Nông hộ nhỏ trong chuyển dịch an toàn thực phẩm: Góc nhìn từ chuỗi cung cấp rau

Những chuyển dịch trong thực hành sản xuất và phân phối của chuỗi cung cấp, dù không ồn ào, nhưng mang tính quyết định cho tương lai của rau xanh trong hệ thống thực phẩm đô thị.

Cho đến nay, sản xuất rau ở Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các nông hộ quy mô nhỏ. Ảnh: Shutterstock

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, câu chuyện rau xanh không còn đơn thuần là chuyện mùa vụ. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, nhu cầu tiêu dùng rau ngày càng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, phản ánh một xu thế chuyển dịch từ “ăn no” sang “ăn sạch”, “ăn lành mạnh”, và “ăn thực phẩm bền vững”. Đây không chỉ là một thay đổi trong khẩu vị tiêu dùng, mà là biểu hiện rõ ràng của quá trình hiện đại hóa hệ thống thực phẩm đô thị.

Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu này không hề đơn giản. Có thể lấy Hà Nội làm ví dụ. Mỗi ngày, thủ đô Hà Nội cần một lượng rau rất lớn để nuôi sống hơn tám triệu người – trong đó hơn một nửa sinh sống tại khu vực nội đô. Rau cung cấp cho nhu cầu nội đô này được vận chuyển từ nhiều nguồn khác nhau: từ các vùng ngoại ô như Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn – những khu vực được xem như “vành đai rau” của Hà Nội – đến các tỉnh xa hơn như Sơn La, Lâm Đồng – nơi cung cấp nhiều loại rau ôn đới, hay thậm chí là từ biên giới Trung Quốc. Đồng thời, có một điểm ít người để ý là Hà Nội còn đóng vai trò là trung tâm trung chuyển thực phẩm cho các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Ngày nay, quá trình phân phối và cung cấp rau cho Hà Nội đang có sự tham gia của rất nhiều kênh khác nhau, đan xen cả truyền thống (hợp tác xã, chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ tạm, cửa hàng tạp hóa…) và hiện đại (siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi…). Đáng chú ý, dù hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng phát triển, hơn 80% lượng rau vẫn được tiêu thụ qua các kênh truyền thống như hợp tác xã, thương lái, chợ dân sinh, và những người bán hàng rong. Những mạng lưới này – đôi khi bị cho là thiếu hiệu quả hoặc không kiểm soát được chất lượng – vẫn đã và đang đảm nhiệm phần lớn chức năng nuôi dưỡng đô thị.


Trái với xu hướng mở rộng quy mô trong các lĩnh vực như cây công nghiệp, cây ăn quả hay chăn nuôi, sản xuất rau vẫn mang tính chất gia đình, tự quản, quy mô nhỏ. Điều này cũng phản ánh đặc thù sinh học và kỹ thuật của cây rau là vòng đời ngắn, chu kỳ chăm sóc dày đặc, độ nhạy cao với điều kiện ngoại cảnh, dễ tổn thương trong vận chuyển.

Sự chuyển dịch trong hệ thống phân phối rau, do đó, không chỉ là câu chuyện của sản lượng hay hậu cần. Nó còn là phản ứng xã hội trước một lo ngại dai dẳng: an toàn thực phẩm. Nỗi lo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, rau không rõ nguồn gốc, hay các hình thức sản xuất không đảm bảo, đã và đang tái định hình hành vi của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Từ mối lo này, những chuyển dịch âm thầm trong thực hành sản xuất và phân phối đang dần hiện hình – không ồn ào nhưng mang tính quyết định cho tương lai của rau xanh trong hệ thống thực phẩm đô thị.

Những đổi thay âm thầm nhưng nhiều ý nghĩa đó đã thu hút tôi và các nhà nghiên cứu Đại học Wageningen (Hà Lan) thiết kế một nghiên cứu áp dụng các lý thuyết về thực hành (practice) và chuyển dịch (transition), và khảo sát thực địa tại Đông Anh cũng như các chợ bán buôn và bán lẻ ở Cầu Giấy. Kết quả được xuất bản trên tạp chí Agriculture and Human Values (2024).

Từ nông hộ đến hợp tác xã

Rau là cây trồng thương mại quan trọng mang lại thu nhập bổ sung cho nông dân ngoài việc trồng lúa truyền thống, chiếm 83% thu nhập từ sản xuất cây trồng ở vùng nông thôn và 89% ở vùng ven đô của ĐBSCL. Cho đến nay, sản xuất rau ở Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các nông hộ quy mô nhỏ, chủ yếu ở ĐBSH, ĐBSCL và một số tỉnh khác như Lâm Đồng. Những người sản xuất rau thường có diện tích đất đai khoảng 0,25 ha ở miền Bắc và 0,5 ha ở miền Nam, thuộc loại thấp nhất trong các nước đang phát triển. Sự phổ biến của nông hộ nhỏ trong sản xuất rau là kết quả của quá trình chuyển đổi từ cuối thập niên 1980, thay thế mô hình hợp tác xã thành các hộ nông dân cá thể với quyền sử dụng đất đai tương đối phân tán, thông qua chính sách giao đất nông nghiệp và hạn điền năm 1993.

Trái với xu hướng mở rộng quy mô trong các lĩnh vực như cây công nghiệp, cây ăn quả hay chăn nuôi, sản xuất rau vẫn mang tính chất gia đình, tự quản, quy mô nhỏ. Điều này cũng phản ánh đặc thù sinh học và kỹ thuật của cây rau là vòng đời ngắn, chu kỳ chăm sóc dày đặc, độ nhạy cao với điều kiện ngoại cảnh, dễ tổn thương trong vận chuyển. Bản thân người sản xuất cũng không dễ dàng phó mặc cho lao động thuê khoán mà buộc phải can dự sâu vào từng công đoạn. Ngoài ra, vùng đất sản xuất rau thường nằm ven đô – nơi đất đai bị phân mảnh nhỏ lẻ, khiến việc tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn là một thách thức thực tế.

Những nông hộ nhỏ này có mối liên hệ chặt chẽ với các mạng lưới phân phối truyền thống, bao gồm thương lái thu gom, người bán buôn, người bán lẻ ở chợ và cả người bán hàng rong. Các mạng lưới phân phối, cung cấp rau này đã được mở rộng vào những năm 1990, khi nông dân ở vùng nông thôn và cận đô thị, chủ yếu là phụ nữ, di cư và làm việc trong các thành phố. Tuy vậy, kể từ những năm 2000, họ đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các chuỗi siêu thị, sau là các cửa hàng bán lẻ mới nổi.

Người ta vẫn thường cho rằng, chỉ có các nguồn cung cấp uy tín mới áp dụng các tiêu chuẩn nhưng trên thực tế, các nông hộ tuy quy mô nhỏ nhưng không có nghĩa là thiếu khả năng tổ chức hay tiêu chuẩn hóa. Ngay từ đầu những năm 1990, cùng với tiến trình chuyển đổi kinh tế sau Đổi mới, nhiều hợp tác xã rau đã hình thành theo mô hình mới. Những hợp tác xã này tiếp tục được củng cố và mở rộng trong hai thập niên tiếp theo, đặc biệt từ khi xuất hiện các chương trình đào tạo IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp) và sau đó là các bộ tiêu chuẩn như Rau an toàn (RAT), VietGAP hay hữu cơ PGS. Các hợp tác xã không chỉ là đầu mối tập hợp nông hộ mà còn đóng vai trò tổ chức sản xuất theo chuỗi, phân công lịch vụ, phổ biến kỹ thuật, giám sát chất lượng và kết nối thị trường tiêu thụ. Dù không bao phủ toàn bộ người sản xuất, vai trò của hợp tác xã trong các vùng chuyên canh là rất đáng kể. Một nông dân ở Đông Anh giải thích: “Vì chúng tôi là hợp tác xã có chứng nhận và ký hợp đồng với các bếp ăn… Nếu có vấn đề gì về an toàn thực phẩm xảy ra, nó có thể ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi.”


Ngay cả khi có khả năng kỹ thuật, nhiều hợp tác xã vẫn không sẵn sàng đưa hàng vào siêu thị vì chế độ thanh toán chậm – thường theo tháng hoặc quý – trái với mô hình “tiền trao cháo múc” của thương lái. Với vòng quay vốn ngắn và không có dự trữ tài chính, việc gắn bó với siêu thị trở thành rào cản thay vì cơ hội.

Trong bối cảnh thiếu kiểm định độc lập, hợp tác xã vẫn là một trong số ít cơ chế tạo dựng mạng lưới tin cậy giữa người trồng và người tiêu dùng. Ở những nơi tổ chức nội bộ rõ ràng và cam kết minh bạch, nông dân bắt đầu thay đổi thực hành một cách bền vững hơn.

Thực hành mới trên những thửa rau cũ

Người trồng rau đã thay dần thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc trừ sâu sinh học. Ảnh: Shutterstock

An toàn thực phẩm là vấn đề tồn tại lâu dài trong các chuỗi cung cấp rau của Việt Nam. Áp lực kinh tế và sự tự do hóa của các thị trường đầu vào trong nông nghiệp đã dẫn đến việc sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp hơn và nhiều trường hợp sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, bao gồm cả các loại có độc tính cao. Do mọi người ngày càng lo ngại về rủi ro an toàn thực phẩm, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã đưa ra một số sáng kiến ​​nhằm tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và thúc đẩy các biện pháp canh tác an toàn hơn trong số các nông hộ nhỏ, ví dụ thành lập các vùng “sản xuất rau an toàn”, cấm sử dụng thuốc trừ sâu có độc tính cao, thúc đẩy các hướng dẫn về an toàn. Các nhà quản lý cũng ủng hộ các cửa hàng bán lẻ hiện đại vì cho rằng chúng có thể hiệu quả hơn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm.

Trên thực tế, các nông hộ nhỏ có nỗ lực nào để tuân theo các chỉ dẫn và các tiêu chuẩn mới trên thửa rau của mình không? Trong quá trình thực địa, thu thập dữ liệu và phỏng vấn, chúng tôi đã phát hiện ra một số hoạt động chuyển đổi của những người sản xuất rau, một trong số đó là chuyển từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang thuốc sinh học và biện pháp ít độc hại. Đại đa số người sản xuất trong khảo sát ở Đông Anh cho biết đã thay dần thuốc trừ sâu hóa học bằng thuốc trừ sâu sinh học – loại thuốc chủ yếu chỉ nhắm vào các loài gây hại và hầu như không có tác động có hại nào đến nước, đất và hệ sinh thái. Mặc dù thuốc trừ sâu sinh học đã được giới thiệu cách đây hơn 20 năm nhưng việc sử dụng chúng chỉ trở nên phổ biến trong 5–10 năm trở lại đây. Một người trồng rau nói “Thuốc trừ sâu hóa học rẻ hơn thuốc sinh học… Rau chúng tôi phun thuốc trừ sâu hóa học phát triển đẹp hơn rau sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Nhưng giờ, người làng tôi không dùng thuốc hóa học nữa, kể cả có muốn dùng thì các cửa hàng cũng không bán nữa vì cán bộ huyện và thành phố (Hà Nội) thường xuyên đến các cửa hàng và cấm bán”. Họ cũng cho biết, do phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu nên họ lo lắng về sức khỏe của chính mình cũng như về việc phát tán các hóa chất đó vào môi trường.

Một số hộ còn sử dụng các biện pháp vật lý như bẫy bả, hay các loại “thuốc tự chế’ từ tỏi, ớt, rượu, vôi. Những kiến thức này chủ yếu được truyền đạt từ các lớp tập huấn IPM và qua mạng lưới hợp tác xã. Một người mô tả “Thuốc hóa học chỉ dùng ở giai đoạn đầu, còn thuốc sinh học thì dùng sau đó. Vì tôi luân canh cây liên tục nên cần dùng hóa học trước để dọn sạch sâu bệnh hoàn toàn.” Ngoài ra, các hộ cũng tuân thủ thời gian cách ly chặt chẽ hơn, trong đó việc thu hoạch chỉ diễn ra sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sau một thời gian nhất định, từ ba đến bảy ngày đối với thuốc trừ sâu sinh học và dài hơn với thuốc hóa học.

Không chỉ thay đổi cách tiếp cận phòng trừ sâu bệnh, người trồng rau còn điều chỉnh các thực hành canh tác để phục hồi và duy trì chất lượng đất – yếu tố sống còn đối với tính bền vững của sản xuất rau. Việc sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là phân gà, đang ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Kỹ thuật ủ phân tại chỗ, vận chuyển từ các trại gà thương mại, hay kết hợp bón lót – bón thúc đều được áp dụng linh hoạt tùy theo điều kiện của từng hộ. Đồng thời, luân canh giữa các loại rau có thời vụ và đặc điểm sinh trưởng khác nhau được xem là một cách để “nghỉ đất” mà vẫn giữ được sản lượng. Một nông dân ở Đông Anh chia sẻ “Đất trước đây rất tốt do chúng tôi dùng phân hữu cơ. Nhưng hai, ba năm gần đây, đất bị ô nhiễm, rau héo rũ và chết. Vì vậy, tôi phải luân canh, ví dụ như chuyển từ cải bắp sang hành và cà tím, để giảm tác động tiêu cực.” 


Cần một tầm nhìn dài hạn hơn về phân phối thực phẩm – không chỉ là mở rộng hệ thống bán lẻ hiện đại, mà là thiết kế các mạng lưới phân phối đa tầng, linh hoạt nhưng minh bạch, nơi sản phẩm an toàn có thể tiếp cận thị trường đại chúng mà không bị hòa lẫn.

Cùng với đó là các kỹ thuật xử lý đất sau thu hoạch – một chu trình thường bị xem nhẹ nhưng lại có tác dụng lớn trong việc giảm sâu bệnh và giữ độ tơi xốp cho đất. Người trồng thường dọn sạch tàn dư thực vật, phơi đất từ 10 đến 15 ngày để hấp thu nhiệt tự nhiên và diệt trứng sâu bệnh, sau đó bơm nước rửa đất và rải vôi bột để khử nấm, vi khuẩn. Điều đáng lưu ý rằng cũng như luân canh, đây không phải là những thực hành hoàn toàn mới, mà dựa trên kiến thức truyền thống và kinh nghiệm thực tế được tích lũy qua nhiều vụ.

Trong điều kiện thiếu lao động, một số hộ đưa vào sử dụng máy xới đất mini, máy bơm, hoặc thuê dịch vụ làm đất. Việc thay thế các công đoạn nặng nhọc bằng máy móc nhẹ giúp giảm áp lực lao động, trong khi các khâu chăm sóc chính vẫn giữ tính thủ công – do cần độ tỉ mỉ và can thiệp linh hoạt.

Những chuyển đổi này không đơn thuần là kỹ thuật, mà còn thể hiện sự thay đổi tư duy. Ngày càng nhiều nông dân hướng đến ba mục tiêu: an toàn thực phẩm, tiết kiệm sức lao động cải thiện đất. Tư duy này được bồi đắp từ hơn hai thập niên vận động kỹ thuật, từ IPM, đến các chương trình “Ba giảm, ba tăng”, “Một phải năm giảm”, hay nguyên tắc “Bốn đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách) – được đưa vào Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cũng như các chương trình tập huấn về sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Nhiều nguyên tắc trên đã được điều chỉnh và ứng dụng linh hoạt vào trồng rau.


Sự không đồng bộ giữa sản xuất và phân phối không chỉ triệt tiêu động lực cải tiến, mà còn cản trở việc mở rộng các mô hình sản xuất an toàn, bền vững. Khi người đi đầu không thấy lợi ích, sự chuyển dịch sẽ dừng lại ở quy mô thử nghiệm, không trở thành cải cách thực sự.

Mặt khác, các thay đổi trong quản lý nhà nước cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trở nên chủ động hơn trong việc kiểm soát thị trường thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc độc tính cao bị rút khỏi danh mục, còn thị trường thuốc sinh học đang mở rộng. Người nông dân có thể tiếp cận thuốc an toàn dễ dàng hơn, với giá cả không chênh lệch nhiều so với thuốc hóa học.

Trong bối cảnh đó, hợp tác xã hiện lên như một điểm tựa. Không chỉ là nơi chia sẻ kỹ thuật, họ còn tạo “áp lực mềm” giúp duy trì tuân thủ – vì danh tiếng chung, chứ không chỉ vì kỹ thuật. Nhờ vậy, các thay đổi thực hành không chỉ mang tính cá nhân, mà còn diễn ra ở quy mô tổ chức nông dân và cộng đồng.

Phân phối: Điểm nghẽn bị bỏ quên

Chợ vẫn là nơi phân phối rau chủ yếu. Ảnh: Shutterstock

Trong khi sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, phân phối vẫn là khâu có sự thay đổi chậm nhất – thậm chí gần như “đóng băng”. Dù vậy, vẫn có hai xu hướng chính xuất hiện: thứ nhất, vai trò của hợp tác xã và các hoạt động liên kết với hợp tác xã đã xuất hiện trở lại; thứ hai, các hoạt động thu gom, bán buôn, vận chuyển và bán lẻ đã được đa dạng hóa dưới tác động của quá trình đô thị hóa, hệ thống giao thông và truyền thông được cải thiện. Những người sản xuất, bán buôn và bán lẻ đã nhanh nhạy hơn trong việc nắm bắt thị trường, tận dụng các mạng lưới truyền thống (chợ tạm, chợ kiên cố) và số (mạng xã hội, Zalo) để tìm kiếm nguồn khách hàng mới và cải thiện thu nhập. 

Dù vậy, mô hình phân phối truyền thống vốn phân mảnh trên vẫn rất hạn chế trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Đại đa số sản phẩm rau vẫn thiếu truy xuất nguồn gốc, và ít có sự phân biệt rõ ràng giữa rau thường và rau an toàn. Vẫn có nhiều trường hợp rau theo tiêu chuẩn VietGAP, thậm chí rau hữu cơ, phải bán cùng và trà trộn với các sản phẩm rau không chứng nhận, khiến giá trị gia tăng không được công nhận.

Hệ thống siêu thị hiện đại, trên lý thuyết, là điểm đến lý tưởng cho sản phẩm an toàn. Nhưng thực tế, chỉ một phần nhỏ sản phẩm an toàn đi được vào siêu thị. Nguyên nhân là do các hệ thống bán lẻ lớn thường vận hành chuỗi cung ứng khép kín (vertical integration): từ sản xuất, sơ chế, đóng gói, phân phối, đến bán lẻ đều do cùng một hệ thống quản lý. Điều này giúp họ kiểm soát chất lượng hiệu quả, nhưng loại trừ phần lớn nông hộ và hợp tác xã nhỏ khỏi chuỗi cung ứng.

Ngay cả khi có khả năng kỹ thuật, nhiều hợp tác xã vẫn không sẵn sàng đưa hàng vào siêu thị vì chế độ thanh toán chậm – thường theo tháng hoặc quý – trái với mô hình “tiền trao cháo múc” của thương lái. Với vòng quay vốn ngắn và không có dự trữ tài chính, việc gắn bó với siêu thị trở thành rào cản thay vì cơ hội.

Một điểm nghẽn nữa nằm ở việc thiếu những tác nhân trung gian chuyên trách phân phối. Trong chuỗi rau hiện nay, hợp tác xã thường vừa sản xuất vừa kiêm nhiệm luôn việc phân phối, trong khi năng lực về logistics, tiếp thị, đàm phán thị trường lại rất hạn chế. Ở chiều ngược lại, các nhà bán lẻ hiện đại lại đòi hỏi năng lực giao hàng đúng giờ, đồng bộ về chất lượng và bao bì, khiến đa số hợp tác xã không thể đáp ứng. Không có ai đứng giữa để kết nối hiệu quả giữa bên sản xuất có kỹ thuật và bên tiêu dùng có nhu cầu, khiến cả hai bên đều hụt hơi và không tin tưởng nhau.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng – dù ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm – lại thiếu công cụ để phân biệt đâu là rau thực sự an toàn. Trong điều kiện mà “rau sạch” có thể được dán nhãn tùy tiện tại bất kỳ chợ nào, thì lòng tin bị xói mòn, và người tiêu dùng quay lại với lựa chọn quen thuộc: mua ở hàng quen. Điều này tạo ra một tình thế luẩn quẩn: nông dân không bán được rau an toàn với giá cao hơn, hợp tác xã không có đủ thị trường để khuyến khích thành viên duy trì tiêu chuẩn, còn người tiêu dùng thì tiếp tục mua theo cảm tính vì không có lựa chọn rõ ràng.

Trong tổng thể chuyển dịch của chuỗi giá trị rau, phân phối rõ ràng là một điểm nghẽn chưa được tháo gỡ. Việc cải thiện sản xuất mà không đồng thời tái cấu trúc phân phối chỉ dẫn đến tình trạng “nông dân cố gắng nhưng thị trường không ghi nhận”. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, cần một tầm nhìn dài hạn hơn về phân phối thực phẩm – không chỉ là mở rộng hệ thống bán lẻ hiện đại, mà là thiết kế các mạng lưới phân phối đa tầng, linh hoạt nhưng minh bạch, nơi sản phẩm an toàn có thể tiếp cận thị trường đại chúng mà không bị hòa lẫn.

Làm gì để thúc đẩy các nông hộ nhỏ?

Câu chuyện chuyển dịch an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất rau không chỉ nằm ở thửa ruộng. Trong suốt hơn hai thập niên qua, người nông dân – đặc biệt ở các vùng ven đô như Đông Anh – đã không chịu ngồi yên. Họ điều chỉnh kỹ thuật, giảm thuốc hóa học, chuyển sang phân hữu cơ, thay đổi lịch vụ, đầu tư cơ giới hóa nhẹ, và tham gia vào các tổ chức hợp tác – tất cả đều trong khả năng hạn chế của một mô hình nông hộ quy mô nhỏ. Những thay đổi này không xuất phát từ một áp lực duy nhất, mà đến từ sự kết hợp của tư duy nội sinh, các chương trình khuyến nông dài hạn, sự định hình từ thị trường, và các điều chỉnh thể chế về thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy vậy, phía sau những nỗ lực ấy là một chuỗi phân phối vẫn vận hành chậm chạp, thiếu tính minh bạch và bao trùm. Sự không đồng bộ giữa sản xuất và phân phối không chỉ triệt tiêu động lực cải tiến, mà còn cản trở việc mở rộng các mô hình sản xuất an toàn, bền vững. Khi người đi đầu không thấy lợi ích, sự chuyển dịch sẽ dừng lại ở quy mô thử nghiệm, không trở thành cải cách thực sự.

Nếu coi an toàn thực phẩm là một mục tiêu của chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, thì cải thiện sản xuất là điều kiện cần nhưng tái cấu trúc phân phối và cả tiêu dùng mới là điều kiện đủ. Điều này không chỉ cần đầu tư hạ tầng logistics, mà còn đòi hỏi thiết kế lại các cơ chế phối hợp giữa nông dân, HTX, trung gian thương mại và người tiêu dùng. Sàn giao dịch rau an toàn, mô hình chợ dân sinh cải tiến, và các đơn vị trung gian hỗ trợ nông hộ nhỏ và HTX – đó là những hướng đi có thể mở ra.

Và nhìn từ góc độ này, nông hộ nhỏ không phải là “vấn đề”, mà chính là tác nhân trung tâm của chuyển đổi. Việc ghi nhận, hỗ trợ và kết nối họ đúng cách sẽ không chỉ cải thiện hệ thống rau, mà còn đặt nền móng cho một tương lai thực phẩm công bằng, hiệu quả và bền vững hơn.□

* Nguyễn Minh Quốc là nghiên cứu sinh tại Đại học Wageningen, Hà Lan.

Tài liệu tham khảo:

Nguyen-Minh, Q., Vignola, R., Brouwer, I. D., & Oosterveer, P. (2024). Transitioning practices of vegetable small-scale actors in Vietnam: An interplay of food safety, labor demand, and soil environment. Agriculture and Human Values. https://doi.org/10.1007/s10460-024-10636-6

Nguyen-Minh, Q., Prins, H., Oosterveer, P., Brouwer, I. D., & Vignola, R. (2023). Food system transitions in Vietnam: The case of pork and vegetable networks. Environmental Innovation and Societal Transitions, 47, 100716. https://doi.org/10.1016/j.eist.2023.100716

Bài đăng Tia Sáng số 8/2025

Tác giả

(Visited 42 times, 3 visits today)