Nông nghiệp CNC là con đường tất yếu để tăng khả năng cạnh tranh?
Người ta tin rằng, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vào sản xuất là con đường tất yếu để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, là “quả đấm thép” của tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhưng nội hàm của khái niệm NNCNC là gì? NNCNC của Việt Nam có nhất thiết phải xây dựng các “cánh đồng” nhà kính nhà lưới với các thiết bị tự động hóa cao độ - hiện thân của công nghiệp 4.0? Mời bạn đọc đọc tiếp phần II của bài viết “Tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp CNC: Đôi điều trăn trở” của tác giả Trần Đức Viên.
NNCNC của VN có nhất thiết phải xây dựng các “cánh đồng” nhà kính nhà lưới?
Nội hàm khái niệm NNCNC
Người ta tin rằng, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất là con đường tất yếu để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, là ‘quả đấm thép’ của tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Cũng nên lưu ý là, những người cổ súy cho NNCNC lại vẫn thích ăn thịt gà ri thả vườn, thích ăn thịt lợn ỉ nuôi bằng cám gạo và thân chuối, thích ăn gạo và rau được canh tác theo cách mà cha ông ta đã làm, thích ăn sushi từ cá biển tự nhiên trong đại dương hơn là thưởng thức các sản phẩm này từ các trang trại NNCNC.
Vậy thế nào là CNC? Hiện chưa có ai làm rõ nội hàm của CNC trong nông nghiệp là những gì? Cao với ai và cao như thế nào? Với người nông dân một buôn của đồng bào Ê đê cách TP. Buôn Mê Thuột không xa vốn quen canh tác bằng cây gậy chọc lỗ bỏ hạt, cái rìu hay con dao chặt cây, cái cuốc vun cà phê, cùng lắm là biết đến cái máy phun thuốc trừ sâu của một doanh nghiệp (DN) khi DN này phun thuốc trừ bệnh hại mù mịt bầu trời mỗi khi những khu vườn sầu riêng của họ bị bệnh, thì cái bình thủy tinh tam giác dùng nuôi cấy mô, sản xuất ra hàng trăm hàng ngàn cây giống đều nhau tăp tắp là công nghệ cao hay công nghệ thấp? Còn ở Đồng bằng sông Hồng thì công nghệ nuôi cấy mô tế bào đã là công nghệ “thường ngày ở huyện”, vì nó dã được du nhập vào Việt Nam (VN) từ cuối những năm 70 của thế kỉ trước.
Ở VN, khi nói đến NNCNC là người ta thường nghĩ ngay đến những“cánh đồng” nhà kính nhà lưới với thiết bị điều khiển tự động hiện đại kiểu Israel, Hà Lan hay Hoa Kỳ. Công nghệ nông nghiệp trên sa mạc bỏng rẫy của Israel có thể nói là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hành tinh. Ở đấy, họ đã tạo ra những khu nông nghiệp khép kín, với giá trị lên tới 120.000-150.000 USD/ hecta/năm, phổ biến ở khắp mọi nơi trên xứ sở này. Các nhà quản lý và các nhà khoa học khuyến khích phát triển NNCNC của chúng ta thường lấy đó làm mô hình khi “thuyết khách”; và họ tin là, đấy chính là “ngày mai” của nông nghiệp nhiệt đới VN, nền nông nghiệp của các công nhân nông nghiệp cổ cồn, có tri thức, chấm dứt hình ảnh nền nông nghiệp “chân lấm tay bùn”. Ở các hệ thống canh tác khép kín này, mọi thông số kỹ thuật, từ tưới tiêu đến bón phân, đo nhiệt độ, độ ẩm, PH, phát hiện sâu bệnh, quyết định ngày giờ thu hái… cho từng đối tượng cây trồng được cập nhật trên máy vi tính. Trong nhà kính họ bố trí hàng loạt máy cảm biến thu nhận các thông số trên và truyền thông tin về máy chủ, máy chủ sẽ làm hàng triệu, hàng tỉ phép tính để đưa ra một quyết định tối ưu nhất như tự động phun nước từ trần nhà kính để tăng độ ẩm, hệ thống quạt mát sẽ khởi động nếu quá nóng, hệ thống bạt sẽ tự động che nhà kính hoặc kéo lên nếu thừa hoặc thiếu ánh sáng, v.v… Cây được trồng vào hệ thống giá thể (có thể gồm đất và các chất hữu cơ, có thể chỉ là giá thể hữu cơ, có thể chỉ là dung dịch hay thậm chí chỉ là ‘không khí’ với đầy đủ dinh dưỡng theo yêu cầu của cây), phân theo từng dàn nâng gắn liền với hệ thống bón, tưới, nâng, hạ… tự động.
NNCNC của VN có nhất thiết phải xây dựng các ‘cánh đồng’ nhà kính nhà lưới với các thiết bị tự động hóa cao độ của nông nghiệp thông minh như thế không?
Một số mô hình NNCNC ở Việt Nam
Từ đầu những năm 2000, sau khi đi thăm các mô hình NNCNC ở Hà lan, Israel, Hoa kỳ… một số nhà quản lý nông nghiệp đã quyết tâm đầu tư xây dựng các khu NNCNC bằng tiền của nhà nước, bắt đầu bằng khu NNCNC của Hadico ở Từ Liêm, Hà Nội (năm 2004, vốn đầu tư 24 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 7,5 hecta với 5.500 m2 trồng dưa chuột, cà chua, ớt ngọt; 2.000 m2 trồng hoa, các giống đều nhập từ Israel), sau đó là Đồ Sơn, Hải Phòng (năm 2007, vốn đầu tư trên 22,5 tỉ đồng cho 8.000 m2 nhà kính canh tác NNCNC, 5.000m2 nhà lưới giản đơn và 12.000 m2 canh tác ngoài trời), Củ Chi, Tp. HCM (diện tích 88 hecta), v.v… Người ta tin rằng, đây là những khu NNCNC tiên phong, tiếp cận khoa học kỹ thuật – công nghệ và quản lý mới của thế giới áp dụng vào ngành nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp nước ta hội nhập với nông nghiệp các nước tiên tiến.
Theo một nguồn tin, từ những ngày khởi đầu ấy (năm 2004) đến tháng 12/2015 cả nước đã có 34 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đã và đang được xây dựng tại 19 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế. Ngoài ra, một số địa phương cũng phát triển các khu/cụm NNCNC mà chưa kịp đăng ký hoặc chưa công bố chính thức (ví dụ như Bình Định).
Đánh giá về hiệu quả hoạt động, người ta thấy có một khu NNCNC có lãi rõ (mô hình rau, hoa ở Đà Lạt), 3 khu NNCNC hoạt động có hiệu quả (có thể tự tồn tại được, là Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh, An Thái, Bình Dương và Suối Dầu, Khánh Hòa); còn lại là các khu chưa hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Về quy mô: 7 khu có quy mô nhỏ hơn100 hecta (chiếm 21%) gồm Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa, TP.HCM, Bình Dương và Cần Thơ; 16 khu có quy mô từ 100 – 200 ha (chiếm 45,5%, gồm Sơn La, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Tiền Giang và Cần Thơ 3; 5 Khu có quy mô 200 – 400 ha, chiếm 15,2%, gồm: Yên Bình (Thái Nguyên), Giang Biên (Hà Nội), Lạc Dương (Lâm Đồng), Cần Thơ 2; 6 Khu quy mô lớn hơn400 hecta, chiếm 18,2% gồm: Hoài Đức (Hà Nội), Thống Nhất (Thanh Hóa), Phú Yên, An Thái và Phước Sang (Bình Dương), Hậu Giang.
Về vốn đầu tư: 18 khu được xây dựng và quy hoạch bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của các tỉnh/thành phố sau đó kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, chiếm 51,5%; 10 khu sử dụng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ các doanh nghiệp (công ty cổ phần và công ty TNHH) làm chủ đầu tư, chiếm 30,3%; 6 khu sử dụng nguồn vốn đầu tư do ngân sách nhà nước ở các tỉnh/thành phố kết hợp với vốn của các doanh nghiệp.
Về sản phẩm: bao gồm giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, rau, hoa, quả an toàn, chất lượng cao, cây cảnh, cá cảnh, cây dược liệu, gia súc, gia cầm, bò sữa, bò thịt chất lượng cao, an toàn…
Về công nghệ cao áp dụng: khá đa dạng và phong phú, như các công nghệ thủy canh, khí canh, màng dinh dưỡng, cấy mô, chế phẩm sinh học, tưới nước khoa học, CNTT, sản xuất nấm và chế phẩm vi sinh, chất điều tiết sinh trưởng và vật liệu mới phục vụ sản xuất NNƯDCNC, công nghệ chuyển gen và phương pháp chỉ thị phân tử; phương pháp cắt phôi và thụ tinh trong ống nghiệm; công nghệ tinh, phôi đông lạnh, ứng dụng quy trình chăn nuôi hiện đại, theo dây chuyền, có các hệ thống điều khiển tự động, công nghệ sinh học để sản xuất cá đơn tính; nuôi siêu thâm canh bằng hệ thống tuần hoàn; gây đa bội thể để sản xuất cá chất lượng cao; kỹ thuật tạo màu cá cảnh và nuôi cấy mô tế bào để nhân giống các loài thực vật thủy sinh, v.v…
Lựa chọn công nghệ phù hợp
Rõ ràng là, phát triển NNCNC là cần thiết, là nhu cầu của cuộc sống. Để nhanh chóng chuyển đổi một nền nông nghiệp truyền thống, manh mún, trọng năng suất sang một nền NNCNC định hướng thị trường, chủ động với sự thất thường của thời tiết và biến đổi khí hậu, cần một sự đổi mới căn bản hay nói cách khác là một cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ 2 trong đó NNCNC là chìa khóa. Vậy cụ thể trong điều kiện kinh tế – xã hội của VN thì những công nghệ nào được cho là “cao”?
Ở các nước sản xuất nông nghiệp tiên tiến thì mục tiêu của họ là nông nghiệp thông minh, các công nghệ mà họ áp dụng là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. NNCNC của VN ưu tiên áp dụng nông nghiệp thông minh ở các nơi có điều kiện (và thực tế đã có nhiều khu nông nghiệp thông minh trên đất nước ta), nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp khác. Vấn đề là, lựa chọn các công nghệ phù hợp, phù hợp với trình độ dân trí và trình độ kinh tế-xã hội của từng vùng, miền cụ thể, định hướng thị trường, vì suy cho cùng mọi công nghệ đều hướng tới có hiệu quả đầu tư, năng suất lao động cao hơn. Ví dụ, ở vùng hạn hán, nhiễm mặn thì cần ứng dụng công nghệ sinh học để chọn tạo ra giống chịu hạn, chịu mặn, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao thì có thể xem đó là NNCNC. Những vùng có khả năng đầu tư, có thị trường, có thương hiệu thì có thể áp dụng các mô hình nông nghiệp hiện đại, khép kín, chất lượng cao kiểu Israel, Hà lan hay Hoa kỳ lại là các công nghệ phù hợp.
Công nghệ có thể giải quyết được nhiều hạn chế của môi trường sản xuất, các công nghệ này có thể tự nghiên cứu hay nhập khẩu. Để tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia thì rất cần phải đầu tư để có công nghệ “Made by Vietnam” (chứ không chỉ “Made in Vietnam”); với công nghệ nhập khẩu, vẫn cần đầu tư nghiên cứu để nhanh chóng làm chủ công nghệ, Việt Nam hóa công nghệ của nước ngoài. Nếu không có công nghệ hay không làm chủ được công nghệ thì “khô áo ráo tiền”, chúng ta sẽ chỉ đi làm thuê cho DN nước ngoài trên chính đồng đất của mình. Sự không thành công của ngành sản xuất ô tô, ngành đóng tầu…. là các bài học đắt giá về sáng tạo công nghệ và làm chủ công nghệ. Hơn nữa, nếu không đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo công nghệ, tạo ra các công nghệ và thiết bị phù hợp với điều kiện VN, ưu tiên cho “nhập khẩu nguyên chiếc” công nghệ và thiết bị từ các nước có nền NNCNC phát triển nhất thế giới như một số “ông lớn” đã làm vừa qua, biến những cánh đồng lúa thu nhập thấp qua một đêm thành các khu NNCNC hiện đại, thì vô hình trung, NNCNC sẽ trở thành “vùng trời riêng” của các DN vốn lớn, quan hệ rộng, các DN nhỏ và vừa, HTX và các tổ/nhóm nông dân bị gạt ra bên lề “cuộc chơi” này[1].
NNCNC là một hình thức canh tác rất mới ở VN, để phát triển NNCNC, chúng ta cần chuyên gia giỏi, nếu trong nước không có thì tìm chuyên gia quốc tế hỗ trợ VN trong các lĩnh vực sau: (1) Chuyên gia quy hoạch và xác định phân khúc thị trường gắn với lợi thế cạnh tranh sản xuất NNCNC của Việt Nam trên thị trường toàn cầu; (2) Chuyên gia tư vấn từ các nước có nền NNCNC và có thị trường lớn để có thể giúp VN định hướng lĩnh vực/mặt hàng NNCNC chúng ta có lợi thế so sánh, từ đó giúp VN tìm kiếm thị trường và làm chủ thị trường bền vững.
Các nước Hà Lan, Isreal mặc dù có nền NNCNC rất phát triển, nhưng chúng ta khó học hỏi, vì xuất phát điểm của chúng ta rất khác họ, đồng thời thị trường của họ vừa nhỏ vừa ‘khó tính’ nên cũng khó học hỏi về phát triển thị trường. Những nước này có thể hợp tác trong đào tạo hàn lâm, đào tạo định hướng nghề nghiệp, nên chăng chúng ta nên hợp tác NNCNC với các nước có tiềm năng thị trường lớn như Nga, Hoa kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật bản; Không có thị trường, thì NNCNC nào cũng thất bại.
Nhà nước cần giữ vai trò quy hoạch, định hướng tổng thể cho NNCNC trên quy mô cả nước, không nên giao quy hoạch cho các tỉnh theo địa giới hành chính, dễ dẫn đến quy hoạch manh mún, chồng chéo, đầu tư kém hiệu quả. Do đó, phát triển NNCNC ở nước ta hiện nay cần lưu ý một số điểm then chốt sau:
– NNCNC phải tận dụng được lợi thế so sánh của từng địa phương, vùng miền (khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sinh học…) để tạo ra các nông sản hàng hóa mang tính đặc trưng của từng vùng sinh thái.
– NNCNC nhằm đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích, trên đơn vị đầu tư và trên đơn vị ngày công, nhờ hạ giá thành sản phẩm, chứ không phải làm NNCNC để trình diễn, để thu hút đầu tư hay để chiếm dụng đất đai, chờ thời cơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. NNCNC phải tạo ra được các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả, mẫu mã với các sản phẩm cùng loại trên thị trường trong nước và thế giới, có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và sản lượng hàng hoá khi có yêu cầu của thị trường.
– NNCNC tạo ra sản phẩm theo một chu trình khép kín theo chuỗi ngành hàng, để khắc phục được những yếu tố rủi ro của tự nhiên và hạn chế rủi ro của thị trường, thì việc thương mại hóa sản phẩm (tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm) và công nghệ chế biến phải được ưu tiên hàng đầu, chứ không phải ưu tiên tích tụ ruộng đất cho các tập đoàn lớn.
– Công nghệ áp dụng cho NNCNC phải là các công nghệ thân thiện với môi trường, để tạo ra các hệ sinh thái đa dạng, bền vững, tạo tiền đề cho phát triển du lịch nông nghiệp trong tương lai.
(Đón đọc Phần III: Khuyến nghị chính sách)
——–
Chú thích:
[1] Các “ông lớn” hiện nay không cho công bố giá nhập thiết bị và công nghệ; theo tìm hiểu của chúng tôi, giá các thiết bị và công nghệ này khá cao, các DN nhỏ và vừa, các HTX không thể “với” tới. Ví dụ, giá nhập trọn gói hệ thống nhà trồng cà chua của Israel là khoảng 1 triệu USD/hecta, hệ thống thủy canh tính riêng – giá còn cao hơn nhiều. Theo thông tin từ một nhà thầu trong nước đang cung cấp hạng mục khung nhà kính thì giá là 3,4 tỉ/hecta, tương ứng 340.000đồng/m2 (thông số kỹ thuật, chiều cao tương đương Israel). Giá của Israel riêng nhà không là khoảng 14 tỉ/ hecta, tương ứng 1,4triệu/m2. Nhà do Nhật lắp ghép là nhà khung thấp (nhà Israel là nhà khung cao 7,2-8,5m) chỉ tính riêng khung nhà là 800.000đồng/m2, chưa kể hệ thống làm mát cưỡng bức…