Quan hệ thân hữu đang ‘bóp chết’ làm ăn chân chính

“Đây là một nhận định rất xác đáng và rất đáng mừng từ Thủ tướng. Ông đã nhìn thấy rõ thực trạng” – TS Lê Đăng Doanh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang “bóp chết” việc làm ăn chân chính. Báo điện tử Chính phủ trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về vấn đề này.

Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng quan hệ thân hữu trong nền kinh tế hiện nay?

Trong nền kinh tế thị trường, xuất hiện một hiện tượng trong kinh tế học gọi là quan hệ thân hữu, chủ nghĩa thân hữu. Tức là các doanh nghiệp và những người có quyền lực kết hợp với nhau, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận các dự án của nhà nước, tiếp cận các điều kiện ưu đãi.

Điều này không chỉ dừng lại ở từng vụ việc, từng dự án, mà có thể lan rộng hơn, ảnh hưởng tới cả quá trình ban hành chính sách, quyết định, như cho phép doanh nghiệp nào đó được xuất nhập khẩu một mặt hàng cụ thể.

Quan hệ thân hữu tồn tại ở nhiều nền kinh tế, nhưng ở các nước có sự giám sát chặt chẽ, đặc biệt là với vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan dân cử, thì quan hệ thân hữu có thể bị phát hiện và hạn chế tối đa.

Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, hiện đang có bê bối rất lớn liên quan đến việc các tập đoàn lớn đóng góp hàng chục triệu USD cho các quỹ phi lợi nhuận của một người bạn Tổng thống. Quan hệ thân hữu chỉ có thể đẩy lùi từng bước.  

Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu vẫn có thể lớn mạnh, thậm chí rất nhanh. Ông nghĩ sao về điều này?

Một số doanh nghiệp có thể lớn mạnh, nhưng quan hệ thân hữu dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng, không lành mạnh, bóp mép động lực của các doanh nghiệp khác. Thay vì tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, thì doanh nghiệp thân hữu lại đầu tư nhiều cho các mối quan hệ với các quan chức, cho “đút lót”. Một doanh nghiệp dựa trên quan hệ thân hữu trong nước không thể cạnh tranh quốc tế được.

Thực tế, ta thấy có những “đại gia” ở Việt Nam không hề đột phá gì về khoa học, công nghệ, không có phát minh hay sáng chế gì nhưng lại có thể “tay không bắt giặc”. Họ cũng không có năng lực kinh doanh gì đặc biệt, nhưng lại được, ví dụ, cho phép xây dựng một con đường cao tốc, họ cũng không làm gì cả mà bán lại ngay cho người khác và ăn chêch lệch ngay hàng nghìn tỷ đồng.

Nếu phân tích rộng hơn, đây chính là nguyên nhân làm cho chi phí vận tải, logistics của Việt Nam trở nên đắt đỏ, tạo thành gánh nặng cho doanh nghiệp rất khó cạnh tranh với khu vực và quốc tế.

Quan hệ thân hữu cũng có thể len lỏi vào những điều luật, thông tư, quy định và gây ra bất bình đẳng với các doanh nghiệp nhỏ khác. Nên nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cứ nhỏ mãi, không lớn lên được, một số thậm chí không muốn lớn lên.

Ông có thể phân tích kỹ hơn về điều này?

Hiện số  hộ kinh doanh ở Việt Nam rất lớn, tới hàng triệu. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, sử dụng trên 10 lao động phải đăng ký doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, có nhiều hộ sử dụng hàng trăm lao động, có tới vài ba khách sạn nhưng nhờ quan hệ với các quan chức địa phương nên họ vẫn không chịu đăng ký doanh nghiệp.

Chừng nào còn là hộ kinh doanh thì họ vẫn không phải tuân thủ theo pháp luật kế toán một cách nghiêm túc, không phải nộp thuế theo hóa đơn mà nộp thuế khoán, họ và cán bộ thuế có thể thương lượng với nhau để cả hai bên đều có lợi, chỉ có ngân sách nhà nước chịu thiệt.

Nói cách khác, tác động của quan hệ thân hữu là rất tai hại, bóp méo động lực kinh doanh, động lực phát triển kinh tế thị trường.

Trong Báo cáo Việt Nam 2035, các tác giả đã cảnh báo trình trạng thương mại hóa quan hệ giữa cơ quan nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân, tức là quan hệ thân hữu. Quan hệ thân hữu có rất nhiều màu sắc, có khi là quan hệ tiền bạc trực tiếp, có khi núp bóng dưới cái gọi là tình nghĩa quê hương, quen biết, rồi con ông cháu cha.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính. Ông đánh giá như thế nào về thông điệp này?

Đây là một nhận định rất xác đáng, và rất đáng mừng từ Thủ tướng. Ông đã nhìn thấy rõ thực trạng. Tôi từng nghe một người bán bún kể rằng ông này, ông kia thường xuyên ăn bún và nhờ đó bà ấy mới được bán, nếu không sẽ bị đuổi. Lẽ ra phải dành nhiều thời gian, công sức để làm ra một bát bún ngon thì người bán hàng lại phải chăm lo cho việc làm vừa lòng một ai đó. Đây chính là điều mà Thủ tướng đã nói, đã lo ngại.  

Để có thể xóa bỏ được quan hệ thân hữu, theo tôi trước hết cần tăng cường công khai, minh bạch, mọi quyết định của các cơ quan nhà nước phải được đưa ra lấy ý kiến. Đồng thời xác định trách nhiệm cá nhân, tăng cường trách nhiệm giải trình.

Bất kỳ ai quyết định điều gì dù là dựa trên ý kiến tập thể cũng phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu quyết định đó sai trái và phải bị trừng phạt, dù là trách nhiệm tài chính, hành chính hay hình sự.

Như ở Hà Nội, vừa qua Chủ tịch UBND Thành phố đã phát hiện vấn đề riêng tiền cắt cỏ đã lên tới 886 tỷ đồng, sau khi rà soát lại thì giảm được tới hơn 700 tỷ, chỉ còn 178 tỷ. Ở đây liệu có chuyện “sân sau” hay không, cần làm rõ.

Thủ tướng Chính phủ đã có tuyên bố rất cương quyết về việc đấu tranh, đẩy lùi quan hệ đó. Rất mong tuyên bố của Thủ tướng sẽ đi kèm với những quy định cụ thể để hạn chế và tiến tới xóa bỏ quan hệ thân hữu, trừng phạt những người vi phạm pháp luật khi sử dụng quyền lực để đem lại lợi ích cho thân hữu.

Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói là nếu có vi phạm thì dù về hưu rồi cũng không thể hạ cánh an toàn. Tôi mong với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, của Quốc hội, điều đó sẽ không thể diễn ra.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hà Chính (thực hiện)

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Box-canh-tranh/Quan-he-than-huu-dang-bop-chet-lam-an-chan-chinh/293499.vgp

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)