Những vấn đề dân số Việt Nam phải đối mặt từ nay đến năm 2030
Bản thân dân số mang trong nó những chiều cạnh liên quan chặt chẽ tới tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bền vững về môi trường.
Xem xét mối quan hệ Dân số và Phát triển có thể thấy, bản thân dân số mang trong nó những chiều cạnh liên quan chặt chẽ tới tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bền vững về môi trường. Những biến đổi về quy mô, cơ cấu và phân bố dân số chính là sự thay đổi những chiều cạnh về dân số – kinh tế, dân số – xã hội và dân số – môi trường liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững. Thay vào những vấn đề dân số – KHHGĐ trong những năm trước đây, những vấn đề dân số quan trọng liên quan tới phát triển mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt trong hiện tại cho tới năm 2030 có thể kể đến:
1 – Quá độ dân số ở Việt Nam sẽ đi vào giai đoạn kết thúc, biến đổi mức sinh và chết trong quá khứ đã tạo nên “cơ cấu dân số vàng” trong hiện tại với dư lợi dân số mang lại nguồn lợi về mặt số lượng lao động cho phát triển song cũng chứa đựng thách thức rất lớn về chất lượng lao động.
2 – Mức sinh đã giảm thấp trong thời gian qua và xu hướng giảm sinh được dự báo là sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Vẫn còn có sự khác biệt mức sinh giữa các vùng, miền, nhóm xã hội đặt ra thách thức cho công tác DS-KHHGĐ thời gian tới trong việc đảm bảo tiếp cận một cách đầy đủ tới các sản phẩm, dịch vụ và thông tin về KHHGĐ có chất lượng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nhóm dân số yếu thế. Mức sinh giảm cũng đặt ra yêu cầu phải thúc đẩy các chính sách về giải quyết bất bình đẳng giới, gia đình và trẻ em.
3 – Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu phát ra những hệ quả về mặt xã hội cho thế hệ tương lai trong 10 năm tới, khi thế hệ sinh trong những năm 2000 đã bước vào độ tuổi thanh niên. Mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh là hệ quả của những định kiến giới, của bất bình đẳng giới… và đây là vấn đề gốc rễ cần phải giải quyết cùng với việc nâng cao quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái.
4 – Già hóa dân số đang diễn ra mạnh mẽ là thành tựu đạt được nhờ sức khỏe và chất lượng cuộc sống được cải thiện. Quá trình già hóa dân số có tác động sâu rộng tới tất cả các khía cạnh trong xã hội và các nhóm dân số chứ không chỉ riêng người cao tuổi. Xu hướng già hóa dân số cũng mang lại các cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng tăng cao; phát huy vai trò, kỹ năng, kinh nghiệm và sự tham gia của người cao tuổi. Tuy nhiên, một số thách thức đặt ra bao gồm đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, đặc biệt là bảo hiểm y tế và bảo hiếm hưu trí, đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của dân số cao tuổi như nhu cầu chăm sóc, làm việc, học tập, tinh thần.
5 – Những nguy cơ trong sức khỏe sinh sản/tình dục như vô sinh, mang thai vị thành niên, mang thai và nạo phá thai ngoài ý muốn và các bệnh LTQĐTD và HIV/AIDS còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh, mạnh và có “độ mở” lớn và tác động rất mạnh tới đời sống sinh sản/tình dục và đời sống kinh tế – xã hội của thanh niên. Đẩy mạnh và phổ biến giáo dục giới tính và giáo dục tình dục toàn diện cho vị thành niên và thanh niên hiện hiện vẫn rất cấp thiết.
6 – Xu hướng di cư nông thôn – đô thị, tích tụ dân số vào một số vùng công nghiệp hoá, đô thị hoá, với người di cư chủ yếu là lực lượng thanh niên, tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong 10 năm tới. Bên cạnh nguồn nhân lực được điều tiết lại phục vụ cho các mục tiêu phát triển, do thiếu những ứng phó thích hợp trong quản lý nhà nước, di cư cũng đi liền với những tác động tiêu cực đến xã hội như áp lực cơ sở hạ tầng xã hội, gia tăng đói nghèo đô thị, chất lượng cuộc sống của người di cư chưa đảm bảo hay suy thoái môi trường tự nhiên…
7 – Di cư và dịch chuyển lao động quốc tế, đặc biệt lao động ở độ tuổi trẻ sẽ gia tăng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN và khi các rào chắn về xuất nhập cảnh qua biên giới các quốc gia được tháo cởi. Thực tế, di cư theo quy định pháp luật và có tổ chức mang lại tác động kinh tế – xã hội rất tích cực song di cư tự do khó kiểm soát tiếp tục gây hệ luỵ, thậm chí nghiêm trọng (lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, nạn buôn bán người…).
8 – Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, áp lực dân số lên tiêu dùng tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên sẽ tiếp tục gia tăng trong 10 năm tới!
Lưu Bích Ngọc (VP HĐQG Giáo dục và Phát triển nhân lực)
Nguồn: KHPT