Nơi đất liền gặp biển: Bảo tồn di sản văn hóa vùng biển đảo Đông Bắc (Kỳ 1)
Các dự án phát triển kinh tế ở vùng biển đảo Đông Bắc đang được coi là sẽ đem đến những điểm đột phá chiến lược về kinh tế cho cả vùng. Tuy nhiên, khi còn chờ đợi những đột phá sẽ đến ấy, người ta đã phải chứng kiến tác động của các dự án đó, dẫn đến xung đột và phá vỡ không gian văn hóa truyền thống.
LTS: Sáng 17/7 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia làm trưởng đoàn, đã chính thức nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp Quốc (CLCS). Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), được quy định tại Điều 76 của UNCLOS.
Nhân dịp này, Tia Sáng xin giới thiệu bài viết của GS. TS Nguyễn Văn Chính (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH QGHN) về không gian văn hóa vùng biển đảo Đông Bắc trong dòng chảy lịch sử, địa lý, tộc người Việt Nam và những gợi ý về quản lý, bảo tồn di sản văn hóa quý báu này.
Tháng 10 năm ngoái, chúng tôi trên đường đi khảo sát vòng cung phía Đông của chương trình tìm hiểu Sáng kiến Vành đai & Con đường của Trung Quốc, sau khi đã đi Tam Giác Vàng, Bắc Lào, Myanmar rồi đi tiếp đến Cao Bằng, Lạng Sơn, và Móng Cái. Đường cao tốc ra đặc khu Vân Đồn êm ru, thỉnh thoảng có mấy cái xe loáng thoáng lướt qua. Vống lên cửa khẩu, vốn ngày xưa người lại qua tấp nập, kẻ bán mua ngập cả đường đi, các mẹ đổi tiền ngoại tệ đeo đầy cả bụng, các bố xe ôm, taxi chen chúc giành khách, bọn hàng rong xán vào du khách ép mua mỏi cả mồm… Vậy mà hôm nay đìu hiu quá. Thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe chạy vào cửa khẩu. Nhân viên canh cổng đứng mỏi cả chân, nhìn như những robot hay manơcanh. Đường sá vắng người lại qua, hàng quán xác xơ, ngay cả những nhà hàng sang trọng, khách sạn 4-5 sao đều trống rỗng, những cửa sổ đen ngòm dòm xuống phố. Chợ búa thưa thớt. Chúng tôi trèo lên tầng 24 khách sạn Majestic 5 sao ngắm nhìn qua bên kia biên giới. Sương mờ bốc lên từ con sông Kalong uốn lượn quanh co làm mờ cả không gian. Mấy mẹ rỗi rãi ngồi quanh đấy bảo ‘bác có thấy bên kia xây dựng ác không’? Quả thật, nhà cao tầng của thành phố Đông Hưng mọc lên ùn ùn, bất chấp cảnh đìu hiu bên này biên giới. Ông bạn ngoại quốc nghe xong liền phán: Cửa khẩu nào họ cũng xây nhà to cao hoành tráng để thị uy vậy thôi, có ma nào ở đâu.
Quảng Ninh xem du lịch như con gà đẻ trứng vàng, khách sạn nhà nghỉ được xây dựng đông đặc, nhiều đền miếu sửa lại cả lịch sử, nhiều phố phường làm méo mó cả văn hóa địa phương, chỉ để hút du lịch. Đặc khu Vân Đồn, nơi định quy hoạch làm ổ cho đại bàng đẻ trứng, bị dân tình phản đối, giờ đất đang mất giá, xây dựng èo uột và chậm chạp. Tất cả đang ngóng cái chữ “đặc khu” trở lại, đâu đâu cũng chỉ câu chuyện về giá bất động sản.
Câu chuyện diễn ra ở Quảng Ninh hay cả vùng biển đảo Đông Bắc cho thấy dường như việc tập trung vào phát triển kinh tế đã làm người ta quên mất đi một điều cốt yếu: không gian văn hóa của vùng là hệ quả của sự thích ứng với hệ sinh thái, của quá trình tiếp xúc và tương tác giữa các nhóm cư dân từ trong lịch sử đến hiện tại. Giờ đây, vùng biển đảo Đông Bắc này đang phải chịu tác động mạnh mẽ của các dự án phát triển, dẫn đến tình trạng xung đột và phá vỡ không gian văn hóa truyền thống.
Một không gian sinh tồn phong phú và đa dạng
Từ lâu, các cuộc trao đổi học thuật về biển đảo Việt Nam thường tập trung vào một câu hỏi mang nhiều tranh cãi mà vẫn chưa có hồi kết ‘Có hay không một nền văn hóa biển Việt Nam’ ? Cách nhận diện yếu tố biển trong văn hóa chủ yếu được tìm kiếm ở vùng ven bờ, thông qua tìm hiểu lối ứng xử, thích ứng và khai thác môi trường biển để sinh tồn. Với cách tiếp cận như vậy, người ta thường không nhìn nhận môi trường biển như một không gian văn hóa mở và năng động với những “con đường” của giao thương, vận tải và quan hệ tiếp xúc giữa các nền văn hóa đến từ các vùng miền và đất nước khác nhau.
Có lẽ, cần phải nhìn nhận vùng biển Đông Bắc như một thực thể văn hóa, một không gian kinh tế – xã hội có mối liên hệ tương tác giữa ven bờ và hải đảo. Không gian này không chỉ bó hẹp trong phạm vi dải đất ven bờ và “gần bờ”, mà hơn thế, là một khu vực rộng lớn hơn, bao gồm các cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng đất ven bờ, các làng nổi và làng đảo, các hải cảng và đô thị ven bờ và đặt nó trong bối cảnh lịch sử với những biến động cũng như tương tác giữa các nhóm cư dân trong một không gian nối liền bờ biển Nam Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc) đến Vịnh Bắc Bộ, bao gồm các đảo và vịnh Bái Tử Long, Hạ Long, Lan Hạ.
Biển Đông Bắc là cửa ngõ của các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời là con đường của các luồng di cư, các dòng chảy hàng hóa và tư tưởng từ bên ngoài vào đất liền. Vùng biển Đông Bắc được xác định bao gồm 23 huyện của năm tỉnh có biển, từ Móng Cái (Quảng Ninh), Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đến hết bờ biển Ninh Bình, với diện tích 9,083km2 (Hoàng Ngọc Phong, 2012). Đây là một phần của Vịnh Bắc Bộ, nằm ở phía Tây Bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển và hải đảo của miền Bắc Việt Nam ở phía Tây; bởi lục địa Trung Quốc ở phía Bắc; bởi bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam ở phía Đông. Về mặt địa lý, vùng duyên hải Đông Bắc Việt Nam và vùng bờ biển Quảng Tây (Nam Trung Quốc) là một dải ven bờ liên tục của Vịnh Bắc Bộ. Đây là một đặc điểm quan trọng khi xem xét không gian văn hóa biển đảo Đông Bắc, đặc biệt là mối liên hệ về cư dân, tiếp xúc tộc người và văn hóa trong lịch sử, trước và sau khi bị phân tách bởi các đường biên giới đất liền và trên biển.
Vùng duyên hải Đông Bắc được cấu trúc bởi các cửa sông, vùng đất ngập nước, các bãi biển và cồn cát, các rạn san hô, các vùng rừng ngập mặn và đầm phá,… Đây chính là không gian sống của nhiều cộng đồng dân cư khác nhau, cũng là nơi hình thành nhiều bến cảng và cảng thị, là đầu mối giao lưu buôn bán, đưa người từ đất liền đến các hải đảo và biển khơi; tiếp xúc, giao thương với một thị trường lớn hơn. Sự tồn tại của thương cảng Vân Đồn trên vùng vịnh Bái Tử Long từ giữa thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18 như một trung tâm giao thương lớn và quan trọng của Việt Nam với các thuyền buôn đến từ châu Á, châu Âu cho thấy giao thương quốc tế rộng rãi của khu vực này với thế giới đã phát triển từ lâu trong lịch sử. Thương cảng Vân Đồn được cho là bao gồm một hệ thống các bến thuyền phân bố trên các đảo ven bờ Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, kéo dài từ Móng Cái đến Quảng Yên (Nguyễn Ngọc Chất và cộng sự, 2008).
Trong quá trình tương tác với hệ sinh thái biển đảo vùng Đông Bắc, người dân địa phương đã có một hệ thống các thuật ngữ dùng để chỉ các đảo nhô lên trên mặt biển, bao gồm các thuật ngữ như Đảo, Hòn, Cồn, Đá Ngầm… trong đó phổ biến nhất là các tên gọi bắt đầu bằng từ “hòn”, tuy nhiên đến nay vẫn chưa rõ nội hàm của các thuật ngữ này khác với đảo thế nào (Hội đồng Chính phủ, 1966). Thêm nữa, khi tìm hiểu địa danh khu vực ven biển và hải đảo vùng Đông Bắc, chúng ta dễ dàng nhận ra sự hiện diện của những tên gọi bắt đầu bằng chữ Cái, phần lớn dùng để chỉ các đảo, hoặc là một phần của đảo. Tôi đã liệt kê được gần 30 địa danh bắt đầu từ chữ “Cái”, ví dụ: Cái Chiên, Cái Bầu, Cái Bèo… Những địa danh này có thể được coi là một nguồn tài liệu hữu ích khi xem xét lịch sử khai phá, tiếp xúc tộc người – ngôn ngữ và các cơ tầng văn hóa của địa phương. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Khắc Hài cho rằng chữ “Cái” có mối liên hệ tương tự như chữ “Nhai” trong phương ngữ Quảng Đông vì có ý nghĩa tương tự, dùng để chỉ các điểm trũng ven biển, ven sông, bến thuyền, hay con đường thông đi nhiều ngả (Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh, 2021). Dù còn phải nghiên cứu thêm để hiểu được ý nghĩa của từ “cái” trong hệ sinh thái biển đảo vùng Đông Bắc, sự hiện diện của một loại từ gốc Việt cho thấy sự có mặt, chiếm lĩnh và khai thác vùng biển này từ rất sớm của các cộng đồng cư dân và tri thức của họ về hệ sinh thái biển đảo địa phương.
Một vùng địa – chính trị quan trọng
Vùng biển đảo Đông Bắc có tầm quan trọng địa – chính trị đặc biệt, bởi (1) Là vùng phên giậu quốc gia trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, con đường di cư của các luồng dân số từ phía Bắc vào khu vực châu thổ Bắc Bộ, đồng thời là cửa ngõ đi ra Biển Đông, kết nối Việt Nam với Đông Nam Á và thế giới; (2) Hệ sinh thái và nguồn tài nguyên vùng biển Đông Bắc vô cùng phong phú và đa dạng, là không gian sinh tồn và phát triển của quốc gia; (3) Là một phần của Biển Đông, nơi đang diễn ra tranh chấp lãnh thổ và lợi ích quốc gia như ngư trường, nguồn tài nguyên dầu khí và kiểm soát các vị trí chiến lược.
Vùng biên giới giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) có chiều dài khoảng 120km trên đất liền, có vùng biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ tiếp giáp với Trung Quốc. Sau một thời gian dài xác định và thỏa hiệp, ngày 25/12/2000, tại Bắc Kinh, Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ đã được hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc ký kết để thay thế cho phân định biên giới vùng Vịnh Bắc Bộ hình thành từ cuối thế kỷ 19 theo Công ước Pháp – Thanh (1887). Có cả biên giới đất liền và trên biển, vùng biển đảo Đông Bắc là địa bàn phức tạp, chịu đựng nhiều biến cố và tranh chấp nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Từ khoảng thế kỷ 10 cho đến thế kỷ 19, vùng đất này, còn có tên gọi khác là tỉnh Đông, thuộc lộ Hải Đông (thời Lý Trần) và sau đó, dưới thời Lê thuộc về trấn An Bang (Đào Duy Anh, 2005). Sau khi đánh bại sự can thiệp của quân đội Trung Quốc ở vùng biên giới Đông Bắc vào năm 1885, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương De Lanessan đã tổ chức lại hệ thống cai trị vùng biên giới phía Bắc bằng cách lập ra các đạo quan binh do quan quân đội Pháp trực tiếp quản lý, còn gọi là chế độ tài phán quân sự. Việc người Pháp thay đổi liên tục hệ thống cai trị để bình định vùng đất biên giới này cho thấy tình trạng bất ổn chính trị – xã hội và tranh chấp Việt – Trung ở vùng này có tính thường xuyên mà căn nguyên xuất phát từ vị trí địa – chính trị quan trọng của nó.
Trong lịch sử, vùng biển đảo Đông Bắc phải thường xuyên đối mặt ba vấn đề nan giải: (1) Những làn sóng di cư từ ngoài biển vào đất liền và khu vực Bắc Bộ; (2) Nơi xảy ra các cuộc chiến chống xâm lược từ phương Bắc; (3) Tình trạng căng thẳng và bất ổn thường xuyên do cướp biển gây ra. Các nguồn sử liệu cho biết, các cửa khẩu trên bộ và cửa biển vùng Quảng Ninh chính là lối vào của các đội quân xâm lược từ phương Bắc. Từ những kinh nghiệm lịch sử chống ngoại xâm trên vùng biên giới Đông Bắc, các nhà nước Việt Nam từ thế kỷ 15 trở đi đã không ngừng đề cao cảnh giác ở vùng biên giới này. Quốc Triều Hình luật nhà Lê (1428-1788) có những điều luật đặc biệt để bảo vệ vùng biển Đông Bắc. Nhà nước còn lập ra “Quan sát hải sứ” ở vùng ven biển Hải Đông để khám xét thuyền bè và tăng cường tuần tiễu (Quốc triều Hình luật, 1991). Nhà Nguyễn (1802-1945) vẫn tiếp tục chính sách biên giới Đông Bắc của triều đại trước, xây dựng lực lượng thủy quân, đội tàu tuần duyên và lập đồn biên phòng ở khu vực duyên hải vì lo bị hải tặc tấn công. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ đã ghi lại nhiều cuộc vây bắt cướp biển ở vùng ven biển Quảng Yên vào các năm 1803-1804 (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1993).
Không chỉ là một địa bàn hiểm yếu về quân sự, vùng biên giới Đông Bắc còn là một khu vực có những hoạt động giao thương nổi bật trong lịch sử. Thương cảng Vân Đồn thuộc tỉnh Hải Ninh trước đây, đã hoạt động tấp nập trong nhiều thế kỷ, từ khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 18 như một trung tâm kết nối vùng Đông Bắc Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực Đông Nam Á (Nguyễn Văn Kim, 2016). Các hải cảng ở vùng biên giới Đông Bắc đặc biệt phát triển dưới thời thực dân gắn liền với các hoạt động khai khoáng và khai thác thuộc địa. Báo cáo của Bulletin de L’Office Colonial (Pháp) năm 1910 cho thấy vùng Quảng Yên có tới 8 cảng hoạt động mạnh, chủ yếu chuyên chở hàng hóa, khoáng sản, gỗ, và than. Đó là các cảng Hòn Gai, Móng Cái, Hà Cối, Mũi Ngọc (Trà Cổ), Cát Bà, Vạn Hoa (Wallut), Vân Đồn, và Mũi Chùa (Cửa Tiên Yên). Sự hiện diện của hệ thống cảng biển dày đặc ở vùng Đông Bắc cho thấy giao thương ven bờ và trên biển của vùng này không hề trầm lắng, cư dân ven bờ cũng vừa làm nông nghiệp vừa đánh bắt hải sản.
Mặc dù đường biên giới giữa hai nước ở khu vực này được xác định và công nhận bởi người dân địa phương hai bên đường biên, dựa vào các đặc điểm địa lý như các cửa ải, dòng sông, ngọn núi, nhưng chỉ được xác định rõ ràng và có giá trị pháp lý khi thực dân Pháp ký Công ước phân định biên giới với nhà Thanh vào năm 1887 và các điều khoản bổ sung vào năm 1895. Nghiên cứu của Trương Nhân Tuấn (2013) cho thấy Công ước biên giới Pháp – Thanh ký tại Móng Cái ngày 26/6/1887 đã xác nhận phần đất mà “người Hoa đã giành được của An Nam” là Mũi Bạch Long, bao gồm đất của huyện Giang Bình và bán đảo Bạch Long cùng các hòn đảo trong vịnh này. Theo tác giả, đường biên giới lịch sử giữa hai nước thể hiện trên bản đồ năm 1879 (trước khi đàm phán biên giới Pháp – Thanh tám năm) đã lấy sông An Nam Giang (nay đổi gọi là Phòng Thành Giang) chảy ra cảng Phòng Thành làm biên giới giữa tỉnh Quảng Yên (Việt Nam) và Quảng Đông (Trung Quốc). Tuy nhiên, sau Công ước 1887, biên giới lùi về phía Việt Nam, lấy cửa sông Bắc Luân (sông Ka Long) ở Hải Ninh làm địa giới. Như vậy, người Pháp đã bỏ qua đường biên lịch sử, nhượng bộ tranh chấp với Trung Hoa phần đất “có nhiều núi non, ít dân cư và nghèo nàn, không có tầm quan trọng lớn đối với nước Pháp”, làm cho Việt Nam bị mất phần đất thuộc các xã Bắc Nham, Hoàng Mộng, Tuy Lai, Nật Sơn, Thuợng Lai, Cổ Hoằng và Vụ Khê thuộc tổng Bát Trang cùng với một số xã thuộc tổng Kiến Duyên về Trung Quốc (Trương Nhân Tuấn, 2013).
Cần phải đặt lịch sử tranh chấp biên giới thế kỷ trước vào bối cảnh những tranh chấp gần đây về phân định Vịnh Bắc Bộ nói riêng, Biển Đông nói chung, mới thấy hết tầm quan trọng địa – chính trị của vùng biển Đông Bắc. Những vị trí chiến lược của các hòn đảo tiền tiêu (đảo Trần trong quần đảo Cô Tô, đảo Bạch Long vĩ ngoài khơi và đặc biệt là đảo Vân Đồn thuộc loại có diện tích lớn nhất vùng vịnh), là những địa bàn có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh, quốc phòng của đất nước. Ở vùng biển Đông Bắc, Vân Đồn là cửa ngõ chính của con đường di cư từ Trung Quốc vào Việt Nam, được coi là bức tường thành trên biển của Tổ quốc trong suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Mặc dù vai trò cửa ngõ vào miền Bắc Việt Nam của Vân Đồn ngày nay không còn quan trọng nhưng vị trí địa lý của Vân Đồn ở phía Bắc vẫn được coi là vị trí chiến lược trong tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Cùng với vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh ở miền Trung, Vân Đồn ở phía Bắc nằm trên tuyến đường hàng hải từ Phòng Thành Cảng và Biển Bắc của Trung Quốc đến Philippines và bán đảo Malaysia. Về mặt quân sự, từ vị trí Vịnh Cam Ranh, Vân Phong, hệ thống vũ khí hiện đại có thể giúp kiểm soát mọi tàu thuyền đi qua Biển Đông. Trong bối cảnh Biển Đông và Đông Nam Á đang trở thành khu vực tranh chấp giữa các siêu cường, vị trí của vùng biển đảo Đông Bắc trở nên rất nhạy cảm cả về cả chính trị và quốc phòng. □
(Còn tiếp)
———————————————-
Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
2. Đào Duy Anh (2014), Việt Nam Văn hóa Sử cương (Quan Hải Tùng Thư, 1938), Nxb. Nhã Nam (in lại), Hà Nội.
3. Nguyễn Chí Bền (Chủ biên, 2020), Văn hóa biển đảo Việt Nam, 9 tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
4. Berry, J. W. A. (1979), “Cultural Ecology of Social Behavior”, in Berkowitz, Leonard (ed.): Advances in Experimental Social Psychology, Vol. 12: Academic Press, pp. 177-206.Diệp Trung Bình (1985), “Vài nét về đời sống của ngư dân vùng biển Đông Bắc”, Tạp chí Dân tộc học, số 2, tr. 15-20.
5. Nguyễn Trúc Bình (1973b), “Các nhóm Hoa và vấn đề thống nhất tên gọi”, Thông báo Dân tộc học, Tập 3, tr. 95-98.
6. Nguyễn Trúc Bình (1972), “Về tộc danh Đản, Sín trong nhóm người Hoa ở vùng ven biển Quảng Ninh”, Thông báo Dân tộc học, Tập 1, tr. 9-97.
7. Nguyễn Ngọc Chất, Vũ Quốc Hiền, Lê Ngọc Hùng (2008), Nghiên cứu Hệ thống di tích thương cảng Vân Đồn, thực trạng và những vấn đề, Thông báo Khoa học, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tr. 129-143.
8. Cicin-Sain, B. and Knecht, R. W. (1998), Integrated coastal and ocean management: concepts and practices, UNESCO (02)/C652, Washington, D.C, Island Press.
9. Đại Việt sử ký toàn thư (1993), Bản dịch của Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1985-1992), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
10. Lê Duy Đại (Chủ biên, 2021), Định cư – Văn hóa của cư dân mặt nước ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
11. Frake, Charles O. (1962), “Cultural Ecology”, American Anthropologist, No.64.1, pp. 53-59.
12. Goscha, Cristopher (2000), “The borders of Vietnam’s early wartime trade with Southern China: A contemporary perspective”, Asian Survey, No. 40, Vol.6, pp. 987-1018.
13. Nguyễn Mạnh Hà và cộng sự (2022), “Nghiên cứu đa dạng sinh học các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển Đông Bắc Việt Nam”, Tạp chí Khí tượng Thủy văn, số734, tr. 13-27.
14. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2019), Biển trong cấu trúc văn hóa Việt Nam, trên trang https://thanhdiavietnamhoc.com/bien-trong-cau-truc-van-hoa-viet-nam/ (Truy cập ngày 6/2/2024).
15. Phạm Xuân Hoàng (2015), “Văn hóa biển Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Số 345, tr.3-5.
16. Hội đồng Chính phủ (1966), Quyết định số 76, ký ngày 21/4/1966, Về việc sửa đổi tên các đảo, eo, vụng, luồng, lạch trên mặt biển.
17. Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh (2021), Địa danh Quảng Ninh xưa và nay, Nxb. Hồng Đức.
18. Trần Quốc Hùng (2014), Nghiên cứu vấn đề tộc người ở Quảng Ninh, trên trang https://www.quangninh.gov.vn/bannganh/bandantoc (Truy cập ngày 6/2/2024).
19. Hương ước xã My Sơn (1937), Bản in sao từ Thư viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
20. Lê Văn Hương (Chủ trì, 2020), Luận cứ khoa học và giải pháp bố trí dân cư phục vụ phát triển bền vững, đảm bảo an ninh-quốc phòng hệ thống biển đảo Việt Nam, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia KC.09/16-20.
21. Nguyễn Văn Kim (2016), Vân Đồn, Thương cảng quốc tế của Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
22. Trần Trọng Kim (1968), Việt Nam sử lược, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn.
23. Les Mission Catholiques (1905), Bullettin Heb Domadaire Illustre L’ouever de la Propagration de la Foi; Tonkin Oriental, Tome 3. Paris.
24. Li Tana (2006), “A view from sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese coast”, Journal of Southeast Asian Studies, National University of Singapore, vol 37 (1), pp. 83-102.
25. Từ Thị Loan (Chủ biên, 2020), Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc Bộ, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật.
26. McFadzean, A.J.S. and Todd, D. (1971), “Cooley’s anaemia among the Tanka of South China”, Transactions of the Royal Society of Tropical Medicine and Hygiene, No 65, pp. 59-62.
27. Momoki, Shiro (1998), “Đai Viet and South China Sea trade from the 10th to the 15th century”, Crossroads, No.12, Vol.1 (1998), pp. 1-34.
28. Nelson, Stephen A. (2018), Coastal Zones, 23-Apr-2018, Tulane University https://www2.tulane.edu/~sanelson/Natural_Disasters/coastalzones.htm.
29. Hoàng Ngọc Phong (2012), “Tổ chức không gian biển trong chiến lược biển Việt Nam”, Tạp chí Hàng Hải Việt Nam, số 8, tr. 8-10.
30. Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
31. Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh Địa Dư Chí,Bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
32. Quốc triều Hình luật (Luật hình triều Lê) (1991), bản dịch Viện Sử học, Nxb. Pháp lý, Hà Nội.
33. Đặng Ngọc Thanh (Chủ biên, 2007), Sách đỏ Việt Nam, Nxb. Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.
34. Trần Đức Thạnh (Chủ biên) Lê Đức An, Nguyễn Hữu Cử, Trần Đình Lân, Nguyễn Văn Quân, Tạ Hòa Phương (2012), Biển đảo Việt Nam – Tài nguyên vị thế và những kì quan địa chất, sinh thái tiêu biểu, Nxb. Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.
35. Nguyễn Duy Thiệu (2015), “Nhận diện văn hóa biển đảo Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11(96), tr. 78-88.
36. Ngô Đức Thịnh (2018). Truyền thống văn hoá biển cận duyên của người Việt. Văn hóa Nghệ thuật, số 317.
37. Đỗ Lai Thúy (2021), «Tâm thức biển của người Việt: một cái nhìn văn hóa – lịch sử”. Tạp chí điện tử Người đô thị, trên trang https://nguoidothi.net.vn/tam-thuc-bien-cua-nguoi-viet-mot-cai-nhin-van-hoa-lich-su-26907.html (Truy cập ngày 10/10/2022).
38. Lê Đức Tố (2007), Hệ thống đảo ven bờ Việt Nam, tiềm năng và triển vọng, trên trang https://www.rimf.org.vn/bantin/chitiet/HethongdaovenboVietNamtiemnangv224trienvong (Truy cập ngày 6/2/2024).
39. Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
40. Vũ Anh Tú (Chủ biên, 2020), Văn hóa biển đảo vùng Bắc Trung Bộ, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
41. Trương Nhân Tuấn (2013), Biên giới Việt – Trung: Vùng Quảng Đông – Hải Ninh theo các công ước Pháp – Thanh về biên giới 1887-1895, Nxb. Dũng Châu.
42. Tuấn Quỳnh. 1974. Đồng bào sắc tộc Nùng. Sài gòn: Nhà in Hoàng Long
43. Wheeler, Charles (2006), “Re-thinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in the Integration of Thuan – Quang, seventeenth-eighteenth Centuries”, Journal of Southeast Asian Studies, 37 (1), pp. 123-153.
Bài đăng Tia Sáng số 14/2024