Phát huy dân chủ để làm giàu nguồn Vốn xã hội

Nền kinh tế nói riêng, và đất nước ta nói chung, đang đứng trước những triển vọng và thách thức của một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi chúng ta phải biết huy động và phát huy mọi nguồn lực trong đó có vốn xã hội đã hiện hữu cũng như đang tiềm tàng của đất nước.

Về nguồn vốn vật chất, hay vốn tài chính, nhiều ít bao nhiêu, cần và có thể huy động từ đâu, thì chắc ta đã có nhiều kinh nghiệm để khai thác và quản lý; có thể ở đây điều ta cần là phải có các giải pháp phân phối và sử dụng có hiệu quả hơn, tránh được các mất mát do các tệ nạn tham nhũng lãng phí (đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội) gây nên. Từ mấy năm nay ta đã nhìn thấy các nhược điểm trong nguồn vốn con người của ta,  đã và đang cố tìm nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao cả số lượng và chất lượng của nguồn vốn đó. Các giải pháp cải cách giáo dục và đào tạo nói chung, nâng cao chất lượng giáo dục đại học nói riêng, hiện đang được bàn thảo ráo riết, và ta hy vọng là sẽ sớm được thực hiện để góp phần cải thiện nguồn vốn con người của nước ta, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại. Cùng với vốn con người là vốn xã hội. Có thể đây là một nguồn vốn mà lâu nay ta chưa quan tâm đến nhiều, có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác, phát huy, và phải chăng đã đến lúc ta cần “đánh thức” nó dậy để nó cùng góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế và xã hội nước ta?
Nhiều người đã nhắc đến các truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, như yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, thông minh, cần cù trong lao động, có tình thương yêu đối với đồng bào, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, có một nền tảng đạo đức vững chắc… Đó là những yếu tố tốt đẹp đã gắn kết dân tộc ta trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, đã bảo đảm cho đất nước ta tồn tại và độc lập qua bao giông bão của lịch sử. Và đó cũng là những yếu tố quan trọng để ngày nay ta có thể nói đến việc xây dựng và phát huy một nguồn “vốn xã hội” nào đó cho sự phát triển đất nước1. Đúng, những yếu tố tạo nên sự liên kết đó, những chất liệu kết dính đáng quí đó là những tài sản vô cùng quí giá, những tiềm năng để phát triển một nguồn vốn xã hội, nhưng có lẽ còn là hơi sớm nếu xem chúng là những thành phần của một “vốn xã hội” đích thực. Bởi vì như trình bày ở trên, vốn xã hội được xem là hiện hữu dưới dạng một mạng lưới các tổ chức xã hội dựa trên các quan hệ tin cẩn, các lề thói tác động qua lại,… có thể giúp cải thiện tính hiệu quả của các hoạt động xã hội bằng cách thúc đẩy các hành động hợp tác2. Theo cách hiểu đó, trong một công trình nghiên cứu phối hợp gần đây giữa Viện Những vấn đề phát triển Việt Nam (VIDS) và các cơ quan quốc tế UNDP, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), thì “xã hội dân sự ở Việt Nam còn chập chững”, tuy “Việt Nam hiện có một số lượng lớn các tổ chức xã hội rất khác nhau về nguồn gốc, cơ cấu tổ chức, cơ  

sở pháp lý, mục đích hoạt động, cơ chế tài chính, nhưng quan hệ hợp tác và sự kết nối của các tổ chức này vẫn còn yếu” và “môi trường xã hội – chính trị cho sự phát triển của xã hội dân sự vẫn còn chưa thực sự đầy đủ, làm hạn chế tác động nhiều mặt của các tổ chức đó”3. Xã hội dân sự vốn là một sản phẩm của các chế độ pháp quyền dân chủ, có một Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật, và được bổ sung bởi một xã hội dân sự ngoài Nhà nước để điều hòa các loại quan hệ dân sự nằm ngoài phạm vi điều hành của pháp luật. Nước ta, trải qua nhiều thế kỷ dưới chế độ phong kiến, rồi thuộc địa, sau khi giành được độc lập lại liên tiếp trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt, rồi tiếp đó trong mấy thập niên vừa qua lại sống dưới một chế độ “xã hội chủ nghĩa” theo mô hình chuyên chính vô sản dưới quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của một Đảng Cộng sản, nên “chưa có môi trường xã hội – chính trị cho sự phát triển của xã hội dân sự” cũng là điều dễ hiểu. Và xã hội dân sự chưa được phát triển thì nguồn vốn xã hội còn nghèo nàn và chưa có đóng góp gì đáng kể cho sự phát triển kinh tế, thậm chí chưa được tính đến như một nhân tố cho phát triển, là điều tất nhiên.
Ngày nay, sau hai mươi năm thực hiện công cuộc “đổi mới”, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường phát triển kinh tế thị trường và hội nhập vào kinh tế toàn cầu hóa đã được khẳng định và trên thực tế đã đi được một chặng đường khá dài, một mục tiêu chung cho sự phát triển đất nước đã được xác định là “xây dựng một xã hội dân giàu nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp, có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, con người được giải phóng khỏi áp bức bất công, có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, có Nhà nước pháp quyền dân chủ của dân, do dân, vì dân; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”4, thì vấn đề xây dựng một Nhà nước pháp quyền dân chủ cùng với việc phát triển một xã hội dân sự phong phú và lành mạnh đã trở thành yêu cầu bức thiết của cuộc sống. Tôi không dám nghĩ là các nhiệm vụ đó sẽ được thực hiện tức thời và nhanh chóng, nhưng hy vọng là với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước, ta sẽ tìm được con đường từng bước thực hiện các yêu cầu đó trong đoàn kết và đồng thuận dân tộc. Trong khi nhiệm vụ xây dựng một Nhà nước pháp quyền dân chủ có thể tiến dần từng bước thì có lẽ việc phát triển các tổ chức, cơ cấu của một xã hội dân sự – cũng tức là phát triển một nguồn vốn xã hội cho đất nước – có thể và cần được thực hiện nhanh hơn. Trong xã hội nước ta hiện nay cũng đã có một hệ thống khá đông đảo các hội đoàn quần chúng tập hợp thành “hệ thống chính trị”, trong một tổ chức bao trùm là Mặt trận Tổ quốc, tuy nhiên hệ thống đó chủ yếu là hệ thống ngoại vi có nhiệm vụ tổ chức và tập hợp quần chúng của Đảng cầm quyền, được tổ chức trong một hệ thống các liên kết dọc như ta đã nói đến trong một phần trên. Để phát triển được nhanh chóng các tổ chức thực hiện các liên kết ngang là các tổ chức tạo nên cấu trúc mạng của một xã hội dân sự, của một vốn xã hội cho đất nước, cần phải căn cứ vào Hiến pháp hiện hành, tôn trọng và khuyến khích các quyền tự do hội họp và lập hội của người dân, đặc biệt là các tổ chức hội độc lập với nhà nước, không chịu sự điều hành của nhà nước. Ta cần thừa nhận rằng ngày nay xã hội càng ngày càng phức tạp, không một bộ máy nhà nước nào dù to lớn cồng kềnh đến đâu có thể có đủ khả năng xử lý hết mọi vấn đề quan hệ nảy sinh từ trong xã hội đó; vì vậy cùng với việc quản lý bằng pháp luật là chức năng của nhà nước, cần phải tôn trọng và phát triển các cơ chế tự quản lý, tự xử lý của xã hội thông qua các mối liên kết đa dạng và biến hóa khôn lường tồn tại bên trong xã hội đó. Các giải pháp tự quản này bên trong mạng lưới các tổ chức xã hội của một xã hội dân sự không nhất thiết phải tuân theo những lề luật được thể chế hóa, mà thường nảy sinh một cách tức thời và linh hoạt tùy theo niềm tin cậy, sự thân thuộc quen biết, và cả những lề thói qua lại giữa các bên đối tác trong từng tình huống cụ thể. Khoa học về các hệ thống phức tạp cũng cho ta biết là trong quá trình phát triển tiến hóa của các hệ thống phức tạp, các thuộc tính hợp trội (emergent) tạo ra những chất lượng mới của hệ thống thường được sáng tạo nên từ sự tương tác không dự đoán trước được của các mối liên kết ngang giữa các thành phần của hệ thống. Hợp trội cũng là một đặc điểm quan trọng trong sự tiến hóa của các hệ thống kinh tế xã hội hiện nay, thể hiện ở khả năng xuất hiện ngày càng nhiều các tình huống hiệp tác để đi đến các giải pháp thắng/thắng bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt vốn có của kinh tế thị trường.
Xây dựng vốn xã hội là một vấn đề còn mới đối với chúng ta, ngay cả vấn đề về những lợi ích tiềm năng mà vốn xã hội có thể mang lại cho sự phát triển kinh tế xã hội, ta cũng còn cần nghiên cứu tìm hiểu thêm nhiều. Tuy nhiên, việc khai thác mọi tiềm năng truyền thống về con người và xã hội, về đạo đức, văn hóa của dân tộc để bồi đắp dần một nguồn vốn xã hội là hết sức cần thiết. Và, cùng với tiến trình dân chủ hóa đất nước, cần tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển một xã hội dân sự thực sự, cũng là cho việc làm giàu thêm vốn xã hội của đất nước, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong hiện tại và tương lai.
———–
[1] Xem bài Lời giải cho bài toán phát huy vốn xã hội của Phan Chánh Dưỡng, Tia Sáng, số 10, 20/5/2006, trg 14-16.
2  Xem thêm bài  The network structure of  social capital của Ronald Burt, đã dẫn ở trên.
3 Trích dẫn theo bài Xã hội dân sự ở Việt nam còn chập chững, BBC tiếng Việt, ngày 15/5/2006.

4  Trích Báo cáo chính trị tại Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, tháng 4 năm 2006.

GS. Phan Đình Diệu

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)