Phòng dịch và quản lý rủi ro trong nhà máy, khu công nghiệp

Để giảm rủi ro lây nhiễm và kịp thời chăm sóc các F0, khu công nghiệp, các nhà máy cần có quy trình chăm sóc y tế và quản lý rủi ro ngay tại chỗ, đồng thời bố trí tăng thông khí tại các khu vực văn phòng.


Xét nghiệm tại khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Để tiếp tục sản xuất trong các khu công nghiệp đang có nguy cơ lây nhiễm hoặc đã xuất hiện F0 thì các nhà máy phải lên phương án quản lý rủi ro và xây dựng quy trình: Quản lý rủi ro để không lây lan sang các ca kíp, dây chuyền, nhà máy khác; Quản lý rủi ro để kịp thời chăm sóc các F0 cần chăm sóc y tế bằng cách thành lập tổ y tế cộng đồng, trang bị các thiết bị chăm sóc tại chỗ, phát hiện và chuyển các ca cần chăm sóc lên tuyến y tế trên khi cần thiết; Trao đổi và tạo sự đồng thuận với công nhân về các điều kiện làm việc tại nhà máy trong tình hình dịch bệnh cũng như khả năng dịch bệnh còn diễn biến lâu dài cần đảm bảo sản xuất.

Cụ thể, các nhà máy cần lên kế hoạch bố trí sản xuất theo các hạng mục:

1. Sắp xếp để các bộ phận văn phòng làm việc tại nhà (nếu có thể).

2. Ngăn thành từng block sản xuất riêng để đảm bảo khi có các ca lây nhiễm không dẫn đến bị đứt gãy hoặc ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ các dây chuyền sản xuất khác. Nếu có điều kiện thì trong một block nên chia thành nhiều block nhỏ. 

3. Mở các cửa thông gió trên mái, trên tường, cửa ra vào, cửa sổ. Lắp đặt quạt hút gió công nghiệp tại khu vực sản xuất. 

Vệ sinh khu vực sản xuất: Làm sạch định kỳ và mở toàn bộ cửa và bật quạt thông gió khu vực sản xuất sau mỗi lần thay ca kíp và khi phát hiện F0. Nhà vệ sinh cần được hút gió và làm sạch liên tục. yêu cầu người lao động làm sạch vị trí làm trước khi rời đi.

Giảm mật độ tiếp xúc của người lao động, lý tưởng là 2-4m2/người. Chia công nhân làm theo ca kíp. Ưu tiên trao đổi nội bộ qua điện thoại thay vì gặp mặt trao đổi trực tiếp. Dán các ký hiệu vị trí đứng, ngồi, hướng đi. Tạo khoảng cách bằng cách lắp vách ngăn giữa các khu vực/bộ phận để làm giảm nguy cơ lây lan. 

Yêu cầu, tập huấn và thiết lập hệ thống loa nhắc nhở công nhân, cán bộ nhân viên định kỳ về đeo khẩu trang đúng, rửa tay đúng, không nói chuyện khi đứng gần (cả trong giờ làm việc và giờ nghỉ). Đặt khay khẩu trang và nước rửa tay rải rác nhiều nơi trong khu làm việc và trong nhà vệ sinh. Cử cán bộ giám sát việc thực hiện.

Sắp xếp một khu vực y tế riêng gồm các phòng cách ly người có triệu chứng, F1 và F0. 

4. Giám sát người lao động hằng ngày xem họ có triệu chứng nghi mắc COVID không và nhắc họ báo cho cán bộ quản lý ngay lập tức để được cách ly. Xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm và tách F0 để duy trì được đội sản xuất. 

5. Tách nhóm nhân viên phục vụ (bếp, vệ sinh, hành chính) thành một khối riêng không tiếp xúc trực tiếp với tất cả các block sản xuất. Lên kế hoạch thay thế nhân sự khi có F0, F1 cần được cách ly. 

6. Lập tổ y tế trong nhà máy để xử trí ca nhẹ và phát hiện sớm ca nặng.

7. Trang bị nhiều máy đo độ bão hòa oxy (SpO2) cho công nhân tự theo dõi. Trong trường hợp SpO2 giảm mà chưa có kết quả xét nghiệm COVID cũng coi là một ca nghi nhiễm và cần xét nghiệm ngay, và điều trị khi kết quả xét nghiệm COVID dương tính trong lúc chờ chuyển viện. 

8. Trong trường hợp có nhiều F0 mắc bệnh nhẹ thì vẫn có thể phân riêng khu cho F0 để họ tiếp tục sản xuất.

Các vaccine hiện nay đã được phê duyệt, kể cả không có hiệu lực chống lây nhiễm cao bằng vaccine mRNA thì đều giúp chống tăng nặng, chống tử vong và an toàn trên người được tiêm. Các nhà máy, khu công nghiệp nên thảo luận với công nhân về việc tiêm ngay vaccine nào có sẵn, đều đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe.

Tăng thông khí trong các khu vực văn phòng

Bên cạnh các biện pháp 5K, cần sửa đổi và lắp đặt trang thiết bị (nếu có điều kiện) để tăng thông gió, thoáng khí; do đó làm giảm nồng độ vi rút trong không khí và trên bề mặt. Nếu không có điều kiện lắp đặt trang thiết bị mới thì những thay đổi cơ bản dưới đây có thể làm tăng đáng kể mức độ thông khí tại các khu vực kín. Các biện pháp này không loại trừ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm nhưng có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ này.
Mở cửa ra vào, các cửa sổ, bật quạt để đuổi không khí trong phòng ra ngoài (không để luồng gió đi từ người này qua người khác) hoặc quạt hút gió đặt tại cửa sổ.
Quạt hút trong nhà vệ sinh luôn bật và hoạt động hiệu quả với tốc độ cao nhất.
Sử dụng máy hút mùi trong khu bếp khi có người sử dụng khu vực này.
Sử dụng hệ thống lọc không khí di động có màng lọc HEPA để tăng cường làm sạch không khí (đặc biệt ở những khu vực có nguy cơ cao). 
Lắp đặt hệ thống hút gió trên trần nhà (nếu có điều kiện).
Lắp đặt bộ lọc khí trung tâm và đặt chế độ lọc cao nhất có thể. Đảm bảo bộ lọc không khí có kích thước phù hợp và sử dụng trong thời gian được khuyến nghị. Kiểm tra vỏ và giá đỡ của bộ lọc để đảm bảo bộ lọc vừa khít và giảm thiểu không khí lưu thông xung quanh thay vì đi qua bộ lọc.
Sử dụng hệ thống chiếu tia cực tím (UVGI) ở những khu vực thông gió, thoáng khí kém.
Khởi động hệ thống tăng thông khí 2 tiếng trước và sau khi có người sử dụng.
Hạn chế tối đa việc sử dụng điều hòa khi có hơn 1 người sử dụng chung 1 phòng.
 
Do vẫn không loại trừ được nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn mà chỉ có thể hạn chế nên các nhà máy, khu công nghiệp cần thử nghiệm và đưa ra các hướng dẫn cụ thể cho từng khu vực có đặc điểm, mục đích sử dụng và thời tiết khác nhau. Đồng thời, xây dựng hệ thống checklist để người lao động và cán bộ chịu trách nhiệm giám sát/thanh tra có thể tự đánh giá và đưa ra các giải pháp cải thiện. Tham khảo checklist kiểm tra nơi làm việc của các ngành nghề khác nhau của Australia (https://www.safeworkaustralia.gov.au/collection/workplace-checklists-covid-19).

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)