Phát triển nhanh và bền vững và năng lực quản lý đất nước
Phát triển nhanh và bền vững”, một chủ trương ngắn gọn, súc tích trong nhiều nghị quyết của Đảng, là mong ước không chỉ riêng của Việt Nam. Liên hiệp quốc, sau khi kết thúc 15 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên nhiên kỷ (Millenum Development Goals) cuối năm 2015, đã quyết định thực hiện tiếp theo Chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals).
Phát triển kinh tế cần đi kèm với bảo vệ môi trường. Ảnh: ashui.com
Ghép hai tĩnh từ nhanh và bền vững hàm chứa một thách thức lớn đối với năng lực quản lý đất nước, bởi lẽ, phát triển nhanh và phát triển bền vững đối với các nước, đặc biệt các nước đang phát triển thường không song hành cùng chiều.
Một nền kinh tế, bất kỳ, nếu vì tăng trưởng nhanh trước mắt mà liên tục bội chi ngân sách, cán cân thanh toán bị thâm hụt, nợ công liên tục tăng, ngấp nghé giới hạn của nguy cơ phá sản, thì không thể tồn tại lâu bền, nói gì đến phát triển.
“Không thể hy sinh môi trường để đánh đổi phát triển” là một sự lựa chọn đúng nhưng sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu phát triển nhanh mà vẫn tiếp tục mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên. Lạm thác tài nguyên, hủy hoại môi trường tất yếu sẽ xảy ra.
Phát triển kinh tế không thể bền vững nếu sự phân hóa giàu nghèo ngày càng doãng ra. Chính sự phân hóa này giữa các quốc gia và trong lòng mỗi quốc gia tạo ra vòng xoáy bạo lực đang quét qua Trái đất và khiến cho các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hiệp quốc đưa ra khó khả thi.
Để đất nước phát triển bền vững, mọi quy hoạch, kế hoạch, dự án công trình đều phải đảm bảo đồng thời ba điều kiện tiên quyết: kinh tế tăng trưởng, công bằng và tiến bộ xã hội, và môi trường được bảo vệ.
Quản lý nhà nước trước tiên phải đảm bảo “đầu ra” của mọi quy hoạch, kế hoạch, dự án công trình phải nằm trong phần giao của ba điều kiện tiên quyết đó. Chẳng những trong khâu duyệt mà còn theo dõi, giám sát việc thực hiện các cam kết trong quy hoạch, dự án đầu tư, nhất là trong khâu xử lý các chất thải ra môi trường.
Các báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC) đối với các quy hoạch, chính sách, và các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án công trình phải được xây dựng nghiêm túc, nghiêm thu đúng luật định là những tài liệu bắt buộc khi trình dự án để được duyệt. Đây là những điều kiện cần dẫn đến phần giao “bền vững”.
Ở Việt Nam, luật pháp hiện hành có những quy định đối với các ĐMC, và ĐTM. Cho dù còn chưa hoàn thiện nhưng môi trường pháp lý tồn tại và ngày càng hoàn chỉnh.
Thế tại sao tình hình môi trường trên khắp đất nước có quá nhiều vấn đề?
Thử hỏi bao nhiêu quy hoạch, tổng thể, ngành ở phạm vị cả nước, vùng và điạ phương, bao nhiêu dự án đầu tư đã có báo cáo ĐMC và ĐTM nghiêm túc? Formosa, các nhà máy thủy điện trên các sông Đồng Nai, Sesan, Srepok, Vu Gia, sông Tranh, …, phát triển cà phê, cao su, ở Tây Nguyên, khai thác vàng, titan, …?
Trung Quốc, Malaysia, và nhiều nước khác… đã dừng khai thác bô-xít vì vấn đề môi trường trong lúc ở ta vẫn cứ tiếp tục mặc cho các khó khăn thêm về khan hiếm nguồn nước, điện năng và bị thua lỗ.
Dự án luồng cho tàu biển vào sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố, mặc cho nhiều can ngăn và phản biện, vẫn được triển khai, vẫn nhận được kinh phí bổ sung cao hơn gấp ba lần dự toán ban đầu. Luật Bảo vệ môi trường đã bị lách một cách trắng trợn. Ảnh vệ tinh gần đây cho thấy nạo vét luồng mới là không tránh khỏi!
Ảnh vệ tinh ngày 10.04.2016. Luồng vào sông Hậu được đào mới thay thế Luồng Định An để tránh nạo vét hàng năm. Với màu phù sa trong ảnh, e rằng nạo vét sẽ còn bức bách hơn.
Không khó để giải mã đằng sau những câu chuyện trên đây, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực quản lý đất nước, và lợi ích nhóm gắn liền với tham nhũng thao túng.
Thủ tướng Chính phủ vừa mới ra lệnh “đóng cửa rừng” và phải ngăn chận “lợi ích nhóm” chen vào trong khâu xây dựng luật và chính sách. Rất cần và rất đúng. Nhưng ai thực hiện và liệu sẽ thành công lần này?
Năng lực quản lý nhà nước có thể được nâng lên, cho dù “học phí” quá đắt. Nhưng nếu lợi ích nhóm chi phối ở khâu con người quản lý thì e rằng mục tiêu phát trển nhanh và bền vững sẽ rất xa vời.
Ở các nước tư bản, người ta gọi sự chi phối không lành mạnh của nhóm lợi ích là “tư bản lũng đoạn nhà nước”. Còn ở nước ta, liệu có tránh được vết xe này? Cử tri tự hỏi và chờ đợi thực tế trả lời.