Phòng chống tự sát: Một nỗ lực liên ngành

LTS: Một vài trường hợp tự sát được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và báo chí gần đây đã lên cuộc thảo luận gay gắt về việc làm thế nào để ngăn ngừa và hạn chế tối đa những sự việc tương tự. Ví dụ dưới đây của Đài Loan chứng minh rằng phòng tránh tự sát không chỉ dựa vào hành động ở từng chuyên ngành đơn lẻ, mà là nỗ lực liên ngành từ nhiều cơ quan các cấp chính phủ, bệnh viện, truyền thông, cộng đồng bền bỉ trong gần hai thập kỉ.

Trung tâm Phòng chống tự sát của Đài Loan trong một cuộc họp với các bộ, ban ngành của nước này. Ảnh: Phạm Thị Thu Hường.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) luôn nhấn mạnh thông điệp rằng, tự sát có thể ngăn ngừa được bằng các biện pháp hiệu quả dựa trên bằng chứng với chi phí không quá cao. Tuy nhiên, để hiệu quả, việc phòng chống tự sát phải mang tính toàn diện, tích hợp đa ngành, đa diện giữa nhiều lĩnh vực trong xã hội vì không có một cách tiếp cận đơn lẻ nào có thể tác động đủ đến một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố từ sinh lý – tâm lý – xã hội – văn hóa và môi trường sống như tự sát.

Kinh nghiệm từ chiến lược phòng chống tự sát của Đài Loan

Tự sát từng là một trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Đài Loan. Tỉ lệ tử vong do tự sát tăng gần gấp đôi từ 10/100.000 dân vào năm 1997 đến 18.8/100.000 dân trong năm 2005. Tuy nhiên, hiện nay, bằng những biện pháp mạnh mẽ, Đài Loan đã giảm được con số này trở lại gần bằng thời điểm năm 1997 với 11.8/100.000 dân (2020).

Câu chuyện phòng chống tự sát của Đài Loan xuất phát từ tháng 9/2005, khi nhận thấy tỉ lệ tử vong vì tự sát của nước này đang trên đà tăng quá nhanh, Bộ Y tế và Phúc lợi đã thiết lập dự án Phòng chống tự sát Quốc gia và Trung tâm phòng chống tự sát (Taiwan Suicide Prevention Center) với đường dây nóng tư vấn tâm lý. Đây chính là tiền đề tạo lập những nghiên cứu khoa học vững chắc, xác lập bức tranh tương đối rõ ràng về tình hình tự sát ở Đài Loan. Qua 16 năm dưới sự lãnh đạo của giáo sư Ming-Been Lee và cộng sự, Trung tâm phòng chống tự sát đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao các bằng chứng khoa học về tự sát thành các chính sách sức khỏe cộng đồng quốc gia và là cầu nối quan trọng giữa các nguồn lực từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Những đóng góp của Trung tâm phòng chống tự sát thể hiện rõ rệt trên chiến lược phòng chống tự sát theo mô hình ba tầng (cũng là mô hình mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo) của Đài Loan. Ba tầng này bao gồm: Tầng 1 – Tiếp cận bao quát toàn bộ người dân, Tầng 2 – Tiếp cận chọn lọc tới những người có nguy cơ tự sát cao và Tầng cuối cùng là tiếp cận tập trung hướng đến chăm sóc, theo dõi những người đã từng tự sát không thành và gia đình họ.

Tầng 1: Tiếp cận bao quát toàn bộ

Tầng này các chiến lược tập trung vào giáo dục kiến thức về tự sát và phòng tự sát, kiểm soát các phương tiện và hóa chất sử dụng trong tự sát (như than củi, thuốc trừ sâu), quản lý thông tin trong thông cáo báo chí và phim ảnh, truyền thông về sức khỏe tâm thần cho cộng đồng và đường dây nóng miễn phí tư vấn phòng tự sát.

Hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần Việt Nam bao gồm thiếu chính sách và quy định pháp luật về sức khỏe tâm thần; tổ chức và lập kế hoạch dịch vụ không phù hợp; nguồn nhân lực thiếu hụt; và thiếu các can thiệp dựa trên bằng chứng.

Việc tư vấn tâm lý được tiến hành qua mạng lưới dày đặc các phòng sức khỏe tâm thần đặt ở mỗi quận/hạt (có quy mô gần giống như quận/huyện ở Việt Nam) do Cục Y tế ở đó thành lập và quản lý. Ngoài ra, việc truyền thông này còn thực hiện qua các trường học. Trung tâm phòng chống tự sát phối hợp với Bộ Giáo dục để triển khai các chương trình truyền thông về sức khỏe tâm thần ở trường học để đào tạo cho giáo viên và học sinh/ sinh viên. Các nhà tư vấn tâm lý ở trường cũng được đào tạo để liên kết và chuyển tuyến các trường hợp có nguy cơ tự sát tới bệnh viện tâm thần khi cần thiết. Việc tiếp cận các dịch vụ tâm lý ở Đài Loan cũng thuận tiện và dễ dàng khi có gần 200 bệnh viện chuyên khoa tâm thần và khoa tâm thần thuộc bệnh viện đa khoa, với 264 phòng khám tâm thần tư nhân trên gần 23.5 triệu dân trên toàn quốc. Trung tâm phòng chống tự sát cũng thường xuyên phát hành tạp chí, ấn phẩm hướng tới cả giới chuyên môn và cộng đồng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng tránh tự sát. Ngoài ra, không thể không kể đến đường dây nóng tư vấn tâm lý túc trực 24/7 từ năm 2005. Trong đó các ca tư vấn được báo ngay đến cảnh sát để xác định vị trí của người đang trong cơn khủng hoảng. Mỗi năm có khoảng trên 70 nghìn cuộc gọi tới đường dây nóng và khoảng 600 trường hợp trong số đó được giải cứu ngay lập tức và đưa đến bệnh viện để điều trị.

Truyền thông cũng có một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tự sát. Bộ Y tế và Trung tâm Phòng chống tự sát thường xuyên tổ chức đào tạo với các cơ quan truyền thông về tầm quan trọng trên sản phẩm đại chúng liên quan đến tự sát, và tổ chức họp báo về phòng chống tự sát hằng năm. Từ năm 2006, các cơ quan truyền thông tại Đài Loan bắt đầu được khuyến cáo để áp dụng sáu nguyên tắc NÊN LÀM và sáu nguyên tắc KHÔNG NÊN LÀM do Tổ chức y tế thế giới hướng dẫn khi báo cáo về tự sát.

Nếu kiểm soát được, nhà nước sẽ bằng mọi cách tác động để hạn chế hoặc ngăn cản người dân sử dụng các phương tiện tự sát. Theo số liệu tự sát ở Đài Loan, năm phương thức tự sát phổ biến nhất là: treo cổ, ngộ độc khí CO từ đốt than củi, ngộ độc thuốc trừ sâu, nhảy lầu, và chết đuối. Tỉ lệ tự sát do ngộ độc khí CO từ đốt than củi đang chiếm tỉ lệ lớn và gia tăng gần đây (33.8% vào năm 2006 và 23.9% vào năm 2013). Để giảm tỉ lệ tự sát do than củi, Bộ Y tế đã mời quản lý của tất cả các siêu thị lớn và nhờ họ không chỉ sắp xếp than củi ở trên giá có khóa trong siêu thị mà còn dán số đường dây nóng tư vấn tự sát lên các túi than củi, dán bảng sàng lọc mức độ căng thẳng tâm lý, tờ rơi về những câu nói truyền cảm hứng về sự sống ở quầy thanh toán ở tất cả siêu thị/ cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Đài Loan cũng nỗ lực ngăn chặn việc tự tử bằng thuốc trừ sâu, mà đặc biệt là thuốc diệt cỏ paraquat. Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp thảo luận về hậu quả nặng nề của paraquat trong những ca tự sát và tới 1/2/2018 Bộ Nông nghiệp đã thông báo dừng nhập khẩu paraquat trên toàn quốc và dừng sử dụng từ 1/2/2019. Theo báo cáo mới nhất, sau lệnh cấm paraquat, tỉ lệ tự sát bằng paraquat giảm khoảng 58% năm 2019 và giảm tới 74% năm 2020. Cũng theo nghiên cứu của Trung tâm phòng chống tự sát Đài Loan, không có bằng chứng của việc chuyển sang phương pháp tự sát khác hay thay đổi sản lượng nông nghiệp sau luật cấm sử dụng paraquat.

Tầng 2: Tiếp cận chọn lọc

Tầng này bao gồm các chiến lược nhận biết sớm, phòng chống, và can thiệp những cá nhân có nguy cơ tự sát cao; sử dụng Nhiệt kế đo tâm trạng (5-item Brief Symptom Rating Scale, BSRS-5) để sàng lọc mức độ căng thẳng tâm lý và ý tưởng tự sát rồi khuyến cáo nhu cầu can thiệp ở từng mức độ để nâng cao tiếp cận về chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Nổi bật là chương trình đào tạo người “giữ cửa” (gatekeeper training) – tức là đào tạo những người dễ tiếp xúc và can thiệp nhất đối với những người gặp khủng hoảng tâm thần. Những người này không chỉ bao gồm các nhân viên y tế trong chuyên ngành tâm thần mà cho tất cả các bác sĩ, điều dưỡng và còn mở rộng ra cả giáo viên, công an, chủ kinh doanh thuốc trừ sâu trên toàn quốc. Họ được trang bị kiến thức cơ bản về tự sát, nhận biết và đánh giá nguy cơ tự sát và phối hợp chuyển các trường hợp tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần phù hợp.

Tác giả Phạm Thị Thu Hường đang giáo dục tâm lý cho bệnh nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người cao tuổi là một trong những đối tượng có nguy cơ tự sát cao. Bởi vậy, người cao tuổi trong các trung tâm y tế, viện dưỡng lão và những người cao tuổi cô đơn đều được khám sàng lọc tại cộng đồng thường xuyên. Các ca nghi ngờ sẽ được chuyển đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán chuyên sâu hơn.

Bên cạnh đó, các bác sĩ đa khoa ở các tuyến bệnh viện đều được đào tạo về chẩn đoán và điều trị trầm cảm. Các bệnh viện tâm thần đều có chương trình phòng chống tự sát từ nội trú tới ngoại trú đối với các ca nhập viện có ý tưởng và hành vi tự sát.

Tầng 3: tiếp cận tập trung

Nhiệm vụ của tầng này chăm sóc những người đã từng tự sát không thành và người thân của họ. Để theo sát họ, Chính phủ Đài Loan thiết lập Hệ thống giám sát tự sát quốc gia (National Suicide Surveillance System – NSSS). Hệ thống này kết nối chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ và bệnh viện, cũng như các bộ ban ngành khác trong chính phủ để lưu trữ và cập nhật chính xác các ca tự sát trên toàn quốc. Từ đó, họ có thể cung cấp dịch vụ theo dõi phù hợp cho những người sống sót bao gồm tư vấn, giáo dục tâm lý hay chăm sóc sức khỏe tâm thần và phúc lợi xã hội. Tới năm 2016, cả nước có 126 người quản lý ca tự sát với hơn 200 nghìn ca/năm. Những người này là bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tâm lý, có nhiệm vụ theo sát và hỗ trợ những người có hành vi tự sát.

Hiện nay mỗi quận/hạt của Đài Loan đều có hệ thống chương trình riêng về phòng tự sát và được Trung tâm phòng chống tự sát phối hợp, hỗ trợ, và đánh giá phù hợp với tiêu chí riêng của vùng. Tự sát đã không còn trong nhóm 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Đài Loan từ năm 2010. Để quản lý các chiến lược phòng tự sát hiệu quả hơn, Trung tâm phòng chống tự sát đã được chính phủ thông qua Luật Phòng chống tự sát và bắt đầu có hiệu lực từ  ngày 19/6/2019. Luật này thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, tổ chức khác nhau trong việc phòng chống tự sát. Cụ thể, Từ năm 2010 tới nay, các Bộ trưởng và Thứ trưởng các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Phúc lợi xã hội, Bộ lao động, Bộ tư pháp, Bộ Văn hóa, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp đều có các buổi họp hai – ba lần một năm để thảo luận về vai trò của từng Bộ trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần và phòng chống tự sát. Chẳng hạn, Bộ Văn hóa sẽ xây dựng các hoạt động hướng tới cộng đồng và truyền thông nói chung, Bộ Giáo dục phụ trách truyền thông và hướng dẫn về phòng chống tự sát cho giáo viên, học sinh, sinh viên. Bộ Y tế và Phúc lợi tập trung hỗ trợ những người có ý tưởng và hành vi tự sát và sức khỏe tâm thần cộng đồng. Bộ Nông nghiệp tập trung quản lý mua bán thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ qua chủ cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhìn về Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2019, tỉ lệ tự sát ở Việt Nam là 7.3/100.000 dân. Con số này thấp hơn trung bình toàn cầu là 9.0/100.000 dân. Phương pháp tự sát phổ biến nhất là treo cổ và ngộ độc hóa chất như thuốc trừ sâu. Một nghiên cứu trên bệnh nhân nhập viện do tự sát tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, 67% số ca được chẩn đoán khẳng định có ít nhất một loại rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn trầm cảm có tỉ lệ cao nhất, chiếm tới 23.3%. Theo nghiên cứu, ở các nước phát triển có tới 80% ca tự sát được xác định là có một chẩn đoán trầm cảm chủ yếu, nhưng tỉ lệ này ở các nước đang phát triển chỉ là 45%. Cũng theo WHO, sự chênh lệch này phản ánh một thực tế rõ ràng về sự kì thị liên quan tới bệnh tâm thần và hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn những ca tự sát đều diễn ra tại nhà hoặc cộng đồng (57-85%) và chỉ một tỉ lệ nhỏ chưa đến 5% là xảy ra ở bệnh viện tâm thần.

Ở Việt Nam, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần tập trung điều trị nội trú chủ yếu ở bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, còn lại rất hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, theo dõi người bệnh tại cộng đồng. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc khám sàng lọc, kê đơn và theo dõi thuốc hằng tháng cho người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh mạn tính từ năm 1999. Hơn nữa, người bị các chứng rối loạn tâm thần và gia đình còn lo sợ xã hội kì thị. Các gia đình thường tự chăm sóc, hỗ trợ người bệnh tâm thần tại nhà và hạn chế sử dụng các dịch vụ từ hệ thống nhà nước. Họ chỉ đưa người bệnh tới bệnh viện tâm thần khi tình trạng rất nặng.

Để cải thiện dịch vụ chăm sóc người bệnh có nguy cơ tự sát cần có những thay đổi chính sách phù hợp để thích nghi với những xu hướng phát triển của y tế thế giới và đảm bảo an toàn cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần Việt Nam bao gồm thiếu chính sách và quy định pháp luật về sức khỏe tâm thần; tổ chức và lập kế hoạch dịch vụ không phù hợp; nguồn nhân lực thiếu hụt; và thiếu các can thiệp dựa trên bằng chứng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi quốc gia cần phát triển và thiết lập chương trình phòng chống tự sát quốc gia với phương châm “phòng chống tự sát là trách nhiệm của mỗi người”. Tỷ lệ tự sát đã được đưa vào tiêu chí đánh giá quốc gia về tiêu chuẩn an toàn cho người bệnh trong đánh giá chất lượng bệnh viện ở Mỹ, đồng thời chính phủ cũng yêu cầu các bệnh viện phải tiến hành đánh giá nguy cơ tự sát đối với tất cả những người bệnh có ý tưởng tự sát. Những đánh giá bao gồm phỏng vấn trực tiếp về ý tưởng tự sát, kế hoạch, dự định, hành vi tự sát hay hủy hoại bản thân, các yếu tố nguy cơ, và yếu tố bảo vệ. Đồng thời phải có chính sách quốc gia về theo dõi và cung cấp dịch vụ chăm sóc sau khi ra viện đối với những người bệnh ngoại trú có nguy cơ tự sát cao. Tuy nhiên, tiêu chí về tỉ lệ tự sát và sàng lọc tự sát vẫn chưa được đưa vào trong Bộ 83 tiêu chí đáng giá chất lượng bệnh viện ở Việt Nam phiên bản mới nhất năm 2016. Do vậy, để cải thiện dịch vụ chăm sóc người bệnh có nguy cơ tự sát cần có những thay đổi chính sách phù hợp để thích nghi với những xu hướng phát triển của y tế thế giới và đảm bảo an toàn cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Những kinh nghiệm của Đài Loan có thể hữu ích đối với Việt Nam, đặc biệt là trong việc thúc đẩy nhận thức và xóa bỏ sự kì thị của cộng đồng đối với các rối loạn tâm thần, đồng thời mở rộng, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay để có thể hỗ trợ kịp thời và hợp lí. Cũng như Đài Loan, Việt Nam có thể sử dụng cách tiếp cận ba tầng trong việc phòng chống tự sát.

Với tầng thứ nhất tiếp cận bao quát toàn bộ: Không chỉ Bộ Y tế, các bộ, ban ngành khác cũng cần thiết phải tham gia vào việc hạn chế các phương tiện có thể gây tự sát và thay đổi nhận thức người dân trong việc phòng chống tự sát. Theo đó, Bộ Y tế có thể theo dõi quản lý để giảm tác hại và tác động lâu dài do rượu bia gây ra (theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ 1/1/2020). Nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng nguy cơ tự sát ở những người nghiện rượu cao gấp 60-120 lần so với những người không sử dụng rượu. Bộ cũng cần quản lý chặt chẽ thuốc bán theo đơn như nhóm thuốc hướng tâm thần, nhóm thuốc độc bảng A, B, thuốc gây nghiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần quản lý chặt chẽ việc mua bán thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Mặc dù đã bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng từ năm 2017, và cấm buốn bán từ 2019 nhưng thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất paraquat 2. 4D vẫn được mua bán khá dễ dàng. Theo Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm trên cả nước có hàng nghìn ca nhập viện do ngộ độc, tử vong do paraquat. Các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ có thể giúp nâng cao nhật thức và giảm kì thị của cộng đồng về sức khỏe tâm thần, đặc biệt đối với những người đang tìm kiếm sự trợ giúp về mặt tâm lý. Báo chí và những người làm nghệ thuật cần tham khảo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới khi đưa tin về tự sát hoặc sáng tác liên quan đến chủ đề tự sát và tự hại để giảm thiểu tác động có hại tiềm ẩn đối với những người dễ bị tổn thương hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bộ Giáo dục cần duy trì và đẩy mạnh chương trình tâm lý học đường, bồi dưỡng kĩ năng sống, kĩ năng giải quyết vấn đề và quản lý cảm xúc ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Với tầng thứ hai tiếp cận có chọn lọc: Việt Nam đã thành lập Chương trình quốc gia cho Rối loạn trầm cảm kể từ năm 2015 nhưng gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn về sức khỏe tâm thần ở các tuyến cơ sở. Do vậy, chuyên ngành tâm thần  cần phối hợp đào tạo cho cán bộ y tế các cấp nhận diện sớm, đánh giá, quản lý và theo dõi người có rối loạn tâm thần, rối loạn sử dụng chất gây nghiện, đau mạn tính và căng thẳng tâm lý cấp tính. Từ đó, các bệnh viện có thể tham gia đào tạo cho những nhóm tình nguyện viên ở cộng đồng cách đánh giá và hỗ trợ, quản lý những người có ý tưởng và hành vi tự sát ở cộng đồng. Hơn nữa, học hỏi từ phía Đài Loan, Bộ Y tế nên chuẩn hóa và phổ biến rộng rãi chương trình “gatekeeper training”. Đây là chương trình dành cho những người thường xuyên tiếp xúc và có tiếng nói đối một số cộng đồng trong xã hội, chẳng hạn như nhân viên y tế, giáo viên, công an. Nếu có kiến thức và thái độ, kĩ năng đúng đắn về sức khỏe tâm thần, họ có thể giúp nhận biết những người có nguy cơ, xác định mức độ nguy cơ tự sát và chuyển tuyến phù hợp. Các chương trình hỗ trợ tâm lý cần đặc biệt tập trung vào những nhóm dễ bị tổn thương như nạn nhân bị bạo hành, trải qua thảm họa, có người thân ra đi do tự sát.

Với tầng thứ ba tiếp cận tập trung, Bộ Y tế cần hỗ trợ chính sách để các bệnh viện tâm thần các cấp thiết lập chương trình theo dõi chăm sóc, hỗ trợ định kì đối với những người đã có hành vi tự sát sau khi ra viện. Bên cạnh đó, các bệnh viện tâm thần đều có thể cung cấp đường dây nóng tư vấn về tự sát.

Những gợi ý trên cần được đánh giá và áp dụng phù hợp trong bối cảnh các nghiên cứu chuyên sâu và chất lượng về các biện pháp can thiệp tự sát ở Việt Nam còn hạn chế. Để có các chương trình và chính sách phòng chống tự sát phù hợp với hệ thống, văn hóa, xã hội và thực sự có tác động lâu dài, các cơ quan ban ngành và các cấp chính quyền ở Việt Nam cần phải đầu tư và khuyến khích các nghiên cứu triển khai về vấn đề này để chính phủ và cộng đồng cùng chung tay trong phòng chống tự sát.□

—-

Tác giả: Nghiên cứu sinh, trường Đại hoc Quốc gia Đài Loan; Trợ lý nghiên cứu, Trung tâm Phòng chống tự sát Đài Loan; Giảng viên Khoa Điều dưỡng – Hộ sinh, trường Đại học Y Hà Nội; Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

—-

Tác giả xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ và góp ý về thông tin cho bài viết này từ Hội phòng chống tự sát Đài Loan và đặc biệt là:

GS. Ming-Been Lee, Chủ tịch Hội Phòng chống tự sát Đài Loan, GS danh dự trường Đại học Quốc gia Đài Loan.

GS. Jenny Chia-Yi Wu, Phó chủ tịch Hội phòng chống tự sát Đài Loan, Chủ tịch Hội Trầm cảm Đài Loan, GS Khoa Điều dưỡng – trường Đại học Quốc gia Đài Loan.

TS. Happy Tan, nguyên Cục trưởng Cục Sức khỏe Tâm thần và Nha khoa, Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan.

Tài liệu tham khảo:

2021https://www.mohw.gov.tw/dl-70945-f9e765cd-2149-43ac-ba8e-5ceceb8b315c.html

https://sites.google.com/a/tsos.org.tw/english/achievement?authuser=0

WHO, Suicide fact. 2021. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/suicide

Chang, S. S., Lin, C. Y., Lee, M. B., Shen, L. J., Gunnell, D., & Eddleston, M. (2022). The early impact of paraquat ban on suicide in Taiwan. Clinical toxicology (Philadelphia, Pa.), 60(1), 131–135. https://doi.org/10.1080/15563650.2021.1937642

World Health Organization & International Association for Suicide Prevention. (‎2017)‎. Preventing suicide: a resource for media professionals, 2017 update. World Health Organization. https://apps.who.int/iris/handle/10665/258814.

http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/4564-ngo-doc-thuoc-diet-co-paraquat-nhung-cai-chet-am-anh.html

Grumet, J. G., Hogan, M. F., Chu, A., Covington, D. W., & Johnson, K. E. (2019). Compliance Standards Pave the Way for Reducing Suicide in Health Care Systems. Journal of Health Care Compliance, 21(1), 10.

Preventing suicide: a resource for filmmakers and others working on stage and screen. Geneva: World Health Organization; 2019. https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/328774/WHO-MSD-MER-19.4-eng.pdf

Pompili, M., Serafini, G., Innamorati, M., Dominici, G., Ferracuti, S., Kotzalidis, G. D., Serra, G., Girardi, P., Janiri, L., Tatarelli, R., Sher, L., & Lester, D. (2010). Suicidal behavior and alcohol abuse. International journal of environmental research and public health, 7(4), 1392–1431. https://doi.org/10.3390/ijerph7041392

Tuan, N. V., Dalman, C., Thiem, N. V., Nghi, T. V., & Allebeck, P. (2009). Suicide Attempts by Poisoning in Hanoi, Vietnam: Methods Used, Mental Problems, and History of Mental Health Care. Archives of Suicide Research, 13(4), 368-377. doi:10.1080/13811110903266657

Nguyen, T. V., Dalman, C., Le, T. C., Nguyen, T. V., Tran, N. V., & Allebeck, P. (2010). Suicide attempt in a rural area of Vietnam: Incidence, methods used and access to mental health care. International Journal of Mental Health Systems, 4(1), 3. doi:10.1186/1752-4458-4-3

Cuong, T. V. (2017). Mental Health Care in Vietnam. Taiwanese Journal of Psychiatry, 31 (4), 13.

Dang, D. D. (2010). Đánh giá ý tưởng và hành vi tự sát trên người bệnh rối loạn trầm cảm nặng. Luận án chuyên khoa 2, Đại học Y Hà Nội.

Dang, H. M., Lam, T. T., Dao, A., & Weiss, B. (2021). Mental health literacy at the public health level in low and middle income countries: An exploratory mixed methods study in Vietnam. PLoS ONE, 15(12), e0244573. doi:10.1371/journal.pone.0244573

Van der Ham, L., Wright, P., Van, T. V., Doan, V. D. K., & Broerse, J. E. W. (2011). Perceptions of Mental Health and Help-Seeking Behavior in an Urban Community in Vietnam: An Explorative Study. Community Mental Health Journal, 47(5), 574-582. doi:10.1007/s10597-011-9393-x

Vuong, D. A., Van Ginneken, E., Morris, J., Ha, S. T., & Busse, R. (2011). Mental health in Vietnam: Burden of disease and availability of services. Asian Journal of Psychiatry, 4(1), 65-70. doi:https://doi.org/10.1016/j.ajp.2011.01.005

Nguyen, T., Tran, T., Tran, H., Tran, T., & Fisher, J. (2019). Challenges in Integrating Mental Health into Primary Care in Vietnam. In S. Okpaku (Ed.), Innovations in Global Mental Health (pp. 1-21). Cham: Springer International Publishing.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)