San sẻ phúc lợi từ đất đai
Lý thuyết màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi, đấy là lời của Goethe, đại thi hào người Đức. Đất đai thuộc sở hữu của ai, gọi quyền ấy là gì, chuyện cao siêu ấy thuộc về thế giới của những người ưa lý luận. Với dân tộc, vẹn toàn lãnh thổ là niềm đau đáu khôn nguôi, thì cũng thế với hàng triệu nông dân, ruộng vườn là tài sản thân thương tựa máu thịt của họ.
Từ hai mươi năm nay Hiến pháp nước ta luôn tuyên bố nhà nước thực hiện nguyên tắc giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Điều ấy đã đúng với đất ở, đất khu công nghiệp, song còn rất chênh vênh đối với ruộng đất của từng hộ nông dân. Đất nông nghiệp dễ bị nhà nước thu hồi với giá do nhà nước ấn định. Bất công bằng xã hội cũng từ đó mà lan nhanh.
Điều khẩn thiết cần làm là phải chặn đứng việc thu hồi đất trồng lúa với giá rẻ rồi trao món hời này cho các ông chủ doanh nghiệp. |
Vì lẽ ấy, Luật đất đai 2003 cần được sửa để nếu vẫn cố giữ thuộc sở hữu toàn dân thì phúc lợi từ đất đai cần được san sẻ công bằng cho toàn thể nhân dân. Những khu công nghiệp, sân golf, đô thị mới, nếu phần lớn lợi tức chỉ dành cho một nhóm nhỏ những người giàu và trải đều sự bần cùng cho nông dân mất đất, nhân danh công nghiệp hóa-hiện đại hóa một nhóm người đã khai thác tài nguyên quốc gia vì những lợi tư.
Có lẽ đó cũng là điều mà Karl Marx vĩ nhân đã tiên đoán khi ông cho rằng sở hữu tư nhân, nhất là về đất đai, là nguồn gốc của mọi bất công. Ông mong ước về một chế độ “sở hữu xã hội –gesellschaftliches Eigentum” về tư liệu sản xuất. Những người theo Lenin sau này phát triển luận điểm ấy thành sở hữu toàn dân. Phần còn lại của thế giới này cũng lo hạn chế bất công. Nhà nước nào cũng phải có chức năng ngăn cản, kìm chế những thèm khát tư túi tài nguyên công cộng. Vì vậy, ở hầu hết các quốc gia ngày nay, dù đất đai có thể thuộc sở hữu tư nhân, song quyền của người chủ đất luôn bị giới hạn bởi những chính sách phân bổ phúc lợi của nhà nước.
Điều khẩn thiết cần làm là phải chặn đứng việc thu hồi đất trồng lúa với giá rẻ rồi trao món hời này cho các ông chủ doanh nghiệp. Nếu cần đất vì mục đích an ninh-quốc phòng, nhà nước phải trưng mua quyền sử dụng đất của nông dân với giá thị trường. Tuyên bố ấy cũng đã được ghi nhận rõ ràng trong Điều 22 Hiến pháp Việt Nam từ hai mươi năm nay.
Tôn trọng Hiến pháp, sửa Luật đất đai, đảm bảo quyền tham gia của người dân trong toàn bộ quá trình từ quy hoạch tới sử dụng đất đai như một nguồn tài nguyên khan hiếm của quốc gia, đó chính là những điều cần phải làm để lý thuyết cũng như cây đời mãi mãi tươi xanh.