Quỹ Giải hiếu học Ngô Bảo Châu, sao không?
Sau vinh quang sáng nhất trong lịch sử học hành xứ ta, Ngô Bảo Châu trở về và trao trọn món quà giải Fields toán học cho đất nước! Và anh xúc tiến việc lập ra quĩ khuyến học nhằm tri ân và cổ vũ tinh thần học hành đất Việt. Việc này lớn lao hơn tiếng chuông nhất thời. Giải thưởng anh mang về là một giải thưởng về tri thức có tầm vĩ đại cho tinh thần Việt, ngàn năm nay chưa bao giờ có. Cũng có thể bốn năm sau, mà cũng có thể là cả 100 năm sau, xứ ta mới sẽ có một giải Fields khác.
Vì từ hàng ngàn năm nay tập tục chỉ quen thờ phép vua và thua lệ làng. Tập tục không ủng hộ sáng kiến và trách nhiệm cá nhân. Một sáng kiến cá nhân như vậy quen bị coi như một sự thách đố, hoặc bất lợi, hoặc đáng chê cười. Tinh thần tập tục là “mọi thần dân đều bình đẳng trước ngai vua”, và vua xử thần chết, không chịu chết là bất trung.
Sâu thẳm trong mỗi chúng ta, tập tục mách rằng Ngô Bảo Châu cũng chỉ là một thần dân như chính ta trước bề trên, với chút tài năng và may mắn hơn mà thôi.
…
Để xã hội, con người và đời sống xứ sở đi lên, chúng ta phải đủ can đảm vứt bỏ cái di căn tập tục này, và mở lòng đón nhận một đời sống mới.
|Một đời sống vui vẻ, thuận hòa, trong đó tự do cá nhân, sáng kiến cá nhân, trách nhiệm cá nhân, hạnh phúc cá nhân là nền tảng và hướng đích của toàn bộ nỗ lực của mỗi người và của cộng đồng.
…
Quĩ khuyến học, hiển nhiên là cần thiết và đáng trân trọng.
Nhiều quĩ khuyến học thêm nữa, hiển nhiên là càng cần thiết và đáng trân trọng.
Nhiều quĩ khuyến học, của nhà nước, của các đoàn thể, của các doanh nghiệp, của các cá nhân, hay của các hình thức liên kết phong phú giữa họ, càng hiển nhiên là cần thiết và đáng trân trọng.
Không một quĩ khuyến học nào lại không xứng đáng cả.
Tất nhiên nếu có những quỹ trá hình thì hãy để cho quan tòa làm việc với chúng.
….
Vậy thì trong tương lai, tất cả các quỹ khuyến học đó, sớm hay muộn chúng sẽ được hình thành và phát triển, đó là điều chắc chắn!
Và mỗi quĩ phải khuyến học được một cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất, say lòng người nhất theo cái bản sắc của riêng mình.
…
Hãy quay lại với cái quĩ do người mang giải Fields mong ước lập ra.
Cái tài sản lớn nhất của quỹ này, không phải là 15000 đôla canada.
Cái tài sản lớn nhất của quỹ này cũng không phụ thuộc trực tiếp ngay vào việc sẽ có bao nhiêu tiền sẽ được mỗi người và các tổ chức xã hội đóng góp vào sắp tới đây.
Cái tài sản lớn nhất của quỹ này là cái tinh thần đặc biệt của một con người Việt.
Ngô Bảo Châu sinh ra ở cái thời nghèo khó, trình độ chung của xã hội còn lạc hậu, ở mức chính mình không biết là mình lạc hậu.
Đạm bạc vươn lên, cùng sự vun đắp của gia đình, thày cô, anh em, bạn bè.
Bơ vơ khi vừa hết tuổi thiếu niên ở xứ người, học hành chăm lo, sống thực sự là nghèo khó, đâu đã được biết và được hưởng những sung sướng như bạn bè xứ bạn cùng học với mình.
Tài sản chỉ có sự thông minh và lòng hiếu học, lặn lội yên ả, thả bước, đi xa cho mãi tới đỉnh tít cao xa được toàn thể nhân loại công nhận.
Không chỉ lo học toán, người trẻ tuổi này phải tự tìm học và rèn luyện lấy tất cả những gì thuộc về văn minh làm người, bù đắp tất cả những tụt hẫng của cảnh ngộ mình, cũng là cảnh ngộ chung của đất nước.
Và cả tấm lòng anh vẫn đau đáu dành cho đất nước, con người ở quê hương xứ sở.
Đấy là tinh anh quí giá và rất hiếm hoi của cái tinh thần này.
…
Con ong muốn cất cánh, con chim muốn cất cánh, hay chiếc tàu vũ trụ muốn cất cánh, phải tạo lấy cái đà, và phải nhân được cái đà.
Giải thưởng Fields đến với Ngô Bảo Châu tạo ra một cái đà cho đời sống tinh thần xứ Việt.
“Quĩ vì tinh thần hiếu học”, món quà cảm động của Ngô Bảo Châu cùng những người đóng góp thật tuyệt vời. Trong đó muốn chứa cả cái tính giản dị của tên gọi.
Nhưng nó thiếu mất đi cái đà vận hội quí báu cho tinh thần Việt hôm nay.
Cái đà để các sáng kiến cá nhân được thắp lên.
Cái đà để các cá nhân từ nay dám kề vai đảm gánh trách nhiệm.
Cái đà để các công dân biết ngưỡng mộ lẫn nhau, thay vì chỉ biết ngoảnh mặt hướng đến “bề trên” vô hình.
Cái đà để nhà nước quí trọng và ủng hộ các cá nhân phát triển và làm phát triển xã hội.
Những người sáng lập quĩ, hãy đặt cho nó cái tên toát lên cái tinh thần này.
Cái tên không còn là tên riêng của một cá nhân nữa.
Những người sáng lập quĩ, hãy đặt cho nó cái tên của một sự cổ súy, không còn là cái tên của một sự khuyến lệ mờ nhạt đơn thuần.
Mọi người trong xã hội, hãy mở lòng, cổ súy cho cái tinh thần trách nhiệm cá nhân mới mẻ này, cả về nội dung và tên gọi.
Mọi người trong xã hội, hãy mở lòng, ai có thể được, hãy đóng góp tấm lòng cho cái quĩ sáng giá này. Một đồng, mươi đồng đều thật quí giá và đáng trân trọng. Đừng chờ đợi những “ông lớn”.
Và cái quĩ này sẽ là một cái giải thưởng bình dị nảy mầm từ trong những người dân bình thường, những người không còn chỉ biết ỷ lại vào nhà nước và ganh tị với người hàng xóm khác.
Hãy mở lòng mình, và mở quĩ “Giải Thưởng Hiếu Học Ngô Bảo Châu”.
P.S.
Tác giả rất biết ơn ông Trần Lương Sơn, tiến sĩ khoa học, người sáng lập doanh nghiệp Vietsoftware ở Vietnam, đã thúc giục mọi người mở lòng tư duy đột phá về câu chuyện này.