Obama không còn thân thiện với môi trường?

Kinh tế Mỹ tiếp tục trì trệ đã khiến Nhà Trắng phải thay đổi quan điểm chính sách. Môi trường đã không còn là vấn đề ưu tiên hàng đầu.

Trong vài tuần qua, đã có hai nỗ lực vận động hành lang đối lập nhau nhằm vào chính sách về môi trường và năng lượng của Tổng thống Barack Obama. Một đã được tiến hành công khai – hơn 1000 nhà hoạt động, từ những người nổi tiếng và các nhà khoa học cho tới những người từng tổ chức chiến dịch tranh cử giúp ông Obama – đã bị bắt bên ngoài Nhà Trắng khi phản đối đề xuất xây dựng Keystone XL, ống dẫn dầu có khả năng vận chuyển nửa triệu thùng dầu thô giàu carbon từ các nhà máy lọc cát dầu ở miền Tây Canada. Nỗ lực thứ hai thì âm thầm hơn một chút: đại diện của các tổ chức như Phòng Thương mại Hoa Kỳ hay Hội Dầu khí Hoa Kỳ (API) đã vận động hành lang mạnh mẽ nhằm thuyết phục Nhà Trắng hủy bỏ động thái tăng cường quản lý khí thải của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) trong việc hạn chế xả khói.

Người đưa ra quyết định là Obama và ông đã lựa chọn quay lưng với EPA, bỏ ngoài tai ý kiến của giới khoa học vì mục tiêu chính trị – trong trường hợp này, đó là giúp đỡ doanh nghiệp trong bối cảnh cả nền kinh tế đang trầy trật còn các đối thủ trên chính trường thì đang cố tô vẽ Tổng thống đương nhiệm như một lãnh đạo chuyên cắt giảm công ăn việc làm.

Vậy, chiến dịch nào đã thắng? Có lẽ không phải là chiến dịch mà bạn kỳ vọng ở một vị Tổng thống nhậm chức hai năm rưỡi trước với những cam kết “xanh” nhất trong số các cam kết của các Tổng thống Mỹ gần đây. Ngày 2 tháng 9 vừa qua, Tổng thống Obama đã làm các đồng minh là các nhà hoạt động vì môi trường phải choáng váng khi rút lại dự luật quy định tiêu chuẩn xả khói khắt khe hơn, mặc dù từ nhiều tháng nay EPA đã hứa hẹn là sẽ được thông qua các quy định chặt tay hơn. Cùng lúc, ống dẫn dầu Keystone XL – công trình cần được Nhà Trắng phê chuẩn – dường như chắc chắn sẽ được triển khai với những đánh giá có tính chất ưu ái rõ ràng của Bộ Ngoại giao cùng với tín hiệu ủng hộ từ các quan chức Chính phủ. Các doanh nghiệp lớn đã thắng, còn các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã thua.

Các nhóm hoạt động môi trường, từ cực đoan cho tới chính thống, đáp lại tuyên bố về [tiêu chuẩn xả] khói của ông Obama bằng sự giận dữ của những người bị phản bội. Điều này càng đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh uy tín của Tổng thống với các nhà hoạt động môi trường vốn đã giảm từ sau khi ông không thông qua được đạo luật quy định về mua bán tiêu chuẩn xả thải (cap-and-trade) khí carbon, và vấn đề ấm lên toàn cầu thì đang dần biến mất khỏi danh sách các chính sách ưu tiên của Nhà Trắng. Các nhà hoạt động bàn tán xôn xao vì sao mà vị Tổng thống mà họ đã mất bao công sức mới bầu lên được nay đã phản bội họ – và họ tự hỏi, không biết ông Tổng thống ấy có đáng để họ nỗ lực [bầu lại] vào năm 2012 hay không. “Giờ đây, nhiều thành viên MoveOn đang tự hỏi không biết họ có thể vận động cho ông Obama tái đắc cử hoặc giải thích vấn đề của ông cho hàng xóm của họ được không, khi mà ông đã làm những việc như thế này”, Giám đốc điều hành MoveOn, Justin Ruben nói trong một thông báo. “Đây là một quyết định mà chúng tôi nghĩ rằng chỉ có thể là của George W. Bush.”

Thật khó có thể tệ hơn khi người ta so sánh Obama với người thường được coi như vị Tổng thống ít thân thiện với môi trường nhất lịch sử nước Mỹ. Trong khi đó, nếu như đúng là ông Obama đã thực sự từ bỏ lời hứa về môi trường, còn các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa vẫn thường trực tỏ ra thù địch với các chính sách môi trường hay khí hậu dưới bất kỳ dạng nào, thì liệu các nhà hoạt động vì môi trường còn có thể làm được gì?


Giám đốc EPA, bà Lisa Jackson, bị buộc phải thoái dự luật quy định thắt chặt tiêu chuẩn ozone mặt đất, một thành phần chủ yếu trong khói thải công nghiệp.

Trước hết, để hiểu rõ tình hình chúng ta hãy xem lại một chút về bối cảnh. Theo Đạo luật Không khí sạch, chính quyền phải xem xét lại các qui định về ô nhiễm không khí năm năm một lần và dựa trên các kiến thức khoa học mới nhất để quyết định có cần phải thắt chặt luật lệ nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng hay không. Hồi năm 2008, chính quyền Bush và EPA đã áp đặt giới hạn mới cho ozone mặt đất – vốn là thành phần chính của khói và được coi là gây hại cho sức khỏe – xuống còn 75 phần tỷ (75ppb). Đây là mức thấp hơn quy định hiện hành nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức đề xuất của các nhà khoa học ở EPA đưa ra, từ 60 đến 70 ppb.

Các nhóm vận động như Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện để buộc Chính phủ phải thay đổi quy định về ozone của ông Bush mà theo họ thì có thể dẫn tới nhiều ngàn cái chết không cần thiết; nhưng khi ông Obama lên nắm quyền thì tổ chức này tuyên bố “đình chiến”. Lãnh đạo EPA, Lisa Jackson – người từng nói các đạo luật của ông Bush là “không thể bảo vệ được về mặt pháp lý” – hứa hẹn rằng Chính phủ mới sẽ đưa ra các quy định chặt hơn về khí ozone, cụ thể là vào khoảng 60 tới 70 ppb như các nhà khoa học đề xuất hiện nay.

Nhưng các tập đoàn công nghiệp thì than vãn thảm thiết trước viễn cảnh có thể phải chịu những quy định chặt hơn. Họ lập luật rằng luật ô nhiễm không khí khắt khe sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 90 tỷ USD mỗi năm, kể từ năm 2020. EPA thì cho rằng dự luật vẫn có tác động tích cực tới kinh tế vì nó làm giảm tỷ lệ chết yểu, số người phải nhập viện hay mất sức lao động vì không khí ô nhiễm. Nhưng khi mà tình hình kinh tế xấu đi theo từng tháng còn Nhà Trắng càng ngày càng bị coi là kém thân thiện với doanh nghiệp thì nhận định của EPA ngày càng khó hợp lòng người, và họ phải trì hoãn dự luật hết lần này đến lần khác dù luôn cam kết là luật mới rồi sẽ ra đời.


Người biểu tình phản đối đường ống Keystone XL tụ tập bên ngoài hàng rào Nhà Trắng

Cuối cùng, ngày 2 tháng 9 – chỉ ngay trước Ngày Lao động – Trưởng ban pháp chế của Nhà Trắng, Cass Sunstein, gửi thư cho Jackson khuyên bà cân nhắc lại những quy định về ozone và nói thêm rằng luật mới có thể tạo ra “bất ổn không cần thiết” – về cơ bản, cuộc tranh luận đến đây là kết thúc.

Từ khi ra tuyên bố, Nhà Trắng đã cố gắng biện minh rằng việc đưa ra quy định mới về ozone trong năm 2011 là không cần thiết và sẽ gây thêm rắc rối vì luật sẽ tự động được xem xét lại vào năm 2013, theo Đạo luật Không khí sạch. Nhưng EPA, vốn được pháp luật trao quyền tự do ban hành quy định khi thấy cần, lại hoãn việc xem xét đó tới tận năm 2016. Theo cách nào thì cũng nhiều khả năng những quy định mới sẽ chỉ được đưa vào thực hiện khá lâu sau năm 2013 – dù sao thì EPA cũng đã trễ hạn chót mà lần cuối họ đề ra (trong việc đưa ra dự luật) tới vài năm.

Trong một hội thảo qua điện thoại sau khi tuyên bố được đưa ra, một quan chức Nhà Trắng đã cố gắng trấn an các phóng viên rằng quyết định ấy “không liên quan gì tới chính trị”, nhưng [lời ông này] rõ ràng là quá khôi hài. Người đưa ra quyết định là Obama và ông đã lựa chọn quay lưng với EPA, bỏ ngoài tai ý kiến của giới khoa học vì mục tiêu chính trị – trong trường hợp này, đó là giúp đỡ doanh nghiệp trong bối cảnh cả nền kinh tế đang trầy trật còn các đối thủ trên chính trường thì đang cố tô vẽ Tổng thống đương nhiệm như một lãnh đạo chuyên cắt giảm công ăn việc làm. Các nhà hoạt động môi trường – cùng với 4300 người mà những quy định cứng rắn hơn có thể sẽ cứu được mỗi năm – đã bị ông bỏ rơi. “Tổng thống Obama đã về phe những kẻ gây ô nhiễm và những thế lực hùng mạnh luôn bác bỏ các giá trị của Chính phủ trong việc bảo vệ người dân” Chủ tịch Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên Hoa Kỳ, Frances Beinecke, nói sau tuyên bố của ông Obama.

Tất nhiên, những “thế lực hùng mạnh” ấy thực chất là gồm toàn bộ Đảng Cộng hòa với những ứng cử viên Tổng thống quan trọng mà nhiều người trong số đó sẽ rất vui mừng nếu xóa sổ được EPA. Và điều đó đặt các nhà hoạt động môi trường trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan – họ có thể cực kỳ không vui với ông Obama, nhưng nếu để cho Đảng Cộng hòa thắng trong cuộc bầu cử 2012 thì đó sẽ là thảm họa môi trường. Không ủng hộ ông Obama nữa cũng có nghĩa là họ tự bắn vào chân mình.

Hầu như chưa có nhóm môi trường nào thực sự có chương trình vận động chống việc tái cử ông Obama ngay cả sau những nỗi thất vọng mang tên ozone và cát dầu, mặc dù chúng bắt đầu có tác động tiêu cực tới việc gây quỹ hay làm giảm sự ủng hộ ở cấp địa phương. Trong thực tế, ông Obama cũng đã làm được rất nhiều cho môi trường, từ tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu mới đầy tham vọng cho tới ngân sách cao một cách bất ngờ dành cho năng lượng thay thế – đó là chưa kể tới việc ông Tổng thống này, không giống các đối thủ ở Đảng Cộng hòa, thật sự chấp nhận thực tế về biến đổi khí hậu. Nhưng những sự kiện trong mấy tuần gần đây chỉ ra một hiện thực đáng buồn: trong bối cảnh kinh tế bất ổn và cuộc chiến [để] tái đắc cử khốc liệt thì môi trường sẽ không còn là ưu tiên hàng đầu ở Nhà Trắng.

Và tệ nhất, dường như các nhà hoạt động môi trường không thể làm được gì nhiều để cải thiện tình hình. Hơn một nghìn người đã bị bắt sau cuộc biểu tình dài hai tuần để phản đối đường ống dẫn cát dầu Keystoen XL, tạo ra cái mà ký giả kiêm nhà hoạt động Bill McKibben gọi là “hành động chống đối mang tính dân sự lớn nhất trong cả một thế hệ tham gia phong trào vận động vì môi trường.” Trong lúc những cuộc tuần hành đang diễn ra, các phóng viên đã hỏi người phụ trách báo chí của Nhà Trắng, Jay Carney, rằng liệu ông Obama có biết gì về cuộc biểu tình ngay bên ngoài nhà mình hay không. Carney đã trả lời là ông Obama không hề biết. Tổng thống hẳn còn phải lưu tâm tới những vấn đề khác.

HOÀNG MINH dịch theo bài viết của Bryan Walsh, đăng online trên Time ngày 06/09/2011
Nguồn: http://www.time.com/ time/health/article/0,8599,2091814-2,00.html

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)