Những thiên tài dũng cảm
Khoảng một năm trước, nhà sinh vật học Sean B. Carroll xuất bản cuốn “Thiên tài dũng cảm” với phụ đề “Một nhà khoa học, một triết gia, và hành trình can đảm của họ từ phong trào kháng chiến Pháp tới giải thưởng Nobel”1. Nhà khoa học được đề cập trong tựa đề cuốn sách là Jacques Monod, một trong những cha đẻ của ngành sinh học phân tử, còn vị triết gia chính là Albert Camus.
Sự đối chiếu song hành hai con người này quả là một ý tưởng tuyệt vời, không chỉ vì hai người từng quen biết và kính trọng nhau, cùng chia sẻ những lý tưởng và cùng can đảm chiến đấu cho chúng, mà còn vì họ là những nhân vật điển hình, biểu tượng cho cuộc cách mạng khoa học trong nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt trong tư duy tiếp cận triết học siêu hình và bản thể học. Cụ thể như sau.
Là một trong những người đi tiên phong của ngành sinh học hiện đại dưới ánh sáng của thuyết tiến hóa, Monod đã giúp truyền bá thông điệp chủ đạo của ngành này– thông điệp mà Francis Crick năm 1994 gọi là “Giả thuyết đầy kinh ngạc” (“the Astonishing Hypothesis” 2) và ngày nay chúng ta đã có thể mệnh danh lại là “Bằng chứng đầy kinh ngạc”, tư tưởng của giả thuyết này là: tất cả, thể xác và tinh thần, cảm xúc và ý thức của chúng ta đều được vận hành bởi những cơ chế vật lý và hóa học của các tế bào. Trên cơ sở đó, việc tìm kiếm vị trí của linh hồn đã không còn được coi là một vấn đề khoa học. Bên cạnh đó, những tiến bộ gần đây của ngành thiên văn học, với việc khám phá ra các hành tinh ngoài hệ Mặt trời, với số lượng lớn trong số đó tồn tại một vùng lân cận gọi là vùng “có thể định cư”, tiềm ẩn khả năng có sự sống, điều này gợi ý rằng sự sống có thể hiện hữu ở nhiều nơi, và có thể đang hoặc đã tồn tại ở nơi nào đó trong Vũ trụ những nền văn minh khác như chúng ta, hoặc thậm chí phát triển cao hơn.
Việc hiểu (không có nghĩa là đồng tình) với những nhận định trên đòi hỏi một cơ sở văn hóa khoa học vững chắc với các kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học sự sống hiện đại, thiếu nền tảng này sẽ dẫn đến những hiểu lầm một cách sâu sắc, hoặc mất hoàn toàn khả năng đối thoại giữa “hai nền văn hóa” là nhân văn học và khoa học3. Đây là tình trạng đang xảy ra phổ biến hiện nay với rất nhiều người bị giới hạn kiến thứctrong phạm vi lý luận của một triết gia. Dù rất sâu sắc và thông tuệ nhưng họ đều có chung một nhược điểm cơ bản, đó là: không được tiếp cận tới ánh sáng khoa học hiện đại về Siêu hình và Bản thể luận. Đơn cử như trường hợp của Jean-Paul Sartre, người dành tới 700 trang sách trong cuốn Thể tính và Hư vô (“L’Être et le Néant”) để bàn về những vấn đề 4 mà ngày này đã trở nên hoàn toàn phù phiếm dưới góc nhìn hiện đại. Tương tự như vậy là trường hợp của những nhà khoa học mà kiến thức của họ chỉ giới hạn trong các lĩnh vực toán học hay khoa học tự nhiên, hoặc do họ sống ở thời kỳ trước (ba thập kỷ cuối của thế kỷ 20), hoặc do họ không hiểu về những thành tựu gần đây của ngành sinh học hiện đại, đặc biệt là thần kinh học. Chính vì vậy, nhóm thứ nhất quan sát thế giới từ góc nhìn của kẻ đứng ngoài, hay còn gọi là góc nhìn của đấng sáng tạo; trong khi nhóm thứ hai lại mang quan điểm sùng bái khoa học một cách kiêu ngạo, như quan điểm của Stephen Hawking trình bày trong cuốn The Grand Design rằng khoa học có thể tự thân lý giải vì sao thế giới tồn tại thay vì hư không: sự kiêu ngạo đó hoàn toàn không giúp ích gì cho khoa học.
Những tiến bộ gần đây của khoa học cho phép chúng ta vẽ nên một bức tranh chính xác, chân thực, hoàn thiện và xác tín hơn về thế giới, bao gồm cả nhân loại, vốn dĩ chỉ là một phần trong đó. Tuy nhiên, chắc chắn khoa học không thể lý giải tại sao thế giới tồn tại thay vì hư không. Thế giới tự quan sát mình – và chúng ta đóng vai trò quan trọng trong sự quan sát này – rồi tự viết nên câu chuyện về những gì được thấy, một câu chuyện kể lại sự lý giải khoa học về câu chuyện kể lại sự lý giải khoa học về câu chuyện kể lại… Đó là một chuỗi vòng lặp tự dẫn giải vô tận mà chúng ta không cách nào thoát khỏi. Wittgenstein có cái nhìn thật sáng tỏ về vòng luẩn quẩn này, khi ông viết5: “Thế giới như thế nào không phải là điều bí ẩn, bản thể của nó mới thực là điều bí ẩn. […] Phương pháp thích hợp trong triết học là không nói gì thuộc về lý tính, chẳng hạn các mệnh đề khoa học tự nhiên, những thứ không liên quan gì tới triết học […] Với những gì ta không thể luận bàn, tốt nhất hãy im lặng.” Khoa học đương đại ngày nay đang đứng trước khoảng trống bí ẩn có vẻ sâu thẳm hơn chúng ta hình dung trước đây, khi những câu hỏi về bản chất của thế giới bị pha trộn mơ hồ với câu hỏi cơ bản mà Wittgenstein ám chỉ, vì sao có còn hơn không6?
Điều đặc biệt về Camus là mặc dù không được tiếp cận nhiều với văn hóa khoa học, nhưng ông đã hiểu sâu sắc về tính không thể lý giải của bí ẩn trên đây. Khác với Sartre, ông bỏ qua những lý luận vòng vo về nó, coi đây là thực tế phải chấp nhận, dù muốn hay không. Đối với ông, điều quan trọng là chúng ta phải sống ra sao trong một bối cảnh “phi lý”, nơi không có bất kỳ cơ sở siêu hình nào cho đạo đức. Mặc dù các nhà triết học lâu nay vẫn quan tâm tới Siêu hình và Bản thể luận, với hi vọng từ đó tìm ra nguồn gốc ý nghĩa, hay một cứu cánh nào đó cho cuộc sống của mình, nhưng họ không bỏ qua quá trình khám phá siêu hình [về bản thể] như Camus, thậm chí họ còn coi Camus là nhà triết học tầm thấp vì sự bỏ qua này của ông. Còn về phía Camus, ông không tự coi mình là nhà triết học, và xem những lý luận dông dài của họ là phù phiếm. Đây chính là điều khiến cặp đôi Monod-Camus có thể được coi là biểu tượng cho vai trò của khoa học và triết học để cùng tác động một cách đồng bộ cho tiến trình xây dựng nền văn hóa mới của nhân loại trong kỷ nguyên hiện nay.
Điều khiến Camus gần gũi với chúng ta là tính nhân văn, sự độ lượng và nhạy cảm trước tình cảnh chung của đồng loại. Ông nói, “Sự phi lý và hạnh phúc đều là những đứa con của cùng người mẹ Đất. Cuộc vật lộn hướng tới đỉnh cao cũng đủ để lấp đầy trái tim một con người”. Và ông so sánh thân phận con người với hình tượng Sisyphus, kẻ bị lời nguyền vĩnh viễn phải lăn đá lên đỉnh núi hết lần này tới lần khác: “chúng ta phải nghĩ rằng bản thân Sisyphus đang cảm thấy hạnh phúc.”
Tôi nghĩ rằng độc giả Việt Nam sẽ hứng thú đọc cuốn sách của Carroll để biết nhiều hơn về nhân cách của hai thiên tài. Cả hai đều gia nhập Đảng Cộng sản sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng điều ấy không có nghĩa là họ đồng tình với mọi chủ trương, chính sách của Liên Xô. Camus bày tỏ sự phản đối khi Liên Xô đưa quân đội vào Budapest năm 1956, còn Monod phản đối khi sự kiện ngụy tạo khoa học Lysenko được công luận biết đến. Cả hai đều phản kháng chủ nghĩa thực dân của Pháp, cùng chiến đấu cho công lý và tự do, và không chấp nhận những điều trái ngược với niềm tin của họ.
Thanh Xuân dịch
Phạm Ngọc Điệp hiệu đính
——————————————————–
Chú thích:
1. Sean B. Carroll, Brave Genius: “A Scientist, a Philosopher, and their Daring Adventures from the French Resistance to the Nobel Prize”, Broadway Books, New York, 2013.
2. Francis Crick, The Astonishing Hypothesis, Touchstone, New York, 1995.
3. Charles P. Snow, The Two Cultures, The Rede Lecture 1059, Cambridge University Press, New York, 1961.
4. Jean-Paul Sartre, L’Être et le Néant,
5. Ludwig Wittgenstein, Tractacus Logico-Philosophicus, Gallimard, Collection Tel, 1993.
6. Thái Kim Lan dịch từ nguyên gốc của tác giả: why something rather than nothing