OLYMPIC thời chiến tranh lạnh
Olympic Helsinki 1952 là kỳ Thế vận hội đáng nhớ với sự tham gia lần đầu tiên của nhiều nước, trong đó có Liên Xô, CHND Trung Hoa, và cả Việt Nam. Sự tham gia của Liên Xô đánh dấu sự bắt đầu cuộc chạy đua trong lĩnh vực thể thao giữa các siêu cường của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về cơ bản luôn coi nhiệm vụ hàng đầu của mình là bảo tồn lý tưởng của thể thao, và cố gắng duy trì tư cách của IOC là một vị trọng tài tối cao trong thế giới thể thao. (Không một liên đoàn thể thao quốc tế nào được tham gia vào các bộ môn Olympic quốc tế mà không có sự cho phép từ IOC). Những người lãnh đạo hàng đầu của phong trào Olympic thường dễ hòa đồng với môi trường chính trị quốc tế. Từ xưa đến nay, họ thường là những nhân vật thượng lưu thông tuệ, và không thiếu các mối quan hệ quyền lực. Ở một số nước, đặc biệt là ở các nước phương Tây, các Ủy ban Olympic quốc gia tự coi mình như một chính phủ độc lập.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tham gia phong trào Olympic vào năm 1952, tính cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô đã làm chính trị hóa các kỳ Thế vận hội. Sự quan tâm nồng nhiệt dành cho các bảng thành tích huy chương một phần vì sự hấp dẫn của các bộ môn thể thao, nhưng một phần khác cũng nhiều không kém chính là tâm lý ganh đua mà Chiến tranh Lạnh mang lại.
Chính trong giai đoạn này, IOC đã phải trổ hết các kỹ năng trên chính trường quốc tế để giải quyết hai trường hợp nhức đầu. Một là vấn đề giữa Trung Quốc đại lục và Trung Quốc Đài Loan, hai là vấn đề giữa Tây Đức và Đông Đức. Khi đó, Đông Đức nỗ lực để Ủy ban Olympic quốc gia của họ được công nhận, coi đó là bước tiến cho sự công nhận tư cách của nhà nước Đông Đức. Ở hoàn cảnh ngược lại, Đài Loan sợ rằng nếu Ủy ban Olympic quốc gia của mình bị mất sự công nhận thì tính chính danh của nhà nước phía Trung Quốc đại lục sẽ tiến thêm được một bước.
Vấn đề Đông – Tây Đức
Sau sự ra đời của Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) năm 1949, IOC đã chính thức công nhận tư cách Ủy ban Olympic quốc gia của Tây Đức vào năm 1951. Khi đó, đã có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về việc liệu có công nhận đồng thời cả Ủy ban Olympic của Đông Đức, dù khi ấy Đông Đức vẫn chưa phải là một nhà nước độc lập. Vấn đề cốt lõi là, Liên Xô mong muốn vệ tinh1 của mình được công nhận tư cách một Ủy ban Olympic quốc gia độc lập, trong khi các thành viên IOC lại cảm thấy rằng việc công nhận này sẽ tạo ra hai Ủy ban Olympic độc lập của cùng một quốc gia, và sẽ càng khiến nước Đức bị chia rẽ sâu sắc thêm.
Các vận động viên Đông Đức và Tây Đức cùng hòa chung một đoàn đại diện cho nước Đức tại lễ khai mạc Olympic Melbourne (Úc) năm 1956 |
Năm 1955, tức là một năm sau khi Liên Xô công nhận chủ quyền nhà nước độc lập của Đông Đức, Ủy ban Olympic Quốc gia Đông Đức đã được tạm thời công nhận, ‘với sự ngầm hiểu rằng sau khi nước Đức thống nhất, IOC sẽ chỉ công nhận một Ủy ban Olympic Đức có tư cách đại diện cho toàn bộ nước Đức’.
Hai đoàn vận động viên Đức đã hòa thành một trong hai kỳ Olympic mùa đông và mùa hè năm 1956. Avery Brundage, Chủ tịch IOC phấn khởi phát biểu ‘Trong thế giới thể thao chúng ta đã làm được điều mà các nhà chính trị đến nay vẫn chưa làm được’. Đông Đức vẫn đề nghị được công nhận độc lập, mặc dù vẫn cam kết sẽ tiếp tục tham gia trong điều kiện hiện có nếu như đề nghị này không được chấp thuận. NATO thì muốn tiếp tục duy trì hình thức một đoàn vận động viên Olympic chung cho cả hai nước Đức, nhưng Tây Đức lại bắt đầu muốn được tham gia với tư cách riêng.
Khi vấn đề này được thảo luận lần nữa vào năm 1965, IOC đã đi đến thống nhất theo quan điểm của số đông, rằng vì Đông Đức không còn chấp nhận tham gia vào một đoàn vận động viên thống nhất nên ‘Ủy ban Olympic Tây Đức sẽ đại diện cho nước Đức như cũ, còn Ủy ban Olympic Đông Đức sẽ được coi là đại diện đầy đủ cho vùng địa lý Đông Đức’. Việc dùng khái niệm ‘vùng địa lý’ – đôi khi còn được gọi theo cách khác là ‘lãnh thổ’ – đã khéo léo tránh được việc phải gọi một cái tên chính danh cho Đông Đức.
Đây là lúc IOC nhận thức đầy đủ hơn về thực trạng tình hình chính trị. Trước kia, họ bị ảnh hưởng nhiều bởi lòng tin phổ biến khi ấy rằng nước Đức sẽ sớm thống nhất. Nhưng sau đó, Đông Đức đã dần khẳng định được vị thế riêng của mình, trong đó có cả sự đóng góp của các hoạt động thể thao. Bên cạnh đó, Chính phủ Tây Đức cuối cùng đã từ bỏ Học thuyết Hallstein, vốn có chủ trương không quan hệ với bất kỳ nước nào công nhận Đông Đức. Vì vậy, IOC cũng không còn tìm cách vận động cho một đoàn vận động viên Đức thống nhất tại các kỳ Olympic.
Vấn đề Trung Quốc
Ủy ban Olympic quốc gia của Trung Quốc đã được công nhận từ năm 1922. Nhưng sau cuộc nội chiến giữa Quốc dân Đảng và Cộng sản Đảng, ủy ban này đã chạy ra Đài Loan cùng Quốc dân Đảng vào năm 1951 và vẫn tiếp tục được công nhận. Trong khi đó, nước Mỹ, đồng minh của Đài Loan, và Liên Hợp Quốc khi ấy đã công nhận Đài Loan là ‘Trung Quốc’ và ủng hộ luận điệu của Đài Loan về chủ quyền đối với đại lục. Ở phía ngược lại, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa công nhận rằng nhà nước của Đảng Cộng sản đã kiểm soát đại lục, với tên gọi là ‘Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’ (CHND Trung Hoa).
Vận động viên bơi lội Wu Chuanyu, đại diện đầu tiên của Trung Quốc tới thi đấu chính thức tại Olympic. Do được mời quá muộn (đêm trước lễ khai mạc) nên trong số 40 người được Trung Quốc cử đi, Wu Chuanyu là người duy nhất tới kịp để thi đấu tại Olympic Helsinki 1952. |
Năm 1952, cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đại lục đều khẳng định sẽ cử các vận động viên đến tham dự Olympic Helsinki. Đa số các thành viên IOC bỏ phiếu tán thành việc mời cả hai, qua đó tự phá bỏ một điều luật của IOC rằng tất cả mọi đoàn vận động viên đều phải được cử đi bởi một Ủy ban Olympic quốc gia do IOC công nhận. Cuối cùng, chỉ có một vận động viên của Trung Quốc đại lục tới tranh tài chính thức tại Helsinki, còn Đài Loan không cử vận động viên nào nhằm phản đối quyết định của IOC cho phép Trung Quốc đại lục tham gia.
Năm 1954, IOC chính thức công nhận Ủy ban Olympic quốc gia của Trung Quốc đại lục, nhưng mặt khác vẫn công nhận cả Ủy ban Olympic của Đài Loan. Vậy là Trung Quốc đại lục quyết định rút lui khỏi Olympic 1956 tổ chức tại Melbourne, nhằm phản đối IOC vẫn tiếp tục công nhận tư cách thành viên của Đài Loan. Không những thế, họ rút lui khỏi toàn bộ phong trào Olympic và các liên đoàn thể thao quốc tế khác vào năm 1958. Một thành viên Trung Quốc trong IOC từ chức với một lá thư kết tội Brundage là ‘tên đầy tớ trung thành của đế quốc Mỹ’.
Dưới sức ép từ các thành viên IOC của các nước xã hội chủ nghĩa muốn Đài Loan bị bãi trừ và CHND Trung Hoa được tái nhập trở lại vào phong trào Olympic, năm 1959 IOC đã nhất trí rằng Ủy ban Olympic của Đài Loan sẽ không được tiếp tục mang danh Trung Quốc, với lý do ủy ban này không điều hành các hoạt động thể thao ở đại lục. IOC cũng tuyên bố rõ rằng nếu ủy ban này đăng ký lại với tên gọi khác thì đơn đăng ký sẽ được xét duyệt. Quyết định này đã gây ra sự hiểu lầm từ báo giới, cho rằng Đài Loan đã bị bãi trừ, và điều này khiến Mỹ phản ứng quyết liệt. Hệ quả là, IOC quyết định công nhận Ủy ban Olympic Đài Loan là Ủy ban Olympic của Cộng hòa Trung Quốc.
Năm 1971, Liên Hợp Quốc công nhận tư cách của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và bãi trừ Đài Loan. Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon sang thăm Trung Quốc sau thủ thuật ngoại giao ‘bóng bàn’. IOC cũng ngay lập tức có động thái tương ứng. Năm 1971, IOC kết luận rằng CHND Trung Hoa sẽ được chào đón trở lại nếu tôn trọng các quy định Olympic. Tuy nhiên, IOC vẫn khẳng định rằng Đài Loan sẽ không bị bãi trừ.
Tuy nhiên, khi CHND Trung Hoa đăng ký tái tham gia vào IOC, họ đặt điều kiện là Đài Loan phải bị bãi trừ. Chính phủ Canada, nước chủ nhà của Olympic 1976 tổ chức tại Montreal, càng làm tình hình thêm kịch tính – vốn từ năm 1970 họ đã nhất trí với chủ trương một nước Trung Quốc, và công nhận CHND Trung Hoa là đại diện duy nhất của Trung Quốc – với quyết định không cho phép đoàn vận động viên Đài Loan nhập cảnh nếu cái tên ‘Trung Quốc’ vẫn xuất hiện trong tên gọi của họ. Một số thành viên IOC kêu gọi hủy kỳ Olympic lần này, nhưng cuối cùng IOC quyết định vẫn tiếp tục theo lịch trình. Chính phủ Canada duy trì quan điểm của mình bất chấp sự kinh ngạc của Mỹ cũng như sự phản đối rộng rãi trong phong trào Olympic. Cuối cùng, đoàn Đài Loan đã tự giải quyết bế tắc bằng cách đóng gói đồ đạc về nước đúng một ngày trước lễ khai mạc.
Vụ rắc rối này đã khiến IOC phải tốn nhiều thời gian xử lý hơn so với lần tẩy chay đồng loạt từ các nước châu Phi sau khi IOC từ chối lên án Nam Phi vào dịp nước này tổ chức sự kiện quốc tế cho bộ môn bóng bầu dục. Mặc dù bóng bầu dục không được xếp vào trong số các bộ môn Olympic, các nước châu Phi vẫn cho rằng IOC đã lảng tránh trách nhiệm, và lẽ ra IOC phải lên tiếng với sức mạnh mang tính biểu tượng của mình.
Những lùm xùm xoay quanh vấn đề Trung Quốc vẫn tiếp tục, nhưng cuối cùng cả hai phía cũng đạt được thỏa hiệp nhất trí rằng Ủy ban Olympic của Trung Quốc đại lục sẽ có tên gọi là Ủy ban Olympic Trung Quốc, còn Ủy ban của Đài Loan có tên gọi là Ủy ban Olympic Trung Quốc Đài Bắc.
Olympic Moscow 1980
Không chỉ là nơi diễn ra những cuộc đấu đá liên quan tới mâu thuẫn chủ quyền, Olympic còn được coi là sân khấu của chính trường quốc tế, khi hết bên này tới bên kia trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vận động những cuộc tẩy chay nhằm vào nhau. Việc Mỹ tẩy chay Olympic Moscow năm 1980 (mặc dù Mỹ không trực tiếp sử dụng từ ‘tẩy chay’) có thể coi là nguyên nhân trực tiếp khiến Liên Xô trả đũa bằng việc tẩy chay Olympic Los Angeles năm 1984 (Liên Xô cũng không dùng từ ‘tẩy chay’, mà gọi là ‘không tham gia’).
Linh vật chú gấu Misha và hình vẽ biểu tượng Olympic Moscow 1980 |
Tất cả bắt nguồn từ sự kiện cuối tháng 12, 1979, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan, và tới tháng 1 năm 1980, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cảnh báo rằng Mỹ sẽ rút lui khỏi Olympic Moscow, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7. Tháng 2, Carter thông báo với Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) rằng ông ta dự kiến sẽ cho rút đoàn vận động viên Mỹ. USOC cuối cùng đã đồng ý, một phần vì truyền thống tôn trọng các chính sách đối ngoại từ Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, đã có rất nhiều sức ép tác động lên USOC từ các đảng phái chính trị lẫn Thượng viện, Hạ viện, cũng như từ Nhà Trắng. USOC đưa ra lý lẽ rằng ‘nếu cứ bị gián đoạn mỗi khi có sự vi phạm quyền con người, hay khi có những cuộc xâm lược trên thế giới, thì Thế vận hội chẳng thể nào được tổ chức trong vòng 25-30 năm qua’, nhưng lời phản biện này rơi vào vô vọng.
USOC khó lòng cưỡng lại sự đe dọa từ Chính phủ Mỹ về việc cắt nguồn ngân sách. Tại cuộc họp mang tính quyết định do Phó Tổng thống Walter Mondale chủ trì, phe theo quan điểm tẩy chay đã dễ dàng thắng thế, với chênh lệch phiếu bầu là 1604 so với 797. Tinh thần ái quốc theo tâm lý số đông cũng gây ảnh hưởng nhất định. Bruce Jenner, cựu huy chương vàng bộ môn điền kinh mười môn, nhận được những lá thư từ những người đe dọa sẽ ngừng ăn đồ ăn sáng ngũ cốc hiệu Wheaties, thương hiệu mà hình ảnh anh này được dùng để quảng bá.
Tổng thống Carter luôn tuyên bố rằng ông ta chủ trương việc tẩy chay nhằm bảo vệ quyền con người, luật pháp quốc tế, và an ninh cho nước Mỹ cùng các nước khác trong thế giới tự do. Ông nói rằng việc tẩy chay nằm không làm suy giảm sự tận tâm cống hiến của nước Mỹ đối với phong trào Olympic. Ông còn hô hào rằng thể thao nên được điều hành bởi các tổ chức tư nhân thay vì các chính phủ.
Ở phía bên kia, Liên Xô lại đưa ra cách lý giải khác, cho rằng việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan không phải là nguyên nhân khiến Mỹ tẩy chay, mà nguyên nhân ‘thật sự’ là do Liên Xô là một nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời Carter muốn gây căng thẳng nhằm cứu vãn độ tín nhiệm đang xuống dốc của mình trong con mắt người dân Mỹ. Một tạp chí về trượt tuyết của Liên Xô ra ngày 20/1/1990 ghi lại những lời tuyên truyền trước đây của Liên Xô như sau:
Chúng ta hiểu rõ vì sao tất cả những người bạn chân chính của thể thao và tinh thần Olympic đã dứt khoát phản đối những hành xử gây hấn từ những kẻ ủng hộ Chiến tranh Lạnh ở Mỹ, Anh, và một số nước đế quốc khác, những kẻ lợi dụng thể thao như một công cụ cho chính sách của họ và ngăn cản dịp giao lưu cho thanh niên trên toàn thế giới tại những sân vận động của Olympic Moscow… Chính sách đối ngoại của Liên Xô là rất rõ ràng đối với nhân dân toàn thế giới, dựa trên những quyền lợi cơ bản nhất của họ… và phụng sự như một nguồn cổ vũ đáng tin cậy cho mọi lực lượng đang nỗ lực vì hòa bình và ổn định. Cổ vũ chính nghĩa bảo vệ tình đoàn kết của phong trào Olympic, nỗ lực ngăn chặn sự can thiệp của chính trị đối với thể thao và sự tham dự của thanh niên trong dịp lễ tại Moscow – bất chấp những đe dọa, thủ đoạn vu cáo, và sức ép chính trị – đây chính là tinh thần của thế giới thể thao và công chúng của những quốc gia tham gia phong trào Olympic tại một Thế vận hội Olympic được tổ chức tại đất nước quê hương của chủ nghĩa xã hội.
Sebastian Coe và Steve Ovett, hai vận động viên điền kinh người Anh đoạt huy chương vàng tại Olympic Moscow 1980. Đoàn vận động viên Anh đến tranh tài bất chấp ý muốn tẩy chay kỳ Thế vận hội lần này từ phía Chính phủ Anh. Vì vậy, họ thi đấu thuần túy dưới lá cờ Olympic, và bài hát chính thức của Olympic được cử lên thay cho quốc ca Anh mỗi khi có vận động viên của đoàn giành huy chương. |
Sau khi Moscow cảm thấy không thể làm tăng hơn được số quốc gia đến dự Thế vận hội của mình, họ bắt đầu thay đổi sắc thái ngôn ngữ tuyên truyền. Từ gay gắt chuyển sang vô tư như không có gì nghiêm trọng xảy ra. Họ úp mở đe dọa sẽ tẩy chay Olympic Los Angeles, và phê phán các chính trị gia Mỹ đã gây ra thất bại cho chính các vận động viên của mình. Cái tên Afghanistan hầu như không được nhắc đến, và chỉ xuất hiện trong lập luận quy kết rằng đây là sự biện hộ của Carter cho một kế hoạch mà ông ta đã xây dựng từ lâu.
Trong Thế giới thứ Ba, các nước vệ tinh của các siêu cường thường đi theo đường lối của phe mình, trong khi những nước trung lập bị chia rẽ. Đa số các nước châu Mỹ Latinh đều tới tham dự Thế vận hội.
Chính phủ Mỹ tìm mọi cách thuyết phục các đồng minh cùng tham gia vào phong trào tẩy chay trong khi Tây Âu dao động. Tây Đức muốn giữ quan hệ hòa hiếu với Mỹ, nhưng lại e rằng việc tham gia tẩy chay sẽ làm hỏng tiến trình bình thường hóa quan hệ với Đông Âu, đặc biệt là Đông Đức. Đa số các Chính phủ Tây Âu không muốn tạo ra hình ảnh tiêu cực qua việc gây sức ép lên Ủy ban Olympic quốc gia của mình. Tuy nhiên, cuối cùng một số nước vẫn quyết định theo chân Mỹ, trong đó đáng kể có Tây Đức, Nhật Bản, và Anh – nhưng nước Anh lại gặp một tình huống kịch tính đặc biệt, khi Liên hiệp Olympic Anh quyết định không nghe lời chính phủ và vẫn cử đoàn vận động viên tới Moscow.
Chính phủ Anh, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Margaret Thatcher, đã rất nỗ lực để thực hiện chính sách của Mỹ, nhưng cuối cùng không thành công. Vấn đề này đã gây chia rẽ sâu sắc trong Quốc hội, công chúng cả nước, và giới truyền thông. Bên ngoài Quốc hội, đã có những sức ép đối với Liên hiệp Olympic Anh, dù mức độ gay gắt ít hơn nhiều so với tình hình ở Mỹ. Tại Hạ viện Anh đã nổ ra những cuộc tranh cãi dài chưa từng có trong lĩnh vực thể thao, phản ánh sự chia rẽ trên toàn đất nước. Chính phủ Anh đã không thể hiện thái độ độc đoán và cứng nhắc như Mỹ, nhưng điều khiến công chúng bất mãn là luận điệu của chính phủ cho rằng các vận động viên đang hành xử vô trách nhiệm nếu như họ vẫn quyết định tới tham dự Thế vận hội. Đây được coi là luận điệu mang tính áp đặt, vì trong thực tế, ngoài lĩnh vực thể thao ra, quan hệ thương mại và các mối quan hệ chính thức khác của nước Anh vẫn được duy trì trạng thái bình thường.
Cuối cùng, đã có 81 Ủy ban Olympic quốc gia của các nước trên thế giới đã tới tham dự Thế vận hội tại Moscow năm 1980, so với 88 tại Montreal (1976), 122 tại Munich (1972), và 113 tại Mexico City (1968). Kỳ Thế vận hội lần này đã bị chính trị hóa rõ rệt khi số lượng nhà báo phụ trách mảng chính trị có mặt đông hơn cả lượng nhà báo chuyên mục thể thao, và nhiều tờ báo đưa tin về sự kiện trên cả hai chuyên mục với góc nhìn rất khác nhau.
Trong hồi ký của mình, Carter vẫn bảo vệ quan điểm của mình, nhưng cũng thừa nhận rằng: ‘Tôi biết quyết định của mình gây tranh cãi, nhưng vào thời kỳ đó tôi không hình dung được mức độ khó khăn của việc thực thi quyết định ấy, cũng như khó khăn trong việc thuyết phục các quốc gia khác cùng nhất trí với chúng ta’, và ‘Chúng ta quả là đã vất vả trong suốt quá trình đó; và người ta vẫn luôn nghi ngờ về kết quả đạt được. Đa số các Ủy ban Olympic của các nước là những cơ quan độc lập, và đều rất bất mãn mỗi khi chính phủ tìm cách can thiệp vào việc của họ’.
Đến lượt Olympic Los Angeles 1984
Olympic Los Angeles 1984 chắc chắn sẽ được nhớ đến như một cuộc đấu đá giữa các siêu cường: nếu không có sự tẩy chay từ Liên Xô thì chắc chắn nó đã không được công chúng quan tâm nhiều đến thế, tới mức trở thành một cơn sốt sô vanh ở nước Mỹ.
Ngày 8/5/1984, Liên Xô tuyên bố dự định ‘không tham gia’ vào Thế vận hội tại Los Angeles, vốn dự kiến sẽ bắt đầu ngày 28/7. Có nhiều yếu tố phức tạp liên quan tới quyết định này, nhưng cách lý giải đơn giản nhất cho việc tẩy chay có lẽ cũng là lý giải chính xác nhất: ăn miếng trả miếng.
Liên Xô tuyên bố dự định tẩy chay Thế vận hội 1984 không lâu trước khi hết hạn xác nhận tham gia, nhưng trước đó người ta đã ngờ vực rằng đoàn vận động viên của Liên Xô sẽ không có mặt sau những gì xảy ra vào năm 1980. Việc Liên Xô bắn hạ một máy bay chở khách của Hàn Quốc tại khu vực Kamchatka vào cuối tháng 8 năm 1983 đã gây phản ứng từ Mỹ, qua đó tạo thành một cái cớ cho việc không tham gia của Liên Xô. Sau vụ bắn hạ máy bay, bang California của Mỹ đã thông qua một nghị quyết lên án Liên Xô và đề xuất rằng các vận động viên Liên Xô bị cấm tới Los Angeles. Một số người còn thành lập cái gọi là Liên minh Cấm cửa Soviet, một tổ chức vốn chẳng mấy quan trọng, nhưng Liên Xô coi đây là bằng chứng về sự thù địch của Mỹ.
Trang bìa tạp chí Time ngày 21/5/1984 với câu hỏi: vì sao người Soviet nói không |
Có bốn vấn đề chính khác [mà các bên liên quan không đạt được đồng thuận]: chi phí cho các vận động viên trong làng Olympic; Chính phủ Mỹ phải công nhận thẻ bài Olympic thay cho visa; Mỹ phải cho phép hãng hàng không Aeroflot đưa vận động viên tới Los Angeles; Mỹ phải cho phép tàu thủy của Liên Xô đậu tại hải cảng Los Angeles. Bên cạnh đó là nghi vấn về tùy viên Olympic của Liên Xô gây ra nhiều ồn ào trong công chúng Mỹ, bị trầm trọng thêm bởi sai sót của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng ông này là người của KGB và từ chối cấp visa vào phút chót.
IOC và Ủy ban Olympic Liên Xô đã cố hết sức trong các nỗ lực đối thoại, nhưng thông cáo chung của hai bên chỉ dừng lại ở những tuyên bố thể hiện niềm hi vọng theo tinh thần Olympic, còn các mục tiêu đạt được hay không là tùy vào sự chủ động nhất trí từ Chính phủ Mỹ. Khi thông báo không tham gia Thế vận hội, Liên Xô hi vọng rằng điều này không gây ra sự bất hòa không thể cứu vãn trong nội bộ phong trào Olympic, vì vậy họ tập trung vào phê phán vào Chính phủ Mỹ và sự đồng lõa với các phong trào chống Liên Xô bởi các phần tử thù địch ở Mỹ. Khối thân Liên Xô, ngoại trừ Rumani, nhanh chóng tuyên bố không tham gia Thế vận hội mặc dù dường như không có lời kêu gọi từ trước nào được phát động tới các nước vệ tinh cũng như các cơ quan thể thao ở Liên Xô. Bộ Ngoại giao Mỹ không có vẻ gì là ngạc nhiên trước vụ tẩy chay và ngay lập tức có phản ứng. Một người phát ngôn tuyên bố rằng Chính phủ Mỹ đã ‘làm tất cả’ để thỏa hiệp theo các yêu cầu của Liên Xô.
Trong khi IOC đã nỗ lực tối đa để hạn chế những tổn thất, Ủy ban tổ chức Thế vận hội của nước chủ nhà cũng không ngồi yên. Những cuộc gọi điện thoại thuyết phục gay cấn, kết hợp với những chuyến công cán sang các nước chủ chốt trong khối xã hội chủ nghĩa, như Rumani, Trung Quốc, Đông Đức, và Cuba, đã đem lại con số kỷ lục là 140 đoàn vận động viên tới tham dự một kỳ Thế vận hội. Có tất cả 17 nước tẩy chay Olympic Los Angeles, trong đó có 6 nước từng trong nhóm top 10 trên bảng huy chương tại Olympic Montreal: Liên Xô, Đông Đức, Ba Lan, Bulgaria, Cuba, và Hungary. Mario Vazquez Raña (vị chủ tịch đầy quyền lực của Hiệp hội các Ủy ban Olympic Quốc gia) và Peter Ueberroth (chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Los Angeles) đã trực tiếp đến Cuba, nơi cả hai người được tiếp đón trọng thị; nhưng chủ tịch Castro khẳng định sẽ không từ bỏ việc tẩy chay, bởi vì trong thời gian nước Mỹ tẩy chay thể thao Cuba hồi thập kỷ 1960, Cuba đã không được thi đấu với bất kỳ đối thủ nào trừ các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, do đó ông cảm thấy có nghĩa vụ trung thành với Liên Xô.
Số lượng các nước tham gia Olympic Los Angeles thực ra bị thối phồng hơn thực tế, vì một số vùng lãnh thổ tham dự chưa đủ tiêu chuẩn để được coi là quốc gia theo quy định Olympic. Ví dụ như Tonga được đến dự dù chưa có đủ danh chính ngôn thuận với các liên đoàn quốc tế.
Kể từ Thế vận hội Los Angeles, phong trào Olympic cũng giống như tình hình toàn cảnh chung của thế giới, đã bỏ lại Chiến tranh Lạnh ở phía sau, và nhìn chung người ta cho rằng những vụ tẩy chay chỉ có thể tồn tại trong quá khứ. Chúng chỉ còn là một trong những ví dụ cho sự lãng phí to lớn về thời gian và tâm sức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cách hành xử của các chính phủ cho thấy thực chất họ cũng không mấy quan tâm tới những giá trị lý tưởng mang tính biểu tượng của Olympic nói riêng và thể thao nói chung.
* Christopher R. Hill là tác giả cuốn sách Chính trị Olympic.
Thanh Xuân lược dịch theo History Today, các tiêu đề phụ do người dịch thêm vào
http://www.historytoday.com/christopher-r-hill/cold-war-and-olympic-movement
——————————-
1 Đông Đức lúc này chưa được coi là một nhà nước có chủ quyền độc lập mà vẫn được coi là nằm trong lãnh thổ Soviet của Liên Xô.