Phát triển ĐBSCL: Cần định hướng mang tính khu vực
Để phát triển ĐBSCL cần có sự thay đổi cơ bản về mô hình – từ cách nhìn bó hẹp trong phạm vi đồng ruộng, địa phương sang tầm nhìn bao quát được nhiều địa phương, toàn khu vực, vượt qua ranh giới địa lý; từ cách làm ngắn hạn, hạn chế trong ngành nghề sang mô hình dài hạn, đa ngành, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hạn hán ở Kiên Giang tháng 3 năm 2016. Ảnh: Đinh Tuấn/Vietnamnet.
Từ bỏ cái nhìn “địa phương”
Để phát triển ĐBSCL cần có sự thay đổi cơ bản về mô hình – từ cách nhìn bó hẹp trong phạm vi đồng ruộng, địa phương sang tầm nhìn bao quát được nhiều địa phương, toàn khu vực, vượt qua ranh giới địa lý; từ cách làm ngắn hạn, hạn chế trong ngành nghề sang mô hình dài hạn, đa ngành, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, thích ứng với biến đổi khí hậu và đầu tư hạ tầng cho khu vực cần áp dụng cách tiếp cận “Chính phủ quy về một mối”. Có nghĩa là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương tại vùng ĐBSCL, trung ương và kinh tế tư nhân để sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài chính, tài nguyên thiên nhiên có được. Để tiếp tục củng cố nền tảng cho chương trình phát triển lâu dài, bền vững vùng ĐBSCL, theo tôi, sẽ cần áp dụng bốn nguyên tắc sau:
Một là phải tính đến các yếu tố nguy cơ, bất định: Do ĐBSCL nằm ở cao độ thấp nên biến đổi khí hậu cùng các ảnh hưởng của nó (thừa nước, thiếu nước, nước không bảo đảm vệ sinh và các hậu quả đi kèm) sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm những vấn đề về sử dụng nguồn nước và đất đai. Tính đến các yếu tố bất định – từ các ảnh hưởng ở thượng nguồn và hạ nguồn, cũng như yếu tố bất định do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu giờ đây sẽ không chỉ là cần thiết nữa, mà là một đòi hỏi bắt buộc. Một số yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, địa phương cũng cần được lên mô hình theo các tình huống cụ thể để phục vụ công tác quy hoạch dài hạn, xây dựng lộ trình ứng phó, đưa ra các phương án đầu tư.
Hai là cần nâng cao hiệu quả, hiệu suất: Tình trạng phân tán ngân sách, đầu tư hiện nay cũng như sự thiếu hiệu quả trong việc xây dựng những môi trường thuận lợi đang cản trở tiềm năng tăng trưởng chung của ĐBSCL. Vì vậy cần phải có những giải pháp táo bạo để tận dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khan hiếm, ban hành những chính sách để định hướng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, chiến lược định vị nơi cần đầu tư hạ tầng, và đưa ra được những phương án đầu tư tối ưu. Đối với ĐBSCL, có được định hướng toàn khu vực về đầu tư và chính sách sẽ góp phần nâng cao năng suất, tăng cường hiệu quả phân phối, phân bổ nguồn lực. Đề án An ninh Nguồn nước khu vực ĐBSCL của Bộ Xây dựng, trong đó đề xuất tập hợp một số địa phương lại để xây dựng nguồn nước bền vững, chống ngập mặn và khắc phục khan hiếm nguồn nước, cũng như Đề án Vận tải Đường thủy khu vực miền Nam của Bộ Giao thông Vận tải là những bước đi đúng hướng sẽ tạo tiền đề để tăng cường hợp tác hiệu quả nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức chung. Tất cả những đề án này đều đang được xây dựng theo mô hình bao quát, lồng ghép, trên phạm vi toàn vùng.
Ba là cần coi trọng liên kết vùng: Để tận dụng đầy đủ tiềm năng phát triển của khu vực ĐBSCL, tối ưu hóa mối liên kết giữa các địa phương rõ ràng là cần thiết, đặc biệt trong quản lý đất đai, sử dụng nguồn nước, kết nối hạ tầng. Nếu không có sự phối hợp tốt, các quyết định, phương án đầu tư của địa phương này có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực ngoài dự tính đối với tiềm năng phát triển của các địa phương khác. Tìm ra những phương án cùng có lợi và phối hợp trong đầu tư có thể mang lại những lợi ích lan tỏa vượt ngoài ranh giới địa lý. Một mô hình có thể học tập là những chương trình gần đây của Đồng Tháp Mười hợp tác với các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang trong xây dựng quy hoạch chung, thực hiện đầu tư chiến lược về cơ sở hạ tầng.
Bốn là tận dụng tốt các lợi thế so sánh: Với nhiều tiểu vùng thủy sinh và được thiên nhiên ưu đãi những vốn tự nhiên đa dạng, các khu vực tiểu vùng của ĐBSCL đang đứng trước những thách thức đặc thù, phát sinh từ các yếu tố không gian, lịch sử, nguy cơ riêng. Phần phía trên của khu vực dịch chuyển theo hướng thâm canh lúa nhưng đổi lại là thiệt thòi khi mất đi nguồn lợi do diện tích cánh đồng thu hẹp, trong khi đó, các khu vực ở ven biển lại đang đối mặt với tình trạng ngập mặn, sạt lở ngày càng tăng. Để tạo chuyển biến về sinh kế và đáp ứng nhu cầu về hạ tầng ở vùng thượng ĐBSCL cần phải chú trọng vào phát triển nông nghiệp lúa nước và hạn chế ngập úng. Mặt khác, các khu vực ven biển cần phát triển sản xuất, kinh doanh ở những địa bàn nước lợ để thích ứng với tình hình ngập mặn ngày càng tăng. Nếu tận dụng được yếu tố lợi thế nhờ quy mô, các tiểu vùng của khu vực sẽ nâng cao được sức cạnh tranh, tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu, để từ đó tăng thu nhập, tìm được cơ hội phát triển các nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Dự án Tăng cường Thích ứng Biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đang triển khai hiện cũng đã có những hoạt động hỗ trợ theo hướng này.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Để tạo sự chuyển biến nhằm giúp thích ứng được với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, có các vấn đề cần chú trọng: Thể chế, Thông tin và Đầu tư.
Thể chế: Tôi đề nghị chính phủ, trong chương trình cải cách của mình, cân nhắc chuyển đổi mô hình quản lý hiện nay sang cơ chế mới hiệu quả hơn, có nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí đầy đủ để nắm vai trò lãnh đạo quá trình phát triển của khu vực ĐBSCL. Tôi cũng xin nhân đây được điểm qua một số ví dụ điển hình về mô hình thể chế toàn vùng của một số quốc gia khác, như Văn phòng Ủy viên Quản lý Đồng bằng Hà Lan, là cơ quan được giao quyền hạn, nhiệm vụ, kinh phí quy hoạch, đầu tư của Hà Lan; Cục quản lý vùng Thung lũng Tennessee của Mỹ, bằng các hoạt động của mình đã chuyển hóa được một trong những khu vực lạc hậu của nước này thành một mô hình phát triển lồng ghép; và một ví dụ nữa từ chính quê hương Xênêgan của tôi là “Tổ chức Quản lý vùng Lưu vực sông Xênêgan” – OMVS, một tổ chức siêu quốc gia được giao trách nhiệm thực hiện quy hoạch chung, đầu tư chung, triển khai chung, quản lý chung toàn bộ các chương trình phát triển liên quan đến nguồn nước của bốn quốc gia có sông nằm trong khu vực Châu thổ sông Xênêgan, trên nguyên tắc đoàn kết, bình đẳng.
Hệ thống thông tin – một yêu cầu tiên quyết: Là một trong những khu vực đồng bằng được nghiên cứu nhiều nhất trên thế giới, ĐBSCL phải có một cơ sở dữ liệu tổng hợp, đáng tin cậy, với những quy trình chia sẻ hiệu quả, thống nhất. Những thông tin này cần được tích hợp vào trong quá trình quy hoạch, trong đó chú trọng vào phát triển không gian, lồng ghép, liên địa phương. Tôi xin nhấn mạnh rằng ta cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên bằng chứng trong thiết kế, lựa chọn địa điểm, quy mô ưu tiên đầu tư, để thông tin hiệu quả cho chính phủ ra quyết định, cũng như điều chỉnh công tác quy hoạch từ bối cảnh khu vực sang phạm vi địa phương. Luật Quy hoạch sắp ban hành sẽ tạo thuận lợi để xử lý những hạn chế, những sự chồng chéo trong quy hoạch phát triển tổng thể ở các cấp, giữa các lĩnh vực. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ quá trình lập Quy hoạch tổng thể lồng ghép, nhằm phối hợp công tác đầu tư, kết nối hạ tầng, tập trung nguồn lực cho quản lý sử dụng đất, chính sách phát triển ngành, thống nhất hài hòa chiến lược phát triển sản xuất, chuỗi giá trị, huy động kinh tế tư nhân.
Đầu tư: Do nhu cầu đầu tư lớn để phát triển ĐBSCL, vì thế câu hỏi căn bản ở đây là lấy nguồn tiền ở đâu. Từ bài học của các nước khác, Việt Nam có thể cân nhắc thành lập một Quỹ Phát triển ĐBSCL, có cơ chế quản lý hoạt động rõ ràng, để huy động những nguồn vốn cấp bách, dành riêng cho từng mục đích, phù hợp với các nguyên tắc chung về quản lý bền vững, thích ứng khu vực. Các điều khoản, phương thức tuy cần áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng mô hình quỹ này có thể có 4 nguồn huy động vốn sau: 1) Huy động vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng – dành riêng cho các dự án liên địa phương, có sự liên hệ tương tác hiệu quả, đem lại các lợi ích chung. Trong Cơ chế này sẽ có ngân sách ưu đãi của trung ương cấp bổ sung. 2) Huy động vốn tư nhân – nhằm khuyến khích tư nhân tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản, ươm trồng, đưa các doanh nghiệp mới khởi nghiệp ra thị trường, cũng như huy động nguồn lực cho các chương trình đầu tư không để lại hậu quả xấu thông qua đối tác công-tư. 3) Huy động vốn thông qua đổi mới, nghiên cứu – nhằm tạo chuyển biến về sinh kế, thay đổi các tập quán sử dụng tiết kiệm nguồn nước, có lợi cho môi trường, tăng cường quản lý khu vực ven biển nhờ công nghệ mới, các kết quả nghiên cứu chắc chắn. Thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), cơ chế này có thể là chất xúc tác để thúc đẩy những giải pháp mới cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. 4) Cơ chế giảm nghèo, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế – cơ chế này sẽ xác định đối tượng mục tiêu là các cộng đồng nghèo, yếu thế, trong đó sẽ nghiên cứu các mô hình bảo trợ xã hội, chương trình bảo hiểm v.v.
***
ĐBSCL của Việt Nam đang trong giai đoạn đã đi tới điểm cực hạn. Các quyết định, phương án đầu tư hạ tầng, đầu tư sinh kế ta thực hiện hôm nay có thể sẽ để lại những ảnh hưởng không thể đảo ngược về lâu dài. Chúng ta cần hợp tác để củng cố các nền tảng cần thiết giữa nghiên cứu khoa học và quy trình ra quyết định để điều chỉnh, áp dụng phù hợp các khái niệm mới nhằm bảo đảm lợi ích toàn cầu và bảo tồn được di sản chung.
——-
Chú thích: Bài viết này là phát biểu tại Hội nghị Phát triển Bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với Biến đổi Khí hậu 2017, đã được Tia Sáng biên tập, đặt tít chính và các tít phụ trong bài.