Pháp luật quốc tế trong bối cảnh đương đại: Có phải để gió cuốn đi? (Kì I)

Giữa tháng ba vừa qua, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã yêu cầu Nga chấm dứt mọi hành động quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, kết cục không có gì thay đổi, cuộc chiến giữa hai quốc gia đến nay vẫn chưa kết thúc. Vậy vai trò của luật pháp quốc tế ở đâu?

Pericles, chính trị gia người Athens trước Quốc hội Hy Lạp trong cuộc chiến Peloponnese mà Melos phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vào năm 416 trước Công nguyên, Melos là một hòn đảo nhỏ ở phía Nam Aegean, khá gần Sparta. Đế chế Athens, vốn từng chiến đấu với Sparta trong cuộc chiến tranh Peloponnesian lần thứ hai (431-404 trước Công nguyên), cho rằng Melos không giữ cam kết trung lập với Sparta và trở thành một nguy cơ trong mắt Athens; còn các lãnh đạo người Melos hoàn toàn phủ nhận cáo buộc này của đối phương. Trước sự phản bác đó, Athens đã từ chối bất kỳ cuộc đàm phán hay thảo luận nào về quyền và lợi ích của các bên với lý do: “Các ngươi biết thừa rằng những gì chúng ta nói và làm đều là công chính, hiển nhiên như cách thế giới này vận hành, rằng vấn đề cốt lõi chỉ là sự tương quan quyền lực, kẻ mạnh có quyền làm bất cứ điều gì có thể trong khi kẻ yếu phải biết điều chịu đựng.” Đáp lại, dân Melos lý luận rằng: “Thật là thủ đoạn – khi các ngài chỉ cho chúng tôi lên tiếng khi chúng tôi bị các ngài buộc phải lên tiếng, và các ngài chỉ cho chúng tôi thụ hưởng quyền được lên tiếng chỉ khi bàn về lợi ích của riêng các ngài, trong khi các ngài không nên phá huỷ cái mà chúng ta cùng cố gắng bảo vệ – đó là đặc quyền được dấn thân để làm rõ cái gì là công chính và lẽ phải, cũng như để được hưởng những gì mà ngay cả lý luận cũng không đủ để phản ánh.” Trước những lời hăm dọa của người Melos về sự sụp đổ tất yếu của Athens, cái Athens lo lắng không phải là ngày tàn của đế chế trong một tương lai xa xôi, mà là việc để cho Melos duy trì tính trung lập của mình hiện tại sẽ là dấu hiệu của sự suy yếu trong mắt của các quốc gia đồng minh lẫn thù địch. Do đó, Athens đã không ngần ngại phát động cuộc chiến với hòn đảo nhỏ này bằng sức mạnh áp đảo của bộ binh và hải quân, trong khi đối phương không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về mặt ngoại giao lẫn quân sự, và tất nhiên cũng chẳng có thiết chế thứ ba nào phân định ai đúng ai sai. Hiển nhiên, Melos đã đại bại trước Athens. Đây là câu chuyện thảm khốc được ghi chép lại tại phần “Đối thoại của Melos” thuộc quyển “Lịch sử chiến tranh Peloponnese” của sử gia Hy Lạp Thucydides – cha đẻ của khoa học lịch sử. Câu hỏi đặt ra rằng, liệu thế giới này sẽ chỉ còn hai vai diễn Athens và Melos cho các quốc gia lựa chọn, nếu không có các nền tảng về pháp luật quốc tế và các thiết chế quốc tế như hiện nay?

Chủ nghĩa hiện thực – một góc nhìn cực đoan

Câu chuyện giữa Athens và Melos có thể chỉ được tóm tắt vỏn vẹn qua bốn chữ “Mạnh được, Yếu thua” – vốn thể hiện cái mà Thucydides, người khởi xướng trường phái chính trị thực dụng, muốn phản ánh. Theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực, quan hệ quốc tế được xây dựng dựa trên quyền lực và cái gọi là công lý hay luật lệ chỉ là ảo tưởng. Ngay cả khi một hệ thống pháp luật được ban hành, hệ thống này cũng chỉ dựa trên cơ sở quan hệ quyền lực và vì vậy không thể là dây cương hữu hiệu để kìm hãm các nước lớn. Các cường quốc hoàn toàn có thể tham gia và chiếm ưu thế trong quá trình tạo ra luật lệ, và hệ thống luật này cũng chỉ phản ánh một cách tinh tế hơn lợi ích của các nước mạnh hoặc khéo léo phân bố quyền lực, che đậy lợi ích của họ. Dựa trên tư tưởng này, thuyết bá quyền cho rằng việc sáng lập, duy trì, thực thi, đảm bảo sự bền vững của thể chế phụ thuộc vào cường quốc thống trị.

Theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực, quan hệ quốc tế được xây dựng dựa trên quyền lực và cái gọi là công lý hay luật lệ chỉ là ảo tưởng.

Tuy vậy, tính “hiện thực” của chủ nghĩa này vốn có nhiều ý nghĩa hơn là việc chỉ bám vào câu chuyện “mạnh được yếu thua” hay sự theo đuổi lợi ích bất chấp luật lệ của các cường quốc. Chủ nghĩa hiện thực, theo giáo sư James Crawford, nên được hiểu theo nghĩa rộng khi cần phải nhìn nhận thế giới ‘theo cách mà nó đang thật sự diễn ra”. Điều này phụ thuộc lớn vào góc nhìn chủ quan của mỗi người, vốn bị chi phối bởi giới hạn hiểu biết và cảm xúc. Cụ thể, con người dễ ghi nhớ và phản ánh lại các thực tiễn được đơn giản hóa để ngầm thể hiện một ý nghĩa đằng sau câu chuyện mà họ đang kể lại. Ngoài ra, con người khó mà có một cái nhìn “hiện thực” toàn diện – vốn yêu cầu nhìn xuyên qua những ảo tưởng và vỏ bọc bên ngoài một thực tiễn, cũng như phải đủ can đảm nhìn trực diện vào một thực tế “xấu xí” hoặc ít ra là khác với niềm tin nội tâm của chính họ. Vì vậy, những người theo chủ nghĩa hiện thực sẽ dễ dàng mắc phải các lỗi ngụy biện khi suy từ một hay vài hiện tượng có cùng điểm chung ra thành chân lý, cũng như chỉ công nhận những “hiện thực” mà họ quan sát được mà bỏ qua tính năng động của môi trường quốc tế.

Cụ thể, những người ủng hộ thuyết hiện thực với lý lẽ “mạnh được yếu thua” sẽ khó giải thích, về mặt quân sự, vì sao một quốc gia nhỏ vẫn có cơ hội khẳng định độc lập chủ quyền trước một nước lớn, điển hình như trường hợp Đại Việt ba lần đại thắng quân Nguyên Mông, hay Việt Nam luôn giữ vững nền độc lập trước các cường quốc quân sự như Pháp, Nhật và Hoa Kỳ. Hoặc, về mặt thể chế, nếu cho rằng luật lệ quốc tế là vô nghĩa và vô dụng trong việc ngăn chặn các cuộc chiến phi nghĩa từ những nước lớn, báo cáo của Human Security Report Project năm 2011 cho thấy dù các điều khoản cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế được đặt ra từ năm 1945 không dễ dàng được các quốc gia chấp nhận ngay lập tức, việc thành lập và hoàn thiện các vấn đề thể chế pháp luật quốc tế theo thời gian đi kèm với xu hướng giảm đáng kể các xung đột vũ trang và số người chết vì các cuộc nội chiến hay chiến tranh giữa các quốc gia.

Tòa án Công lý Quốc tế cũng phản đối Mỹ xâm phạm chủ quyền của Nicaragua vào năm 1986. Trong ảnh là Thủy quân Mỹ đang cầm cờ chiếm đoạt từ quân đội phía Nicaragua.

Bên cạnh đó, nếu cho rằng các thiết chế quốc tế tỏ ra phi thực tế so với việc sử dụng quyền lực, tại sao chúng ta vẫn thấy sự thành lập và tồn tại qua nhiều thập kỷ của hàng loạt thiết chế tiêu biểu như Liên Hiệp Quốc (UN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngay cả khi tiền thân của chúng là Hội Quốc Liên (League of Nations) và hệ thống Hiệp định chung về Thuế quan và mậu dịch (GATT) sụp đổ. Ngoài ra, lập luận này cũng dễ dàng bị phản bác bởi các số liệu khi tính đến năm 2016, có ít nhất 7.757 tổ chức liên chính phủ và 60.272 tổ chức phi chính phủ ra đời và tích cực góp phần thúc đẩy các nhà nước thực thi các cam kết quốc tế, cũng như hỗ trợ phát triển, giải thích và áp dụng luật quốc tế trong nhiều khía cạnh đời sống.

Hơn nữa, nếu cho rằng các thiết chế giải quyết tranh chấp quốc tế thực sự bị chi phối bởi một hay nhiều nước có quyền lực, tại sao Tòa án Công lý Quốc tế vẫn rất nhất quán trọng việc lên tiếng các hành vi “vi phạm nghĩa vụ theo tập quán pháp luật quốc tế về việc không được sử dụng vũ lực chống lại quốc gia khác”, “không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác”, “không xâm phạm chủ quyền quốc gia khác” trong vụ The Republic of Nicaragua v. The United States of America năm 1986, và mới đây nhất kêu gọi Nga ngừng ngay việc sử dụng các biện pháp quân sự trong vụ Ukraine v. Russian Federation. Ngoài các vấn đề về lãnh thổ, các thiết chế thương mại quốc tế vẫn là một cơ chế bảo vệ hiệu quả dành cho các nước nhỏ trước sức ép cạnh tranh đa phươnng, điển hình như Việt Nam đã hai lần thắng kiện Mỹ trong khuôn khổ giải quyết tranh chấp của WTO đối với vụ kiện  DS404 (năm 2011) và DS429 (năm 2014) về các biện pháp chống bán phá giá bất hợp lý của Mỹ mặt hàng tôm nước ấm, buộc Mỹ phải tính toán lại mức thuế phòng vệ thương mại phù hợp và sửa đổi biện pháp của mình cho phù hợp với thông lệ chung. Tương tự, Mỹ cũng đã thua kiện trước một nhóm các quốc gia đang phát triển khác trong vụ DS58 về các biện pháp cấm nhập khẩu tôm mang tính phân biệt đối xử gây ra hạn chế thương mại trá hình nhân danh mục đích bảo vệ môi trường.

Quá trình trỗi dậy của những luồng tư tưởng mới

Rõ ràng là các lý lẽ của chủ nghĩa hiện thực cổ điển không phải là một câu trả lời toàn diện cho thực tiễn phát triển của cộng đồng quốc tế. Câu hỏi đặt ra là các quốc gia hiện nay đang thiết lập trật tự quốc tế thế nào nếu không sử dụng các biện pháp võ biền? Quan sát sự ra đời và thành công của Hội Quốc Liên trong nỗ lực giải quyết tranh chấp về lãnh thổ và thất bại của tổ chức này trong quá trình giải trừ quân bị của các thành viên, học giả David Mitrany nhận thấy rằng chủ quyền quốc gia và lãnh thổ là động cơ chính để các quốc gia có thiện chí hợp tác để giải quyết những vấn đề chung hay không, nhưng vẫn còn cơ hội để tập trung sự chú ý của các quốc gia nhằm thực hiện một hành động tập thể ở các khía cạnh khác. Hay nói cách khác, trong khi những vấn đề chính trị chia rẽ các quốc gia, nhiệm vụ thực hiện chức năng của nhà nước như tự do hóa thương mại quốc tế, an ninh quốc tế, môi trường quốc tế sẽ kết nối họ lại với nhau.

Những người theo chủ nghĩa hiện thực sẽ dễ dàng mắc phải các lỗi ngụy biện khi suy từ một hay vài hiện tượng có cùng điểm chung ra thành chân lý, cũng như chỉ công nhận những “hiện thực” mà họ quan sát được mà bỏ qua tính năng động của môi trường quốc tế.

Từ đây, sự cần thiết của việc thiết lập luật chơi chung dần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Năm 1979, Kenneth Waltz trong tác phẩm “Theory of International Politics” đã đề ra một lý thuyết mới giải thích sự ra đời của “một hệ thống các chủ thể tác động lẫn nhau dựa trên các quy tắc về ứng xử và xác lập danh tính của mình theo thời gian”, còn được gọi là chủ nghĩa tân hiện thực. Không lâu sau, lý thuyết về tính ổn định đồng nhất được rút ra từ các nghiên cứu của Modelski và Gilpin vào thập niên 80 chú trọng đến các quy định, thể chế và quy tắc ứng xử trong hệ thống quốc tế như là nền tảng để thực hiện các mục tiêu, ưu tiên và lợi ích của các quốc gia. Thập niên 90 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thuyết thể chế và thuyết tự do công nhận các diễn đàn quốc tế và cơ chế hợp tác quốc tế ngoài biện pháp ngoại giao truyền thống đã định hình lại chính trị quốc tế cũng như cấu trúc quyền lực của các quốc gia. Nói chung, nếu chủ nghĩa hiện thực sử dụng quyền lực thông qua chiến tranh hoặc vị thế thương lượng áp đảo để xây dựng trật tự, thuyết thể chế và tự do coi trọng luật pháp quốc tế và các thiết chế quốc tế như các công cụ bảo đảm sự cân bằng trật tự quốc tế. □

(Còn tiếp)

Tác giả

(Visited 119 times, 1 visits today)