Nỗi đau từ điều không ai tin!
Đến thời điểm này, tức là 10 ngày kể từ khi xảy ra sự cố sập cầu Cần Thơ làm 50 người chết, trên 80 người bị thương, là khoảng thời gian tạm đủ để nhìn nhận lại thảm họa mà không ai tin có thể xảy ra ở một công trình trọng điểm quốc gia được thi công bởi các nhà thầu có trình độ thi công hàng đầu thế giới.
Cách đây 2 năm, nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) cũng đang thi công thì bị sập dàn giáo, 3 công nhân bị gãy xương. Trước đó, cuối năm 2001, tại trạm thu phí phía Nam đèo Hải Vân một dàn giáo cũng sập đột ngột làm chết 3 người. Gần đây nhất chúng ta gặp sự cố sập sàn bê tông tại khu Dung Quất cũng vì lý do đó. Những vụ việc như thế có thể kể ra không bao giờ hết. Sở dĩ nó ít gây chấn động dư luận có lẽ vì quy mô công trình cũng như mức độ thiệt hại chưa đủ “ép phê”.
Chúng ta đã được cảnh tỉnh chưa về tình trạng không bảo đảm an toàn lao động hoặc chất lượng kỹ thuật thi công? Chắc chắn là rồi, và đã rất nhiều rồi. Luật cũng đã quy định rõ rằng các giải pháp, biện pháp thi công phải được phê duyệt và trong quá trình giám sát phải được kiểm soát liên tục.Vậy mà sự cố vẫn cứ xảy ra, mà lại xảy ra ở một công trình trọng điểm quốc gia, một công trình kỹ thuật cao do những đơn vị phụ trách và giám sát thi công thuộc quốc gia có trình độ kỹ thuật tiên tiến hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Thụy Sĩ…, nghĩa là một nơi không thể dễ dàng phát sinh sai lầm nhất.
Cấp cứu nạn nhân. Ảnh VNN |
Nhịp số 13, 14 thuộc cầu dẫn nối với phần cầu chính của cầu Cần Thơ dài mỗi nhịp 40 mét, chiều cao 2,2 mét. Hai nhịp này có kết cấu dầm hộp liên tục và chia thành 12 đốt để thi công. Cứ thử hình dung một khối bê tông có chiều dài một nhịp như thế xấp xỉ 2.000 mét khối, cứ một mét khối nặng khoảng 2,5 tấn, thì sẽ thấy được hệ thống dàn giáo đồ sộ cỡ nào, gồm cả chục nghìn thanh sắt tròn, sắt chữ U, sắt chữ H liên kết lại. Và nếu tai họa xảy ra do công đoạn kiểm tra đã bỏ sót một trong số hàng nghìn thanh sắt đó thì là một sai lầm khả dĩ có thể chấp nhận được. Còn với những giả thuyết hệ thống dàn trượt đã được di chuyển trước khi các khối bê tông có đủ thời gian liên kết, hoặc dàn giáo bị lún do khâu khảo sát xử lý nền không tốt, chất lượng bê tông trải trên dầm cầu không đúng tiêu chuẩn…, nhất là việc đã bỏ qua lời cảnh báo của giám sát viên Hiroshi Kudo (Nhật) trong thư gửi cho người có trách nhiệm của dự án xây dựng cầu Cần Thơ trước thảm họa đúng ba tháng, thì đó lại là câu chuyện khác, thuộc phạm vi những sai lầm không bao giờ được phép xảy ra.
Đại diện nhà thầu xin lỗi nạn nhân và nhân dân cả nước. Ảnh: VNN
|
Chắc chắn khi nhận gói thầu số 2, ba nhà thầu Taisei, Kajima và Nippon Steel không bao giờ nghĩ rằng định mệnh đã dành cho họ một kết cục nặng nề như thế. Những nhà thầu phụ “hai phẩy” như Thăng Long, Vĩnh Thịnh cũng không nghĩ như thế. Nếu nghĩ được về khả năng sẽ xảy ra những tai nạn thảm khốc đến như thế, chắc chắn họ sẽ không bao giờ dám tuyển những công nhân không lành nghề, hoặc không tiến hành những khóa huấn luyện ngắn về kỹ năng phòng tránh tai nạn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia đầu ngành xây dựng của VN, trả lời báo chí ngày 28.9 nói rằng cho đến thời điểm đó ông vẫn chưa tin đã xảy ra một sự cố như thế, ở một công trình như cầu Cần Thơ. Không ai tin hết, nhưng nó đã xảy ra. Bởi vì không ai tin cho nên khi sự cố xảy ra, hậu quả mới nặng nề như thế, đau đớn như thế.
Bàn đến chuyện này có thể tiếp tục gây đau đớn cho gia đình những công nhân đã thiệt mạng, những người phải mang thương tật suốt đời vì sự cố sập cầu Cần Thơ. Nhưng không thể tránh né, vì nó liên quan đến sự an toàn trong thi công những công trình sau này.
Một người nhà nạn nhân. Ảnh: VNN |
Một câu hỏi được đặt ra: liệu chúng ta có thể vĩnh viễn tránh được những thảm họa kiểu như thế ở những công trình tương tự hoặc lớn hơn thế nữa, sau này? Chắc chắn là không. Không bao giờ có thể tránh được, bởi vì nó xuất phát từ sai lầm của con người. Con người vẫn sẽ mãi mãi phạm sai lầm, bởi vì đó là thuộc tính của con người. Nhưng có thể hạn chế tổn thất từ sai lầm và thậm chí có thể kiểm soát một phần nào đó thiệt hại do sai lầm gây ra, nếu chúng ta làm việc với một tinh thần cảnh giác cao độ, với một trách nhiệm cao độ, với sự tiên lượng bao giờ cũng ở khả năng xấu nhất.