Nỗ lực chống lại mối nguy từ chuột

Các loài chuột, đặc biệt chuột cống nâu (brown rat) là loài xâm nhập và gây hại cực kỳ nguy hiểm. Không chỉ bới rác, phá hoại mùa màng,... chúng còn là tác nhân lây bệnh truyền nhiễm khiến con người tử vong nhiều hơn bất cứ đại dịch nào khác trong lịch sử.

Nhiều chính quyền trên khắp thế giới đã thực hiện vô số nỗ lực để chống lại mối nguy từ chuột. Như giới chức New York, ngay từ những năm 1930 đã thử áp dụng nhiều phương pháp tiêu diệt chuột bằng mù tạt hơi cay, chất chống đông, DDT,… song phần lớn đều không mang lại hiệu quả như mong đợi. Vài năm trước, thành phố còn duyệt chi 32 triệu USD cho một chương trình kiểm soát chuột trên quy mô lớn. Tại New Zealand, chính quyền quốc đảo này cũng cam kết sẽ dọn sạch bóng chuột trên toàn bộ lãnh thổ vào năm 2050.

Trong số ít các chương trình diệt chuột thành công, có thể kể đến nỗ lực của đảo South Georgia ở phía Nam Đại Tây Dương, nơi đang có một quần thể chim cánh cụt (Kings Penguin) lên tới 200.000 con. South Georgia được ghi nhận là không còn chuột kể từ năm 2018 nhờ áp dụng một chiến dịch toàn diện trong suốt bảy năm, bao gồm cả việc rải mồi độc từ trên không trung bằng máy bay trực thăng. Tuy nhiên, chương trình lớn và thành công nhất có lẽ là do tỉnh bang1 Alberta (Canada) thực hiện từ đầu thập niên 1950.

Trước đó, nơi này chưa từng gặp vấn đề với chuột. Yếu tố địa lý đóng vai trò hết sức quan trọng ở đây khi khu vực rừng tự nhiên ở phía Bắc, rặng núi Rocky phía Tây và vùng đồng cỏ bán khô cằn Montana phía Nam đã ngăn không cho chuột xâm nhập vào Alberta trong suốt hai thế kỷ; khe hở duy nhất nằm ở đường ranh giới phía Đông giáp tỉnh bang Saskatchewan. Vào một ngày nọ, con chuột đầu tiên đã lọt qua đây để đến làm ổ tại một trang trại thuộc làng Alsask.

Các quan chức y tế Alberta đã ngay lập tức phát hiện ra sự xâm nhập này và xác định đó là một nguy cơ cực lớn. Bộ trưởng Nông nghiệp Alberta đã cho thiết lập khẩn cấp một khu kiểm soát ở vùng đệm dọc biên giới Saskatchewan, đồng thời cho tổ chức một đội săn lùng và tiêu diệt chuột kết hợp với giáo dục công chúng. Phần lớn người dân Alberta trước đây chưa từng nhìn thấy chuột, nên họ phải học thông qua các mẫu vật bảo quản được mang từ nơi khác tới. Hàng ngàn áp phích, sách hướng dẫn, tờ rơi được in và phân phát cho công chúng với nội dung như sau: “Alberta đang bị chuột đe dọa nên chúng ta cần được tổ chức hiệu quả và biết phải làm gì để thành công. Bạn đừng tiếc công sức để tiêu diệt một con chuột nếu nhìn thấy nó.” Trong lúc này thì đàn chuột cũng đang nhanh chóng bành trướng; đến mùa thu năm 1951 đã có khoảng 30 ổ được phát hiện dọc theo 180 km đường biên giới phía Đông Alberta; sang năm 1952 thì mở rộng lên thành 270 km. Mặc dù hầu hết các ổ chuột đều nằm trong phạm vi bán kính 10 – 20 km từ đường biên giới, nhưng một số con đã xâm nhập sâu hơn vào khu vực nội địa tiểu bang (khoảng 50 – 60 km). Trong năm đầu tiên của chiến dịch, chất độc arsenic trioxide (thạch tín) cực mạnh đã được sử dụng để diệt chuột. Nhưng từ năm 1953, chính quyền đã khuyến khích người dân chuyển sang những biện pháp an toàn hơn như chất warfarin (có tác dụng chống đông máu khiến chuột chết từ từ). Đến năm 1960, số lượng ổ chuột ở Alberta giảm xuống còn dưới 200. Bên cạnh đó, Saskatchewan cũng bắt đầu thực hiện nỗ lực kiểm soát chuột riêng từ năm 1963, giúp số lượng chuột di cư sang Alberta giảm đáng kể. Năm 2002, Alberta lần đầu tiên được ghi nhận không phát hiện thấy một ổ chuột nào, những năm sau thì chỉ xuất hiện lác đác.

Năm 2014, chính quyền Alberta đưa vào khai thác đường dây nóng (hot line) của chương trình kiểm soát chuột và sâu bọ 310-RATS, khuyến khích mọi công dân hợp tác nếu nhìn thấy chuột. Hàng trăm cuộc gọi được ghi nhận mỗi năm, nhưng phần lớn người dân đều chỉ phát hiện ra chuột mù, chuột túi, chuột nhắt hoặc sóc,… Còn lại, những trường hợp tìm thấy chuột nâu sẽ đều được giao cho một đội nhân viên kiểm soát sâu bọ – trang bị súng hơi, viên thuốc độc không thua gì lực lượng SWAT bên Mỹ – để xử lý nhanh. Alberta cũng là nơi duy nhất trên thế giới có một đơn vị đặc nhiệm chuyên tiêu diệt chuột xâm nhập dọc biên giới. Ngoài phản ứng nhanh trước các tình huống khẩn cấp, đội này còn thực hiện công việc kiểm tra định kỳ đối với những trang trại (số lượng gần 3.000) và kho chứa hàng trong khu vực dọc biên giới Hoa Kỳ đến tận khu rừng phía Bắc thành phố Cold Lake. Theo chuyên viên kiểm soát Phil Merrill, ông cùng các đồng nghiệp thường phát hiện và tiêu diệt được khoảng 12 con chuột mỗi năm ở Alberta; chưa kể vài chục cá thể khác xâm nhập qua các xe vận tải từ Hoa Kỳ và một số tỉnh bang khác thuộc Canada, tuy nhiên chúng thường chết sớm do không thể thích nghi với môi trường mới.

“Chúng tôi chưa bao giờ loại bỏ hoàn toàn chuột nhưng có thể đảm bảo chúng sẽ không bành trướng,” Phil Merrill khẳng định. Đó thực sự là một thành tựu đáng nể khi xét về quy mô thì Alberta có diện tích gần như tương đương nước Pháp2.
——

Chú thích
1. Hiến pháp Canada phân chia đơn vị hành chính thành các tỉnh và lãnh thổ. Điểm khác biệt lớn nhất giữa một tỉnh bang và lãnh thổ của Canada là tỉnh bang sẽ nhận được quyền lực và quyền uy trực tiếp từ Luật Hiến pháp năm 1867 trong khu vực quản hạt, còn lãnh thổ sẽ nhận ủy nhiệm và quyền lực từ chính phủ liên bang. Tỉnh bang vì thế được xem như là những khu vực cộng chủ quyền, và mỗi tỉnh bang sẽ có quân chủ riêng (do phó thống đốc đại diện), còn các lãnh thổ không có chủ quyền riêng.
2. Alberta là một trong 13 tỉnh bang và lãnh thổ của Canada, có diện tích rất rộng lớn (660 ngàn km2) nhưng thưa dân (4,26 triệu người). Nhờ sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào, Alberta là một trong những trung tâm khai thác và lọc dầu lớn nhất Bắc Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nơi này lại không gặp phải các vấn môi trường nghiêm trọng như nhiều trung tâm công nghiệp dầu khí khác. Thậm chí, thành phố Calgary – thủ phủ của Alberta – còn nhiều năm liền được bầu chọn là thành phố sạch nhất thế giới.

Nguyễn Hiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)