Phải qua phẫu thuật mới được công nhận là người chuyển giới ?
Chuyển đổi giới tính là một vấn đề pháp lý mới và phức tạp trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Và một trong những nội dung có khả năng sẽ gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình xây dựng Luật CĐGT là vấn đề xác định điều kiện để được coi là người đã chuyển đổi giới tính.
Giới trẻ xuống đường cảm ơn Quốc hội khi Luật Dân sự 2015 được ban hành cho phép công nhận quyền chuyển giới. Nguồn: Kenh14.vn
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, quyền chuyển đổi giới tính đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 (BLDS 2015), ban hành ngày 24/11/2015. Với cộng đồng người chuyển giới Việt Nam, những ghi nhận của Bộ luật Dân sự 2015 có ý nghĩa thiêng liêng như những dòng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về quyền con người trong bản Tuyên ngôn độc lập. Tuy nhiên, ghi nhận quyền trong BLDS 2015 mới chỉ là sự khởi đầu của một quá trình thực sự công nhận người chuyển giới trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.
Trước hết, khi BLDS 2015 ghi nhận việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật thì đồng nghĩa với việc sẽ có một luật chuyên ngành về chuyển đổi giới tính tại Việt Nam. Thực tế hiện nay Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính (Luật CĐGT), dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2018. Và một trong những nội dung có khả năng sẽ gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình xây dựng Luật CĐGT là vấn đề xác định điều kiện để được coi là người đã chuyển đổi giới tính. Liệu có bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính và được cấp chứng nhận y học thì mới được coi là đã chuyển giới hay không? Hiện nay nhiều ý kiến cho rằng phải thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính (thông thường là phẫu thuật triệt sản và có thể là phẫu thuật tạo hình) thì mới được coi là đã chuyển giới. Tuy nhiên, về bản chất, người chuyển giới là người có giới tính mong muốn không trùng với giới tính khi sinh ra và không phụ thuộc tình trạng cơ thể đã phẫu thuật hay chưa1. Một khảo sát tại Việt Nam cũng đã chứng minh không phải tất cả người chuyển giới đều có nhu cầu phẫu thuật chuyển giới2. Sẽ là không thấu đáo nếu áp đặt suy nghĩ phải phẫu thuật (triệt sản hay tạo hình) thì mới được coi là người đã chuyển giới, chưa kể tới quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói chung và người chuyển giới nói riêng đã được ghi nhận tại Hiến pháp 2013 và BLDS 2015.
Với dự thảo Luật CĐGT, dường như các nhà làm luật Việt Nam đang đi theo hướng sẽ có yêu cầu can thiệp về mặt y học với người chuyển giới, và có khả năng can thiệp sẽ dưới dạng yêu cầu phải thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, đây sẽ là một quy định đi ngược lại với xu hướng tôn trọng quyền tự quyết định về giới tính và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của mỗi cá nhân mà những quốc gia phát triển đang hướng tới. Một hướng khác mà các nhà làm luật có thể cân nhắc là quy định theo hướng không bắt buộc phải thực hiện can thiệp về mặt y học dưới dạng phẫu thuật song vẫn cần thiết phải chẩn đoán và xác nhận về mặt tâm lý để khẳng định “đây là một người chuyển giới thật sự”. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, xu hướng “chẩn đoán tâm lý” cũng không còn được áp dụng phổ biến tại những quốc gia công nhận người chuyển giới từ sớm như Đan Mạch, Na Uy hay Cộng hòa Ireland. Thêm vào đó, các nhà làm luật cũng cần cân nhắc khả năng thực thi của hướng quy định này tại Việt Nam với những yêu cầu về (i) mức độ tin cậy của chẩn đoán tâm lý; (ii) đội ngũ bác sĩ tâm lý; và (iii) quy trình giám sát xã hội để khẳng định một người có biểu hiện tâm lý đúng với giới tính mà họ mong muốn. Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc công nhận người chuyển giới, do đó những yêu cầu về mức độ tin cậy của chẩn đoán tâm lý hay đội ngũ bác sĩ tâm lý sẽ khó có thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn. Thêm vào đó, để thực hiện quy trình giám sát xã hội, thông thường sẽ phải cần có sự tham gia của “social workers” (tạm dịch là “nhân viên xã hội”). Liệu văn hóa của người Việt có chấp nhận cho những nhân viên xã hội theo dõi cách ăn mặc, phát ngôn, cử chỉ, thậm chí cả đời sống tình dục của một người… để đưa ra kết luận người đó có phải là người chuyển giới hay không? Liệu hoạt động giám sát xã hội có khả năng xâm phạm bí mật đời tư của những người có mong muốn chuyển giới? Đó là chưa kể tới nguồn lực cho quá trình đào tạo và duy trì đội ngũ nhân viên xã hội này. Do đó, các nhà làm luật cần cân nhắc tới tính khả thi của hướng quy định chẩn đoán tâm lý trong việc công nhận người chuyển giới ở Việt Nam.
Xét cho cùng, việc thừa nhận người chuyển giới trên cơ sở nhu cầu của mỗi cá nhân mà không cần có bất kỳ can thiệp hay xác nhận về mặt y học nào là sự tôn trọng cần thiết với quyền tự quyết định về giới tính và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của mỗi người. Các quan điểm lo ngại nếu không quy định điều kiện chuyển giới tính một cách chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng “chuyển giới ồ ạt” hay “chuyển giới đi chuyển giới lại” là không hợp lý bởi trong xã hội Việt Nam hiện nay, việc đưa ra quyết định chuyển đổi giới tính đòi hỏi mỗi cá nhân đã phải có sự suy xét kỹ lưỡng bởi những ảnh hưởng to lớn của quyết định này với đời sống gia đình, công việc và các mối quan hệ xã hội khác. Hơn nữa, xét về khía cạnh hậu quả pháp lý, việc một người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hay từ nữ sang nam hầu như không làm ảnh hưởng tới các quyền hay nghĩa vụ được pháp luật quy định4.
Một thực tế khác liên quan tới người chuyển giới sẽ thách thức các nhà làm luật Việt Nam trong quá trình soạn thảo Luật CĐGT là vấn đề công nhận chuyển đổi giới tính với những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính ở nước ngoài. Đây là một thực tế và khả năng sẽ là một xu hướng lựa chọn của người chuyển giới Việt Nam sau khi Luật CĐGT có hiệu lực. Vậy, những tiêu chí nào sẽ được xem là căn cứ cho việc công nhận? Một kinh nghiệm từ Cộng hòa Ireland là nước này yêu cầu người đã thực hiện chuyển giới tại quốc gia khác phải cung cấp quyết định/giấy xác nhận về công nhận giới tính do quốc gia đó ban hành và đặc biệt, phải chứng minh những điều kiện để một người được chuyển đổi giới tính tại quốc gia đó (ví dụ điều kiện về độ tuổi hay tình trạng độc thân) ít nhất phải tương đương với các điều kiện chuyển đổi giới tính theo quy định của Cộng hòa Ireland.
Chuyển đổi giới tính là một vấn đề pháp lý mới và phức tạp trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Để Luật CĐGT đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật, đặc biệt là tính khả thi và hợp lý, các nhà làm luật cần phải nỗ lực để hiểu về nhu cầu, nguyện vọng của người chuyển giới tại Việt Nam. Trong khi đó, cộng đồng người chuyển giới và những tổ chức hoạt động vì quyền của người chuyển giới cũng cần tích cực hỗ trợ các cơ quan soạn thảo trong vấn đề cung cấp thông tin về người chuyển giới tại Việt Nam và những bài học kinh nghiệm của cộng đồng người chuyển giới quốc tế. Có làm được như vậy thì Luật CĐGT mới thực sự là một đạo luật nhân văn và người chuyển giới mới có cơ hội được thực thi quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mình.
————
1 iSEE, Phân tích chính sách Pháp luật về người chuyển giới – Câu chuyện tại Việt Nam, những lo ngại và kinh nghiệm quốc tế.
2 Một khảo sát của iSEE-UNDP-USAID năm 2014 đã chỉ ra chỉ có 78,1% người chuyển giới mong muốn phẫu thuật chuyển giới.
3 Hiến pháp 2013, Điều 20, khoản 1; BLDS 2015, Điều 33, khoản 1.
4 Các nhà làm luật Việt Nam có thể tham khảo pháp luật của một số nước đi trước trong vấn đề công nhận người chuyển giới, điển hình như Đạo luật về Công nhận giới tính 2015 (Gender Recognition Act 2015) của Cộng hòa Ireland. Đạo luật này có nhiều điểm trùng với những nội dung dự kiến sẽ được quy định trong Luật CĐGT của Việt Nam như quy định về trình tự, thủ tục công nhận giới tính hay những hệ quả của công nhận giới tính, trong đó khẳng định việc ban hành giấy công nhận giới tính không ảnh hưởng tới các quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới xuất phát từ hành vi của người đó khi còn ở giới tính cũ, như quyền làm cha/mẹ hay quyền đối với tài sản…
5 Năm 2013, Thụy Điển đã ban hành quy định không cần triệt sản với người chuyển giới (iSEE, tlđd).
6 Tom Lawson, Denmark Becomes Second Country to Let Citizens Choose Their Gender Without Having Surgery, http://www.yesmagazine.org/people-power/no-surgery-required-denmark-becomes-second-country-to-let-citizens-choose-their-gender.