Phải thực tâm tôn trọng tính cách độc lập

Có thể nói một cách không phóng đại rằng vấn đề trí thức đang là một trong những mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay. Liên quan đến vấn đề này, tựu chung lại, có hai câu hỏi được đặt ra. Thứ nhất, là xác định vai trò của trí thức trong sự phát triển của xã hội và thứ hai, liên quan đến vấn đề sử dụng trí thức. Vấn đề thứ hai chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở có được câu trả lời đúng cho vấn đề thứ nhất. Theo tôi, không phải bằng cấp mà chính sự hiểu biết mới làm nên trí thức. Trí thức phải là người nắm được những quy luật về tự nhiên và xã hội. Anh ta là kẻ đại diện cho trí tuệ của con người trong một giai đoạn lịch sử cụ thể nhất định.

Tuy vậy, trí tuệ lại là cái luôn vận động cùng với lịch sử. Nói theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì nó là một hành trình tiệm cận không ngừng đến chân lí. Từ quan điểm đó, ta sẽ thấy là bình thường khi mà không ít điều tiên đoán trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, cho đến giờ, vẫn chưa trở thành hiện thực. Bất cứ tri thức nào cũng có những giới hạn lịch sử và đây chính là điểm quyết định phẩm chất của một trí thức chân chính. Anh ta không chỉ lệ thuộc vào những tri thức một cách giáo điều mà còn phải là kẻ vượt lên quá khứ để sáng tạo nên những tri thức mới. Chính bản chất sáng tạo làm nên phẩm tính của một trí thức đích thực. Với hai điều nói trên, có thể cho phép hình dung về vai trò của trí thức đối với xã hội. Anh ta là người nắm giữ và sáng tạo nên những tri thức tiên tiến nhất quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội con người. Và vậy thì việc trọng dụng trí thức thiết tưởng là điều không còn cần phải bàn cãi. Vấn đề là cần phải làm điều đó thế nào.
Gần đây, chúng ta nói rất nhiều đến việc thu hút chất xám, trọng dụng nhân tài. Điều này đồng nghĩa với việc từ lâu nay, chúng ta chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Sự “chưa thỏa đáng” đó có lẽ bắt nguồn từ một giai đoạn lịch sử chưa xa khi mà sự hình dung một cách giáo điều những quan điểm về đấu tranh giai cấp đã dẫn đến những hành xử tai hại đối với đội ngũ trí thức. Mấu chốt của việc sử dụng đội ngũ trí thức, theo tôi, đó là việc người lãnh đạo phải thực sự cầu thị, phải có một tinh thần bao dung và một cái nhìn viễn kiến. Bản chất của trí thức là người sáng tạo ra cái mới mà cái mới, bản thân nó có thể có những điều trái với “lẽ phải thông thường” với cảm nghĩ thông thường của số đông, của một thời. Người trí thức là người có một tư duy độc lập và một trách nghiệm đối với xã hội. Chính vì vậy, tiếng nói của anh ta khách quan và có tính phản biện. Muốn sử dụng được trí thức phải thực tâm chấp nhận và tôn trọng tính cách độc lập đó. Cũng phải có một thái độ thực sự coi trọng trí tuệ, không bị hạn chế bởi những định kiến về quan điểm, lập trường, thành phần xuất thân… Bài học về người tù trưởng Lê Lợi chấp nhận và sử dụng Nho sĩ quý tộc Nguyễn Trãi trong kháng chiến chống Minh luôn là một bài học có tính thời sự. Tất nhiên ngay cả bài học về Lê Lợi và Nguyễn Trãi sau kháng chiến chống Minh cũng là một bài học lịch sử giá trị. Rút được kinh nghiệm từ những bài học lịch sử ấy, câu hỏi về việc sử dụng trí thức chắc chắn sẽ có lời giải đúng.
Điều cuối cùng là có đôi người vẫn nghi ngờ về tinh thần đoàn kết của giới trí thức ở Việt Nam. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng có những căn cứ cho sự nghi ngờ ấy chính là vì trong giới trí thức ở nước ta hiện nay vẫn còn tình trạng “thật giả lẫn lộn” và chính những thành phần tiêu cực ấy đã làm vẩn đục môi trường trí thức và vậy thì làm trong sạch giới trí thức, suy cho cùng cũng là một việc cấp bách.

NGND Nguyễn Văn Chiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)