Quyền cơ bản của con người, Quốc hội, và chính đảng

“Trò chuyện về tân hiến pháp” (1947) được soạn ra để giúp người dân Nhật Bản lĩnh hội được nội dung của hiến pháp mới, thay thế cho Hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản ban bố dưới thời Minh Trị. Tia Sáng xin trích đăng một phần nội dung của cuốn sách đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa nước Nhật và khai sáng quốc dân Nhật.

5. Thiên hoàng
 
[…]

6. Từ bỏ chiến tranh

[…]

7. Các quyền cơ bản của con người

Hãy thử đến những nơi bị cháy bởi không kích. Từ mặt đất bị cháy những mầm cỏ xanh đang bật lên. Sự sống đang nảy mầm. Cả cỏ cũng sống vươn lên mạnh mẽ. Nữa là các bạn là con người. Các bạn chắc chắn có sức sống mạnh mẽ. Đó là sức mạnh tự nhiên mà trời ban cho. Không ai được cản trở con người sống bằng sức mạnh như thế trong thế giới này. Tuy nhiên con người khác với cây cỏ, con người không chỉ có sống không thôi, con người còn phải sống cuộc sống thật sự là người. Để có cuộc sống thật sự là người thì cần đến hai thứ. Đó là “Tự do” và “Bình đẳng”.

Con người một khi sống trên thế giới này thì cần được sống ở nơi mình thích, được đi đến nơi mình thích, được nói những điều mình nghĩ, được tuân theo những điều dạy bảo mình thích. Những điều này là tự do của con người, tự do này nhất quyết không thể bị tước đoạt. Thêm nữa, không thể tùy tiện dùng sức mạnh của nhà nước để tước bỏ tự do và thi hành hình phạt bừa bãi. Vì vậy Hiến pháp quy định rõ nhất quyết không được xâm phạm tự do.
 
Thêm nữa chúng ta một khi đã là con người thì đều như nhau. Một khi đã là con người thì chắc chắn sẽ không có người vĩ đại và cũng không có người thấp kém dưới con người. Không thể có chuyện nam tốt hơn nữ hay nữ tốt hơn nam. Nếu các bạn đều là con người thì khi sống trong thế giới này không có lý do gì phải gánh chịu sự phân biệt. Việc không có sự phân biệt đó được gọi là “Bình đẳng”. Vì vậy trong hiến pháp cùng với tự do còn quy định cả bình đẳng.

Thứ được công nhận một cách rõ ràng trong quy tắc của quốc gia được gọi là “quyền lợi”. Nếu như tự do và bình đẳng được công nhận một cách rõ ràng và không bị xâm phạm thì tự do và bình đẳng này là quyền lợi của các bạn. Đây được gọi là “quyền tự do”. Thêm nữa, đây là quyền lợi quan trọng nhất của con người. Những quyền lợi quan trọng nhất của con người được gọi là “quyền con người cơ bản”. Hiến pháp mới ghi rằng các quyền con người cơ bản này vĩnh viễn không được xâm phạm. Đây được gọi là “bảo đảm” các quyền con người cơ bản.

Tuy nhiên các quyền cơ bản của con người không phải chỉ có quyền tự do nói tới ở đây. Vẫn còn có nhiều quyền khác. Chỉ có quyền tự do thôi thì con người không thể sống được. Ví dụ như các bạn phải học để trở thành quốc dân tốt. Nhà nước cần phải làm cho tất cả quốc dân học tập. Vì vậy, mọi người có quyền tiếp nhận giáo dục quy định trong Hiến pháp. Trong trường hợp này, từ phía các bạn sẽ đưa ra yêu cầu tiếp nhận giáo dục đối với nhà nước. Đây cũng là quyền con người cơ bản rất quan trọng và được gọi là “quyền đưa ra yêu cầu”. Khi xảy ra tranh chấp thì sẽ nhận được sự xét xử một cách công bằng ở tòa án của đất nước, nó được gọi là quyền yêu cầu xét xử-quyền cơ bản của con người và  đây cũng là quyền đưa ra yêu cầu.

Rồi nữa, trong việc quốc dân trị nước sẽ có rất nhiều thứ có quan hệ và nó là quyền con người cơ bản quan trọng được gọi là “quyền tham gia chính trị”. Việc bầu cử lựa chọn ra nghị viên của quốc hội, thống đốc, thị trưởng, trưởng thôn,… bản thân mình trở thành những người đó được gọi  là quyền tham gia chính trị. Các bạn thân mến quyền con người cơ bản tôi đã nói cho đến lúc này là thứ rất quan trọng vì vậy chúng ta hãy cùng ôn lại nào. Các bạn được Hiến pháp bảo hộ những quyền rất quan trọng gọi là quyền con người cơ bản. Quyền này được chia làm ba. Thứ nhất là tự do. Thứ hai là quyền yêu cầu. Thứ ba là quyền tham gia chính trị.

Khi được trao những quyền tuyệt vời như thế các bạn phải tự mình bảo vệ lấy nó và không được để mất. Thêm nữa không được dùng nó một cách ám muội để làm phiền người khác. Không được quên rằng những người khác cũng có các quyền như các bạn. Hiến pháp viết rằng toàn thể đất nước có trách nhiệm bảo vệ các quyền con người cơ bản quan trọng này để làm cho toàn thể quốc dân hạnh phúc.

8. Quốc hội

Dân chủ là quốc dân  tự mình trị nước  và vì mình trị nước. Tuy nhiên số lượng quốc dân thật là lớn vì vậy chẳng có cách nào khác là phải có người thay mặt toàn thể quốc dân làm việc nước. Người thay mặt cho quốc dân là “Quốc hội”. Như trước đó đã nói, quốc dân có trong tay sức mạnh trị nước tức là có chủ quyền. Vì quốc hội là người thay mặt quốc dân nắm chủ quyền này vì thế quốc hội có vị trí cao nhất nước và được gọi là “cơ quan tối cao”. “Cơ quan”, cũng giống như con người thì có tay chân, là thứ có chức năng phân theo công việc khác nhau của đất nước. Đất nước có rất nhiều các cơ quan làm việc. Cả nội các và tòa án tôi trình bày ở phần sau cũng là các cơ quan của nhà nước. Tuy nhiên quốc hội là cơ quan có vị trí cao nhất. Đó là vì nó đại diện cho toàn thể quốc dân.

Việc nước rất nhiều nhưng có thể phân chia đại thể làm ba. Thứ nhất là công việc tạo ra các quy tắc của đất nước được gọi là “lập pháp”. Thứ hai là công việc  phân xử các tranh chấp xem xét xem có tội hay không có tội được gọi là “tư pháp”. Thông thường hay nói đến tòa án chính là nói đến công việc này. Thứ ba là công việc nằm ngoài “tư pháp” và “lập pháp” được gọi chung là “hành chính”. Nếu xem xét xem quốc hội làm gì trong ba công việc này thì quốc hội chính là cơ quan lập pháp. Tư pháp thuộc về tòa án. Hành chính thuộc về chính phủ và vô số các cơ quan cấp dưới.

Quốc hội do làm công việc lập pháp cho nên tất cả các quy tắc của đất nước đều được tạo ra ở quốc hội. Quy tắc do quốc hội tạo ra được gọi là “pháp luật”. Các bạn thường xuyên nghe thấy từ “Pháp luật” phải không nào. Tuy nhiên để tạo ra được pháp luật ở quốc hội thì phải trải qua rất nhiều thủ tục vì vậy không thể tạo ra cả các quy tắc chi tiết. Vì vậy hiến pháp cũng trao quyền tạo ra các quy tắc của đất nước cho các cơ quan khác ngoài quốc hội như nội các. Những quy tắc này gọi là “mệnh lệnh”.

Tuy nhiên quy tắc của đất nước càng được tạo ra bởi quốc hội thì càng tốt. Bởi vì quốc hội là nơi tập hợp của những nghị viên do quốc dân bầu ra và đó là những người lắng nghe ý kiến của quốc dân nhiều nhất. Vì vậy hiến pháp mới quy định rằng quy tắc của đất nước chỉ quốc hội mới có quyền tạo ra. Điều này có nghĩa là quốc hội là “cơ quan lập pháp duy nhất”. “Duy nhất” tức là chỉ có một không có cái thứ hai.

Cơ quan lập pháp là cơ quan có vai trò tạo ra quy tắc của đất nước.  Vì vậy trường hợp  cơ quan ngoài quốc hội  có thể tạo ra quy tắc của đất nước cũng được quy định bởi hiến pháp. Thêm nữa ở trong quy tắc của đất nước do quốc hội tạo ra tức là pháp luật thì việc quyết định bằng mệnh lệnh cũng được phép. Việc những đại biểu do quốc dân lựa chọn tạo ra quy tắc trị quốc dân ở quốc hội là tiền đề của dân chủ.

Tuy nhiên quốc hội ngoài tạo ra quy tắc của đất nước còn có một vai trò quan trọng nữa. Đó là giám sát công việc của nội các và các cơ quan công cấp dưới. Công việc của các cơ quan công này được gọi là hành chính như trước đó đã nói vì thế quốc hội giám sát hành chính và đóng vai trò làm cho công việc của các cơ quan không sai sót. Như thế đại biểu của nhân dân đã giám sát công việc của nhà nước. Đây cũng là cách trị nước dân chủ. Quốc hội của Nhật Bản được tạo thành từ hai viện là “Chúng nghị viện” và “Tham nghị viện”. Mỗi viện đó được gọi là “Nghị viện”. Và như thế việc quốc hội được tạo thành từ hai nghị viện được gọi là “Chế độ lưỡng viện”. Có nước chỉ có một nghị viện duy nhất và đó là “Chế độ nhất viện”. Tuy nhiên quốc hội ở phần lớn các nước  được tạo thành từ hai viện. Việc nước do hai viện này cùng quyết định. Tại sao lại phải có hai viện?

Các bạn có biết cái gọi là “back-up” trong các môn thể thao như bóng chày hay không? Khi một tuyển thủ lấy bóng một cầu thủ khác chạy quanh ở phía sau để dõi theo đề phòng sai sót – đó gọi là “back-up”. Quốc hội do tiến hành việc nước cho nên chỉ một mình Chúng nghị viện sẽ xảy ra sai sót cho nên mới có Tham nghị viện để đề phòng sai sót.

Tuy nhiên trong thể thao thì các tuyển thủ  cùng nhau tiến hành “back-up” nhưng ở quốc hội thì công việc chủ yếu được tiến hành bởi Chúng nghị viện còn Tham nghị viện thì chủ yếu làm công việc “back-up” Chúng nghị viện. Do đó Chúng nghị viện được trao quyền lực lớn hơn Tham nghị viện. Chúng nghị viện với quyền lực lớn như vậy được gọi là “Đệ nhất viện” và Tham nghị viện được gọi là “Đệ nhị viện”. Tại sao Chúng nghị viện lại có quyền lực lớn hơn? Đó là do như sau:

Cuộc bầu cử ra Chúng nghị viện diễn ra bốn năm một lần. Nghị viên của Chúng nghị viện có nhiệm kì bốn năm một. Tuy nhiên khi mà nội các cho rằng suy nghĩ của Chúng nghị viện không phản ánh đúng đắn suy nghĩ của quốc dân thì nội các, để biết được ý kiến của quốc dân, có thể nói với Thiên hoàng và tiến hành bầu cử lại Chúng nghị viện. Đây được gọi là sự “giải tán” Chúng nghị viện. Bằng cuộc bầu cử sau khi giải tán, quốc dân lại lựa chọn ra Chúng nghị viện mới.

Ở phía Tham nghị viện thì nghị viên có nhiệm kỳ 6 năm  và cứ 3 năm thì bầu cử thay một nửa nghị viên nhưng không có chuyện giải tán giống như Chúng nghị viện. Và như vậy thì thấy Chúng nghị viện phản ánh tốt hơn Tham nghị viện ý kiến của quốc dân ở thời điểm nhất định nào đó. Do đó Chúng nghị viện có quyền lực lớn hơn Tham nghị viện. Chuyện Chúng nghị viện có quyền lực lớn hơn như thế nào được hiến pháp quy định nhưng nói gọn lại là khi Chúng nghị viện và Tham nghị viện có ý kiến khác nhau thì ý kiến của Chúng nghị viện sẽ được thông qua.

Tuy nhiên cả Chúng nghị viện và Tham nghị viện đều là đại biểu của toàn thể quốc dân vì thế nghị viên đều được lựa chọn từ trong quốc dân. Chúng nghị viên có số nghị viên là 466 người, Tham nghị viện có 250 người. Để lựa chọn được các nghị viên này, đất nước được chia thành các “khu vực bầu cử” ở khu vực bầu cử này tùy theo dân số mà phân ra số nghị viên. Do đó bầu cử được diễn ra theo từng khu vực bầu cử và số nghị viên được lựa chọn ra phù hợp với số nghị viên được phân chia.

Để bầu cử ra nghị viên, vào ngày bầu cử người dân phải đi đến nơi bỏ phiếu, lấy phiếu bầu và viết tên người mình nghĩ là tốt vào phiếu. Sau đó gấp tờ phiếu lại bỏ vào hòm đã khóa kín. Bỏ phiếu là quyền vô cùng quan trọng. Người bầu cử phải tự mình quyết định xem mình bỏ phiếu cho ai. Tuyệt đối không được bị thuyết phục bởi cam kết vật chất hay lợi ích. Sự bỏ phiếu này là bỏ phiếu kín vì thế không có nghĩa vụ nói bỏ phiếu cho ai và cho dù có bị hỏi tại sao lại lựa chọn người đó cũng không cần thiết phải trả lời.

Quốc dân Nhật Bản người từ 20 tuổi trở lên ai cũng có thể tham gia bầu cử ra nghị viên quốc hội, thống đốc, thị trưởng… Đây gọi là “Quyền bầu cử”. Ở nước ta trong một thời gian dài, chỉ có nam giới có quyền bầu cử. Thêm nữa chỉ có những người có tài sản và nộp thuế mới có quyền bầu cử.

Hiện tại do trị nước bằng phương thức dân chủ cho nên những người trên 20 tuổi dù là nam hay nữ đều có quyền bầu cử. Và như thế việc tất cả quốc dân có trong tay quyền bầu cử này được gọi là “bầu cử phổ thông”. Hiến pháp lần này công nhận bầu cử phổ thông là quyền con người cơ bản của quốc dân. Tuy nhiên cho dù nói là bầu cử phổ thông đi nữa thì cũng không phải là cả trẻ em và người điên cũng có quyền bầu cử nhưng ít nhất thì cũng không có sự phân biệt nhân chủng, nam nữ, tôn giáo, tài sản, tất cả mọi người đều có quyền bầu cử một cách bình đẳng.

Thêm nữa, quốc dân Nhật Bản ai cũng có thể trở thành nghị viên quốc hội. Cả nam và nữ đều có thể trở thành nghị viên. Đây gọi là “quyền được bầu cử”. Tuy nhiên về tuổi có sự khác biệt so với quyền bầu cử. Để trở thành nghị viên của Chúng nghị viện thì phải trên 25 tuổi và trở thành nghị viên Tham nghị viện phải trên 30 tuổi. Trong trường hợp quyền được bầu cử này cũng giống như quyền bầu cử đối với những người mà cho dù là ai đi nữa cũng nghĩ là không ổn thì người đó  sẽ không có quyền được bầu cử. Những người muốn trở thành nghị viên quốc hội và tự mình đăng ký thì đó là các “ứng cử viên”. Cũng có thể đăng ký ứng cử cho người khác khi mình nghĩ đó là người tốt. Đây được gọi là “tiến cử”.

Việc đăng ký ứng cử viên này được tiến hành trước ngày bầu cử. Người bỏ phiếu sẽ phải lựa chọn trong số các ứng cử viên này người mà bản thân cho là tốt. Không được viết tên người khác. Và những ứng cử viên có số phiếu cao sẽ trở thành nghị viên. Đó là “trúng cử”.

Các bạn thân mến, dân chủ là toàn thể quốc dân trị nước. Và quốc hội là đại biểu của toàn thể quốc dân. Vì vậy việc bầu cử nghị viên  quốc hội là quyền quan trọng của quốc dân đồng thời là trách nhiệm quan trọng. Quốc dân nhất định phải đi bầu cử. Việc không đi bầu cử là đánh mất quyền lợi quan trọng đồng thời cũng là lãng quên trách nhiệm quan trọng. Việc không đi bầu cử thông thường gọi là “khi quyền”. Có nghĩa là từ bỏ quyền lợi. Quốc dân không được ném bỏ quyền lợi. Các bạn giờ đây có quyền này trong tay vì vậy việc bầu cử tôi đã viết rất kĩ.

Quốc hội tập trung các nghị viên được quốc dân lựa chọn và là nơi quyết định việc nước vì thế khác với các cơ quan công khác là  quốc dân có thể biết tình hình các nghị viên tiến hành công việc của đất nước ở quốc hội. Quốc dân bất cứ khi nào cũng có thể đến quốc hội và xem xét hay nghe ngóng. Thêm nữa có thể xem và nghe qua đài báo.

Tóm lại, công việc của quốc hội được diễn ra trước mắt của quốc dân. Đó là do hiến pháp quy định rằng công việc của quốc hội phải được diễn ra sao cho lúc nào người dân cũng có thể chứng kiến. Đó là công việc rất vất vả. Cho dù hiếm hoi nhưng giả sử như có hội nghị bí mật mở ra thì cần phải có các thủ tục đầy khó khăn. Và nhờ thế quốc dân sẽ hiểu được việc trị nước được tiến hành như thế nào, nhà nước đang tiến hành việc gì, các nghị viên được dân chọn ra đưa ra ý kiến gì trước quốc hội. Sự sáng sủa  và đúng đắn của việc nước sẽ sinh ra từ đây. Nếu như quốc hội mất đi thì đất nước sẽ trở nên tăm tối. Đó là cách làm hay của dân chủ. Quốc hội là thứ không thể thiếu được trong dân chủ.
Quốc hội của Nhật Bản không phải là mở ra suốt cả năm. Tuy nhiên mỗi năm nhất thiết phải mở một lần. Đây gọi là “Họp thường kì”. Họp thường kì được quy định là 150 ngày. Đây được gọi là “Kì họp” của quốc hội. Bên cạnh đó thì khi cần thiết cũng tiến hành họp lâm thời. Đây được gọi là “Họp lâm thời”.

Thêm nữa, khi Chúng nghị viện bị giải tán, trong vòng 40 ngày kể từ ngày giải tán thì bầu cử diễn ra và trong vòng 30 ngày kể từ ngày bầu cử quốc hội mới sẽ họp. Đây được gọi là “Kì họp đặc biệt”. Kì họp lâm thời và Kì họp đặc biệt là do quốc hội tự quyết định. Thêm nữa, kì họp  thường kì của quốc hội cũng có thể kéo dài khi cần thiết. Và điều này cũng là do quốc hội tự quyết định. Khi quốc hội họp thì các nghị viên sẽ bị gọi đến. Cái này quốc hội gọi là “triệu tập”. Quốc hội được triệu tập sẽ tự họp và tiến hành công việc, nếu như kì họp kết thúc thì tự bế mạc và quốc hội có kì nghỉ tạm thời.

Các bạn có biết tòa nhà quốc hội không? Hãy nhìn tòa nhà trắng đẹp đẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời kia. Đó là nơi thể hiện quyền lực của quốc dân Nhật Bản. Đó là nơi quốc dân Nhật Bản có trong tay chủ quyền tiến hành trị nước.

9. Chính đảng

“Chính đảng” là chỉ đoàn thể tập trung những người có cùng ý kiến về việc trị nước. Các bạn đã từng nghe đến những cái tên “Đảng xã hội, đảng dân chủ, đảng tự do, Đảng quốc dân hiệp đồng, Đảng cộng sản phải không nào? Tất cả đều là các chính đảng. Các nghị viên xuất thân từ chính đảng có một bộ phận là người tạo ra chính đảng. Vì vậy, khi nói có một chính đảng có nghĩa rằng ở trong nước có rất nhiều người có ý kiến giống với đảng đó.
 
Trong chính đảng có ý kiến quyết định về việc trị nước và họ thông báo điều này cho quốc dân biết. Ý kiến của quốc dân thì thay đổi theo từng người nhưng nếu phân chia đại thể thì nó sẽ phân chia theo các đảng này. Tóm lại, có thể nói chính đảng là thứ thể hiện sự phân chia phong phú ý kiến của toàn thể quốc dân về việc trị nước. Để trị nước bằng dân chủ toàn thể quốc dân cần phải thảo luận ý kiến và đi đến quyết định. Các chính đảng cùng nhau thảo luận về việc nước chính là vì thế.

Ở  Nhật Bản liên quan đến chính đảng có những suy nghĩ sai lầm. Đó là sự nhìn nhận cho rằng các chính đảng trong nước không nên khăng khăng ý kiến của bản thân mình. Đây là sự sai lầm lớn. Bởi vì cách làm dân chủ liên quan đến việc nước là quốc dân phải quyết định sau khi đã thảo luận rất nhiều ý kiến vì vậy sự cạnh tranh giữa các chính đảng không phải là sự cãi nhau. Nếu tiến hành dân chủ thì chắc chắn sẽ có các chính đảng.

Thêm nữa, cần phải có các chính đảng. Có bao nhiêu chính đảng đi nữa cũng tốt. Có thể nghĩ rằng chỉ bằng con số chính đảng thì ý kiến của quốc dân đã phân chia ở mức độ tổng quát. Ở Đức hay Ý đã từng có chuyện chỉ có một chính đảng và ở Nhật cũng có chuyện từ bỏ chính đảng. Kết quả thế nào đây? Chẳng phải là ý kiến của quốc dân đã không còn được nghe nữa thay vào đó là quyền lợi của cá nhân và rồi chiến tranh bắt đầu sao?

Mỗi lần có bầu cử quốc hội các chính đảng lại đưa ra các ứng cử viên từ chính đoàn thể của mình và cho quốc dân biết về ý kiến của bản thân và cố gắng có được càng nhiều nghị viên trong quốc hội càng tốt. Chúng nghị viện có quyền lực lớn hơn Tham nghị viện cho nên từng chính đảng đều muốn người của mình chiếm số đông nhất trong Chúng nghị viện. Vì vậy đối với các chính đảng thì cuộc bầu cử Chúng nghị viện là việc quan trọng nhất. Quốc dân xem xét ý kiến của các chính đảng này và nếu bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mà mình cho là tốt nhất thì ý kiến của bản thân thông qua chính đảng sẽ đến được quốc hội.

Người không vào đảng nào cũng có thể trở thành ứng cử viên. Quốc dân tất nhiên cũng tự do bỏ phiếu cho các ứng cử viên này. Tuy nhiên ở trong đảng thì có ý kiến quyết định sẵn và điều đó được thông báo tới quốc dân do đó nếu như bỏ phiếu cho ứng cử viên của chính đảng thì  khi người đó ra quốc hội việc người đó đưa ra ý kiến như thế nào, làm việc như thế nào đã được quyết định rõ ràng. Và cứ thế qua từng cuộc bầu cử công việc của đất nước được  tiến hành bằng ý kiến của chính đảng có số nghị viên đông đảo trong Chúng nghị viện. Điều này nói một cách khác là trong toàn thể quốc dân việc trị nước được tiến hành theo ý kiến của phe đa số.

Các bạn quốc dân cần phải biết cặn kẽ về các chính đảng. Hãy vào đảng mà mình yêu thích, thêm nữa việc tự mình tạo ra các chính đảng là tự do của quốc dân và hiến pháp công nhận đây là “quyền con người cơ bản”. Không ai có thể cản trở điều này.

Người dịch: Nguyễn Quốc Vương (Khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)