn được trao giải Nobel Hóa học vì những đóng góp trong việc tách nhân nguyên tử.
Ngô Kiện Hùng (1912-1997), một trong những nhà vật lý quan trọng nhất của thế kỷ XX. Bà từng tham gia vào dự án phát triển bom nguyên tử, song ngày nay rất ít người còn biết đến tên bà. Vào thập niên 1950, nhận lời mời của hai nhà vật lý lý thuyết Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh, bà đã thực hiện những thí nghiệm để bác bỏ luật chẵn lẻ trong vật lý. Thành tựu này đã giúp Lý Chính Đạo và Dương Chấn Ninh giành được giải Nobel Vật lý năm 1957, nhưng vai trò chủ đạo của Ngô Kiện Hùng đã không được nhắc đến.
Henrietta Leavitt (1868-1921), nhà thiên văn học người Mỹ, người đã làm thay đổi quan điểm của chúng ta về vũ trụ. Ban đầu, bà đo và ghi lại vị trí các ngôi sao tại Đài Quan sát Harvard – một trong những công việc từng bị coi là không phù hợp với phụ nữ. Leavitt nhận thấy có sự tương đồng giữa độ sáng của một ngôi sao và khoảng cách của nó đối với Trái đất. Từ quan sát này, bà phát hiện ra chu kỳ độ trưng, giúp các nhà khoa học tính toán được khoảng cách của một ngôi sao so với Trái đất dựa vào độ sáng của nó.
Phụ nữ làm khoa học: lịch sử chưa từng thôi khắc nghiệt
Bản thân Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh, vốn rất lanh lẹ trong việc lên tiếng phê phán những nhận xét của Tim Hunt, được thành lập từ năm 1660, nhưng chưa từng bầu một nữ khoa học gia nào làm Chủ tịch Hiệp hội. Thực ra, đến tận năm 1945, tức gần 300 năm sau khi thành lập, hiệp hội này mới chấp nhận thành viên nữ. Hiện nay cũng chỉ có 6% viện sĩ ở đây là nữ giới. Con số thống kê này tuy đơn lẻ nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy những khó khăn mà phụ nữ đã và đang phải đối mặt trong thế giới khoa học.
Trang Bùi tổng hợp
Nguồn:
http://www.bbc.com/news/uk-33077107
http://www.bbc.com/news/science-environment-33157396