Quyền làm người 

Chương II của Hiến pháp Việt Nam, "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân", có các quy định về quyền con người và quyền công dân. Ở đây chúng tôi muốn đưa ra một vài ý kiến về lựa chọn từ ngữ cho khái niệm "quyền con người" hoặc "nhân quyền", vốn đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập. Ảnh Tư liệu

Trong khi thừa nhận “quyền con người” hay “nhân quyền” là những cách dịch chính xác, chúng tôi đề xuất rằng, khái niệm này, human rights/droits de l’homme, nên dịch sang tiếng Việt là “quyền làm người”. Chữ “quyền làm người” có khả năng diễn đạt một cách rõ ràng hơn ý nghĩa của khái niệm. Chúng tôi sẽ giải thích dưới đây.

Các quyền làm người được nêu trong những văn bản chính trị quan trọng nhất của lịch sử nhân loại : Tuyên ngôn độc lập  (Declaration of Independence – 1776) của Cách mạng Mỹ và Tuyên ngôn về quyền làm người và quyền công dân (Déclaration des Droits de l’Homme et du Citoyen de 1789) của Cách mạng Pháp, trước khi được đưa vào hiến pháp của nhiều nước hiện nay. Các quyền đó là : quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu và quyền được hạnh phúc…

Cụm từ “quyền làm người” cho phép hiểu dễ dàng nét nghĩa cốt lõi: đó là các quyền mà cùng với chúng con người được làm người, được thừa nhận thuộc về loài người, một giống loài đặc biệt, khác với tất cả các giống loài khác. Đưa quyền làm người vào bộ luật là sự thừa nhận của xã hội về danh phận người đối với các thành viên trong xã hội. Đấy là lý do tại sao quyền làm người được hiểu là biểu hiện của phẩm giá. Nếu bị tước đoạt các quyền này thì con người bị tước đoạt phẩm giá, đánh mất tính người của mình, không còn được làm người, xét từ góc độ thừa nhận xã hội. Định danh “người” tự thân nó bao hàm một cách tự nhiên phẩm giá đặc thù của loài người. 

Quyền làm người được hiểu là biểu hiện của phẩm giá. Nếu bị tước đoạt các quyền này thì con người bị tước đoạt phẩm giá, đánh mất tính người của mình, không còn được làm người, xét từ góc độ thừa nhận xã hội.

Hiểu những điều này ta mới hiểu được tại sao Tuyên ngôn về quyền làm người và quyền công dân (1789)của Cách mạng Pháp được mở đầu bằng đoạn sau đây: Vì cho rằng việc không biết đến, lãng quên hay coi thường các quyền làm người chính là những nguyên nhân duy nhất dẫn đến các tai họa của cộng đồng, và dẫn đến sự thối nát của các chính quyền, nên những người đại diện cho Nhân dân Pháp, được tập hợp lại thành Quốc hội, đã quyết định biểu đạt – trong một tuyên ngôn long trọng – các quyền tự nhiên, không thể chuyển nhượng và bất khả xâm phạm của con người…

Và ta cũng hiểu được tại sao Tuyên ngôn quốc tế về quyền làm người (1948) được mở đầu như sau: Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình thế giới,

Xét rằng việc coi thường và khinh miệt quyền làm người đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người…

Với tất cả những lý do trên, quyền làm người mang tính phổ quát và bất biến, bởi đó là các quyền đảm bảo phẩm tính người cho tất cả những ai thuộc về nhân loại. Các quyền ấy đảm bảo rằng con người sinh ra là người, chứ không phải là một loài động vật nào khác. Là con người nên có được các quyền đó, một cách tự nhiên. Quyền làm người gắn với sự ra đời của mỗi người, phi thời gian, phi không gian, không phân biệt giai cấp, màu da, giới tính, tôn giáo, tài sản, tuổi tác… Đó là các quyền căn bản mà ai cũng được hưởng, cùng với việc sinh ra trên Trái đất này.

Quyền làm người gắn với sự ra đời của mỗi người, phi thời gian, phi không gian, không phân biệt giai cấp, màu da, giới tính, tôn giáo, tài sản, tuổi tác… Đó là các quyền căn bản mà ai cũng được hưởng, cùng với việc sinh ra trên Trái đất này.

Thử nghĩ xem, nếu quyền làm người mang tính giai cấp và bị quy định bởi giai cấp thống trị thì điều gì sẽ xảy ra ? Nếu giai cấp quý tộc thống trị và quy định rằng chỉ giai cấp quý tộc mới có quyền làm người, thì chẳng lẽ tất cả những ai không phải quý tộc sẽ không phải là con người hay sao ? Nếu giai cấp tư sản thống trị và quy định rằng chỉ giai cấp tư sản mới có quyền làm người thì chẳng lẽ tất cả những ai không thuộc giai cấp tư sản sẽ không phải là con người ư ? Nếu giai cấp công nhân nắm quyền lực thống trị và quy định rằng chỉ giai cấp công nhân mới có quyền làm người thì chẳng lẽ tất cả những ai không thuộc giai cấp công nhân đều không phải là con người ư ? Nếu giai cấp hành chính văn phòng nắm quyền thống trị và quy định chỉ nhân viên hành chính mới có quyền con người thì chẳng lẽ tất cả những ai không phải nhân viên hành chính đều không phải là con người hay sao ?… Hãy thử tìm cách trả lời những câu hỏi này, để thấy rằng quyền làm người không thể mang tính giai cấp. Gán tính giai cấp cho quyền làm người là một điều hết sức phi lý và bất công. Quyền làm người là những quyền tự nhiên căn bản đi kèm với sự ra đời của mỗi người, do vậy mà gắn liền với tính phổ quát và bất biến, ngoài ra không có tính nào khác.

Đây chính là tư tưởng của những người đề xướng và phát triển triết thuyết về luật tự nhiên hay pháp quyền tự nhiên (nature law/ droit naturel), như Aristote, Platon, Cicero, Thánh Augustin, Thánh Thomas d’Aquin, Hugo Grotius, Spinoza, Thomas Hobbes, John Locke, Pufendort, Christian Thomathius, Christian Wolff, Immanuel Kant, Voltaire, Montesquieu, Rousseau… Danh sách còn rất dài. Theo họ, luật tự nhiên được hình thành một cách tự nhiên từ lý trí của loài người, từ khả năng tìm kiếm những gì hợp lý và có lợi cho sự tồn tại và phát triển. Do vậy, luật tự nhiên là luật bất thành văn, không cần ghi chép ở đâu, nhưng, trong tư cách là động vật có lý trí, con người hiểu và tuân thủ luật này. Chính nhờ sự tuân thủ luật tự nhiên bất thành văn mà loài người đã tồn tại, phát triển và tạo nên một lịch sử mà không một loài động vật nào khác làm được, trước khi đạt tới giai đoạn có thể đề ra các luật thành văn.

Các quyền làm người là một bộ phận của luật tự nhiên. Khi đưa các quyền này vào trong hiến pháp và bộ luật, nhân loại văn minh đã thực hiện thao tác: xác nhận luật tự nhiên bằng luật thực định. Nghĩa là đưa luật tự nhiên vào luật ban hành, khiến cho luật tự nhiên trở thành những đạo luật thành văn, những đạo luật được ghi ra rõ ràng trên giấy trắng mực đen.

Việc các quyền làm người được đưa vào luật ban hành có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Từ nay, bộ máy nhà nước gánh vác sứ mệnh cao cả : nhà nước đảm bảo cho tất cả những ai được sinh ra trên đời này đều có quyền làm người, một cách bình đẳng. Việc đưa quyền làm người vào hiến pháp và bộ luật là một bước tiến căn bản của văn minh, tiến bộ và tinh thần nhân văn, nhờ đó, không những tính mạng mà cả phẩm giá người đều được bảo vệ bởi các quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp).□

Tác giả

(Visited 41 times, 1 visits today)