Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

Giữa năm 1950, đồng thời với một số quyết định cải cách Tư pháp trong tổ chức và hoạt động của Tòa án và cải cách sự quản lý của Bộ Tư pháp, Chính phủ cho phép mở Hội nghị học tập cho cán bộ cao cấp, trung cấp của ngành Tư pháp. Điều vinh hạnh lớn cho ngành là Hồ Chủ Tịch sốt sắng nhận đến giảng bài “vỡ lòng” cho anh em về vấn đề: “Pháp luật, Pháp quyền là gì?”.

Trước hết, Bác nói về nội dung giai cấp của Pháp luật, rồi về mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật của giai cấp thống trị, cuối cùng là lời dặn dò về thái độ và lề lối làm việc.
– Pháp luật là gì? “Pháp luật là vũ khí của giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình. Luật pháp cũ chỉ là ý chí của thực dân Pháp…” Nó đặt ra một trật tự xã hội “chỉ có lợi cho thực dân, phong kiến, không phải có lợi cho toàn thể nhân dân ta đâu…”
Bác Hồ nói đến sự xảo quyệt của bọn cầm quyền (giai cấp tư sản) trong các nước tư bản. Khi đặt ra luật pháp và thi hành luật pháp, chúng lồng các việc ấy vào một “đạo lý” cũng đẹp đẽ lắm: “tự do tư hữu, tự do kinh doanh, tự do làm giầu, được đảm bảo cho mọi người “ngang nhau”. Nhưng thực tế thì người lao động chỉ được một thứ tự do: tự do bán sức lao động, tự do làm nô lệ cho tư bản. Nếu nước tư bản nào có thuộc địa (tôi bình thêm-V.Đ.H) thì người công nhân, người nông dân nghèo ở thuộc địa lại thuộc đám người nô lệ “hạng bét” thấp cổ bé họng nhất; phải nhận ra thế để trút hết hận thù lên đầu bọn cá mập thuộc địa, còn đối với sự bóc lột giai cấp trong nội bộ khối nhân dân (nhân dân nô lệ cả mà!) thì nên, thì cần khéo dàn xếp với nhau cho êm thấm, “trong có ấm thì ngoài mới êm”. – Mối quan hệ giữa Đạo đức và Pháp luật không phải chỉ có một chiều giữa hai giai cấp bóc lột và bị bóc lột. Cùng là dân một nước với nhau trong khi có một thằng thù ngoại lai to lớn vô cùng, khỏe và ác vô cùng, nó đang đè lên đầu toàn dân mình, thì “phép công (cùng với nghĩa công) là trọng, niềm tây sá gì”.
Vấn đề đạo lý xen lẫn pháp lý ở hoàn cảnh một xã hội thuộc địa diễn ra vô cùng là phức tạp. Có điều là nắm cho vững mục tiêu chiến đấu và tỉnh táo đừng để kẻ thù ngoại lai truyền kiếp lợi dụng kẽ hở để khoét sâu làm suy yếu cuộc cách mạng thiêng liêng giải phóng dân tộc, đặc biệt trong hoàn cảnh những năm 50, việc kháng chiến kiến quốc sẽ còn lâu dài và vô cùng gian khổ.

Nắm vững mục tiêu chiến đấu và nắm cho thật sâu Chính nghĩa Dân tộc, nung nấu cho kỹ cái động lực thiêng liêng và vô cùng mầu nhiệm là tinh thần đoàn kết ngàn đời để giữ nước. Bác Hồ nói: “Phải đề cao lòng yêu nước, thương dân, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng (…). Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề Ở ĐỜI và LÀM NGƯỜI (tôi nhấn mạnh-VĐH). “Ở đời và làm người, theo lời Bác, là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại lao khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ…”. Ý Bác muốn nói: Pháp quyền là vũ khí đấu tranh giai cấp,-đúng rồi. Ở Việt Nam, lúc này, toàn dân ta-“vong quốc nô khốn nạn nhất” đang chiến đấu ác liệt với giai cấp tư sản thực dân Pháp dã man cực kỳ, thì vũ khí pháp quyền phải chĩa mũi nhọn vào chúng và bọn Việt gian tay sai hèn hạ. Bao nhiêu mắc míu trong vấn đề pháp luật hiện nay cũng như bao nhiêu điều rắc rối giữa chính trị và chuyên môn, giữa hai ngành hành chính và tư pháp đều có thể vượt được, và êm ả, hoặc giải quyết ổn thỏa nếu mọi người thấm nhần NHÂN NGHĨA truyền thống của dân tộc ta, thấm nhuần tư tưởng yêu nước và chủ nghĩa yêu nước của bao đời tổ tiên, ông cha ta. Không có gì cao xa đâu. Đó chỉ là ĐẠO Ở ĐỜI, ĐẠO LÀM NGƯỜI, nó đã ăn sâu bắt rễ vào đầu óc tim gan mỗi người dân Việt Nam. Hãy (lời Hồ Chủ Tịch) “sống gần dân, giúp dân, hiểu dân, học dân”, thì sẽ được dân (bất cứ anh nông phu nào, chị thợ cấy nào) dạy “cho” “phải đánh đuổi thực dân xâm lược, đánh đuổi bọn Việt gian phản quốc, bọn bù nhìn tay sai của đế quốc thực dân”, còn dân với nhau thì nên “chín bỏ làm mười”.
Bác nhắc lại cho cán bộ tư pháp, cán bộ pháp lý cái đạo lý “Ở đời và Làm người” ấy nó phản ánh Nhân nghĩa, “Đại Nghĩa, Chí Nhân” muôn thuở của nhân dân lao động nước ta, của toàn dân ta… để cho anh em tỉnh ra mà nắm được cách vận dụng pháp luật cũ theo tinh thần mới, thì phục vụ được cho cách mạng và nhân dân, sử dụng pháp luật và pháp lý phù hợp với đạo lý ở đời và đạo lý làm người. Đấy chính là yêu cầu của Chủ nghĩa Mác; đấy chính là đường lối và chiến lược cách mạng của Chủ nghĩa Lênin, khi ông lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Mười Nga và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô những năm đầu của nền Chuyên chính Vô sản, Chủ nghĩa Cộng sản không có gì quá cao siêu, khó hiểu đối với người Việt Nam. Gốc tư tưởng của nó hoàn toàn hợp với gốc Nhân nghĩa, với Đạo làm người của dân ta. Pháp quyền của Nhà nước ta phải bảo vệ và thúc đẩy thực hiện cái ĐẠO LÀM NGƯỜI ấy.
Đối với xã hội Việt Nam cần lập lại trật tự là để tổ chức đời sống yên bình cho toàn dân; thì chính quyền mới của nhân dân lại phải biết lợi dụng vai trò tổ chức của pháp luật. Tạm giữ lại các pháp luật cũ mà nội dung không đi ngược lại mục tiêu Độc lập-Tự do, để gìn giữ trật tự trị an thông thường, đời sống của xã hội nào cũng không tồn tại một ngày mà không có luật lệ thông thường. Tất cả vấn đề là cán bộ chính quyền, hành chính hay chuyên môn cũng vậy, phải có tinh thần cách mạng vững vàng để biết cách vận dụng các luật lệ hiện hành còn có thể vận dụng được. Tinh thần Cách mạng vững vàng, chính là phải biết dựa vào đạo làm người, ở đời, dựa vào Nhân nghĩa truyền thống của dân tộc: “Vì Độc lập-Tự do”.
– Cuối cùng, Bác dặn dò ân cần về thái độ công tác và cách làm việc cho cán bộ Tư pháp: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Không chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án.” Bác nhắc đi nhắc lại lời khuyên: “Phải gần dân, giúp dân, hiểu dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.  lời khuyên này rất mới và lạ đối với cán bộ tư pháp và cán bộ pháp lý hồi ấy. Họ chỉ mới làm việc kiểu hình thức: Treo bảng có kẻ chữ “đẹp” “chí công vô tư cần kiệm liêm chính” ngay trong phòng xử án chỉ là chấp hành một chỉ thị của Bộ trưởng mới tới nhậm chức. Chứ họ chưa thấy sự cần thiết phải gắn khẩu hiệu với cách sống gần dân, giúp dân, học dân, chính đó mới là ý nghĩa nội dung của pháp quyền cách mạng, trong hoàn cảnh nước ta, đối với xã hội, con người nước ta và lịch sử 4000 năm văn hiến nước ta. Nội dung dân tộc và nội dung giai cấp của pháp quyền ở Việt Nam chỉ là một, khi mục tiêu cách mạng là giải phóng dân tộc mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân./.

Vũ Đình Hòe

Tác giả

(Visited 122 times, 1 visits today)