Quyền của dân
Cái quán tính “xin–cho” của một thời bao cấp để một dấu ấn quá đậm trên gương mặt xã hội cho nên nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều cơ quan công quyền và cán bộ quản lý nhà nước các cấp, có khi ở cấp rất cao, đã quên mất “quyền của dân”.
Đó là “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đại hội X vừa rồi khẳng định “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân” đòi hỏi chúng ta phải nghĩ sâu về quyền của dân. Từ “chuyên chính vô sản” đến “nhà nước pháp quyền” là một bước tiến dài trên hành trình dân chủ hóa đời sống xã hội và thể chế hóa quyền dân chủ ấy trong nội dung hoạt động của nhà nước và luật pháp do nhà nước ấy tạo dựng.
“Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại bị cùm kẹp”. Câu nói bất hủ ấy mở đầu cho “Khế ước xã hội” của J.J Rousseau, ra đời vào năm 1762, một trong những tác phẩm đặt nền móng cho dân chủ pháp quyền và luật pháp phục vụ cho nền dân chủ đó, xem ra vẫn còn có sức lay động tư duy của những người đang muộn mằn xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” hôm nay! E rằng, tư duy của không ít người cầm quyền, kể cả của người đang soạn thảo, đang xem xét ban hành Luật, vẫn còn lướng vướng chuyện quản lý cái quyền “không ai có thể xâm phạm được” của dân. Hình như người ta quên mất rằng,“quyền thiêng liêng không ai xâm phạm được” ấy đã được xác lập hơn 60 năm nay với Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 và Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chuyện Nhà nước phải có nghĩa vụ tổ chức thực hiện bằng được những quyền đó! Để thực hiện nghĩa vụ đó, người ta phải soạn Luật, xem xét thông qua Luật, ban hành Luật, thực thi Luật. Quyền của dân và quản lý cái quyền ấy đang bị giằng kéo của quán tính một thời.
Hãy chỉ dừng lại chuyện soạn thảo Luật cũng thấy rõ sự lướng vướng đó. Chỉ xin dẫn ra một ví dụ về Luật Cư trú: trong 4 chương, 47 điều dự luật chỉ có 2 là nói đến quyền công dân, còn 45 điều là nói về quản lý chính cái quyền công dân đó. Chính vì thế, vấn đề “bỏ” hay “giữ” sổ hộ khẩu” đang là một cuộc chơi “kéo co” không cân sức. Đây là sự giằng kéo giữa quyền tự do công dân được quy định trong Hiến pháp với nhu cầu quản lý Nhà nước trong vận hành guồng máy xã hội. Có lẽ nên làm một chuyện “ôn cố tri tân” để điểm xuyết vào câu chuyện kéo co không cân sức rất ngoạn mục này bằng hình ảnh hai loại “sổ” đã từng ám ảnh con người thời bao cấp, thậm chí là “ác mộng” mà khi tỉnh ra còn toát mồ hôi. Đó là “sổ gạo” và tiếp đó là “sổ hộ khẩu”: “Làm sao mà thất sắc như mất sổ gạo thế kia?”, “thằng cha mặt đần như mất hộ khẩu”. “Sổ gạo” thì đã “mồ yên mả đẹp”, nhưng “sổ hộ khẩu” thì xem ra đang “nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào”.
Có tình hình này là vì quán tính của quyền lực đang tạo ra một lực hút, dồn thuận lợi về cho người nắm quyền, cho “Nhà nước”, đẩy những bất lợi về cho dân. Chẳng riêng gì hộ khẩu và Luật Cư trú, cuộc “kéo co” không cân sức bởi lực hút của quyền lực này diễn ra phổ biến trong nhiều dự thảo Luật khác. Bóng ma bao cấp vẫn ám ảnh không ít trong tư duy về “quản lý”, và dấu ấn ấy vẫn hằn rõ lên trong các dự thảo Luật quản lý là phải giữ thật chặt, gói thật kỹ, nếu buộc phải mở thì mở he hé, mở từ từ, mở nhỏ giọt để thực hiện cái phương châm “quản lý được đến đâu thì mở ra đến đó” như thời thảo luận về Luật doanh nghiệp. Đó là một quan điểm lỗi thời về quản lý. Tư duy về quản lý cần được xác lập trên nguyên lý: “Quyền lực là của nhân dân và chỉ ở nhân dân mà thôi”, theo cách nói của Hồ Chí Minh thì “Quyền hành và lực lượng đều nơi dân”. Quản lý tốt nghĩa là phải tạo điều kiện và mở đường cho dân thực hiện quyền của mình những “quyền không ai có thể xâm phạm được”!
Vả chăng, thời cơ không chờ đợi. Cuộc sống đang diễn ra không hề là một dãy các sự kiện có liên kết với nhau theo trình tự cái này sau cái kia, mà là một chuỗi những sự đụng độ, va đập làm biến đổi những sự kiện tiếp theo mà kiểu tư duy tuyến tính tỏ ra bất cập. Gia tốc của cái mới dồn dập khó có thể hình dung nổi với cách suy nghĩ và nắm bắt hiện thực kiểu cũ. Vì vậy nếu không đổi mới tư duy về quản lý, không nhanh nhạy và táo bạo tháo gỡ mọi trói buộc vô lý để mở đường cho sự bứt phá vươn lên của mọi hoạt động, sẽ phải trả giá cho sự lạc hậu, thậm chí lạc điệu trước tốc độ chuyển đổi quá nhanh của cuộc sống.