Quản lí dự án nghiên cứu khoa học: Kinh nghiệm từ Úc

Albert Szent-Gyorgyi (giải Nobel năm 1937 cho khám phá vitamin C) từng nói: nghiên cứu khoa học gồm có 4 điều: não suy nghĩ, mắt quan sát, thiết bị đo lường, và tiền. Làm khoa học cần tri thức, khả năng quan sát, và thiết bị, nhưng có lẽ quan trọng nhất là tiền. Không có tiền không thể nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm. Mỗi năm, Nhà nước Úc chi ra khoảng 5-6 tỉ đô-la Úc cho các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ. Ngân sách này chiếm khoảng 5% tổng sản lượng quốc gia (GDP), tức cao hơn các nước trong khối OECD (trung bình 3.5%). Phần lớn ngân sách nghiên cứu khoa học được phân phối đến các đại học hàng đầu và các viện nghiên cứu trên toàn nước Úc. Với một số tiền lớn như thế, hệ thống phân phối và quản lí ngân sách đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đầu tư cho khoa học đem lại lợi ích cho kinh tế và xã hội Úc. Bài viết này chỉ mô tả vài điểm chính của hệ thống đó với hi vọng các nhà quản lí trong nước có thêm thông tin để tham khảo.


Hai cơ quan chính chịu trách nhiệm quản lí dự án và phân phối ngân sách nghiên cứu khoa học là NHMRC (National Health and Medical Research Council – Hội đồng y tế và y khoa quốc gia) và ARC (Australian Research Council – Hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia).  NHMRC chủ yếu quản lí các dự án nghiên cứu liên quan đến các ngành y sinh học, còn ARC chủ yếu quản lí các dự án liên quan đến khoa học tựu nhiên và khoa học thực nghiệm.  Hai cơ quan này có tên là “Council” (Hội đồng) vì cơ cấu tổ chức không giống như cơ cấu của một cơ quan Nhà nước.  Chủ tịch và các thành viên trong hội đồng là các nhà khoa học làm việc bán thời gian và không lương.  Điều hành công việc hàng ngày là một nhóm cán bộ hành chính (những người này có lương) do Nhà nước tuyển dụng.  Các quan chức Nhà nước từ các bộ hầu như không dính dáng và không can thiệp vào việc quản lí và phân phối tài trợ của ARC và NHMRC. 
Tổ chức quản lí và phân phối tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học của hai hội đồng ARC và NHMRC rất giống với các tổ chức tương trự ở Mĩ (như NIH), ở Anh (như Medical Research Council hay Research Council), ở Hồng Kông, Âu châu, v.v… Bài này chỉ trình bày qui trình làm việc của NHMRC vì người viết có kinh nghiệm thực tế qua những đóng góp cho hội đồng này trong thời gian trên dưới 10 năm qua.  Nói một cách ngắn gọn, việc phân phối và quản lí dự án nghiên cứu của NHMRC được tiến hành theo 3 bước như sau: đệ trình đề cương, bình duyệt, và quản lí tiến trình.

Đệ trình đề cương nghiên cứu

 

Ở Úc, cũng như ở Mĩ và Âu châu, Nhà nước không “đấu thầu” những dự án nghiên cứu khoa học ở nước ta.  Định hướng nghiên cứu là do cộng đồng khoa học và “thị trường khoa học” chi phối, chứ không phải do Nhà nước đề ra.  Điều này có nghĩa là nhà khoa học hoàn toàn tự do chọn đề tài nghiên cứu mà họ cho rằng mình có khả năng chuyên môn để thực hiện.  Đường lối quản lí này xuất phát từ suy nghĩ cho rằng nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính quốc tế, và nhà khoa học phải chấp nhận cạnh tranh trên trường quốc tế với những ý tưởng mới và khả thi nhất. 
Tuy nhiên, thỉnh thoảng Nhà nước đề ra một định hướng nghiên cứu nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể (như cải thiện sức khỏe người thổ dân chẳng hạn) họ ra thông cáo và kêu gọi các nhà nghiên cứu đệ trình dự án trong định hướng này, nhưng đây là những nghiên cứu mang tính địa phương.
Một dự án nghiên cứu bắt đầu với một đề cương nghiên cứu (project proposal).  Đề cương thường được soạn thảo theo một cấu trúc gần như máy móc, với những nội dung như: dẫn nhập, mục tiêu cụ thể, phương pháp, kết quả kì vọng, ý nghĩa thực tế, ngân sách, và nhân sự.  Phần khoa học (mục tiêu cụ thể, phương pháp, kết quả kì vọng, ý nghĩa thực tế) của dự án chỉ chiếm 10 đến 30 trang giấy, nhưng phần hành chính (ngân sách và nhân sự) thường chiếm đến 100 trang giấy A4.  Sở dĩ phần hành chính chiếm một nội dung lớn như thế là vì hội đồng xét duyệt muốn đảm bảo rằng các nhà nghiên cứu hội đủ tư cách khoa học, có kĩ năng chuyên môn cần thiết, và có cơ sở và thiết bị để thực hiện đề án thành công. 
Trong phần khoa học, nhà nghiên cứu phải trình bày rõ ràng và cụ thể vấn đề là gì, tình hình hiện nay ra sao, khoảng trống tri thức nào vẫn còn tồn tại, và mục tiêu cụ thể của nghiên cứu là gì.  Trong phần phương pháp (phần dài nhất) nhà nghiên cứu phải trình bày chi tiết cụ thể cách thực hiện, và nếu cần hợp tác với người khác thì phải nói rõ hợp tác với ai và quyền sở hữu tri thức thuộc về ai.  Ngoài các phần vừa đề cập, nhà nghiên cứu còn phải lí giải kết quả mà họ kì vọng là gì (có nơi thậm chí còn đòi nhà nghiên cứu phải trình bày một biểu đồ hay một bảng số liệu tưởng tượng mà họ nghĩ là sẽ thu thập được) và ý nghĩa của kết quả nghiên cứu này giúp ích gì cho kinh tế hay xã hội của nước Úc.  Cụm từ then chốt ở đây là “cụ thể”; bất cứ một phát biểu nào cũng phải cụ thể, chi tiết với số liệu và hình ảnh (thậm chí phải chụp hình nơi làm việc và cơ sở thí nghiệm kèm theo đề cương), vì các chuyên gia bình duyệt không bao giờ chấp nhận những phát biểu chung chung.
Trong phần hành chính của đề cương, nhà nghiên cứu phải trình bày danh sách các thành viên trong nhóm nghiên cứu.  Các thành viên được chia làm hai nhóm: nhóm phụ trách nghiên cứu (còn gọi là Chief Investigators) giới hạn 6 người, nhóm hỗ trợ (như chuyên gia kĩ thuật và phụ tá xét nghiệm, kể cả nghiên cứu sinh), và nhóm cố vấn nghiên cứu.  Nhiệm vụ của từng thành viên trong dự án (ai làm gì) phải được mô tả cụ thể.  Lí lịch của từng thành viên trong nhóm phụ trách nghiên cứu phải được trình bày trong một có hệ thống.  Ngoài các thông tin nền (như trình độ học vấn,và các chức vụ đã trải qua), nhà nghiên cứu phải cung cấp các thông tin liên quan đến những bài báo khoa học đã công bố trong vòng 5 năm qua, kèm theo hệ số ảnh hưởng (impact factor) của từng tập san, và số lần trích dẫn (citations) cho từng bài báo khoa học.  Nhà nghiên cứu cũng phải cung cấp thông tin về các công trình đã thực hiện trong quá khứ như đề tài gì, nhận tài trợ từ đâu, bao nhiêu tiền, thành công hay thất bại ra sao, số bài báo công bố từ từng đề án nghiên cứu, v.v…
Phần ngân sách cũng phải được giải trình rõ ràng và cụ thể.  Nhà nghiên cứu phải trình bày kế hoạch chi tiêu cho nhân sự và thiết bị cho từng năm một cách cụ thể.  Tất cả các chi phí để đi dự hội nghị không được nằm trong ngân sách nghiên cứu.  Đây là phần làm nhiều nhà nghiên cứu nhức đầu nhất và khó nhất, vì có khi hội đồng xét duyệt đòi hỏi phải viết rõ tên họ và bằng cấp của người mà nhà nghiên cứu muốn nhận hay mời tham gia nghiên cứu!  Các chi phí này còn phải tính toán dựa vào khả năng lạm phát hàng năm. 
Dù đề cương chỉ có trên dưới 100 trang, nhưng các nhà khoa học phải tiêu ra nhiều tháng trời để soạn thảo.  Vấn đề không chỉ là cách diễn đạt bằng một loại văn chương tuyệt đối minh bạch, hay thể hiện ý tưởng một cách logic, mà còn phải làm nghiên cứu sơ bộ (pilot study) để có dữ liệu làm cơ sở cho đề cương nghiên cứu.  Số liệu sơ bộ đóng vai trò rất quan trọng, vì các số liệu nói lên tính khả thi của đề án nghiên cứu và chứng tỏ nhà nghiên cứu có khả năng thực hiện.  Phần lớn các hội đồng xét duyệt không bao giờ chấp nhận (chứ không phải không tin) những lời hứa của các nhà khoa học; họ không chấp nhận cách nói kiểu “hãy cho chúng tôi tiền, chúng tôi sẽ làm …”, nhưng họ kì vọng cách phát biểu theo kiểu “chúng tôi đã làm sơ bộ đến đây, chúng tôi cần tiền để tiếp tục…”.  Nói cách khác, thái độ và suy nghĩ của các hội đồng xét duyệt là: làm cho chúng tôi thấy rồi mới ngồi xuống nói chuyện tiền bạc với chúng tôi; còn nếu các anh chị hứa sẽ làm, thì hãy về làm đi rồi chúng ta sẽ bàn tiếp.
Về tính minh bạch, tất cả những qui định về đề cương và tiêu chuẩn bình duyệt đều được công bố trên mạng, kèm theo những chỉ dẫn rất chi tiết.  Thậm chí, NHMRC còn có những khóa huấn luyện chỉ dẫn các nhà khoa học cách soạn thảo một đề cương nghiên cứu và cách phản hồi những phê bình của các chuyên gia bình duyệt.

Bình duyệt 
Sau khi nhận được các đề cương nghiên cứu, NHMRC gửi thư mời các nhà khoa học (trong và ngoài nước) tham gia vào công tác bình duyệt.  Khi nhận được phản hồi và tuyển chọn, NHMRC thành lập các tiểu ban bình duyệt (Expert Review Panel) để xét duyệt.  Số lượng các tiểu ban này thường dao động từ 20 đến 30 mỗi năm, tùy theo nhu cầu và đề tài của các đề cương nghiên cứu trong năm.  Mỗi tiểu ban bình duyệt phụ trách một đề tài khoa học hẹp, thường có 10 đến 15 thành viên, và các thành viên này bầu ra một chủ tịch, phó chủ tịch, và người phát ngôn.  Danh sách các thành viên trong tiểu ban bình duyệt thay đổi hàng năm, và được công bố trên internet.
Các thành viên trong tiểu ban bình duyệt là các nhà khoa học đến từ khắp nước Úc, và phần lớn họ cũng chính là những người đang nộp đề cương xin tài trợ.  Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, nếu đề cương của chính họ hay của một nhà khoa học mà họ từng hoặc đang cộng tác được tiểu ban xét duyệt, thì họ phải rời phòng họp và không được phát biểu trong khi bình duyệt.  Họ là những người làm việc bán thời gian, hoàn toàn không lương bổng.  Tuy nhiên, NHMRC trả tiền đi lại và ăn ở cho họ trong suốt thời gian họp để bình duyệt các đề cương nghiên cứu. 
Nhiệm vụ chính của tiêu ban bình duyệt là thẩm định các đề cương nghiên cứu.  Cách thẩm định được tiến hành qua hai bước.  Bước 1, sau khi đọc qua đề cương nghiên cứu, họ có nhiệm vụ phải tuyển chọn và mời 3 chuyên gia bình duyệt (reviewer hay referee) phía ngoài bình duyệt đề cương.  Bước 2, sau khi đã nhận được 3 báo cáo của 3 chuyên gia bình duyệt, họ họp lại để bàn thảo và cho điểm đề cương nghiên cứu.
NHMRC yêu cầu các báo cáo của chuyên gia bình duyệt phải tập trung vào các khía cạnh như sau: đánh giá ý tưởng của đề cương nghiên cứu có gì mới (hay chỉ lặp lại những công trình trước), và nếu mới thì có xứng đáng để tài trợ hay không, phương pháp đề nghị có thích hợp hay không, cơ sở vật chất có đầy đủ để thực hiện công trình nghiên cứu hay không, ý nghĩa thực tế mà công trình nghiên cứu đem lại cho kinh tế và xã hội Úc, ngân sách đề nghị có thích hợp hay không, và quan trọng hơn hết là “track record” (thành tích) của các nhà nghiên cứu có đủ tư cách để thực hiện công trình này.  Phần thành tích khoa học, các chuyên gia bình duyệt xét đến năng suất khoa học (số lượng bài báo), chất lượng nghiên cứu qua hệ số ảnh hưởng của tập san khoa học, số lần trích dẫn của các bài báo khoa học, và uy tín cá nhân của nhà khoa học trên trường quốc tế.
Tiểu ban bình duyệt gửi 3 báo cáo bình duyệt này cho nhà khoa học chủ đề án nghiên cứu.  Trong vòng hai tuần, nhà khoa học chủ đề án và đồng nghiệp phải phản hồi (trả lời) tất cả các vấn đề hay phê bình nêu trong báo cáo.  Điều khó khăn là phần trả lời chỉ gói gọn trong vòng 2 trang A4 (tất cả các câu chữ ngoài 2 trang sẽ bị cắt bỏ và không xem xét), trong khi 3 bản báo cáo phê bình thường lên đến 10 trang.  Phần trả lời này rất quan trọng, vì đây là cơ hội sau cùng nhà nghiên cứu có thể thuyết phục tiểu ban bình duyệt về đề cương nghiên cứu của họ.
Dựa vào báo cáo của 3 chuyên gia bình duyệt và phản hồi của nhà khoa học chủ trì đề án, tiểu ban bình duyệt họp lại và cho điểm (tập thể nhất trí) đề cương nghiên cứu.  Điểm được cho 3 phần chủ yếu: ý tưởng, phương pháp, và thành tích của nhóm nghiên cứu.  Dựa vào số điểm, họ xếp hạng một đề cương vào một trong năm nhóm sau đây: outstanding (vượt trội), excellent (xuất sắc), very good (rất tốt), tốt (good), và fair (trung bình).  Tất cả các đề cương nằm trong nhóm “vượt trội” đều được tài trợ, nhưng chỉ có 50% các đề cương trong nhóm xuất sắc được tài trợ; phần còn lại không được tài trợ.  Qui định này gần như bất biến, và không có ngoại lệ, bất kể người đứng đơn là một nhà khoa học với giải Nobel hay một nhà nghiên cứu trẻ.  Ngay cả các thành viên trong tiểu ban bình duyệt vẫn thất bại (rất thường) trong việc xin tài trợ cho nghiên cứu khoa học.  Số đề cương được chọn để tài trợ (xem là thành công) chỉ chiếm khoảng 20-25% trên tổng số đề cương nộp.  Mỗi năm, NHMRC nhận được khoảng 1000 đề cương, và các tiểu ban bình duyệt phải loại bỏ từ 750 đến 800 đề cương!
NHMRC lập một danh sách các đề cương được thông qua và tài trợ và trình danh sách này cho Bộ trưởng y tế (hay Bộ trưởng khoa học trong trường hợp ARC) để ra thông báo chính thức cho nhà khoa học.  Thông báo được gửi kèm theo nhận xét của tiểu ban bình duyệt tại sao đề cương được (hay không được) tài trợ.  Số tiền tài trợ cũng được thông báo rõ ràng trong thư kèm theo một số điều kiện về đạo đức nghiên cứu và luật pháp.  Số tiền được tài trợ thường thấp hơn số tiền yêu cầu. 
Nếu không được tài trợ và nếu nhà nghiên cứu cảm thấy nhận xét hay quyết định của tiểu ban bình duyệt không hợp lí, nhà nghiên cứu có quyền nộp đơn phản đối.  Tuy nhiên, thủ tục phản đối này chỉ mang tính … thủ tục, vì trong thực tế từ ngày thành lập đến nay (khoảng 70 năm), chưa bao giờ NHMRC thay đổi quyết định. 

Quản lí tiến trình của dự án
Tiền tài trợ cho nghiên cứu trên danh nghĩa là cấp cho nhóm nghiên cứu, nhưng nhà khoa học không trực tiếp quản lí số tiền này.  Trong thực tế, NHMRC chuyển tiền tài trợ đến và ủy nhiệm cho trung tâm nghiên cứu (trường đại học hay viện nghiên cứu) trực tiếp quản lí số tiền này.  Thật ra, trung tâm nghiên cứu trả cho trung tâm nghiên cứu để quản lí ngân sách nghiên cứu.  Do đó, số tiền mà trung tâm nhận được thường cao hơn ngân sách của đề án khoảng 15 đến 20%, tùy theo trung tâm.  Chẳng hạn như nếu đề án được cấp 1 triệu đôla, thì trung tâm sẽ cộng thêm 150 đến 200 ngàn đôla, và NHMRC sẽ phải cho 1.15 đến 1.2 triệu đôla cho đề án.
Một đề án nghiên cứu thường kéo dài từ 3 năm đến 5 năm.  Mỗi năm, người chủ trì đế án nghiên cứu phải báo cáo cho NHMRC về tiến trình của nghiên cứu.  Báo cáo này chỉ vỏn vẹn 3 trang giấy, và chỉ liên quan đến khoa học, chứ không liên quan đến phần tài chính.  (NHMRC không trực tiếp kiểm tra xem nhà nghiên cứu chi số tiền tài trợ cho khoản nào). 
Khi dự án kết thúc (năm thứ 3 hay thứ 5), người chủ trì đế án nghiên cứu phải soạn thảo một báo cáo sau cùng.  Bản báo cáo này chỉ dài khoảng 10 trang (tùy theo số lượng bài báo khoa học công bố), nhưng phải bao gồm các khía cạnh như sau: nhắc lại mục tiêu cụ thể của đề cương nghiên cứu, mô tả đề án có đạt được các mục tiêu đề ra hay không, thay đổi nhân sự (nếu có), số lượng ấn phẩm khoa học công bố (như bài báo khoa học, sách, chương sách, v.v…), tập san công bố, số lần trích dẫn (nếu có), bằng sáng chế, số nghiên cứu sinh đào tạo được, số nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ đã huấn luyện, và hướng nghiên cứu kế tiếp. 
Trong thực tế, đây là một báo cáo hành chính, vì không có chuyên gia nào bình duyệt bản báo cáo.  Ở Úc, cũng như ở Mĩ và Âu châu, không có “nghiệm thu” công trình như ở nước ta.  Bởi vì “sản phẩm” chính của công trình nghiên cứu là các bài báo khoa học công bố và bằng sáng chế, cho nên NHMRC rất đặt nặng vào hai chỉ tiêu này.  Chính vì thế mà các chỉ số ảnh hưởng của tập san và số lần trích dẫn phải được liệt kê rõ ràng.  Vì nghiên cứu mang tính kế thừa và liên tục, cho nên nếu nhà nghiên cứu không công bố được bài báo nào trong thời gian thực hiện dự án, thì chắc chắn sẽ không bao giờ được tài trợ lần sau và có thể nói là sự nghiệp của nhà nghiên cứu sẽ bị gián đoạn.

Vài nhận xét

 

Hệ thống quản lí dự án nghiên cứu khoa học ở Úc như tôi vừa trình bày có những lợi thế nhưng chưa thể nói là hoàn hảo được, vì hệ thống này phụ thuộc vào cơ chế bình duyệt (peer review).  Về mặt lí thuyết đây là một cơ chế rất hay, bởi vì người đánh giá công trình nghiên cứu là những người cùng làm trong ngành, có chuyên môn liên quan đến công trình nghiên cứu, họ chính là người có thẩm quyền và khả năng đánh giá chất lượng của công trình nghiên cứu.  Nhưng nhà khoa học cũng chỉ là những người có tình cảm và thiên kiến, cũng là những người chịu sự chi phối của các nhu cầu tất yếu, cũng cạnh tranh, cho nên kết quả bình duyệt công trình khoa học không phải lúc nào cũng hoàn toàn khách quan.  Bởi vì những chuyên gia bình duyệt không được phần thưởng vật chất nào (hoàn toàn không lương và hoàn toàn tự nguyện) họ không có động cơ để làm việc tốt.  Bên cạnh đa số nhà khoa học nhận lấy trách nhiệm một cách nghiêm túc, cũng có người do ghanh tị nên sẵn sàng tìm mọi cách làm khó công trình nghiên cứu của đồng nghiệp.  Một số người khác thì ăn cắp ý tưởng từ đề cương mình duyệt và tìm cách “dìm” cho được đề cương để mình làm trước.  Có người thậm chí còn vi phạm điều lệ tín cẩn và chuyển giao số liệu và thông tin cho đồng nghiệp đang nghiên cứu cùng đề tài.  Do đó, rất nhiều người từng trải qua cái cơ chế này cho rằng đó là một hệ thống không hoàn chỉnh và có khi thiếu công bằng.  Nhưng vấn đề thực tế là ngoài hệ thống bình duyệt đó, chưa có hệ thống nào tốt hơn! 
Hệ quả là có nhiều đề cương chất lượng rất tốt nhưng không được tài trợ; ngược lại có nhiều đề cương đọc quan tựa đề là thấy “có vấn đề” (hay vô bổ) nhưng lại được tài trợ.  Đã có không ít trường hợp mà trong đó đề cương nghiên cứu được xếp hạng “xuất sắc” nhưng điểm đạt là 49 (trong mỗi hạng có điểm từ 0 đến 100), vì dưới 50 điểm nên không được tài trợ.  Nhưng năm sau vẫn đề cương đó lại được điểm 52 (có lẽ do một tiểu ban bình duyệt khác), và được tài trợ!  Đó là một cách đánh giá và cho điểm cực kì máy móc, làm cho không ít nhà nghiên cứu tức giận và bỏ nước ra đi.  Cũng chính vì cơ chế cứng nhắc này mà hàng năm NHMRC nhận được hàng trăm phàn nàn, phản đối (với đủ thứ lí do, có khi rất cá nhân) từ các nhà khoa học mà dự án của họ không được tài trợ.  Nhưng như đề cập trên, NHMRC không bao giờ thay đổi quyết định, dù họ chấp nhận rằng quyết định của họ có thể sai sót và gây tổn hại cho nhà nghiên cứu. 
Cũng cần nói thêm rằng cơ chế xét duyện đề cương như trên không phải là một sáng kiến của Úc, mà là của Mĩ và đã được áp dụng khắp thế giới.  Cho đến nay, đó là cơ chế chuẩn để thẩm định một đề cương nghiên cứu.  Ngay cả các công ti kĩ nghệ cũng dựa vào hệ thống bình duyệt để phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học.
Đánh giá thành tựu của một công trình nghiên cứu khoa học là một vấn đề cực kì khó khăn.  Khoa học cơ bản được định nghĩa là những nghiên cứu nhằm phát triển tri thức mới hay tìm hiểu những khía cạnh cơ bản của hiện tượng tự nhiên có thể quan sát được nhưng có thể không có ứng dụng trong một tương lai gần.  Chẳng hạn như các nhà vật lí học nghiên cứu về khả năng truyền dẫn hình ảnh qua fibre optics trong thập niên 1950s, nhưng mãi đến 30 năm sau mới tìm được ứng dụng của thành tự này qua việc phát triển các máy nội soi trong y khoa.  Tương tự, khám phá về vai trò của testosterone (một hormone nội tiết) trong thập niên 1930s, nhưng phải chờ đến 40 năm sau mới tìm thấy ứng dụng trong lâm sàng và chăn nuôi.  Nói tóm lại, sản phẩm chính của nghiên cứu khoa học là tri thức, nhưng điều mà các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu khoa học (hay trả tiền để có được tri thức) cần là ứng dụng.  Trong khi nhà khoa học đi tìm sự thật, thì các nhà quản lí đòi hỏi sự hữu dụng của thông tin.  Điều này có nghĩa là bất cứ một chỉ số nào để đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học cơ bản trong một thời gian ngắn đều không thể phản ảnh được sự đóng góp vào kinh tế và xã hội của nghiên cứu khoa học. 

 

Một cách đánh giá thành tựu ngắn hạn là dựa vào bài báo khoa học công bố trên các tập san quốc tế.  Như trình bày trên, các nhà quản lí dự án khoa học ở Úc không có cơ chế “nghiệm thu” như ở nước ta, nhưng họ có cơ chế thực tế hơn để đánh giá sự thành bại một dự án nghiên cứu: đó là căn cứ vào các ấn phẩm khoa học xuất phát từ công trình nghiên cứu.  Chính vì thế mà trong các báo cáo hàng năm hay báo cáo sau cùng, người ta rất chú trọng danh sách những bài báo khoa học, tập san đã công bố, và hệ số ảnh hưởng của các bài báo khoa học.  Ở một khía cạnh khác, các nhà quản lí cũng xem xét đến thành tựu (outcome) mà nghiên cứu đã đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội: đó là bằng sáng chế đã hay đang được đăng kí trên thế giới.  Có thể nói hai chỉ tiêu này thuộc vào hàng số 1 để thẩm định sự thành công hay thất bại của công trình nghiên cứu.
Ở nước ta, có ý kiến cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam chưa thể lấy tiêu chuẩn công bố quốc tế để nghiệm thu một công trình nghiên cứu vì hoàn cảnh nước ta khác với các nước Tây phương.  Tuy nhiên, tôi thấy ý kiến đó không đúng và mang tính … ngụy biện.  Tôi không hiểu “hoàn cảnh” nào mà các nhà khoa học nước ta không công bố được, nếu những công trình của họ có giá trị và được thực hiện theo những tiêu chuẩn chung.  Thật ra, các tập san quốc tế có xu hướng tạo điều điệu thuận lợi như không lấy chi phí in bài, dành ưu tiên đăng bài, châm chước vấn đề ngôn ngữ … cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển như ở nước ta để công bố ấn phẩm khoa học.
Nhưng vấn đề đặt ra là thời gian từ lúc nộp bài báo đến khi được chấp nhận và công bố trên các tập san (gọi tắt là “thời gian công bố”) thường không ngắn, nhưng một công trình nghiên cứu thường chỉ kéo dài từ 3 đến 5 năm, vậy thì yêu cầu công bố bài báo khoa học có phi thực tế hay không.  Thời gian công bố dao động khá lớn giữa các tập san trong cùng một ngành khoa học và giữa các bộ môn khoa học và theo thời gian.  Trong thập niên 1990s, thời gian công bố thường kéo dài đến 1 năm (ngoại trừ ngành toán học có thời gian công bố trung bình đến 20 tháng – xem Bảng 1).  Nhưng trong thời gian gần đây, với sự phát triển của internet, thời gian công bố giảm đáng kể.  Một nghiên cứu gần đây cho thấy các tập san lớn trong tập đoàn Nature và BMC có thời gian công bố dao động từ 3 đến 5 tháng! (Bảng 2)  Theo kinh nghiệm của người viết bài này, các tập san y học hàng đầu trên thế giới như New England Journal of Medicine, JAMA, Annals of Internal Medicine, v.v… thời gian công bố tính trung bình khoảng 9 tháng.  Cần nói thêm rằng những tập san lớn (ra hàng tuần hay hàng tháng), chỉ công bố khoảng 5% tổng số bài nhận được hàng năm vì hệ thống bình duyệt rất khắc khe, và có ảnh hưởng rất lớn đến y học.  Do đó, yêu cầu công bố bài báo khoa học từ các dự án nghiên cứu, nhất là trong các bộ môn khoa học thực nghiệm như y sinh học và lí hóa học, không phải quá phi thực tế như có người quan tâm.  Vấn đề là nhà khoa học cần phát hiện vấn đề sớm, chịu khó làm việc, và chấp nhận cạnh tranh trên trường quốc tế.
Như có lần phát biểu trước, nước ta đang hội nhập quốc tế, và theo tôi hội nhập phải bắt đầu từ nghiên cứu hoạt động khoa học vì đây là lĩnh vực mang tính quốc tế cao nhất.  Câu hỏi đặt ra là có nên áp dụng mô hình quản lí của Úc vào nước ta không?  Để trả lời câu hỏi này, tôi xin nhắc lại rằng nước Pháp tự hào rằng Pháp đã, đang và sẽ không bao giờ trở thành một phiên bản của bất cứ nước nào trên thế giới, nhưng các hoạt động nghiên cứu khoa học của Pháp cũng dựa vào các chuẩn mực quốc tế. Chúng ta cần phải có một “con đường” riêng cho chính chúng ta, nhưng con đường đó phải phù hợp với trào lưu của thời đại, phải tuân thủ theo những chuẩn mực quốc tế mà chúng ta là một thành viên.  Chẳng hạn như chúng ta không thể biện minh rằng vì “hoàn cảnh” mà không công bố ấn phẩm nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế, trong khi đó chính là một chuẩn mực mà đại đa số các nước trên thế giới chấp nhận.  Tôi tin rằng cơ chế quản lí dự khoa học của Úc rất cần được tham khảo để đi đến một cơ chế hoàn chỉnh và thích hợp cho nước ta.

Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)