Phát triển vì hạnh phúc của con người
Kể từ tuyên bố Thiên niên kỷ phát triển bền vững của Liên hợp quốc với một nội hàm rất rộng và phạm vi ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội, phát triển bền vững (sustainable development) đã trở thành vấn đề nóng không chỉ của riêng một quốc gia hay một châu lục nào. Vì thế, cuộc tọa đàm Phát triển bền vững do Tia Sáng tổ chức vào những ngày đầu xuân 2008 đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học, giáo dục…
Bản chất của phát triển bền vững ở Việt Nam?
Đó là vấn đề không dễ lý giải bởi theo GS Hồ Ngọc Đại, trong thế kỷ 20, vai trò quyết định của kinh tế đã được thể hiện rõ nét nhưng bước sang thế kỷ 21, thế kỷ của nền kinh tế trí thức, cái gốc của phát triển bền vững phải là giáo dục. Trên thế giới, khi nói đến “phát triển bền vững” người ta thường nhấn mạnh đến nhân tố bảo vệ môi trường. Đó thực sự là vấn đề cấp thiết vào thời điểm hiện nay, khi trái đất phải “gồng mình” gánh trên 6 tỷ dân và những hậu quả của đại nạn ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động mà hội nghị ở Bali (Indonesia) vừa qua vẫn chưa thể đưa ra giải pháp tối ưu nào. Nhưng bảo vệ môi trường chỉ là giải pháp để giữ gìn chứ không tạo ra cái mới, để sáng tạo ra cái mới nhất định phải bằng giáo dục. Trước câu hỏi phản biện của TS Nguyễn Quang A: Vậy chúng ta cần thay đổi giáo dục hiện nay như thế nào? GS Hồ Ngọc Đại giải đáp: Giáo dục cần được xuất phát từ phương pháp dạy để học sinh tự mình phát hiện và làm ra sản phẩm. Sự thay đổi trong phương pháp sẽ dẫn đến sự thay đổi về tổ chức, cơ cấu của nền giáo dục. Ba nhân vật trong nền giáo dục hiện đại phải là học sinh, thầy giáo và tất cả những gì còn lại mà nhân vật chủ chốt là cha mẹ.
Thập niên phát triển bền vững do Liên hợp quốc phát động bắt đầu từ năm 2005 đến năm 2014. Kế hoạch này đã được Liên hợp quốc chuẩn bị từ năm 2003 nhưng đến năm 2005 mới chính thức phát động và được mở rộng ở tất cả các lĩnh vực. Ngành giáo dục Việt Nam cũng hưởng ứng với dự án “Thập niên giáo dục vì sự phát triển bền vững”. Chúng tôi lấy giáo dục làm nòng cốt để phát triển bền vững vì bản chất của phát triển phải là tạo ra cái mới. Đất nước phải tiến lên bằng cái có chứ không đất nước nào tiến lên bởi cái không và để tạo ra cái mới ấy phải là giáo dục. Ý tưởng ấy đã được Liên hợp quốc hoan nghênh bởi trong thế kỷ 21, một thế hệ mới đã ra đời với việc lấy lao động trí óc làm nòng cốt.
GS. Hồ Ngọc Đại Điều tra về tham nhũng của ban Nội chính trung ương năm 2005 là 63% doanh nghiệp là thường xuyên phải chi. Còn điều tra của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam năm 2007 lại nói là 66,5% doanh nghiệp là chi. Giả sử có sai số nào đấy giữa hai thống kê này nhưng cũng không thể nào khẳng định được có tiến bộ gì về chống tham nhũng, mặc dù trong giai đoạn này, chúng ta đã chi vài chục tỷ đồng về xây dựng luật, thành lập ủy ban chống tham nhũng… Ngoài ra, có một vấn đề xuất hiện là sự phân chia bất bình đẳng trong thu nhập, khiến nhiều bộ phận dân cư, đặc biệt là người nông dân bắt đầu lên tiếng phản đối. Để giải quyết rốt ráo vấn đề này cần sửa đổi luật và điều chỉnh vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập. TS Lê Đăng Doanh |
Phát triển bền vững là quá trình lâu dài của mọi quốc gia. Xây dựng được đã khó nhưng duy trì nó còn phức tạp bội phần. Và theo GS Hoàng Tụy, yếu tố hàng đầu là phải có biện pháp hữu hiệu chống tham nhũng. “Trong khu vực Đông Nam Á, tất cả những nước nào ngày nay đạt được đến trình độ phát triển tương đối bền vững đều qua một quá trình xây dựng bộ máy hành chính trong sạch và đấu tranh chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Còn những nước có dấu hiệu suy sụp tuy có thời gian phát triển khá mạnh như Indonesia hay Philippines thì nạn tham nhũng ngày càng gia tăng. Thực tế cho thấy, căn bệnh tham nhũng hoặc bị đẩy lùi, hoặc tiến tới chứ không bao giờ dừng lại. Nếu chống tham nhũng không hiệu quả thì tất cả những mục tiêu và kế hoạch đặt ra để xây dựng sự phát triển bền vững sẽ không thành hiện thực. Vì thế, ở Việt Nam, yếu tố chống tham nhũng phải là vấn đề then chốt đảm bảo cho sự phát triển bền vững”. Và để chống tham nhũng có hiệu quả, theo GS cần phải quan tâm đến chế độ phân phối của cải làm ra. Bộ máy hành chính của đất nước cần quản lý chặt chẽ chế độ lương, thu nhập đến từng cá nhân… Đồng thuận với ý kiến đó nhưng ông Nguyễn Trung đặc biệt nhấn mạnh đến việc chống lũng đoạn của quyền lực. Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được một xã hội lành mạnh.
Trong mạch xác định những mục tiêu của phát triển bền vững, nhà thơ Việt Phương nêu rõ 10 nhân tố làm nên chất lượng tăng trưởng kinh tế là năng suất lao động được tính toán bằng hiệu quả của đầu tư; chất lượng sản phẩm làm ra; hiệu quả kinh tế và hiệu ứng bên ngoài; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của một quốc gia; các loại hình doanh nghiệp; tính chuẩn xác và hiệu quả của các công trình lớn; tính chất hiện đại của các doanh nghiệp; độ sâu rộng và hiệu quả của doanh nghiệp quốc tế; chất lượng con người và nguồn nhân lực bằng giáo dục đào tạo; văn hóa kinh doanh. Tất cả các nhân tố đó đều hướng tới mục tiêu vì con người, để con người được sống hạnh phúc trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Với nhãn quan của một nhà sử học, ông Dương Trung Quốc đã đánh giá một trong những vấn đề của phát triển bền vững là tính liên tục và tầm nhìn xa của các kế sách, chiến lược xây dựng đất nước ở tầm vĩ mô. Chống tư duy “nhiệm kỳ” và chạy theo thành tích “ảo”.
Như để minh họa cho ý kiến của ông Dương Trung Quốc, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần xác định được giá trị thực, vị thế thực của đất nước. Phải lưu ý đến thuyết tam đoạn luận về phát triển: “kỳ diệu– ác mộng– khủng hoảng” qua thực tế ở khu vực Đông Nam Á. Tại giai đoạn kỳ diệu, nhiều mỹ từ được các tổ chức quốc tế, ngân hàng thế giới… tung ra ca ngợi sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế. Đến giai đoạn ác mộng, các nhà lãnh đạo trở nên kiêu căng, hợm hĩnh và xơ cứng với nhiều quyết định sai lầm trong chính sách điều hành quốc gia, gây ra hàng loạt quốc nạn như tham nhũng, vơ vét tài sản quốc gia, mất dân chủ… Khi ấy, bất bình xã hội tăng lên và tăng trưởng giảm đi và dẫn đến giai đoạn khủng hoảng. Đây là tình hình thực tế của nền kinh tế Indonesia, ở mức độ nhất định với Thái Lan và thường xuyên ở Philippines… Vậy một vấn đề đặt ra là Việt Nam đã miễn nhiễm với thuyết tam đoạn luận này và khỏi cái bẫy thu nhập trung bình chưa?
Ông Nguyễn Trung bày tỏ ý kiến về vấn đề dân chủ và tôn trọng giá trị của con người trong việc xây dựng một xã hội lành mạnh- yếu tố hàng đầu của phát triển bền vững. Khi tiếng nói của người dân được tôn trọng, những chính sách phát triển kinh tế- xã hội sẽ được thực hiện triệt để hơn và những vấn đề hậu quả ngoài mong muốn của những chính sách này sẽ được giảm thiểu. Còn theo GS Phan Đình Diệu, chúng ta cần hướng đến giáo dục con người gìn giữ và phát huy mối quan hệ tốt đẹp, lòng tin giữa con người với con người đã được hình thành trong lịch sử phát triển của dân tộc, qua đó xây dựng vững chắc nền tảng đạo đức xã hội mới. Đây sẽ là cơ sở để con người phát huy các nhân tố trí tuệ, trí lực để xây dựng và duy trì sự phát triển bền vững.
Có một vấn đề đặt ra là trong xã hội, lực lượng nào sẽ đảm nhận vai trò chính để xây dựng sự phát triển bền vững. Nhà văn Nguyên Ngọc đặt nhiều niềm tin vào lớp trẻ, những người tiếp thu được những giá trị tiến bộ của nhân loại và xác định được vị thế của chính mình trong xã hội. Trong quá trình hội nhập quốc tế, những giá trị của văn hóa nhân loại vẫn chảy vào Việt Nam và được giới trẻ Việt Nam tiếp nhận có chọn lọc. Quá trình toàn cầu hóa đã đem lại một “thế giới phẳng” không chỉ ở sự liên thông tư duy mà còn là phương pháp tư duy. Chính sự năng động, tiếp nhận tri thức mới và ý thức chính trị xã hội mạnh mẽ của phần lớn giới trẻ hiện nay đã đem lại niềm tin vào khả năng quyết định tương lai của đất nước.