Quy hoạch điện 8: Ưu tiên gì để không phải chịu hệ quả đắt giá?

Tháng 2/2021 vừa qua, các cơ quan quản lý đã công bố Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII, hay gọi tắt là QHĐ 8) nhằm đưa ra lộ trình sản xuất điện trong 10 năm tới. Nhân đây, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ về việc làm sao để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng nhưng không phải trả giá quá đắt cho những vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường.


Bảng 1. Nguồn: Dự thảo 3 QHĐ 8

Nhìn vào dự thảo QHD 8, có thể thấy logic lập quy hoạch như sau:

  1. Các nhà đầu tư (cả công và tư) đề xuất các dự án sản xuất điện lên chính phủ. Hiện nay, tổng công suất của các dự án đã đăng ký khoảng 162 GW, tập trung nhiều một cách “bất thường” ở ở khu vực miền Trung.
  2. Các nhà kinh tế học đưa ra dự báo về nhu cầu điện. Con số này tăng lên 9% mỗi năm cho đến năm 2025, trong đó khu vực miền Bắc tăng trưởng nhanh hơn khu vực miền Trung và miền Nam.
  3. Chính phủ sẽ phê duyệt nhiều dự án nhất có thể trong phạm vi nhu cầu và ưu tiên của mình 
  4. Xác định được có bao nhiêu lượng điện và nguồn điện sẽ được mở rộng ở mỗi tỉnh, nhà nước sẽ có lộ trình cho các kĩ sư điện lưới phát triển mạng lưới truyền tải.
  5. Quy hoạch này cũng tiết lộ số tiền cần phải đầu tư: cực lớn. Trong 10 năm tới, mỗi năm ngành điện cần 9.5 tỉ USD để sản xuất điện và 3,3 tỷ USD cho việc truyền tải.

Tổng số tiền đầu tư mỗi năm cho điện như vậy là nhiều hơn một nửa thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2020, là 20 tỉ USD. Con số đó tương đương với 300 nghìn tỉ đồng Việt Nam mỗi năm, trên cả đầu tư của Việt Nam cho ngành giáo dục và đào tạo, là 245 nghìn tỉ trong năm 2019. Những công ty do nhà nước sở hữu không đủ tiềm lực tài chính để duy trì mức đầu tư như vậy. Tổng giá trị của EVN chỉ là 706 nghìn tỉ đồng Việt Nam vào năm 2018. Quy hoạch điện cần hàng tỉ USD mỗi năm đến từ khu vực tư nhân.  

Dự thảo QHD8 được xây dựng dựa trên Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, cụ thể là hai định hướng chính: “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch” “ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý”. Việc tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên cho thấy dự thảo mới có sự thay đổi so với Quy hoạch điện 7 vốn tập trung vào phát triển một loạt các nhà máy nhiệt điện than để chạy đua với nhu cầu tăng trưởng điện năng trong nước.

Do nghị quyết 55 xác định sẽ ưu tiên phát triển cả điện khí và năng lượng tái tạo, quy hoạch điện lực cần phải tìm ra được điểm cân bằng trong phát triển hai nguồn năng lượng này. Có một số người cho rằng, dự thảo đề án mới chú trọng quá mức vào năng lượng tái tạo, trong khí năng lượng gió và mặt trời sẽ không bao giờ có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam, đồng thời dạng năng lượng này cũng cần đến nguồn vốn lớn. Song ngược lại, một số người ủng hộ việc chuyển đổi cơ cấu điện năng3 nhận định, dự thảo Quy hoạch điện 8 tập trung quá nhiều vào điện than và khí vốn chưa bao giờ kịp tiến độ trong những quy hoạch trước. Thỏa hiệp nào cũng nhận sự chỉ trích ở cả hai phe, nhưng bị cả hai chỉ trích không phải là bằng chứng cho thấy quy hoạch đã đạt được sự cân bằng. Hay là nó đã đạt sự cân bằng rồi? Chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời trong bảng 1 về sự chênh lệch giữa những mục tiêu đến năm 2030 của Quy hoạch điện 8 và tình hình thực tế và xu hướng hiện nay.

“Người tính không bằng trời tính”

Các cột “Quá khứ” và “Hiện tại” trong bảng 1 là những dữ liệu diễn ra trong thực tế và tôi sẽ đối chiếu nó với các số liệu dự báo trong các bản quy hoạch trước đây (Quy hoạch điện 7A, bản sửa đổi năm 2016 của Quy hoạch điện 7). Từ đó, ta có một cái nhìn rõ hơn bản chất của quy hoạch. 

QHD 7A dự báo rằng sản lượng điện thương phẩm quốc gia năm 2020 sẽ rơi vào khoảng từ 228 TWh đến 245 TWh. Trong thực tế, mức sản lượng này trong năm 2020 là 216,8 TWh, và tốc độ tăng trưởng sản lượng điện trước COVID là 9,7%/năm. Với tốc độ ấy, sản lượng điện thực tế nhẽ ra sẽ nằm trong phạm vi dự báo. Dù chênh lệch không quá nhiều, số liệu về nhu cầu đã bị ước tính cao hơn mức thực tế. Nguyên nhân của điều này có thể là bởi các dự báo đã đánh giá quá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế – dữ liệu sau đó được sử dụng để xây dựng QHD 7A.

QHD 7A dự kiến sẽ có 26 GW công suất phát điện từ nhiệt điện than, 9 GW công suất từ điện khí, 18 GW từ thủy điện, 0,85 GW điện mặt trời và 0,8 GW điện gió vào năm 2020. Trong thực tế, công suất phát nhiệt điện than chỉ đạt 20,4 GW trong năm 2020. Trong khi EVN thực hiện được hầu hết các dự án theo quy hoạch, các dự án khác do các doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài chịu trách nhiệm lại bị chậm tiến độ. Đối với điện khí, các dự án ngoài khơi Việt Nam chưa được đưa vào sản xuất theo dự kiến, công suất phát điện khí cũng chỉ đạt 7,2 GW trong năm 2020.

Trước nguy cơ thiếu điện ngay từ năm 2020-2021, chính phủ đã có chính sách tăng giá điện mặt trời và gió mà EVN mua vào (feed-in-tariff), khuyến khích tư nhân đầu tư mạnh vào hai nguồn năng lượng này. Trong khi cần ít nhất năm năm để xây xong một nhà máy nhiệt điện than thì một hệ thống điện mặt trời lại chỉ cần duy nhất một năm để hoàn thiện. Từ năm 2018 đến 2020, điện mặt trời đã chiếm 25% tổng công suất điện của cả nước, trong đó 7,9 GW đến từ điện mặt trời áp mái và 8,6 GW đến từ điện mặt trời dưới mặt đất. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có nhiều điện mặt trời hơn cả Anh và Hàn Quốc. Không chỉ vậy, 11 GW công suất điện gió cũng đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ được “khai trương’ vào năm 2021.

Mạng lưới truyền tải điện đã không lường trước được sự chênh lệch lớn như thế giữa quy hoạch và thực tế. Hệ quả là trong năm 2020 và 2021, chúng ta đã và đang lãng phí một phần lớn điện năng từ hệ thống điện gió và điện mặt trời, bởi vì lượng điện này không thể được truyền tải đến cho người sử dụng. Xét cả đến yếu tố độ trễ trong việc đầu tư thì chúng ta sẽ cần khoảng hai đến ba năm nữa mới có thể giải quyết được vấn đề này, đó là chưa kể đến những khó khăn trong việc xin giấy phép sử dụng đất cho các trạm biến áp và đường dây truyền tải.

Là một nhà khoa học, tôi luôn thấy thật tiếc khi chứng kiến những khoảng cách giữa một bản quy hoạch hợp lý, được chuẩn bị kỹ càng, với những gì diễn ra trong thực tế. Tuy nhiên những nhà hoạch định chính sách nên lường trước rằng thực tế sẽ luôn luôn đi chệch khỏi kế hoạch, giống như câu nói “người tính không bằng trời tính”. Điều đó không phải là vấn đề, kết quả cuối cùng mới quan trọng. Tôi rất vui mừng khi thấy chính phủ đã có những thay đổi về chính sách để tăng sản lượng điện, giảm bớt nỗi lo về an ninh năng lượng.

Sự phát triển bùng nổ của năng lượng tái tạo đã chứng minh rằng chu kỳ lập kế hoạch năm năm không còn phù hợp về mặt thời gian so với những thay đổi trong hệ thống năng lượng hiện nay. Chỉ trong vòng hai năm, điện mặt trời đã chiếm đến 25% thị phần trong cơ cấu công suất điện Việt Nam, và có thể sẽ còn có những thay đổi nhanh chóng hơn nữa đối với hệ thống sản xuất năng lượng phi tập trung (hệ thống phát điện phân tán). Dự thảo Quy Hoạch điện 8 đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực để thực hiện đề án Quy hoạch điện 8 (xem mục 19.11 trong dự thảo) và cho phép lập quy hoạch điện theo chu kỳ hằng năm hoặc hai năm/lần, từ đó tạo cơ sở để các cơ quan chức năng tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các công trình điện (xem mục 19.12). Tôi cho rằng, các khuyến nghị về việc thay đổi quy định này có ý nghĩa quan trọng hơn những dự báo dài hạn không thiết thực.

Bản đồ điện gió Việt Nam tính đến năm 2019. Lúc đó Việt Nam chỉ có 10 dự án điện gió, nhưng đến nay, đang có gần 100 dự án được phê duyệt. Điện gió nói riêng và điện tái tạo nói chung có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt ngoài dự đoán của những người lập quy hoạch. Nguồn ảnh: GIZEnergy Việt Nam

Nhận xét về cách các kịch bản trong QHD 8 được xây dựng

Trước khi chúng ta quay lại bảng 1 để tìm hiểu xem dự thảo QHD 8 cân bằng giữa việc “ưu tiên năng lượng tái tạo” và “ưu tiên điện khí” như thế nào, hãy cùng thảo luận về cách để đạt được những con số này.

Các quyết định khó khăn nhất trong quá trình lập quy hoach chính là việc lựa chọn các dự án đáp ứng được nhu cầu và phù hợp nhất với các mục tiêu chính sách. Dự thảo lần 3 của đề án Quy hoạch điện 8 đã thực hiện một nghiên cứu rất toàn diện để giải quyết vấn đề này. Theo đó, nghiên cứu đã phân tích nhóm 11 kịch bản phát triển nguồn điện thông qua việc sử dụng các mô hình tính toán chi tiết cả về công nghệ, thời gian và không gian. Sau đó, nghiên cứu đã thực hiện việc xếp hạng đa tiêu chí đối với các kịch bản, áp dụng năm tiêu chí: phù hợp với mục tiêu chính sách hiện nay, chi phí hệ thống, mức phát thải CO2, nhu cầu lưới điện mới và sự đa dạng hóa. Kết quả phân tích cho thấy, kịch bản được đánh giá cao và hài hòa nhất trong các kịch bản là KB1B_CLNLTT. Kịch bản này được trình bày như sau (trang 383-384):

“Kịch bản này được đưa thêm ràng buộc về mục tiêu năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 định hướng đến 20504 (Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015). Theo đó, tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện lớn) trong tổng điện năng sản xuất điện toàn quốc sẽ đạt 38% năm 2020, đạt 32% năm 2030 và 43% năm 2050 […] Chiến lược này cũng phù hợp với nghị quyết 552, trong đó quy định tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045 […] Chi phí phát thải ngoại sinh cũng được tính toán trong việc tối ưu chi phí.

Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành phân tích độ nhạy đối với kịch bản đã lựa chọn để đánh giá xem kịch bản này sẽ diễn ra như thế nào trong những điều kiện không lý tưởng, ví dụ: phụ tải khác nhau, năm nước khô hạn, mức giá nhiên liệu sơ cấp khác nhau, sự thay đổi mức chi phí công nghệ gió ngoài khơi, và mức giá CO2 khác nhau. Chúng tôi muốn đưa ra một số nhận xét mang tính học thuật về cách các kịch bản này đã được lựa chọn và phân tích:

– Việc dự thảo đề án chỉ có duy nhất một “tầm nhìn tới năm 2045” sẽ là một thiết sót về mặt khoa học. Thay vào đó, một quy hoạch chuẩn nên hướng đến việc tìm ra “các giải pháp mà tương lai sẽ không hối tiếc”, có nghĩa là kể cả  các đầu tư trong ngắn hạn cũng cần có giá trị lâu dài, cũng như trong rất nhiều tình huống khác nhau có thể xảy ra trong tương lai. Thực sự không cần thiết phải thảo luận về các mục tiêu đặt ra sau năm 2030 của quy hoạch. Những con số này có rất ít giá trị dự báo bởi các cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh đề án quy hoạch rất nhiều lần trước năm 2030.

– Nghiên cứu phân tích độ nhạy đã đánh giá quá thấp mức độ biến động của giá nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Dự thảo lần 3 của đề án QHD8 chỉ xem xét mức độ biến động của của giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong năm 2025 ở khoảng 10,6 – 11,0 USD/MMBTU và than ở khoảng 81 – 88 USD/tấn (trang 402). Tuy nhiên, giá của nhiên liệu hóa thạch biến động mạnh hơn thế nhiều. Chẳng hạn, giá giao ngay của LNG tại châu Á (Platts Japan-Korea Marker) là khoảng 2 USD/MMBTU vào giữa mùa hè 2020, nhưng nó đã đạt mức cao kỷ lục khoảng 20 USD/MMBTU vào tháng 1/2021. Mặc dù, mức giá nguồn cung dài hạn không biến động nhiều như giá giao ngay (là các giá được niêm yết) nhưng nó cũng rất bấp bênh. Dự thảo 3 của QHD3 đã phân tích thiếu thấu đáo về mức độ rủi ro của giá nhiên liệu hóa thạch.

– Nghiên cứu phân tích các kịch bản trong dự thảo 3 của PDP8 mới chỉ đánh giá được một khía cạnh rất khiêm tốn của những kịch bản khả thi (xem trang 387). Đề án quy hoạch là một tài liệu chính thức, do vậy theo luật nó phải được dựa trên những dự án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, kế thừa những tài liệu chính sách cũ không phải là một rào cản. Ngược lại, quy hoạch mới có trách nhiệm phải tính đến những phát triển gần đây và đưa ra một tầm nhìn mới. Không ai ngăn cản những tác giả quy hoạch nhìn xa hơn chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ban hành từ năm 2015. Với kịch bản carbon thấp KB4_CO2, cần phải nhắc lại rằng Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đã chính thức và công khai cam kết với mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 (tức là lượng carbon thải ra phải bằng lượng carbon giảm xuống từ các hoạt động kinh tế, xã hội).

– Năm khía cạnh được sử dụng để đánh giá các kịch bản đã bỏ qua những điểm quan trọng nhất liên quan đến chất lượng của cả hệ thống điện: tính linh hoạt và sự sẵn có về mặt tài chính. Sự sẵn sàng về tài chính có thể hiểu là khẩu vị các nhà đầu tư đối với các công nghệ sản xuất điện. Điều này rất quan trọng khi khu vực tư nhân sẽ được kêu gọi tài trợ cho hầu hết các cơ sở hạ tầng mới. Còn tính linh hoạt là tốc độ mà hệ thống điện phản ứng với những tình huống vận hành khác nhau nhằm duy trì sự cân bằng cung-cầu. Đây là điều rất quan trọng để đảm bảo sự vận hành ổn định và an toàn của một hệ thống điện vốn tích hợp với nhiều nguồn năng lượng không liên tục. Bởi vậy, việc có thêm các nghiên cứu chi tiết hơn về vai trò của hệ thống lưu trữ điện là vô cùng cấp thiết.

– Quy hoạch điện 8 được thiết kế để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo chiều ngang. Vì vậy, nó cũng nên liên kết theo chiều ngang với quy hoạch giao thông nữa. Quy hoạch điện 8 là một cơ hội để dự báo năng lượng điện sử dụng từ các phương tiện giao thông sẽ ảnh hưởng đến đường cong phụ tải điện và cơ sở hạ tầng của ngành điện. Quy hoạch điện 8 cũng cần thiết phải kết nối với cả quy hoạch biển để vị trí và năng lực của những cảng biển trong tương lai cũng phải tương thích với việc nhập khẩu dầu và thiết bị cho ngành năng lượng gió.

Trong giới hạn nhất định, chúng tôi ngưỡng mộ chất lượng và tính toàn diện của nghiên cứu này, đây là một nghiên cứu hoàn toàn phù hợp với luật và logic quy hoạch. Sẽ là một bước tiến lớn nếu chúng ta đưa thêm cả các chi phí môi trường ngoại sinh vào trong các phân tích, tính toán. Việc công khai chi tiết các dữ liệu đầu vào cho các mô hình tính toán5, cũng như có các cuộc đối thoại mở với cộng đồng các chuyên gia và các bên liên quan, chắc chắn sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và chất lượng của kết quả nghiên cứu.

Nhìn lại các mục tiêu của năm 2025 và năm 2030

Cuối cùng, chúng ta hãy xem xét các mục tiêu của năm 2025 và 2030 trên Bảng 1.

Quy mô của hệ thống điện, lượng khí nhà kính và ô nhiễm bụi đều tăng từ 200% đến 250% trong mười năm tới. Những con số đáng buồn này nhắc nhở chúng ta rằng nếu muốn đưa ngành điện phát triển theo hướng bền vững thì cần phải thay đổi nhiều hơn nữa. Khi bàn đến việc giảm phát thải CO2, dự thảo 3 của QHD 8 đã chỉ ra rằng nó có thể giảm mức phát thải CO2 dưới mức thấp nhất theo mục tiêu quốc gia hiện nay. Nhưng một lúc nào đó điều này sẽ trở nên quá tham vọng và được chuyển thành duy trì phát thải ở mức hiện nay và cuối cùng là trung hòa carbon (số carbon tạo ra bằng với số carbon giảm đi). Sự chuyển đổi này khả năng cao là sẽ diễn ra trước năm 2045, trong tầm nhìn của Quy hoạch điện 8. Vậy nên, thay vì sử dụng mỹ từ “giảm phát thải dưới mức thấp nhất đã cam kết” thiếu tính thực tế, tốt hơn hết là công khai các con số thiệt hại thực tế về môi trường để thúc đẩy người dùng cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thủy điện và điện sinh khối có tiềm năng hạn chế, chúng không có vị trí quan trọng đáng kể nào so với khí đốt và các loại hình năng lượng tái tạo khác. Chỉ riêng trường hợp điện sinh khối đã minh họa cho thấy một điểm quan trọng liên quan đến quyền sở hữu của nhà nước và tư nhân đối với các nhà máy điện. Trong Chiến lược Phát triển Năng lượng Tái tạo, chính phủ dự kiến sẽ thiết lập tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo (Renewable Portfolio Standard – RPS). RPS yêu cầu các đơn vị phát điện phải có một phần tỉ lệ sản xuất điện đến từ năng lượng tái tạo – bằng cách tự sản xuất hoặc mua lượng điện dư thừa từ các nhà phát điện tái tạo khác. Ở rất nhiều quốc gia, để đáp ứng quy định của RPS, các nhà máy phát điện đốt sinh khối song song với than trong nhà máy phát điện của họ. Tuy nhiên, điều này rất khó ép buộc các nhà phát điện tư nhân, vốn được bảo vệ bởi hợp đồng mua bán điện từ trước khi họ đầu tư vào quá trình Xây dựng – Vận hành – Nối điện.

 

Đối với nhiệt điện than, QHD 8 không quy hoạch xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới ngoài những nhà máy nhiệt điện đã và đang được xây dựng, tuy nhiên, đường truyền (pipeline) của các dự án cũng đủ để tăng thêm 9 GW từ năm 2020 đến năm 2025. Con số này làm dấy lên lo ngại về việc chúng ta đang quá phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu gốc, trong khi mà sản lượng than và khí đốt trong nước vẫn giữ nguyên, thậm chí là suy giảm. Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu khoảng 55 triệu tấn than vào năm 2020, chủ yếu dùng để phát điện. Trong 5 năm qua, nhiều dự án điện than đã gặp phải khó khăn, chậm tiến độ. Khi đọc Dự thảo này, chúng tôi vẫn không rõ rằng liệu những vấn đề này có được giải quyết hay không, và làm thế nào để giải quyết chúng, vì nguồn tài chính dành cho nhiệt điện than đang gặp phải vướng mắc do hầu hết các tổ chức tài chính, ngân hàng và công ty bảo hiểm trên thế giới đã ngừng cấp vốn cho các dự án mới kiểu này nhằm thể hiện cam kết của họ đối với Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Kế hoạch phát triển điện 5 năm tới của Trung Quốc, sẽ được công bố vào cuối năm 2021, có thể sẽ tạo rabước ngoặt đối với nguồn năng lượng này.

Dự thảo 3 của QHD 8 hướng đến đầu tư phát triển 18 GW công suất truyền tải điện khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu trong vòng 10 năm tới. Công nghệ này góp phần bổ sung cho nguồn năng lượng tái tạo không liên tục – vì sản lượng có thể trồi sụt nhanh chóng. Kế hoạch linh hoạt lâu dài cũng khả thi – có thể thuê thay vì xây mới: vì các hệ thống vận chuyển,lưu trữ LNG theo đường biển, các tổ máy phát điện đều có thể di chuyển, thậm chí có thể trả lại khi cần thiết. Những lựa chọn đúng đắn này đáng lý phải được xem xét nhiều hơn trong quy hoạch: LNG không chỉ dành cho các nhà máy nhiệt điện sẵn có hiện nay; Dự thảo cũng không xem xét các phân tích đa tiêu chí về rủi ro chi phí trong nền kinh tế vĩ mô và an ninh năng lượng khi nhập khẩu một lượng lớn LNG, vốn là những yếu tố quan trọng để đưa ra chính sách. Cuối cùng, QHD 8 còn thừa hưởng từ quy hoạch trước đó một đường ống dẫn gồm các dự án đã bị trì hoãn, phần lớn là các dự án sử dụng khí đốt trong nước. Không rõ là họ đã giải quyết các vấn đề này hay chưa.

Nội dung về điện mặt trời của dự thảo quy hoạch đã lỗi thời nghiêm trọng. Nội dung này được xây dựng dựa trên chiếc lược phát triển năng lượng tái tạo từ cách đây… 6 năm, trong đó áp đặt con số tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng để sản xuất điện giảm từ 38% xuống 32% trong giai đoạn năm 2020 đến 2030. Trong khi nước ta đã có bước tiến xa khi lắp đặt 16GW trong hai năm, thì kế hoạch này lại chỉ yêu cầu thêm 120MW mỗi năm cho đến 2025. Các công nghệ nguồn điện mặt trời nổi vẫn chưa phát huy được tiềm năng của nó. Có thể dựa vào đấu giá để chọn được giá thấp nhất và giải quyết được vấn đề về phân bố địa lý hiện nay – các tỉnh phía Bắc đang tụt lại trong cuộc trong quá trình phát trình phát triển năng lượng mặt trời.

Tương tự với điện mặt trời, những nội dung về điện gió cũng sẽ trở nên lạc hậu, sớm thôi. Công suất điện gió mà dự thảo quy hoạch 8 đặt ra là đạt 11,3GW vào năm 2025, trong khi thực tế là vào năm 2020 công suất điện gió được lắp đặt vào khoảng 630 MW Mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng tất cả các dự án đã được bổ sung trong quy hoạch tổng thể trước đó, và thời hạn là cuối tháng 10 năm 2021. Vào cuối năm nay, chúng ta có thể sẽ rơi vào tình cảnh tương tự điện mặt trời: mục tiêu đã đạt được, tiếp theo phải làm gì? Rồi sau đó chúng ta có mục tiêu năm 2030 là bổ sung các dự án điện gió trên bờ (hiện đã đăng ký nhưng chưa được phê duyệt), tăng thêm 2 GW điện gió bên cạnh số 44,6 GW các dự án đã xác định.

Chúng tôi kết thúc bài góp ý này sau khi việc đề cập đến nhập khẩu và lưu trữ điện. Hai năng lực này đều quan trọng nếu chúng ta muốn tính trường sức đường dài. Công suất của mạng lưới truyền tải được xác định bằng quyết tâm chính trị, chứ chưa phải là một biến được tính toán và kiểm soát được trong QHD 8. Kinh doanh điện không chỉ là mua bán từng kWh mà còn góp phần ổn định lưới điện. Việc kết nối với lưới điện giàu thủy điện như của Lào sẽ là vốn quý làm giàu cho lưới điện năng lượng tái tạo vẫn còn trồi sụt chưa ổn định mà phải vận hành liên tục của Việt Nam. Vấn đề lưu trữ cũng phải được phân tích kỹ để đảm bảo  yêu cầu để tích hợp và phân phối điện mặt trời và gió. Quy hoạch Điện cần phải xem xét lại chiến lược lưu trữ tương ứng với các mục tiêu năng lượng mặt trời và gió.

Thay lời kết

Trong phần đầu, chúng tôi đã hỏi liệu Quy hoạch điện 8 đã tìm được điểm cân bằng giữa hai ưu tiên của mình chưa? Câu trả lời là chưa. Quy hoạch này xác định năng lượng khí đốt là xương sống của sự phát triển hệ thống điện trong vòng 10 năm tới. Về cơ bản, nó hoàn toàn lờ đi điện gió xa bờ vốn có thể là nhân tố tạo ra đột phá.

Có một vấn đề với mục tiêu dành cho điện mặt trời và gió, đã hoàn toàn lạc hậu so với những sự phát triển gần đây. Từ năm 1975, hệ thống năng lượng của Việt Nam đã theo đuổi một mục tiêu nhất quán: phát triển các nguồn điện trong nước. 20 năm đầu mục tiêu tập trung vào thủy điện, và 10 năm sau là khí đốt tự nhiên, tiếp đó là than khai thác trong nước trong 10 thập kỉ sau. Điện mặt trời và gió bùng nổ từ năm 2018 cùng với nhu cầu bức thiết là phải đảm bảo tính tự chủ điện năng. Bởi vậy, việc dựa vào nhập khẩu nguyên liệu hóa thạch là đi ngược lại xu hướng của lịch sử cũng như là những phát triển ngắn hạn gần đây.

Điều này là vấn đề của hệ thống quy hoạch chưa tốt chứ không phải là hệ quả của những lựa chọn chính trị sáng suốt. Quy trình quy hoạch đã không đủ linh hoạt để theo kịp với sự bùng nổ của điện tái tạo trong ba năm gần đây.

Quy hoạch luôn là một bài toán đầy thách thức, những yếu tố ngoại cảnh giờ đây còn vô cùng hỗn độn. Luật quy hoạch đã thay đổi trong quá trình dự thảo Quy hoạch điện 8. Giá công nghệ đang giảm mạnh, thay đổi thứ tự ưu tiên của một loạt các lựa chọn khác nhau. Bản chất của lưới điện chuyển từ tập trung sang phi tập trung hóa. Sự phát triển của năng lượng đang trở nên ngày càng mạnh mẽ. Những điều này dẫn lối cho hàng trăm dự án nhỏ, bên cạnh các dự án điện có quy mô hàng GW trong những năm tới. Vị thế của nhà nước ngày càng khó nắm bắt vậy mà trong một nền kinh tế theo hướng thị trường, hệ thống năng lượng vẫn duy trì là tài sản an ninh quốc gia với rất nhiều hình thái độc quyền. Thay vì ra lệnh và kiểm soát, nhà nước phải dựa vào những công cụ gián tiếp, khu vực tư nhân linh hoạt hơn và họ sẽ hành động nhanh hơn khi nhìn thấy các ưu đãi. Đó là còn chưa nói đến những khủng hoảng về sức khỏe và kinh tế cùng với biến đổi khí hậu đang tái định nghĩa chính sách năng lượng.


*Tác giả: TS Hà Dương Minh, Nghiên cứu năng lượng sạch và phát triển bền vững, Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp; người sáng lập Phòng thí nghiệm về năng lượng sạch và phát triển bền vững (CleanED), trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH).

Tác giả

(Visited 32 times, 1 visits today)