Phương pháp chống dịch cũ với cách nhìn mới

Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã làm đảo lộn cách chúng ta nhìn về phương pháp chống dịch cũ từng rất hiệu quả của mình.


Đường phố Melbourne vắng vẻ trong những ngày lockdown. Ảnh: The guardian.

Biến chủng Delta buộc tất cả chúng ta phải khiêm nhường. Ở New South Wales (Úc), chúng tôi từng có một niềm tin sắt đá rằng chúng tôi có thể kiềm chế được sự lây lan của biến chủng Delta bằng cách lặp lại y hệt chiến lược đã hiệu quả vào năm ngoái, nhưng thực tế không được như vậy” – GS. Ben Marais, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu về Truyền nhiễm và An toàn sinh học Marie Bashir, Đại học Sydney, nói trong buổi hội thảo online “Con đường thoát khỏi COVID-19: Bài học của Úc và Việt Nam”, được tổ chức bởi Sáng kiến Úc – Việt Nam. 

Chia sẻ của GS. Marais không khỏi khiến ta nghĩ đến trường hợp của Việt Nam. Cho đến đầu tháng năm năm nay, chiến lược phòng chống COVID-19 của Việt Nam vẫn được cho là hiệu quả hàng đầu thế giới, nhưng ở thời điểm hiện tại, giống như Úc, dù “nỗ lực hết sức để kiểm soát dịch bệnh” số ca tại Việt Nam vẫn ở mức khoảng 8000/ngày.

Làn sóng Delta có lẽ là trận bùng phát dịch có ảnh hưởng tồi tệ nhất đến Việt Nam từ năm 2020 đến nay, theo lời TS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock ở Việt Nam. Dù áp dụng y hệt những cách làm ở thời kì trước, thì hiện nay kết quả thu về không được như cũ. Vậy cốt lõi của chiến dịch phòng chống dịch COVID-19 của chúng ta: xét nghiệm, phong tỏa, tiêm vaccine liệu có còn ý nghĩa? 

Câu trả lời là còn. Chỉ là chúng ta sẽ phải nhìn các phương pháp này dưới một hướng khác. 

Khi xét nghiệm không phải là để truy vết  

Năng lực và tốc độ xét nghiệm của Việt Nam tăng lên rõ rệt theo thời gian, đặc biệt là trong những đợt bùng phát dịch mạnh mẽ tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và gần đây nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Khi dịch bùng phát ở Bắc Ninh và Bắc Giang vào tháng năm vừa qua, năng lực xét nghiệm của cả nước là khoảng vài chục nghìn mẫu/ngày, tuy nhiên nay con số đó đã tăng lên gấp 10 lần. 


 Xét nghiệm ở TP. HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Chiến lược phổ biến của Việt Nam hiện nay, và cho đến cuối tháng Bảy ở các tỉnh phía Nam, nơi đang chịu ảnh hưởng lớn nhất của làn sóng thứ tư là “xét nghiệm nhiều người nhất có thể để truy vết tiếp xúc và để cách li nhanh nhất có thể” – theo lời của TS. Nguyễn Thu Anh. Đây là cách mà Việt Nam duy trì từ thời điểm dịch bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, cũng theo chị Thu Anh, giờ đây “xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và cách li vẫn chưa thể đuổi kịp tốc độ lây lan của virus”. Không chỉ Việt Nam, mà theo GS. Ben Marais, cốt lõi chiến lược chống dịch của Úc cũng là: xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Xét nghiệm nhiều người nhất có thể, gỡ bỏ các rào cản để người dân có thể xét nghiệm tiện lợi hơn và cuối cùng là dựa trên kết quả xét nghiệm để đề xuất và áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. 

Tuy nhiên, “Đó là chiến lược rất hiệu quả, nhưng chỉ khi số ca nhiễm ở mức rất thấp” – Ông nói. GS. Marais cho rằng, khi số ca nhiễm vượt quá một trăm ca mỗi ngày, cũng là lúc xu hướng lây lan trong cộng đồng trở nên khó dự đoán, việc xét nghiệm trên diện rộng không còn khả năng chỉ dẫn trực tiếp cho các quyết định về y tế công cộng. Nói cách khác, xét nghiệm không còn có ý nghĩa truy vết, cách li từng trường hợp F1, F2, F3… Lúc đó, giải pháp duy nhất để kiểm soát dịch bệnh là giãn cách hoặc phong tỏa một khu vực địa lý, một cộng đồng dân cư lớn.

Xét nghiệm lúc đó vẫn quan trọng, nhưng nó mang một ý nghĩa khái quát hơn. Theo GS. Marais, mục đích của xét nghiệm là để cơ quan quản lý y tế có thể cập nhật tình hình dịch bệnh đang hoành hành trong cộng đồng. Nó giúp đánh giá mức độ hiệu quả của các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội và khi nào thì nên nới lỏng hay gỡ bỏ những biện pháp này. 

Phong tỏa để “câu giờ”, nhưng đừng vội gỡ bỏ

Hiện tại Việt Nam đang thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (chỉ thị 16) tại hơn 20 tỉnh thành phố trên cả nước. Nhưng theo TS. Nguyễn Thu Anh, đảm bảo thực hiện điều này một cách nghiêm ngặt là một thách thức lớn vì phụ thuộc vào sự chấp thuận của mỗi người dân, nhất là khi giãn cách xã hội có tác động lớn tới sinh kế của nhiều người trong số họ. Dù vậy, đây vẫn là giải pháp duy nhất.

Từ kinh nghiệm của Úc, GS. Marais chia sẻ rằng, nước này đã từng theo đuổi chính sách “kiềm chế” COVID-19, nghĩa là sẽ “chịu đựng” các ca nhiễm trong cộng đồng ở một mức độ nào đó, để không ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội. Nhưng sau 18 tháng qua và nhất là trước tốc độ lây lan của biến chủng Delta, nước này đã nhận ra rằng chính sách trên không tối ưu về mặt chi phí. Thà rằng phong tỏa và giãn cách xã hội từ sớm, đưa số ca nhiễm về 0, và mở cửa lại xã hội sau đó. “Cách tốt nhất để sống chung với COVID-19, khi độ phủ vaccine thấp, là sống mà không có ca nhiễm nào” – ông nhấn mạnh. 

Đó là lí do mà mặc dù số ca nhiễm hiện nay ở Úc nhỏ hơn nhiều so với các đợt dịch trước, chỉ có khoảng 200 ca nhiễm/ngày (chưa bằng một nửa so với thời điểm tháng sáu năm ngoái) nhưng hiện nay hầu hết cư dân Úc đều đang sống trong tình trạng phong tỏa. Theo GS. Marais, với tình hình hiện tại, ít nhất là bang New South Wales, sẽ duy trì tình trạng phong tỏa cho đến khi nào số ca nhiễm ở mức từ 5-10 ca/ngày và những ca ít ỏi này chỉ nằm trong khu cách li tập trung. (Hiện nay bang này đang có 100 ca nhiễm mỗi ngày).       


Người dân xếp hàng chờ tiêm ở TP.HCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng.

Dĩ nhiên, GS. Marais cũng biết rằng cả nước không thể chịu sự phong tỏa hoàn toàn trong thời gian quá dài, đây chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp “câu giờ” để dần tăng tỉ lệ tiêm chủng – cách duy nhất để xã hội trở về bình thường. Nhưng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng không có nghĩa là vội vàng gỡ bỏ giãn cách. Theo PGS. James Trauer, chuyên gia phân tích dữ liệu y tế và kinh tế học sức khỏe, Đại học Monash, nói trong buổi hội thảo, khi nhóm nghiên cứu của ông mô hình hóa dữ liệu dịch bệnh của Philippines và Malaysia, thì họ thấy rằng, nếu tiến hành tiêm vaccine mà không thực hiện phong hỏa và giãn cách xã hội thì số ca sẽ tăng vọt lên hàng chục nghìn mỗi ngày ở giai đoạn giữa tháng tám. Số lượng người được tiêm vaccine hai liều ở thời điểm hiện tại không đủ để kiềm chế đáng kể sự lây lan của virus, đặc biệt là với biến chủng Delta. Nên nhớ rằng Philippines và Malaysia có tốc độ tiêm chủng nhanh hơn Việt Nam, lần lượt là 12 triệu liều và khoảng 15 triệu liều trong vòng nửa năm qua. 

GS. Marais cho rằng càng sống lâu trong tình trạng giãn cách xã hội, càng phải cẩn trọng khi gỡ bỏ nó, nếu không, những thành quả đạt được nhờ nó sẽ là vô nghĩa. Ông cảnh báo rằng các quốc gia có lẽ sẽ phải duy trì tinh thần cảnh giác cao độ, ít nhất là cho đến khi 80% dân số được tiêm phòng đầy đủ, nếu không, “kết cục sẽ cực kì tồi tệ, phí hoài 3-4 tháng phong tỏa”.   

Đừng quá đặt nặng miễn dịch cộng đồng

“Miễn dịch cộng đồng” là một khái niệm quá đỗi hấp dẫn từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Trước đây, với chủng cũ bắt nguồn từ Vũ Hán, các chuyên gia ước tính rằng nếu 60-70% người có miễn dịch với Sars-CoV-2 thông qua việc nhiễm tự nhiên hoặc tiêm chủng thì sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi. Giờ đây, ý tưởng đó trở nên ngày càng xa vời, không chỉ vì vaccine khan hiếm mà còn vì tốc độ tiêm chủng không đuổi kịp tốc độ lây lan của virus vì nhiều lí do liên quan đến nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ tiêm chủng và tâm lí trì hoãn của người dân. 

“Chúng tôi luôn cố gắng né tránh truyền thông về miễn dịch cộng đồng như một con đường duy nhất [để thoát khỏi đại dịch]. Bởi nếu không, người ta sẽ cảm thấy đó là điều không tưởng, cảm thấy rằng việc tiêm chủng rồi sẽ không đi đến đâu cả” – PGS. James Trauner nói. Giờ đây với biến chủng Delta, “ngưỡng miễn dịch” có thể phải đến 80-90% dân số hoặc cao hơn, trong khi hiện nay chưa có vaccine cho trẻ em và thanh niên được phổ biến và chấp nhận rộng rãi. 

Nhưng kể cả miễn dịch cộng đồng là một cái đích khó, điều đó không đồng nghĩa với việc hạ thấp vai trò và ý nghĩa của vaccine. Theo PGS. Trauner, hiện nay chưa có một biến chủng nào có thể vừa lây lan nhanh và vừa có khả năng “né tránh” vaccine. Vaccine vẫn là công cụ hữu hiệu “cầm chân” sự biến chủng của virus. Hãy nhìn sang trường hợp của Anh, một nước đã đạt tỉ lệ tiêm chủng khoảng 60% dân số trong đó 95% người già trên 60 tuổi đã tiêm vaccine. Hiện nay, mặc dù số ca mỗi ngày ở nước này là 15 – 16 ngàn người cao tương đương với mùa hè đầy căng thẳng năm 2020, số ca tử vong chỉ bằng 1/20 so với thời điểm đó. 

Mục tiêu tối thượng của vaccine hiện nay, là để bảo vệ nhanh nhất có thể những người dễ tổn thương nhất không bị trở nặng và tử vong. “Vấn đề giờ đây của chúng ta là kiểm soát virus: ai là người sẽ đạt miễn dịch tự nhiên, ai là người có miễn dịch bắt buộc thông qua tiêm chủng chứ không phải là tìm cách loại bỏ hoàn toàn virus bởi nó quá khó” – GS. Kristine Marcartney, Giám đốc Trung tâm quốc gia về Nghiên cứu và Tầm soát Tiêm chủng Úc, cho biết trong buổi hội thảo. Và điều đó càng phải được tối ưu trong trường hợp vaccine ở nhiều quốc gia mới có khả năng phủ khoảng 10% dân số. 

Vậy nhóm nào là nhóm dễ bị tổn thương nhất? Theo dữ liệu bệnh nhân nhiễm Sars-CoV-2, không có gì phải bàn cãi, tuổi tác là yếu tố lớn nhất và rõ ràng nhất dẫn đến những trường hợp trở nặng và bị tử vong. Điều này cũng đúng với Việt Nam khi đại đa số các ca tử vong đều ở độ tuổi trên 55. GS. Marcartney nhấn mạnh những người cao tuổi cần là đối tượng ưu tiên trước hết trong việc tiếp cận vaccine. Kể cả trong hướng dẫn của nhóm tư vấn SAGE của WHO về ưu tiên tiêm chủng vaccine COVID-19 trong trường hợp vaccine hạn chế cũng nhấn mạnh rằng, nấc thang ưu tiên tiêm chủng đầu tiên là những nhân viên y tế và người cao tuổi. Và phải tiêm hết cho những người thuộc nấc thang đầu tiên mới chuyển sang nấc thang thứ hai (những đối tượng xã hội khác cũng có rủi ro cao bị chuyển biến nặng hoặc tử vong nếu bị nhiễm COVID-19, chẳng hạn những người có bệnh nền). 

GS. Marcartney cũng thừa nhận rằng, biến chủng Delta “thách thức chúng ta phải tiêm hiệu quả hơn bao giờ hết”. Và để tiêm hiệu quả, để tiếp cận lần lượt các đối tượng ưu tiên, để các đối tượng này sẵn sàng tiêm khi đến lượt và tin tưởng vào vaccine, còn nhiều việc phải làm mà nguy cơ nhiễm bệnh vẫn chưa đủ thôi thúc họ: Phải làm họ tự tin vào tính hiệu quả và an toàn của vaccine; Phải gây dựng niềm tin vào quá trình R&D của vaccine nhờ vào tiếng nói của những nhà lãnh đạo đáng tin cậy và những người tạo ảnh hưởng trong công chúng; Quan trọng hơn, việc thiết kế chiến lược tiêm chủng phải luôn nhấn mạnh sự công bằng (equity) trong việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội; Phải có những mẫu hình hăng hái đi tiêm để mọi người dõi theo; Người dân phải có niềm tin vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhà nước; Những y bác sĩ phải khuyến khích người dân tiêm chủng và cuối cùng là việc tiếp cận các địa điểm tiêm phải dễ dàng. □

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)