Nước biển dâng nhấn chìm năm hòn đảo ở Thái Bình Dương
Năm hòn đảo thuộc Quần đảo Solomon đã bị “nuốt chửng” bởi mực nước biển dâng cao, hiện tượng này đã hé lộ một tương lai không mấy tươi sáng cho những quốc gia nằm ở các vùng đất thấp.
Trong hai thập kỷ qua, dưới tác động kép của hiện tượng ấm lên toàn cầu và cường độ gió mậu dịch tăng mạnh hơn, mực nước biển ở Quần đảo Solomon đều đặn dâng cao ở mức trung bình là 7mm/năm. Tiến sĩ Simon Albert của trường Đại học Queensland cho biết: “Sự kết hợp “hoàn hảo” giữa sự gia tăng của mực nước biển trên toàn cầu cộng với áp lực từ chu kỳ gió mậu dịch tự nhiên đã và đang đẩy thêm nước vào khu vực Tây Thái Bình Dương.” Ông cũng cho hay, hiện nay, tỉ lệ mực nước biển dâng cao trên toàn cầu là 3mm/năm, nhưng tới cuối thế kỷ 21, con số này rất có thể sẽ tăng lên mức 7mm/năm tương tự như Quần đảo Solomon ngày nay do nhiệt độ tăng làm băng tan chảy và gây ra hiện tượng dãn nở nhiệt ở các đại dương.
Do những chênh lệch về khí hậu và các tác nhân khác, mực nước biển ở các nơi trên thế giới tăng không đồng đều nhau. Ở khu vực Thái Bình Dương, mực nước biển dâng cao ở mức 3-5mm/năm. Theo một nghiên cứu từ năm 2010, một số đảo san hô ở đây đã kịp thời phát triển và mọc cao để thích nghi với sự biến đổi khí hậu. Đồng thời, sóng và các dòng hải lưu ở đây cũng giúp đẩy thêm cặn vào bờ, từ đó làm giảm bớt tác động của mực nước biển dâng cao. Nhưng Quần đảo Solomon lại chịu tác động trầm trọng hơn cả bởi sự biến đổi khí hậu đã làm áp lực gió mạnh hơn, càng đẩy thêm nước vào khu vực này.
Để tìm hiểu về các tác động của mực nước biển dâng cao đối với các vùng bờ biển của 33 đảo san hô thuộc Quần đảo Solomon, tiến sĩ Albert và các đồng nghiệp đã phân tích những hình ảnh chụp từ vệ tinh và ăng-ten thực hiện từ năm 1947 đến năm 2014. Kết quả cho thấy, năm hòn đảo xuất hiện trong các bức ảnh chụp từ năm 1947 có diện tích dao động từ 1 – 5 ha đã hoàn toàn biến mất vào năm 2014. Cũng trong thời gian này, sáu hòn đảo khác đã bị thu hẹp diện tích từ 20 – 60% – kết quả này cũng trùng khớp với những lời kể của người dân sinh sống tại quần đảo. Đảo Nuatambu, hòn đảo đông dân nhất trong số 33 hòn đảo với tổng số 25 hộ gia đình, đã chứng kiến 11 ngôi nhà bị nước biển cuốn trôi kể từ năm 2011 tới nay.
Theo tiến sĩ Matt King của trường Đại học Tasmania, dẫu nhiệt độ toàn cầu có duy trì ở mức hiện tại thì trong những thế kỷ tới đây mực nước biển vẫn tiếp tục dâng cao, bởi: “Các con sông băng vốn đã bị mất cân bằng với môi trường xung quanh rồi, nên băng sẽ tiếp tục tan chảy. Với tỉ lệ nước biển dâng cao như hiện nay thì tình huống khả dĩ nhất có thể xảy ra là nó sẽ đều đặn tăng và có thể đạt mức tăng vài chục cm mỗi năm.” Và nhiều viễn cảnh tồi tệ hơn có thể xảy ra nếu chúng ta không có hành động nào để kiểm soát lượng phát thải khí carbon dioxide.
Những gì đã xảy ra đối với Quần đảo Solomon là một cánh cửa giúp chúng ta nhìn vào tương lai – và trong tương lai, không phải một vài hòn đảo riêng lẻ mà toàn bộ một quốc gia cũng có thể bị xóa tên trên bản đồ thế giới”, tiến sĩ King nói.
Đăng Quang dịch
https://www.newscientist.com/article/2087356-five-pacific-islands-vanish-from-sight-as-sea-levels-rise/