Pháp quyền và Hiến pháp

Trong một xã hội pháp quyền, nguyên tắc pháp quyền cơ bản là quyền lực của chính quyền phải chịu ràng buộc trong khuôn khổ các nguyên tắc pháp lý bền vững, được bảo vệ bởi một bản hiến pháp khó thay đổi. Để pháp quyền trở thành hiện thực, hệ thống tòa án cần được đào tạo về chuyên môn, trung thành với pháp luật, và đặc biệt phải được đảm bảo tính độc lập cao.

Quyền lực chính quyền phải chịu ràng buộc bởi các nguyên tắc pháp lý bền vững

Ở một số quốc gia, chính quyền hoàn toàn tự do làm bất cứ điều gì mà họ muốn mà không phải chịu bất cứ ràng buộc nào từ bên ngoài. Ở những nơi này, chính quyền nắm quyền lực tối cao. Họ dùng luật để cai trị người dân, nhưng chính họ lại không phải là đối tượng chịu điều chỉnh bởi bất cứ một hệ thống những nguyên tắc pháp lý tối thượng nào đứng trên những mong muốn của họ. Những quốc gia như thế được gọi là những quốc gia pháp trị (rule by law): luật pháp chỉ là công cụ của những người có quyền lực dùng để thống trị người khác. Kinh nghiệm thế giới cho thấy những chính quyền như thế là rất nguy hiểm cho người dân. Những chính quyền này có thể vi phạm quyền của công dân, như tước đoạt đất đai tùy tiện hay nhũng nhiễu hối lộ. Dù có thể họ được bầu lên một cách dân chủ nhưng sau đó họ có thể toan tính cầm quyền mãi mãi và giao những vai trò quan trọng trong chính quyền cho thân bằng quyến thuộc của họ. Sau một cuộc bầu cử, phe thắng cử có thể dùng quyền lực mới giành được để đàn áp đối lập, như bằng cách đặt các đảng chính trị khác ra ngoài vòng pháp luật và bỏ tù lãnh đạo của các đảng đó, hoặc chỉ dành những quyền lợi tài chính cho những người đã ủng hộ họ mà không dành cho ai khác.

Nếu được cho phép có quyền hạn tối thượng, một chính quyền có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn mà không chịu trách nhiệm trước người dân. Một chính quyền như thế sớm muộn cũng sẽ trở nên một chính quyền áp bức.

Nếu được cho phép có quyền hạn tối thượng, một chính quyền có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn mà không chịu trách nhiệm trước người dân. Một chính quyền như thế sớm muộn cũng sẽ trở nên một chính quyền áp bức. Khi quyền lực không bị kiềm chế và kiểm soát, người đức hạnh cũng có khuynh hướng trở nên bạo ngược.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người dân, không thể để chính quyền có thể tự do làm bất cứ điều gì họ muốn. Thay vào đó, chính quyền phải bị ràng buộc bởi những nguyên tắc pháp lý bền vững. Những nguyên tắc này, bên cạnh những ràng buộc khác, là nhằm bảo vệ quyền cá nhân, định ra những cuộc bầu cử định kỳ, tự do, công bằng, và giới hạn những gì những người thắng cử có thể làm với những người thất cử. Những quốc gia có chính quyền như thế được gọi là những quốc gia pháp quyền (rule of law): luật pháp, chứ không phải chính quyền, mới là thực thể có quyền lực cuối cùng. Ngày nay hầu như mọi người đều tin rằng pháp quyền là yếu tố quan trọng cho một chính quyền hợp thức và công minh.

Pháp quyền được bảo vệ hữu hiệu nhất bởi một bản hiến pháp khó thay đổi

Nhiều quốc gia pháp trị muốn trở thành pháp quyền. Trong quá trình chuyển đổi, họ phải tìm cách thiết lập và bảo vệ các nguyên tắc pháp lý bền vững nhằm hạn chế quyền hạn của chính quyền. Nếu người dân không thực sự coi trọng nguyên tắc pháp quyền, thì nền pháp quyền đó sẽ không phát triển. Vì vậy, để bảo vệ nền pháp quyền, đầu tiên có thể tính đến yếu tố văn hóa: một xã hội coi trọng pháp quyền là điều kiện cần để tạo nền tảng cho một nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, yếu tố văn hóa không đủ, vì chính quyền không phải lúc nào cũng tôn trọng ý chí của nhân dân. Do đó, minh định các nguyên tắc pháp quyền trong một hiến pháp được viết ra và tồn tại lâu dài là cần thiết.

Hiến pháp bảo vệ pháp quyền bằng nhiều cách.

…xét theo một góc độ lý tưởng, việc toàn dân tham gia làm ra hiến pháp giúp họ trực tiếp xây dựng và xác lập các “pháp quyền” cho đất nước. Khi đó, thành quả lập hiến đại chúng sẽ bảo vệ nền pháp quyền hữu hiệu hơn nhiều so với một bản hiến pháp áp đặt bởi các cơ quan quyền lực… hiến pháp được toàn dân thông qua sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của mỗi người dân. Kết quả là người dân sẽ thấy gắn bó và muốn bảo vệ hiến pháp.

•    Thứ nhất, bởi vì hiến pháp được soạn thảo với những điều khoản cụ thể và bất kỳ ai quan tâm cũng có thể nắm bắt ngay nội dung của pháp quyền, cũng như những quy tắc pháp lý nhằm bảo vệ người dân mà pháp quyền đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng. Điều đó cũng có nghĩa là giới hạn quyền lực của các quan chức chính quyền cũng được đề ra cụ thể. Nếu họ không tôn trọng những giới hạn đó, các quan chức khác và công dân sẽ có cơ sở pháp lý, vốn đã được viết ra một cách rõ ràng, để áp dụng nhằm bảo vệ hiến pháp và kiểm soát những quan chức vi phạm.

•    Thứ hai, xét theo một góc độ lý tưởng, việc toàn dân tham gia làm ra hiến pháp giúp họ trực tiếp xây dựng và xác lập các “pháp quyền” cho đất nước. Khi đó, thành quả lập hiến đại chúng sẽ bảo vệ nền pháp quyền hữu hiệu hơn nhiều so với một bản hiến pháp áp đặt bởi các cơ quan quyền lực. Bởi vì, khi quần chúng tham gia thiết lập nền pháp quyền cho chính quốc gia của họ, họ sẽ có cơ hội đề ra những nguyên tắc pháp quyền đáp ứng được nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của họ. Qua đó giúp các cơ quan quyền lực được giới hạn bởi những nguyên tắc pháp quyền phù hợp để vận hành tốt hơn, và sinh hoạt chính trị của đất nước cũng sẽ lành mạnh hơn. Chính trị lành mạnh hơn sẽ tạo ra những điều kiện sống tốt hơn: kinh tế phát triển hơn, trường học và y tế tốt hơn, bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, v.v… Nói một cách khác, hiến pháp được toàn dân thông qua sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của mỗi người dân. Kết quả là người dân sẽ thấy gắn bó và muốn bảo vệ hiến pháp: nếu hiến pháp đã được làm ra để bảo vệ người dân, người dân cũng sẽ muốn bảo vệ nó.

•    Thứ ba, một bản hiến pháp tốt sẽ phân chia quyền lực cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, do đó sẽ rất khó cho một cá nhân hoặc một cơ quan nhà nước thâu tóm hết tất cả quyền lực. Kết quả là, nếu một cá nhân hoặc cơ quan nhà nước tìm cách vi phạm hiến pháp, những cá nhân hoặc cơ quan nhà nước khác có thể ngăn chặn các vi phạm đó. Ví dụ rõ ràng nhất là một cơ chế bảo vệ hiến pháp, dù đó là một tòa án hoặc một cơ quan bảo hiến nào khác, sẽ xem xét kỹ lưỡng văn bản và hành động của các quan chức để xác định xem họ có hành xử phù hợp với hiến pháp hay không. Tất nhiên, cơ quan bảo hiến không phải là định chế duy nhất có thể bảo vệ pháp quyền. Nếu một quan chức, ở bất kể cương vị nào, hành xử một cách vi hiến, các thành phần khác của hệ thống chính trị có thể có khả năng kiểm soát và ngăn chặn quan chức đó – các thành phần khác ở đây có thể là cơ quan lập pháp, các cơ quan hành chính, chính quyền địa phương, công dân, hoặc thậm chí là thành viên nội các. Như vậy, một bản hiến pháp tốt không chỉ xác định các nguyên tắc pháp quyền, nó còn cần đặt ra một cơ cấu chính quyền để bảo vệ các nguyên tắc pháp quyền đó.

•    Cuối cùng, một hiến pháp tốt phải là một hiến pháp khó sửa đổi và không cần phải sửa đổi thường xuyên. Tốt nhất là những sửa đổi hiến pháp phải được nhân dân phúc quyết phê chuẩn. Sửa đổi hiến pháp chỉ có thể được thông qua bởi đa số hoặc thậm chí siêu đa số phiếu thuận. Điều quan trọng nhất là chính quyền không được phép tự sửa đổi hiến pháp. Khi bản hiến pháp được bảo vệ bằng cách này, nền pháp quyền sẽ bền vững, vì một hiến pháp tốt chính là hiện thân của pháp quyền.

Những nguyên tắc pháp lý bền vững cốt lõi

Các quốc gia khác nhau có thể chọn những nguyên tắc pháp lý khác nhau, phù hợp đối với hoàn cảnh của quốc gia đó. Nhưng nền pháp quyền đòi hỏi một số nguyên tắc pháp lý cốt lõi mà mọi quốc gia pháp quyền cần tuân thủ.

…khi muốn xác định ý nghĩa của “pháp quyền” cho một quốc gia, câu hỏi thực sự cần được đặt ra là “chúng ta đang muốn đặt ra trong hiến pháp những giới hạn pháp lý lâu dài nào đối với chính quyền?” Hiện nay, hầu như cả thế giới đều đồng thuận rằng một chính quyền tốt là một chính quyền dân chủ, tôn trọng các quyền cá nhân, và chỉ hành xử theo các quy chuẩn pháp lý minh bạch.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về “pháp quyền”, và cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về một định nghĩa phổ quát cho khái niệm này. Các chính trị gia hoặc các nhà bình luận đôi khi sử dụng cụm từ này một cách mơ hồ mà không xác định ý nghĩa của nó. Các học giả tuy chưa đạt đồng thuận về một định nghĩa nhất quán, nhưng ít ra họ cũng đề xuất những định nghĩa cụ thể hơn. Đến nay, tất cả học giả đều đồng ý rằng, trong một quốc gia pháp quyền, quyền lực nhà nước nhất thiết phải bị giới hạn bởi một số nguyên tắc pháp lý bền vững. Nhưng các nguyên tắc pháp lý này cụ thể là những gì thì họ chưa thống nhất. Một số học giả cho rằng nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi những quy chuẩn pháp lý minh bạch. Một số học giả khác tin rằng pháp quyền đòi hỏi dân chủ và quyền con người.

•    Quy chuẩn pháp lý minh bạch đòi hỏi khi các nhà lập pháp phải soạn ra những điều luật rõ ràng, sao cho người dân dễ dàng nắm bắt các quy định có liên quan đến đời sống của họ, nhằm hoạch định cuộc sống của họ cho phù hợp. Chẳng hạn, luật hình sự không được mập mờ khi quy định những hành vi nào là bất hợp pháp, để người dân biết và tránh các hành vi đó. Luật hợp đồng cần rõ ràng về những biện pháp thi hành, dù đối với giao kèo mua đất hay thỏa thuận thành lập hiệp hội kinh doanh, để người dân có thể quyết định một cách sáng suốt trước khi đặt bút ký và chấp nhận những nghĩa vụ pháp lý đi kèm. Tương tự, trong tất cả các lĩnh vực khác của pháp luật, người dân cần có điều kiện hợp lý để nắm bắt luật pháp. Nếu không, nhà nước luôn có thể tùy tiện can thiệp và xâm phạm vào cuộc sống của công dân mà họ không lường trước được – điều này cũng đồng nghĩa với việc để cho chính quyền hành xử độc đoán. Để đảm bảo rằng mọi công dân hiểu biết luật và điều chỉnh cuộc sống của họ cho phù hợp, quy chuẩn pháp lý minh bạch đòi hỏi luật pháp phải được phổ biến công khai (không bí mật), không hồi tố (không áp dụng đối với các hành vi trước khi luật được thông qua), rõ ràng (để ai cũng có thể hiểu cụ thể các quy định pháp luật), và phổ quát (áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, yếu mạnh, quan chức hay dân thường v.v…).

•    Dân chủ về cơ bản là một chế độ chính trị trong đó người dân tự cai trị. Chế độ dân chủ đại diện là phổ biến nhất: người dân tham gia vào những cuộc bầu cử có tính tự do, công bằng, và thật sự có tính đại diện cao cho những quyền lợi và nhu cầu thực tiễn phong phú, đa dạng của người dân, từ đó bầu ra những dân biểu thực sự có năng lực để thay mặt họ quản lý nhà nước. Nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi chế độ dân chủ để pháp quyền được thực thi, nhưng nó không chỉ định một hình thức dân chủ cụ thể nào, miễn là người dân thực sự kiểm soát chính quyền chứ không phải là chính quyền cai trị họ. Vì có nhiều chế độ dân chủ khác nhau, mỗi quốc gia có thể lựa chọn chế độ mà họ cho là phù hợp. Một số nước theo tổng thống chế, một số khác theo chế độ nghị viện. Một số nước chọn chế độ lập pháp lưỡng viện, trong khi đó một số khác lại chọn lập pháp đơn viện. Một số nước chọn nguyên tắc đại diện theo tỷ lệ, một số khác theo hệ thống đa số đại diện. Và còn nhiều ví dụ khác.

•    Quyền cá nhân thuộc phạm vi tự chủ, là quyền đòi hỏi có được những điều kiện cần thiết cho những lĩnh vực đời sống quan trọng nhất của cá nhân, trước hết là với tư cách công dân, như quyền bầu cử, hay với tư cách cá nhân riêng tư, như quyền thành hôn. Chính  quyền không thể xâm phạm các quyền này, trừ những trường hợp đặc biệt cần thiết, như khi an ninh quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng, hay trong nỗ lực ngăn chặn một âm mưu khủng bố nơi công cộng. Tuy nhiên, chính quyền không thể hạn chế quyền của các cá nhân chỉ đơn giản với lý do chung chung, ví dụ như “trật tự công cộng”. Hầu hết những người cổ vũ pháp quyền đều tin rằng mọi quốc gia phải tôn trọng một số quyền căn bản, vốn thường được gọi là “nhân quyền” trong luật quốc tế. Bên cạnh những quyền căn bản đó, quốc gia có thể lựa chọn bảo vệ những quyền cá nhân khác, tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Ví dụ, hiến pháp Hoa Kỳ công nhận quyền sở hữu súng tư nhân, nhưng không bảo vệ quyền hưởng y tế công cộng; ngược lại, hiến pháp của Đức lại bảo vệ quyền hưởng y tế công cộng mà không cho phép cá nhân sở hữu súng.

Như vậy, rõ ràng định nghĩa khái niệm “pháp quyền” chỉ là một quy ước, có thể mang bất kỳ ý nghĩa gì mà một xã hội quyết định. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, để bảo vệ quyền lợi của người dân, một nền pháp quyền đòi hỏi chính quyền phải bị giới hạn bằng những nguyên tắc pháp lý bền vững. Vì vậy, khi muốn xác định ý nghĩa của “pháp quyền” cho một quốc gia, câu hỏi thực sự cần được đặt ra là “chúng ta đang muốn đặt ra trong hiến pháp những giới hạn pháp lý lâu dài nào đối với chính quyền?” Hiện nay, hầu như cả thế giới đều đồng thuận rằng một chính quyền tốt là một chính quyền dân chủ, tôn trọng các quyền cá nhân, và chỉ hành xử theo các quy chuẩn pháp lý minh bạch.

Để pháp quyền trở thành hiện thực, hệ thống tòa án cần đảm bảo tính độc lập, được đào tạo chuyên môn, và trung thành với pháp luật

Pháp quyền là các nguyên tắc pháp lý được soạn thảo trong hiến pháp nhằm giới hạn quyền lực của chính quyền. Chính quyền không thể coi nhẹ các nguyên tắc này, vì quyền lực chính quyền bị giới hạn bằng pháp luật là đòi hỏi tiên quyết của pháp quyền. Tuy vậy, chỉ đề ra các nguyên tắc pháp quyền là chưa đủ, còn cần có cơ quan áp dụng và giám sát việc thi hành các nguyên tắc này. 

Để làm tốt vai trò của mình, tòa án không cần nhiều tiền hoặc cảnh sát hỗ trợ. Yếu tố đầu tiên tòa án cần là sự độc lập với các cơ quan khác trong chính quyền, để tòa án có thể đảm bảo tất cả các bộ phận của chính quyền tuân thủ pháp quyền mà không có sự thiên vị hoặc nể nang, kiêng dè.

Toà án, hoặc các định chế tương tự, không có nhiều quyền lực để thực thi quyết định họ thông qua – như ngạn ngữ thường nói, tòa án “không có tiền mà cũng chẳng có vũ khí.” Chiếu theo các tiêu chuẩn đánh giá quyền lực thông thường, tòa án là một trong những định chế nhà nước yếu nhất. Nếu một bộ phận chính quyền cố ý vi phạm pháp luật, chỉ có nhân dân (qua cơ chế chính trị dân chủ – bầu cử) hoặc các bộ phận khác của chính quyền (qua kiểm soát và cân bằng quyền lực) mới có sức mạnh ngăn chặn các vi phạm đó. Dù vậy, tòa án, hoặc các định chế bảo hiến, giữ một vai trò khác nhưng không kém phần quan trọng: họ có thể giải thích luật, giúp nhân dân và các cơ quan khác của chính quyền biết một người hoặc một cơ quan chính quyền đang tìm cách vi phạm pháp luật. Với căn cứ chính tắc là kết luận của toà án, nhân dân và các cơ quan công quyền có quyền lực mạnh hơn tòa án, sẽ hợp lực để bảo đảm pháp quyền được thực thi.

Để làm tốt vai trò của mình, tòa án không cần nhiều tiền hoặc cảnh sát hỗ trợ. Yếu tố đầu tiên tòa án cần là sự độc lập với các cơ quan khác trong chính quyền, để tòa án có thể đảm bảo tất cả các bộ phận của chính quyền tuân thủ pháp quyền mà không có sự thiên vị hoặc nể nang, kiêng dè. Trong công việc của mình, các thẩm phán đôi khi sẽ cần phải đưa ra những quyết định gây tranh cãi, có thể làm một số quan chức chính quyền khó chịu, và đôi khi có thể làm đa số người dân phật ý. Để có thể thực hiện bổn phận, các thẩm phán cần phải được bảo vệ để tránh bị trả thù: an ninh thân thể của họ phải được bảo vệ, và nhiệm kỳ của họ phải được bảo đảm, cùng với mức lương cố định.

Ngoài ra, bản thân các thẩm phán không được coi họ là chính trị gia. Vai trò chính trị gia đòi hỏi nhà chính trị phải trung thành với cử tri hoặc với các chính trị gia khác. Trong khi đó, các thẩm phán phải tâm niệm bản thân mình làm việc theo chuyên môn và trung thành với pháp luật. Để làm được điều đó, các thẩm phán phải là những người được đào tạo chuyên sâu về luật. Các thẩm phán cũng cần phải trung dung: họ không được dính líu hay phụ thuộc vào các cơ quan quyền lực khác của chính quyền, các tổ chức chính trị, hoặc các nhóm lợi ích kinh tế. Với tư cách công dân, họ có quyền đi bầu cử. Thậm chí, họ có thể là một thành viên của một tổ chức chính trị, nhưng không được tham gia vào các hoạt động đảng chính trị, hay nắm giữ chức vụ trong các đảng chính trị, nếu những điều này ảnh hưởng tới tính trung dung mà vai trò của một người thẩm phán đòi hỏi.

Nguyễn Thị Hường và đồng nghiệp dịch


* Giám đốc Trung tâm Hiến pháp Dân Chủ , Đại học Indiana, Hoa Kỳ

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)