Quyền sở hữu súng tại Hoa Kỳ. Kỳ 2: Những nút thắt khó gỡ về chính trị

LTS: Kỳ trước đã bàn về khó khăn trong kiểm soát sở hữu súng dưới góc nhìn lịch sử - xã hội của Hoa Kỳ. Theo đó, sở hữu súng gắn liền với quyền tự do được Hiến định, cũng như giống như một “liều thuốc an thần” đối với người dân nước này trước các bất ổn xã hội trong từng thời kỳ. Bài viết kỳ này sẽ xoay quanh những quan điểm đối lập nhau trong chính trường và pháp luật Hoa Kỳ, giải thích lý do vì sao việc ban hành quy định kiểm soát súng gặp nhiều trở ngại.

Biểu tình đòi công lý cho cậu bé 17 tuổi Trayvon Martin, bị bắn khi trong tay không một tấc sắc. Người bắn cậu được tha bổng dựa trên quy định “không khoan nhượng”. Ảnh: AP

Tranh cãi giữa các học thuyết pháp lý – Từ giữ thành trì cho đến tử chiến

Các phong trào luật về súng ở Hoa Kỳ trong ba thập kỷ vừa qua thường xuyên tranh luận về việc liệu có nên tạo điều kiện cho việc mang vũ khí giấu kín hay công khai dễ dàng hơn, và các hệ quả của việc nới lỏng các hạn chế về sở hữu súng. Những chủ đề cụ thể được nêu như giảm bớt hay thắt chặt quy trình kiểm tra đối với hoạt động mua bán súng, bảo hộ các nhà sản xuất và đại lý khỏi trách nhiệm hình sự và dân sự, cũng như sự gia tăng của việc bán súng đạn trên internet không qua kiểm soát.

Từ năm 2000 đến 2010, hơn 20 tiểu bang đã thông qua luật mới hoặc sửa đổi luật dựa trên phán quyết trong vụ Heller v. District of Columbia năm 2008. Vụ kiện này khởi đầu từ việc quận Columbia, bang Washington D.C đã ra lệnh cấm toàn bộ việc sở hữu cũng như đăng ký mua súng cầm tay. Dựa trên Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Hoa Kỳ, một cảnh sát đặc nhiệm có tên là Anthony Heller đã phản đối quy định của bang này, vì anh ta chỉ được giữ súng trong phạm vi văn phòng cảnh sát mà không được đem về nhà, dù khu dân cư nơi anh ta sống xảy ra tệ nạn ma túy và bạo lực. Tòa án liên bang cuối cùng đã đứng về phía Heller. Cụ thể, thẩm phán đã tuyên rằng: “Quyền tự vệ cố hữu là trọng tâm của Tu chính án thứ hai. Lệnh cấm sử dụng súng cầm tay tương đương với việc cấm toàn bộ một loại “vũ khí” được xã hội Mỹ phần lớn lựa chọn để thực hiện các mục tiêu hợp pháp. Hơn nữa, lệnh cấm còn mở rộng đến nhà ở, nơi mà nhu cầu bảo vệ bản thân, gia đình và tài sản là mạnh mẽ nhất. Theo bất kỳ tiêu chuẩn giám sát nào mà chúng tôi áp dụng để xem xét các quyền hiến pháp được liệt kê, việc cấm loại súng được người dân toàn quốc ưa thích lưu giữ và sử dụng nhất để bảo vệ gia cư và gia đình của họ là vi hiến”.

Phán quyết này của tòa án dựa trên nền tảng lâu đời trong thông luật được gọi là Học thuyết Lâu đài (Castle doctrine). Học thuyết này bảo vệ một người khỏi bị truy tố hình sự và trách nhiệm dân sự trong trường hợp họ có hành vi sử dụng vũ lực để bảo vệ bản thân hoặc nhà ở và các tài sản của mình khi bị xâm nhập, vì những nơi này được xem như chốn thành trì lâu đài của họ. Một trong số những phán quyết đầu tiên đề cập đến học thuyết lâu đài và quyền được sử dụng vũ lực gây chết người là State v. Castle vào năm 1903. Tòa án Bắc Carolina cho rằng một quản đốc đã bắn chết hai đồng nghiệp nhưng không có nghĩa vụ phải rút lui vì anh ta đang ở trong căn nhà nơi anh ta có quyền tự vệ. Tòa án cũng tuyên rằng khi một người phải đưa ra quyết định sử dụng bạo lực, bồi thẩm đoàn phải xác định được tính chất thực sự của xung đột, nhằm xem xét liệu có khả năng cuộc tấn công đã được lên kế hoạch nhằm tước đi tính mạng hoặc khiến người đó bị trọng thương hay không. Nếu câu trả lời là có, thì việc giết kẻ tấn công có thể không bị xem là phạm tội. Dù vậy, lưu ý rằng phạm vi được xem là “lâu đài” của một người theo học thuyết này có sự giới hạn về không gian là khu vực nhà ở hoặc nơi người này có tài sản, cũng như chỉ áp dụng khi có bằng chứng cho thấy có nguồn nguy hiểm cao độ.

Quang cảnh hỗn loạn ở trường tiểu học Sandy Hook vào năm 2012 sau một vụ xả súng làm tử vong 26 người.

Theo thời gian, học thuyết lâu đài được mở rộng với phiên bản mới là học thuyết không nhượng bộ (“Stand Your Ground”), cho phép mỗi người được quyền sử dụng vũ khí để tự vệ ở bất kỳ không gian công cộng hay riêng tư nào, mà không có trách nhiệm phải tìm cách rút lui trước khỏi nguồn đe dọa. Vào năm 2005, Florida đã thông qua một đạo luật dựa trên học thuyết không nhượng bộ khi ban hành quy định thành văn, theo đó một người “không có nghĩa vụ phải rút lui và có quyền tự vệ, có quyền sử dụng vũ lực để đối đầu bao gồm cả vũ khí gây chết người, nếu người đó tin tưởng dựa trên cơ sở hợp lý rằng cần phải làm như vậy để ngăn chặn cái chết hoặc tổn hại thể chất lớn cho chính mình hoặc người khác…”.

Ngoài những tranh cãi về mặt pháp lý đơn thuần, những bất ổn xã hội diễn ra sau đó làm dấy lên phong trào phản đối xu hướng tiếp nhận học thuyết không nhượng bộ vào trong pháp luật của bang, từ đó gây chia rẽ sâu sắc giữa những nhóm người không cùng quan điểm. Vào năm 2012, một người da trắng đang đi kiểm tra an ninh ở Florida đã bắn chết một thanh niên da màu 17 tuổi tên Trayvon Martin dù trong tay cậu bé không có một tấc sắc. Ngay sau khi thủ phạm được tha bổng do hiệu lực của điều khoản không nhượng bộ, Tổng thống Barack Obama lên tiếng rằng đã đến lúc các bang phải đánh giá lại hướng tiếp cận này: “Tôi chỉ yêu cầu mọi người suy nghĩ rằng: nếu Trayvon Martin  đủ 18 tuổi và có vũ trang, liệu anh ta có quyền không nhượng bộ khi đang đi trên vỉa hè đó không? Và chúng ta có thực sự nghĩ rằng anh ta sẽ được miễn trách nhiệm khi bắn ông Zimmerman, người đã theo dõi anh ta trong một chiếc xe hơi, bởi vì anh ta cảm thấy bị đe dọa? Và nếu câu trả lời vẫn còn mơ hồ, theo tôi, chúng ta nên cân nhắc đến việc xem xét lại các quy định này.” Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Eric Holder thậm chí còn chỉ trích mạnh mẽ hơn khi cho rằng: “Những điều luật này cố gắng sửa chữa một thứ chưa bao giờ là một vấn đề gây khúc mắc”, và “đã đến lúc đặt câu hỏi về các điều luật mở rộng một cách vô nghĩa khái niệm tự vệ và gieo rắc mầm mống xung đột nguy hiểm”, “các quy định như vậy làm tổn hại an ninh công cộng, góp phần gây ra nhiều vấn nạn bạo lực hơn là ngăn chặn chúng”.

Một trong những nguyên nhân khiến các đề xuất kiểm soát súng của đa số bị chặn lại là bởi một quy tắc của Thượng viện – filibuster.

Tuy nhiên, một số học giả ủng hộ thuyết không nhượng bộ cho rằng các điều khoản này có khả năng tự cân bằng. Các công tố viên không tự dưng đứng về phía người sử dụng vũ lực mà họ phải xem xét tính cần thiết và hợp lí trong hành vi của người đó và chứng minh sử dụng vũ khí là biện pháp cuối cùng để người đó tự vệ. Từ phân tích của công tố viên, các thẩm phán, bồi thẩm đoàn và luật sư sẽ tự xác định khi nào nên áp dụng điều khoản không nhượng bộ và áp dụng như thế nào là hợp lí. Các học giả này phê phán những cuộc thảo luận phản đối thuyết không nhượng bộ và cho rằng điều đó chỉ cố biến một vấn đề pháp lí đơn thuần trở thành chủ đề mang tính phe phái và chia rẽ.

Sức mạnh của nhóm lợi ích và những cuộc “thảo luận đến chết”

Xu hướng lưỡng đảng đối đầu ở Hoa Kỳ ngày càng gia tăng trong vài thập kỷ qua đã khiến các nhà lập pháp khó thỏa hiệp với nhau để ban hành các đạo luật quan trọng, trong đó có kiểm soát súng. Một trong những nguyên nhân khiến các đề xuất kiểm soát súng của đa số bị chặn lại là bởi một quy tắc của Thượng viện – filibuster.

Thông thường, một đạo luật sẽ được thông qua nếu có 51 phiếu/100 phiếu ủng hộ trong Thượng viện. Tuy nhiên, để đến được vòng bỏ phiếu này, các đạo luật sẽ trải qua một vòng thảo luận. Vòng thảo luận này sẽ kéo dài bất tận nếu như không có 60 phiếu/100 phiếu nhất trí kết thúc nó. Nói cách khác, nếu một ai đó muốn đạo luật không được thông qua, họ chỉ cần lôi kéo đủ 41 người trong Thượng viện quyết không đồng ý tiến đến vòng bỏ phiếu.

Nhà hoạt động Medea Benjamin biểu tình phản đối giữa bài phát biểu của phó chủ tịch NRA (National Rifle Association). Biểu ngữ của cô ghi là: NRA: Bàn tay các anh vấy máu!

Quy tắc này trao cơ hội phủ quyết đối với một chính sách quốc gia cho phe thiểu số, nhằm mục đích tạo vị thế cân bằng, kiểm soát quyền lực giữa đảng đang nắm quyền điều hành Thượng viện với đảng đối lập còn lại, phòng tránh các hành vi lũng đoạn đơn phương mà vẫn không ngăn chặn phe đa số điều hành Thượng viện. Tuy nhiên, nó cũng được xem là một quy tắc “câu giờ” hoặc cho phép “thảo luận đến chết” nhằm làm nản lòng đối thủ, tránh thông qua một vấn đề phức tạp.

Chẳng hạn như vào năm 2016, bang Missouri đưa ra dự luật dựa trên học thuyết không nhượng bộ, cho phép vũ khí gây chết người ở nơi công cộng dù không đang đối mặt với một mối đe dọa nguy hiểm tức thì. Thượng nghị sĩ Jason Holsman đã khởi xướng quá trình filibuster chống lại đề xuất thông qua dự luật này. Tuy nhiên, cuối cùng đã có 60 phiếu chấm dứt thảo luận và dự luật tiếp tục được đưa đến vòng bỏ phiếu. Sau đó, Nghị viện bang Missouri đã thông qua dự luật này với kết quả 114 phiếu thuận và 36 phiếu chống. Các nghiên cứu thực hiện sau này cho rằng, đạo luật không nhượng bộ này đã làm tăng 8% vụ giết người bằng súng so với trước đó ở bang Missouri.

Một ví dụ khác cho thấy người ta còn dùng filibuster để phủ quyết các đạo luật kiểm soát súng, kể cả khi các đạo luật đó được ủng hộ bởi đa số người dân. Cụ thể, pháp luật liên bang quy định cơ chế kiểm tra lý lịch tư pháp trong tất cả các giao dịch súng do người bán được cấp phép thực hiện. Tuy nhiên, cơ chế này lại không áp dụng đối với người bán súng cho tiêu thụ cá nhân, bán trực tuyến hay tại triển lãm súng và những giao dịch không được kiểm soát này sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội cao. Nhiều thượng nghị sĩ đã đề xuất mở rộng kiểm tra lý lịch tư pháp của đối tượng bán súng, bao gồm cả các đối tượng không dựa vào việc bán súng làm nguồn thu nhập chính.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy đã nỗ lực vận động các quy định kiểm soát súng nhưng đều thất bại vì nguyên tắc filibuster trong Thượng viện.

Đại đa số người dân đều ủng hộ đề xuất này. Theo một cuộc khảo sát thăm dò chính sách vào năm 2012, 83% chủ sở hữu súng ủng hộ việc mở rộng kiểm tra lý lịch về doanh số bán tất cả các loại súng như một giải pháp để hạn chế bạo lực súng đạn ở Hoa Kỳ. 79% chủ sở hữu súng trên toàn quốc muốn các chính trị gia của họ hành động về vấn đề này và yêu cầu thêm nhiều người bán súng tiến hành kiểm tra lý lịch trước khi bán. Tuy nhiên, các đề xuất mở rộng kiểm tra lý lịch đều không đến được vòng bỏ phiếu vì nguyên tắc filibuster.

Sau vụ xả súng ở trường tiểu học Sandy Hook ở Connecticut, Thượng viện vào năm 2013 đã bỏ phiếu về một biện pháp được Tổng thống Barack Obama ủng hộ để áp đặt kiểm tra lý lịch đối với tất cả các giao dịch mua bán súng. Kết quả bỏ phiếu cho thấy có 54 thượng nghị sĩ ủng hộ dự luật, đại diện cho ý chí của 194 triệu người Mỹ. Nhưng vì quy tắc filibuster của Thượng viện yêu cầu sự ủng hộ của 60 thượng nghị sĩ để chuyển sang vòng bỏ phiếu, đề xuất này đã không thể thực hiện được.

Thậm chí, dù có đủ phiếu để kết thúc phiên thảo luận, việc có thành công trong vòng thông qua dự luật tiếp theo hay không lại là một vấn đề hóc búa khác. Vào ngày 15/6/2016, sau vụ xả súng hàng loạt ở Orlando, Florida, Thượng nghị sĩ Chris Murphy là đảng viên Đảng Dân chủ của bang Connecticut, đã phát động một vấn đề thảo luận tại Thượng viện Hoa Kỳ, hứa hẹn sẽ “giữ sàn” càng lâu càng tốt cho đến khi Quốc hội hành động theo hướng ủng hộ luật kiểm soát súng. Phần thảo luận của ông kéo dài đến 14 tiếng và 50 phút, sau khi nhận được cam kết từ lãnh đạo Thượng viện về việc tổ chức bỏ phiếu cho hai đề xuất của Đảng Dân chủ. Hai đề xuất này gồm đề xuất Feinstein cấm những người trong danh sách theo dõi khủng bố sở hữu súng, và đề xuất Murphy-Booker-Schumer về việc mở rộng kiểm tra lý lịch tư pháp cho các buổi triển lãm súng và bán hàng trên Internet. Dù là phiên filibuster dài thứ 10 trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ năm 1900, nhưng vẫn không mang đến kết quả khả quan khi cả hai đề xuất đều không được thông qua trong vòng sau vì chỉ nhận được lần lượt 47 và 44 phiếu thuận.

Ngoài nguyên nhân là các quy định và nguyên tắc trong bầu cử hay bỏ phiếu chính trị, không thể không nhắc tới Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) là một trong những nhóm lợi ích mạnh mẽ nhất trong nền chính trị Hoa Kỳ. Dù số lượng thành viên của hiệp hội này chỉ bao gồm 5 triệu người trong tổng số 105 triệu người sở hữu súng ở nước này nhưng vẫn vượt trội nếu so với số lượng thành viên của các tổ chức ủng hộ kiểm soát súng. Bên cạnh đó, NRA sẵn sàng chi hàng triệu USD cho các khoản đóng góp trong chiến dịch tranh cử, vì vậy có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đối các chính trị gia. NRA thậm chí chi nhiều tiền hơn để vận động hành lang so với các đối thủ của mình theo quan điểm trái chiều về kiểm soát súng, tiêu biểu như như Trung tâm Brady về Ngăn chặn Bạo lực Súng đạn. Liên quan đến vấn đề kiểm tra lý lịch, trong suốt những thập niên 90, NRA liên tục có động thái ngăn chặn và sửa đổi dự luật theo ý muốn của mình.

Năm 1991, NRA đã có một động thái “tưởng chừng” như thỏa hiệp. Tổ chức này đồng ý kiểm tra lí lịch của tất cả những người muốn sở hữu súng. Vấn đề là, họ đòi hỏi quy trình này phải được thực thi thông qua một hệ thống quốc gia có thể kiểm tra lý lịch tức thì chứ không phải là một quy trình kéo dài bảy ngày theo dự luật Phòng chống Bạo lực Súng ngắn Brandy (dự luật Brandy). Tuy nhiên, lúc bấy giờ chưa có công nghệ nào có thể đáp ứng cho yêu cầu kiểm tra lý lịch tức thì như NRA muốn.

Cuối cùng, để “dung hòa” quan điểm giữa NRA và dự luật Brandy, luật mới Brandy được hình thành, tuyên bố rằng, cho đến một ngày hệ thống kiểm tra lý lịch tức thì ra đời, thì việc kiểm tra lý lịch sẽ là năm ngày thay vì bảy ngày, đồng thời không áp dụng kiểm tra lý lịch với mọi người bán súng mà chỉ giới hạn cho các đại lý súng được cấp phép liên bang mà thôi – đúng như ý mà NRA mong muốn.

Vào năm 1998, khi FBI vừa ra mắt hệ thống kiểm tra lý lịch tức thì, NRA dĩ nhiên khó chấp nhận thực tế. Tổ chức này đã gây khó dễ cho FBI bằng việc khởi kiện cơ quan này do lưu trữ thông tin nhận dạng người mua súng trong tận 90 ngày. NRA cho rằng các thông tin về giao dịch thực tế với thời gian lưu trữ ngắn hơn là đã đủ để cấp phép mua súng. Mặc dù NRA thua kiện, Quốc hội Hoa Kỳ sau đó yêu cầu FBI xóa hồ sơ về thông tin nhận dạng người mua súng trong vòng 24 giờ kể từ khi giao dịch bán súng được phê duyệt.

Năm 1999, sau vụ thảm sát tại trường trung học Columbine, Quốc hội xem xét mở rộng phạm vi áp dụng thủ tục kiểm tra lý lịch. NRA ủng hộ vấn đề này nhưng cố tình đưa ra những quy định pháp luật để thủ tục được thực hiện trong một phạm vi hẹp hơn, đến mức bản dự luật sau đó do Hạ viện trình ra đã bị Tổng thống Clinton chỉ trích là “như được NRA soạn thảo ẩn danh”. Vào năm 2015, trong một cuộc khảo sát chính sách công cho thấy có tới 72% thành viên NRA thể hiện quan điểm ủng hộ quy định về kiểm tra lý lịch tư pháp đối với tất cả giao dịch về súng. Tuy nhiên, đó chỉ là “bề ngoài”, ở “bên trong”,  họ vẫn tác động để các quy định trở nên mang tính thỏa hiệp, thậm chí đảm bảo hiệu quả lợi ích của họ hơn.

Từ đó, các học giả đã lên tiếng rằng những cuộc đối đầu mang nặng màu sắc chính trị khiến công chúng Mỹ không chỉ quên đi thực tế rằng mình đang cần một tiêu chuẩn pháp lí tốt hơn, mà còn hạ thấp giá trị của pháp luật, cho rằng pháp luật chỉ là công cụ của tầng lớp xã hội hay đảng phái chiếm ưu thế. Các thực tiễn nêu trên cũng giải thích được lý do vì sao những quy định về kiểm soát súng của Hoa Kỳ tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế lại có rất nhiều thử thách trong quá trình vận động chính sách và lập pháp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là pháp luật hoàn toàn có thể bị thao túng vì các lợi ích và mối quan tâm chính trị, mà vẫn luôn có sức sống để tiến hóa phù hợp hơn với bối cảnh xã hội từng thời kỳ, tiêu biểu là sự ra đời của đạo luật kiểm soát súng đạn và hỗ trợ sức khỏe tinh thần đầu tiên của liên bang vào ngày 25/6 vừa qua (Bipartisan Safer Communities Act of 2022). □ (Còn tiếp)

Tác giả

(Visited 93 times, 1 visits today)